BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI

Ngày thứ 10 đã qua, khoảng 7 giờ 30 hay 8 giờ sáng mai, chúng ta sẽ đến hồi mãn khóa Dhamma 10 ngày này. Bởi vậy, tối hôm nay, chúng ta hãy ôn lại những gì ta đã thực tập trong 10 ngày qua. Nếu bất kỳ khía cạnh nào của phương pháp còn chưa rõ ràng, khía cạnh ấy sẽ được làm sáng tỏ, nếu đã rõ ràng rồi, nó sẽ trở nên rõ ràng hơn. Cho nên chúng ta hãy ôn lại những gì ta đã thực tập. Dĩ nhiên là phương pháp Thiền rất sâu, trong 10 ngày này ta đã bước vài bước trên con đường giải thoát và con đường này là con đường rất dài. Chúng ta sẽ không bàn đến những khía cạnh sâu xa hơn của phương pháp Thiền. Bởi vì theo truyền thống lý thuyết và thực hành nên đi song song với nhau. Càng thực hành nhiều bao nhiêu, ta càng hiểu lý thuyết nhiều bấy nhiêu.

Càng hiểu lý thuyết bao nhiêu, ta càng thực hành nhiều bấy nhiêu. Bởi vậy chúng ta hãy ôn lại những gì đã tu tập, đã thực hành trong 10 ngày qua. Đến với khóa Thiền, điều đầu tiên ta đã làm là hướng về nương tựa Tam Bảo. Tam Bảo có nghĩa là châu báu hay ngọc quý trong Buddha – Phật, châu báu trong Dhamma – Pháp, châu báu trong Saṅgha – Tăng. Và châu báu có nghĩa là các phẩm hạnh rất giá trị. Ta nương tựa vào phẩm hạnh của Đức Phật chứ không phải vào con người Đức Phật.

Ta nương tựa vào phẩm hạnh của Phật, phẩm hạnh của Pháp, phẩm hạnh của Tăng. Bất hạnh thay, truyền thống nương tựa Tam Bảo này đã trở thành sự cải tạo của con người từ tổ chức tôn giáo này sang tổ chức tôn giáo khác. Đức Phật không quan tâm đến điều này. Bất cứ ai trở nên thật sự giải thoát, thực sự giác ngộ, không muốn dính líu đến sự cải tạo này. Người ta sẽ được những gì qua việc cải tạo con người từ tôn giáo này sang tôn giáo khác.

Nếu toàn thể quốc gia hay toàn thể thế giới bắt đầu tự cho mình là Phật tử nhưng họ không thực hành Sīla, Samādhi hay Paññā. Họ sẽ được gì thêm qua cái tên gọi này. Nếu người ta không tự gọi mình là Phật tử mà họ thực hành Sīla, Samādhi hay Paññā, cuộc sống của họ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Mỗi người sẽ sống cuộc sống hạnh phúc hơn, hòa hợp hơn, lợi lạc hơn cho mình và cho người khác. Cuộc sống sẽ đáng sống, Dhamma là để sống một cuộc sống thích đáng, Dhamma không có liên quan gì đến các tổ chức tôn giáo cả.

Dhamma thật sự là gì?

Phẩm hạnh của Đức Phật, phẩm hạnh của Pháp, phẩm hạnh của Tăng. Trong Tam Bảo này, Dhamma là quan trọng bậc nhất. Ngài luôn nói: “Ta phải hướng về nương tựa Dhamma, ta phải tạo dựng Dhamma thành ốc đảo để làm nơi nương tựa”. Dhamma gì? Không phải Dhamma trong Kinh điển. Không, không phải Dhamma ta nghe từ Vị Thầy, từ Vị Phật hay Bậc Giác Ngộ nào, không phải Dhamma đó. Dhamma mà ta tự thực hành, đây mới chính là Dhamma cho mình. Và Dhamma này cho ta tất cả sự bảo vệ, tất cả nơi nương tựa. Cho nên, Ngài tiếp tục nói rằng: “Hãy tự nương tựa vào chính mình, tự tạo ốc đảo cho riêng mình”. Hãy phát triển Dhamma này trong chính mình, rồi Dhamma phát triển trong bản thân mình sẽ trở thành nơi nương tựa thực sự, ngoài ra, không còn chỗ nương tựa nào khác.

Đức Phật không quan tâm đến chuyện thành lập tôn giáo, nhưng bất hạnh thay, dưới danh nghĩa Ngài, không phải chỉ có một mà nhiều tông phái được thành lập. Và sự tinh khiết của Dhamma bị đánh mất. Dhamma chỉ tinh khiết khi nó là chung cho tất cả. Giây phút mà nó trở thành tông phái, nó mất hết sự tinh túy. Một người giác ngộ không quan tâm đến vấn đề giáo phái, luật tự nhiên là chung cho tất cả.

Đây là điều mà Đức Phật đã khám phá ra và giảng dạy cho đại chúng, và là điều Ngài khuyên chúng sanh nên áp dụng trong cuộc sống hằng ngày. Đây là Dhamma chứ không phải là nghi lễ, nghi thức hay niềm tin của tôn giáo này hay tôn giáo kia, chẳng ích lợi gì cả. Đây là định luật phổ quát, luật tự nhiên áp dụng chung cho mỗi người và cho mọi người. Người ta có thể tự cho mình là Phật tử, là tín đồ Thiên Chúa giáo, Ấn giáo, Hồi giáo hay Do Thái giáo, chẳng có gì khác biệt cả, luật tự nhiên là luật tự nhiên. Khi vi phạm luật tự nhiên này, ta bị trừng phạt ngay tức khắc. Nếu sống thuận theo luật tự nhiên này, ta được tưởng thưởng ngay tức khắc. Ta sẽ sống cuộc sống rất hạnh phúc và điều này áp dụng chung cho mọi người. Đây là điều một Vị Phật đã khám phá ra. Có Phật hay không có Phật thì luật ấy luôn luôn có ở đấy, ngay trước khi có Đức Phật luật này đã có rồi.

Nếu có ai vi phạm luật này bằng cách phát sinh ra giận dữ, oán ghét, ác ý, thù hận, đam mê, sợ hãi, ngã mạn thì tâm bị ô nhiễm. Thiên nhiên bắt đầu trừng phạt ngay lập tức, điều này đúng ngay cả trước khi Đức Phật xuất hiện. Luật này đã có sẵn đó, vào thời Đức Phật, sau thời Đức Phật và sẽ tiếp tục còn mãi về sau. Đây là lý do tại sao Ngài nói: “Luật tự nhiên là trường cừu”. Định luật này luôn có đấy, có Phật hay không có Phật. Thiên Nhiên bắt đầu tưởng thưởng bất cứ ai thoát khỏi những tật xấu này. Người ta bắt đầu sống cuộc sống giải thoát, hạnh phúc, hòa hợp, lợi ích cho mình và cho người. Điều này đã có trước khi Đức Phật xuất hiện, ngay vào thời Đức Phật và sau thời Đức Phật.

Một Vị Phật khám phá ra luật này, áp dụng vào cuộc sống của chính Ngài và trở nên giải thoát. Rồi do lòng từ bi, Ngài bắt đầu chia sẻ và truyền bá cho người khác. Luật này phải giữ được tính phổ quát, nếu không sẽ mất đi hiệu lực. Một Vị Phật không màng đến chuyện thành lập tông phái. Chúng tôi được biết nhiều lần Ngài nói chuyện với đại chúng rằng: “Ta không quan tâm đến việc biến Quý vị thành đệ tử. Ta không quan tâm đến chuyện chia cắt Quý vị và các Đạo sư cũ của mình. Ta không quan tâm đến việc ấy. Quý vị có những mục đích nhất định nào đó trong đời mình. Người trở thành một ẩn sĩ, một Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Nibbāna, ngay cả đến một Cư sĩ, ai ai cũng có mục đích nào đó trong đời là được giải thoát khỏi những bất tịnh trong tâm. Ta đến đây để giúp Quý vị làm điều đó. Ta có một phương pháp dạy cho Quý vị. Nhờ sự thực hành phương pháp này, Quý vị có thể thoát ra khỏi những hệ lụy, những ràng buộc của những bất tịnh này. Tất cả chỉ có thể, ta chỉ quan tâm đến chuyện đó”.

Ngài không màng đến chuyện thành lập tông phái. Vào lúc sắp qua đời, Ngài nói: “Ta không phụ thuộc vào toàn thể Tăng già, ta không phụ thuộc vào những người này, vào tổ chức các Tỳ Kheo. Những con người thánh thiện, ta không phụ thuộc vào những người ấy, và những người ấy không phụ thuộc vào ta. Mỗi người phụ thuộc vào chính mình, phụ thuộc vào Dhamma, không liên quan vào đến tông phái. Dhamma là chung cho tất cả”. Đây là điều chúng ta đã thực hành ở đây. Một Vị Phật chỉ là một Vị Phật, khi Ngài hoàn toàn vững vàng trong Dhamma. Nếu không có Dhamma, một người nào đó có thể tự nhận mình là một Vị Phật: “Tôi là một Vị Phật, nhưng người ấy không phải là Phật, người ấy không có liên hệ gì đến một Vị Phật cả”.

Một Saṅgha (Vị Tăng), một người thánh thiện là một người thánh thiện, nếu Vị ấy đã vững vàng trong Dhamma. Nếu không, người ấy không phải là Saṅgha. Ta cần phải nhớ kỹ điều này, khi hướng về nương tựa Tam Bảo, chúng ta thực sự nương tựa vào Dhamma và cố gắng phát triển Dhamma trong chính mình. Hiểu rõ ràng rằng: “Dhamma mà tôi phát triển trong bản thân, chỉ có Dhamma này mới có thể giúp tôi, cho tôi sự yên ổn hoàn toàn, cho tôi nơi nương tựa hoàn toàn và cho tôi sự bảo vệ trọn vẹn, không có gì khác có thể giúp tôi được”.

Với sự hiểu biết này, người ta nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng, sự cao quý trong Tam Bảo này. Nhưng đồng thời, ở đây, một điểm cần được làm sáng tỏ là với bất cứ ai đang bước chân trên con đường Dhamma, điều này có nghĩa là sự thanh lọc tâm cần có những thước đo nào đó để đo lường xem người này có thực sự tiến bộ trên con đường Dhamma hay không. Một thước đo là có hai phẩm chất phát triển, hai phẩm chất này rất thiết yếu. Nếu hai phẩm chất này không phát triển thì người ta chỉ chơi trò chơi trí thức, trò chơi tình cảm hay sùng tín. Những trò chơi này không có liên quan gì đến Dhamma. Người ta không thực hành Dhamma gì cả.

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *