NGHỆ THUẬT CHẾT – DÒNG NƯỚC MẮT VÀ CÁI CHẾT CỦA NGƯỜI CON

Dòng nước mắt

“Này các tỳ-kheo, khởi điểm của sự sống này là từ vô thủy. Chúng ta không thể biết được thời điểm bắt đầu của dòng luân hồi này, của sự sống này, khi chúng sinh chìm đắm trong vô minh, trói chặt với tham ái.

Và như vậy, các ông nghĩ sao? Những dòng nước mắt mà các ông đã than khóc giữa cuộc luân hồi bất tận này khi phải sống chung với người mình không ưa thích, phải ly biệt với người mình yêu thương… có nhiều hơn chăng khi đem so với nước trong bốn biển lớn?”

“Bạch Thế Tôn! Như chúng con đã được Thế Tôn dạy bảo, dòng nước mắt mà chúng con đã than khóc giữa cuộc luân hồi bất tận này khi phải sống chung với người mình không ưa thích, phải ly biệt với người mình yêu thương… là nhiều hơn nước trong bốn biển lớn.”

“Nói đúng lắm, đúng lắm, hỡi các tỳ-kheo! Các ông đã hiểu đúng giáo pháp do ta giảng dạy. Quả thật là nước mắt nhiều hơn…

“Này các tỳ-kheo, trong rất nhiều ngày tháng dài đã qua, các ông từng trải qua những lần mẹ chết, con trai chết, con gái chết…, các ông từng trải qua sự mất mát bà con quyến thuộc, tiêu tán tài sản, bệnh tật khổ sở… Dòng nước mắt của các ông khi than khóc trong từng trường hợp cũng như trong tất cả những trường hợp kể trên, khi các ông trải qua các kiếp sống, khi luân hồi qua thời gian đằng đẵng, phải sống chung với người mình không ưa thích, phải ly biệt với người mình yêu thương… nước mắt ấy nhiều hơn nước trong bốn biển lớn.

“Vì sao vậy? Vì khởi điểm của sự sống này là từ vô thủy, hỡi các tỳ kheo. Chúng ta không thể biết được thời điểm bắt đầu của dòng luân hồi này, của sự sống này, khi chúng sinh chìm đắm trong vô minh, trói chặt với tham ái.

“Này các tỳ-kheo, như vậy là quá đủ để các ông thấy nhàm chán mọi thứ trong thế giới này, quá đủ để buông xả mọi sự tham muốn, quá đủ để vượt thoát tất cả.”

Kinh Nước mắt – Tương Ưng Bộ Kinh, 2. 126

1 Ghi chú của người Việt dịch: Bản dịch này được dịch từ bản Anh ngữ nhưng có tham khảo bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu trong Tương Ưng Bộ Kinh (Chương 4: Tương ưng vô thủy, Phẩm thứ nhất, Phần 3: Nước Mắt), dịch từ nguyên bản Pāli, và bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ trong Tạp A Hàm Kinh, Quyển 33, Kinh 938: Lệ kinh), dịch từ bản Hán văn tương đương trong Đại Chánh Tạng, Tập 2, kinh số 99.

Cái chết của con cái

Khi cái chết cướp đi một đứa con của chúng ta, bất kể đứa con ấy bao nhiêu tuổi, điều đó luôn là một nỗi đau không sao nói hết. Nỗi đau này quá lớn đến nỗi trong

nhiều trường hợp, các bậc cha mẹ không thể tiếp tục là nguồn sức mạnh nâng đỡ cho nhau và cuộc sống hôn nhân suy sụp hoàn toàn.

Đau khổ là một tâm hành khắc sâu và khó chịu, nhưng hành thiền có thể giúp ta đối phó với sức mạnh của nó. Thông qua thực hành thiền hằng ngày, sự hiểu biết về vô thường cũng như sự phát triển mức độ bình tâm của ta đối trước sự vô thường sẽ trở thành nơi an trú, một nơi an trú giúp ta lấy lại sự quân bình và sức mạnh để tiếp tục sống. Sự thực hành của chúng ta có năng lực chữa lành những cảm xúc và làm quân bình tâm trí. Trên con đường bình tâm chấp nhận [vô thường] có sự giải thoát rốt ráo khỏi khổ đau.

 

Attanā hi kataṃ pāpaṃ,

attanā saṃkilissati;

Attanā akataṃ pāpaṃ,

attanāva visujjhati.

Suddhī asuddhi paccattaṃ,

nāñño aññaṃ visodhaye.

—Kinh Pháp Cú, Phẩm 12, kệ số 165

Tự mình làm điều ác

Tự mình làm nhiễm ô,

Tự mình không làm ác, 

Tự mình làm thanh tịnh. 

Tịnh, không tịnh tự mình, 

Không ai thanh tịnh ai!

Bản Việt dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu

 

SÁCH NGHỆ THUẬT CHẾT BẢN PDF

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *