Một cái chết hoan hỷ

Rodney Bernier sinh năm 1944 tại miền Đông Canada. Mối quan hệ giữa cha mẹ ông đã gãy đổ khi ông còn là một đứa trẻ, và cuối cùng ông được đưa vào nuôi trong một cô nhi viện ở Anh, đói khát và thường xuyên bị bắt nạt.

Thất học và không có kỹ năng gì, ông rời khỏi cô nhi viện khi chỉ là một thiếu niên và tìm việc làm lao động tay chân. Ông đã chiến đấu chống lại cơn nghiện và cuối cùng vượt qua được. Với những năm đầu đời gian khó, Rodney vẫn giữ được tính cách vui vẻ, đùa nghịch, khả năng khôi hài tinh tế, và lòng nhân hậu bẩm sinh, quả là đặc biệt khác thường.

Ông đến Ấn Độ năm 1973 và ghi danh học khóa thiền Vipassana 10 ngày với thầy Goenkaji ở Bombay. Khóa học đầu tiên đó gây ấn tượng mạnh và ông lập tức ghi danh học thêm hai khóa nữa. Vào cuối khóa tu thứ hai, chỉ vào độ tuổi 29, ông đã tự nguyện sẽ thực hành Vipassana trong suốt quãng đời còn lại của mình. Thiền tập và Phật pháp trở thành nền tảng của đời ông. Một khía cạnh của sự tu tập đặc biệt được ông kết hợp sâu sắc là tâm từ (mettā).

Sau cùng, Rodney định cư ở British Columbia, Canada, nơi ông trở thành một người trồng cây thần kỳ, đã trồng hơn một triệu cây trong 25 năm. Vào tuổi trung niên, ông quyết định quay lại trường để học đọc và học viết. Trong suốt thời gian này, ông tham dự và phục vụ nhiều khóa thiền Vipassana, bao gồm cả những khóa tu 30 và 45 ngày. Ông giúp đỡ cộng đồng tu thiền địa phương ở Vancouver bằng cách tổ chức nhóm thiền hằng tuần tại nhà ông, và cuối cùng trở thành nhóm thiền hằng ngày lúc 5 giờ chiều, kéo dài gần ba thập kỷ.

Vào tháng Năm năm 2009, Rodney được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan di căn. Ông vẫn ở nhà, nhưng đến khoảng tháng Bảy thì những khối u lan đến tủy sống và ông không thể đi lại nữa. Ông được đưa vào nằm viện năm tuần lễ cuối đời.

Rodney nhận biết được lúc mình sắp chết. Từ giường bệnh, nhìn lên bức hình Goenkaji, ông chắp hai tay cung kính tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với vị ân sư của mình. Một người bạn ngồi cạnh hỏi ông có muốn giúp chắp tay lâu hơn chăng. Rodney ra dấu không; đó là lúc phải nhiếp tâm, sẵn sàng đón cái chết.

Lúc 5 giờ chiều, ông và các bạn thiền sinh có buổi thiền chiều như thường lệ. Dù ông tỉnh táo suốt buổi thiền, nhưng khi vừa kết thúc thì ông rơi vào trạng thái hôn mê. Trong nhiều giờ tiếp theo, một số người bạn cùng ngồi thiền với ông trong khi một băng ghi âm bài kinh tụng của Goenkaji được mở thật nhỏ. Rodney qua đời vào buổi sáng sớm ngày 13 tháng 8 năm 2009. Một cảm giác sâu lắng của sự thanh thản và tĩnh lặng bao trùm tất cả những ai đang hiện diện.

Trong suốt những tuần cuối đời của ông, một số thiền sinh tự hỏi liệu thái độ tưởng chừng như phi thường của Rodney hướng về cái chết phải chăng chỉ là chiếc mặt nạ can đảm giả tạo, che đậy nỗi khiếp sợ sâu thẳm bên trong? Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục tỏa sáng niềm vui và thái độ chấp nhận cho đến cuối đời.

Một người bạn nhận xét rằng, Rodney có rất ít tài sản vật chất, không gì bảo đảm an toàn tài chánh, là người nghèo nhất trong các bạn – nhưng dường như ông lại là người hạnh phúc nhất. Những ngày cuối đời và cái chết của ông khẳng định phương cách sống của ông: mãn nguyện và biết ơn về hoàn cảnh của mình và những gì đã có.

Những nhận xét hóm hỉnh này, trích ra từ buổi trả lời phỏng vấn với Evie Chauncey, đã cho thấy cái nhìn thực tế của Rodney về cuộc sống và cái chết.

Lúc này, tôi bị ung thư vào giai đoạn cuối đã được hơn một tháng rồi, và đó là một trong những giai đoạn tốt nhất của cuộc đời tôi, những khoảnh khắc tốt nhất của cuộc đời tôi. Bạn biết không, là một thiền sinh, bạn sẽ tự hỏi chết là như thế nào. Bạn tự nhủ, “Tôi không sợ chết.” Tuy nhiên, thật ra nếu có ai đó hỏi, bạn sẽ không thể thực sự biết được cho đến khi nào bạn đối mặt với nó. Nhưng khi họ nói rằng tôi bị ung thư, cũng giống như nói với tôi “Ồ, bạn muốn ăn kem không?” Không có chút phản ứng tiêu cực nào cả – không hề, không chút lo lắng, không chút sợ hãi, không chút buồn phiền. Thực ra, một nụ cười đã nở trên gương mặt tôi. Một khi họ nói bạn đang ở giai đoạn cuối, đó là lúc bạn bắt đầu cuộc hành trình mới.

Khoảng năm tuần trước, lần đầu tiên tôi biết đó không chỉ là một khối u thường, mà là khối u ác tính, đúng không? Trước đó, tôi thật sự không biết nó tồi tệ như thế nào. Tôi đang nằm trong hành lang bệnh viện và suy nghĩ: “Tôi vẫn chưa biết chắc mình có đang ở giai đoạn cuối hay không.” Và tôi tiếp tục nghĩ: “Đã bao nhiêu lần trong những kiếp trước tôi đã nằm chờ chết ở một nơi nào đó?” Điều đó khiến tôi rộng mở một nụ cười. Tôi nhìn chung quanh thấy nhiều người đang nằm trên cáng, và cảm thấy hết sức thương họ. Tôi không muốn họ thấy tôi đang cười vì sợ làm họ bối rối. Tôi chỉ cảm thấy muốn cười lớn: “Ồ, đây là một kiếp sống nữa.”

Tôi ra khỏi bệnh viện và vài ngày sau đó cùng với con gái và người bạn Jerry đến gặp một bác sĩ chuyên khoa đường ruột. Tôi bước vào, chúng tôi bắt tay nhau, nhưng ông ấy dường như hơi lo lắng. Ông bắt đầu bằng một tin báo: “Quá muộn rồi, quá muộn rồi.” “Muộn à?” tôi hỏi lại, “Quá muộn cho việc gì?” Ông ta nói: “Quá muộn rồi. Thậm chí tôi không thể làm hóa trị cho ông được. Bệnh ung thư của ông đã di căn khắp nơi.”

“Không sao đâu,” tôi trả lời, “vậy có lẽ tôi nên mua một đôi giày mới để mang mà đi vào kiếp sau.” Vị bác sĩ đứng nhìn tôi chằm chặp, không hiểu nổi. Tôi lặp lại: “Thực sự không sao đâu mà.” Và tôi chợt nhận ra, ồ lạ, tôi không hề có chút phản ứng nào cả. Thật ra, chỉ có một điều làm tôi đâm lo chính là vị bác sĩ này đang phát hoảng. Ông ta nói: “Anh thật cứng cỏi đấy.” “Tôi? Cứng cỏi à? Tôi cứng cỏi về điều gì vậy?” Sau khi chúng tôi rời phòng khám, Jerry nói rằng anh đang cố hình dung xem tôi như thế nào – Vì sao Rodney không phản ứng? Kiếp sau ư? – bởi vì mọi người thông thường đều phản ứng. Nhưng thật sự tôi đã không sợ hãi, không bối rối, không buồn phiền.

Những tuần cuối cùng, tôi nhận được toàn những ôm hôn. Mọi người đến và nói: “Rodney, bạn thật tuyệt vời.” Bây giờ tôi hiểu từ “tuyệt vời” nghĩa là gì rồi: đó là Rodney. (Ông cười to) Tôi đang rất cẩn thận về điều này, để chắc rằng mình không tự đề cao một bản ngã to lớn, vì bạn thực sự đâu muốn kết thúc hành trình cuối cùng của bạn bằng việc đề cao bản ngã. (1) (Cười to lần nữa) Một bất tịnh khác nữa, đúng không?

Giờ đây tôi hầu như hài lòng với mọi sự. Tôi trở nên bao dung hơn với những người tôi có thể gặp khó khăn. Nếu tôi đang nói chuyện với ai và cảm thấy người ấy đang bối rối, lo lắng hay có chuyện gì đó, tôi liền thay đổi đề tài. Người ấy thậm chí không nhận ra. Bạn biết đó, tôi không có thời gian để giận dữ.

Có quá nhiều từ tâm (mettā) ở mọi người – những ngôn ngữ cử chỉ, ánh mắt nhìn vào mắt tôi, cách họ nói chuyện với tôi, cách họ chạm vào tôi – tất cả những gì họ làm đều cho tôi thấy thật khác với trước đây. Họ cư xử thật nhẹ nhàng, tinh tế hơn xưa nhiều. Người ta gởi thư và gọi điện thoại thăm – tôi có thể cảm nhận được tâm từ (mettā) trong không gian.

Đôi khi tôi ngồi thật yên và có thể cảm thấy toàn thân đang hao mòn, đau đớn trở nên êm ả và tâm tôi cũng trở nên tĩnh lặng hơn. Đôi khi cái đau cũng có thể trở nên dữ dội, nhưng đau vẫn chỉ là đau – tất cả phụ thuộc vào tâm thái của bạn trong lúc đó. Bạn có thể đau một chút, rồi cơn đau đó dường như trở nên rất mãnh liệt, nhất là khi có nhiều tiêu cực chung quanh. Hoặc bạn có thể rất đau đớn, nhưng nhờ những rung động tích cực quá mạnh mẽ nên bạn không thấy đau.

1 Trong Anh ngữ, tác giả sử dụng kiểu chơi chữ khôi hài vì thành ngữ “an ego trip” có nghĩa là một hành vi, lời nói nhằm tự đề cao chính mình, đề cao bản ngã của mình. Và trong câu “you really don’t want your final journey to be an ego trip” thì journey và trip đều có nghĩa là một chuyến đi, một cuộc hành trình.

Dù tôi không cảm thấy bệnh, nhưng lại có cảm giác cơ thể như vỡ vụn ra. Tuy nhiên, tâm thức tôi thì không như thế. Tôi cảm thấy những rung động trong bệnh viện thật sự trở nên mạnh hơn, đặc biệt khi nhiều người đến thăm và ngồi thiền lâu với tôi. Có nhiều khi, như khoảng 11 giờ đêm, tôi chỉ ngồi yên mà toàn bộ sự hiện hữu của tôi trở nên yên tĩnh. Không đau đớn. Không khổ não. Tâm tôi tĩnh lặng. Thân thể tôi yên bình. Mọi thứ hoàn toàn tịch lặng. Ồ! Mọi người đang gởi tâm từ (mettā) đến cho tôi. Tôi trở nên hòa nhịp với sự tịch tĩnh này từ khi tôi bị bệnh. Lòng từ (mettā) đã có hiệu quả!

Lúc tôi còn làm việc trồng cây, hay bất cứ ở nơi đâu, hễ thấy những con chim, thú , chó, hay thậm chí một con ruồi trong nhà vệ sinh rồi tôi xua tay đuổi nó ra, tôi luôn cầu nguyện cho chúng được an lành và sẽ được tái sinh kiếp sau tốt đẹp hơn: “Trông con như thế này thật tội nghiệp. Nguyện cho phần đời còn lại của con được hạnh phúc, và kiếp sau sẽ tốt hơn. Nguyện cho con được bình an và hạnh phúc.”

Con trai tôi hỏi: “Ba à, ba cảm thấy tinh thần như thế nào?” – cháu không hỏi “thể chất ba như thế nào”, mà là “tinh thần ba thế nào”. Điều đó thật tuyệt. Con tôi đã ở đây khi các bạn đạo đến thăm và trò chuyện. Phải mất một thời gian, nhưng bây giờ cháu đã hiểu ra được, chính trạng thái tinh thần mới thực sự là quan trọng nhất.

Con tôi đã trân trọng thời gian chúng tôi còn bên nhau, thay vì u sầu vì một người sắp ra đi. Cháu bảo tôi: “Ba à, ba biết không, có thể trong nhiều năm sau nữa, con sẽ lâm vào một tình trạng nào đó và con sẽ nghĩ rằng: “Bây giờ, nếu là ba thì sẽ làm gì để giải quyết chuyện này nhỉ?” Do đó, với tôi điều đó thật quý. Bây giờ con tôi có thể hiểu được rằng thực hành Vipassana là điều tối quan trọng.

Một lần con tôi dò hỏi: “Ba à, nếu có người nào đó giết con thì ba có giết người ấy không?” Tôi trả lời: “Không, con à, nếu con chết trong tình huống đó thì cũng đành chịu thôi. Ba đã cam kết không hủy diệt sự sống. Ba có thể làm tất cả mọi thứ trong khả năng mình để bảo vệ con, nhưng ba không thể làm việc sai trái như giết người, trộm cắp, hay nói dối, hay bất kỳ việc gì vi phạm giới luật ba đang thực hành theo Giáo pháp, vì điều đó thậm chí còn tệ hại hơn cả việc con bị giết. Giả sử con bị giết, đó chỉ là một kiếp sống [trong nhiều kiếp sống], và ba sẽ không làm điều sai trái để chịu sa đọa.

Đọc những điều Sayagyi U Ba Khin viết về cái chết – thật là được sách tấn. Ta được khuyến khích bởi những gì Thầy nói về tầm quan trọng của việc giữ giới (sīla) và hiến tặng (dāna), những điều có thể giúp ta tái sinh lên cõi trời. Trên hết, bạn phải thực tập thiền và giữ được sự bình tâm, và làm được vậy giống như bạn đang ngồi trên một chiếc xe đưa bạn đi về phía trước, với tốc độ cao. Bạn đang lái chiếc xe ấy đi xuyên qua tất cả những pháp hành, và tất cả những từ tâm (mettā) này không ngớt tràn ngập đến với bạn. Bạn thực sự có được nụ cười rạng rỡ trên môi.

Trong quá khứ, tôi nhớ đã từng nói với mọi người: “Tôi không sợ chết”. Tuy nhiên lúc đó tôi chưa thực sự biết gì cả. Ta không thể thực sự biết cái chết sẽ xảy ra như thế nào. Bây giờ, khi nhìn cái chết đang đến, tôi thấy như: “Ồ, điều này là giống như mình đã hình dung.” Tôi không chắc lắm, nhưng Dhamma sẽ cho bạn rất nhiều sức mạnh.

Các cô y tá nói rằng thời kỳ đầu của bệnh là giai đoạn khó khăn nhất. Dần dần về sau, khi cận kề cái chết, ta chấp nhận được. Tuy nhiên, tôi đã chấp nhận được ngay từ ban đầu. Tôi không hề thấy có sự thay đổi nào trong tâm trí tôi suốt thời gian bị bệnh. Tôi theo dõi tâm mình để chắc chắn, để xem có gì thay đổi không, nhưng không hề có thay đổi nào cả.

Vì thế, những gì đang xảy ra là tôi đang đối diện với cái chết. Tôi không hề có phản ứng tiêu cực nào, không một chút nào. Tôi có Chánh pháp bên mình; tôi cảm nhận được những rung động mạnh mẽ của Chánh pháp chung quanh tôi. Quả là tốt đẹp – thật sự tốt đẹp. Tôi đang mỉm cười trên suốt con đường đi đến cái chết.

 

Sukha dukha apane karma ke,

avicala vishva vidhāna.

Tū terā Yamarāja hai,

tū tāraka bhagavāna.

– Hindi doha, S. N. Goenka

Hạnh phúc và khổ đau là kết quả

của những hành nghiệp bạn tạo ra.

Đó là luật phổ quát bất biến.

Bạn là chủ nhân cái chết của chính mình.

Bạn là người cứu rỗi của chính mình.

-Thi kệ (doha) Hindi, S. N Goenka

Đừng lãng phí thời gian còn lại của quý vị. Đây là lúc quý vị phải nỗ lực với năng lượng và sự kiên định. Quý vị có thể biết chắc là mình sẽ chết, nhưng quý vị không thể biết mình còn sống được bao lâu.

– Venerable Webu Sayadaw

 

Bài viết được trích từ cuốn Nghệ Thuật Chết – The Art Of Dying – Thiền Sư S.N. Goenka và nhiều tác giả. Tải sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT CHẾT

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *