PHÂN TÍCH ĐẠO II – PAṬISAMBHIDĀMAGGO – IX – GIẢNG VỀ SỰ KẾT HỢP CHUNG

PHÂN TÍCH ĐẠO  

Tập Hai

Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri! 

B. PHẨM KẾT HỢP CHUNG  

I. GIẢNG VỀ SỰ KẾT HỢP CHUNG

Tôi đã được nghe như vầy: Một thời, đại đức Ānanda ngụ tại Kosambī, tu viện Ghosita. Chính ở tại nơi ấy, đại đức Ānanda đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các đại đức tỳ khưu.” “Thưa đại đức.” Các vị tỳ khưu ấy đã đáp lại đại đức Ānanda. Đại đức Ānanda đã nói điều này:

– Này các đại đức, bất cứ vị tỳ khưu hoặc tỳ khưu ni nào tuyên bố về phẩm vị A-la-hán ở sự hiện diện của tôi, tất cả đều do bốn đạo lộ hoặc do một đạo lộ nào đó của bốn đạo lộ này. Do bốn (đạo lộ) gì?

Này các đại đức, ở đây vị tỳ khưu tu tập minh sát có chỉ tịnh đi trước. Trong khi vị ấy tu tập minh sát có chỉ tịnh đi trước, đạo lộ được hình thành (cho vị ấy). Vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy. Trong khi vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy, các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt (đối với vị ấy).

Này các đại đức, còn có điều khác nữa là vị tỳ khưu tu tập chỉ tịnh có minh sát đi trước. Trong khi vị ấy tu tập chỉ tịnh có minh sát đi trước, đạo lộ được hình thành (cho vị ấy). Vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy. Trong khi vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy, các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt (đối với vị ấy).

Này các đại đức, còn có điều khác nữa là vị tỳ khưu tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung. Trong khi vị ấy tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung, đạo lộ được hình thành (cho vị ấy). Vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy. Trong khi vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy, các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt (đối với vị ấy).

Này các đại đức, còn có điều khác nữa là (trường hợp) tâm của vị tỳ khưu bị khuấy động bởi sự phóng dật đối với các pháp. Này các đại đức, lúc tâm ấy trụ lại, tập trung lại, được chuyên nhất, được định ở chính nội phần, lúc ấy là thời điểm; đạo lộ được hình thành cho vị ấy. Vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy. Trong khi vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy, các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt (đối với vị ấy).

Này các đại đức, bất cứ vị tỳ khưu hoặc tỳ khưu ni nào tuyên bố về phẩm vị A-la-hán ở sự hiện diện của tôi, tất cả đều do bốn đạo lộ này hoặc do một đạo lộ nào đó của bốn đạo lộ này.

Tu tập minh sát có chỉ tịnh đi trước là (có ý nghĩa) thế nào? Do tác động của sự thoát ly, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định. Về các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, theo ý nghĩa của sự quán xét là vô thường là minh sát, theo ý nghĩa của sự quán xét là khổ não là minh sát, theo ý nghĩa của sự quán xét là vô ngã là minh sát. Như thế là chỉ tịnh trước, minh sát sau. Vì thế được nói rằng: “Tu tập minh sát có chỉ tịnh đi trước.”

Tu tập: Có bốn sự tu tập: là sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, là sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền, là sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn (thích hợp) nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn, là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.

Đạo lộ được hình thành: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? Chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức là đạo lộ được hình thành, chánh tư duy theo ý nghĩa gắn chặt (tâm vào cảnh) là đạo lộ được hình thành, chánh ngữ theo ý nghĩa gìn giữ là đạo lộ được hình thành, chánh nghiệp theo ý nghĩa nguồn sanh khởi là đạo lộ được hình thành, chánh mạng theo ý nghĩa trong sạch là đạo lộ được hình thành, chánh tinh tấn theo ý nghĩa ra sức là đạo lộ được hình thành, chánh niệm theo ý nghĩa thiết lập là đạo lộ được hình thành, chánh định theo ý nghĩa không tản mạn là đạo lộ được hình thành. Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế.

‘Vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy.’ Rèn luyện: Rèn luyện là (có ý nghĩa) thế nào? Trong khi hướng tâm vị ấy rèn luyện, trong khi nhận biết vị ấy rèn luyện, trong khi nhận thấy vị ấy rèn luyện, trong khi quán xét lại vị ấy rèn luyện, trong khi khẳng định tâm vị ấy rèn luyện, trong khi hướng đến đức tin vị ấy rèn luyện, trong khi ra sức tinh tấn vị ấy rèn luyện, trong khi thiết lập niệm vị ấy rèn luyện, trong khi tập trung tâm vị ấy rèn luyện, trong khi nhận biết bởi tuệ vị ấy rèn luyện, trong khi biết rõ điều cần được biết rõ vị ấy rèn luyện, trong khi biết toàn diện điều cần được biết toàn diện vị ấy rèn luyện, trong khi dứt bỏ điều cần được dứt bỏ vị ấy rèn luyện, trong khi tác chứng điều cần được tác chứng vị ấy rèn luyện. Rèn luyện là (có ý nghĩa) như thế.  

Tu tập: Tu tập là (có ý nghĩa) thế nào? Trong khi hướng tâm vị ấy tu tập, trong khi nhận biết vị ấy tu tập, trong khi nhận thấy vị ấy tu tập, trong khi quán xét lại vị ấy tu tập, trong khi khẳng định tâm vị ấy tu tập, trong khi hướng đến đức tin vị ấy tu tập, trong khi ra sức tinh tấn vị ấy tu tập, trong khi thiết lập niệm vị ấy tu tập, trong khi tập trung tâm vị ấy tu tập, trong khi nhận biết bởi tuệ vị ấy tu tập, trong khi biết rõ điều cần được biết rõ vị ấy tu tập, trong khi biết toàn diện điều cần được biết toàn diện vị ấy tu tập, trong khi dứt bỏ điều cần được dứt bỏ vị ấy tu tập, trong khi tu tập điều cần được tu tập vị ấy tu tập, trong khi tác chứng điều cần được tác chứng vị ấy tu tập. Tu tập là (có ý nghĩa) như thế.

Làm cho sung mãn: Làm cho sung mãn là (có ý nghĩa) thế nào? Trong khi hướng tâm vị ấy làm cho sung mãn, trong khi nhận biết vị ấy làm cho sung mãn, trong khi nhận thấy vị ấy làm cho sung mãn, trong khi quán xét lại vị ấy làm cho sung mãn, trong khi khẳng định tâm vị ấy làm cho sung mãn, trong khi hướng đến đức tin vị ấy làm cho sung mãn, trong khi ra sức tinh tấn vị ấy làm cho sung mãn, trong khi thiết lập niệm vị ấy làm cho sung mãn, trong khi tập trung tâm vị ấy làm cho sung mãn, trong khi nhận biết bởi tuệ vị ấy làm cho sung mãn, trong khi biết rõ điều cần được biết rõ vị ấy làm cho sung mãn, trong khi biết toàn diện điều cần được biết toàn diện vị ấy làm cho sung mãn, trong khi dứt bỏ điều cần được dứt bỏ vị ấy làm cho sung mãn, trong khi tu tập điều cần được tu tập vị ấy làm cho sung mãn, trong khi tác chứng điều cần được tác chứng vị ấy làm cho sung mãn. Làm cho sung mãn là (có ý nghĩa) như thế.

Trong khi vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy, các ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt (đối với vị ấy). Các ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) thế nào? Do Đạo Nhập Lưu, ba sự ràng buộc này được dứt bỏ là thân kiến, hoài nghi, sự cố chấp vào giới và nghi thức, hai ngủ ngầm này được chấm dứt là kiến ngủ ngầm, hoài nghi ngủ ngầm. Do Đạo Nhất Lai, hai sự ràng buộc này được dứt bỏ là ràng buộc của ái dục và ràng buộc của bất bình có tính chất thô thiển, hai ngủ ngầm này được chấm dứt là ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất thô thiển. Do Đạo Bất Lai, hai sự ràng buộc này được dứt bỏ là ràng buộc của ái dục và ràng buộc của bất bình có tính chất vi tế, hai ngủ ngầm này được chấm dứt là ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất vi tế. Do Đạo A-la-hán, năm sự ràng buộc này được dứt bỏ là ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, vô minh, ba ngủ ngầm này được chấm dứt là ngã mạn ngủ ngầm, ái hữu ngủ ngầm, vô minh ngủ ngầm. Các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.

Do tác động của sự không sân độc, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là định …(như trên)… Do tác động của sự nghĩ tưởng về ánh sáng, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là định …(như trên)… Có sự quán xét về từ bỏ do tác động của hơi thở vào, có sự quán xét về từ bỏ do tác động của hơi thở ra, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là định. Về các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, theo ý nghĩa của sự quán xét là vô thường là minh sát, theo ý nghĩa của sự quán xét là khổ não là minh sát, theo ý nghĩa của sự quán xét là vô ngã là minh sát. Như thế là chỉ tịnh trước, minh sát sau. Vì thế được nói rằng: “Tu tập minh sát có chỉ tịnh đi trước.”

Tu tập: Có bốn sự tu tập: là sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, là sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền, là sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn (thích hợp) nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn, là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.

Đạo lộ được hình thành: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? Chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức là đạo lộ được hình thành, chánh tư duy theo ý nghĩa gắn chặt (tâm vào cảnh) là đạo lộ được hình thành, …(như trên)… chánh định theo ý nghĩa không tản mạn là đạo lộ được hình thành. Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế.

‘Vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy.’ Rèn luyện: Rèn luyện là (có ý nghĩa) thế nào? Trong khi hướng tâm vị ấy rèn luyện, trong khi nhận biết …(nt)… trong khi tác chứng điều cần được tác chứng vị ấy rèn luyện. Rèn luyện là (có ý nghĩa) như thế.

Tu tập: Tu tập là (có ý nghĩa) thế nào? Trong khi hướng tâm vị ấy tu tập, trong khi nhận biết vị ấy tu tập …(như trên)… trong khi tác chứng điều cần được tác chứng vị ấy tu tập. Tu tập là (có ý nghĩa) như thế.

Làm cho sung mãn: Làm cho sung mãn là (có ý nghĩa) thế nào? Trong khi hướng tâm vị ấy làm cho sung mãn, trong khi nhận biết …(như trên)… trong khi tác chứng điều cần được tác chứng vị ấy làm cho sung mãn. Làm cho sung mãn là (có ý nghĩa) như thế.

Trong khi vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy, các ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt (đối với vị ấy): Các ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) thế nào? Do Đạo Nhập Lưu, ba sự ràng buộc này được dứt bỏ là thân kiến, hoài nghi, sự cố chấp vào giới và nghi thức, hai ngủ ngầm này được chấm dứt là kiến ngủ ngầm, hoài nghi ngủ ngầm. Do Đạo Nhất Lai, hai sự ràng buộc này được dứt bỏ là ràng buộc của ái dục và ràng buộc của bất bình có tính chất thô thiển, hai ngủ ngầm này được chấm dứt là ái dục ngủ ngầm và bất bình  ngủ ngầm  có tính chất thô thiển. Do Đạo Bất Lai,  hai  sự  ràng buộc này được dứt bỏ là ràng buộc của ái dục và ràng buộc của bất bình có tính chất vi tế, hai ngủ ngầm này được chấm dứt là ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất vi tế. Do Đạo A-la-hán, năm sự ràng buộc này được dứt bỏ là ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, vô minh, ba ngủ ngầm này được chấm dứt là ngã mạn ngủ ngầm, ái hữu ngủ ngầm, vô minh ngủ ngầm. Các ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.

Tu tập minh sát có chỉ tịnh đi trước là (có ý nghĩa) như thế.

Tu tập chỉ tịnh có minh sát đi trước là (có ý nghĩa) thế nào? Với ý nghĩa của sự quán xét là vô thường là minh sát, với ý nghĩa của sự quán xét là khổ não là minh sát, với ý nghĩa của sự quán xét là vô ngã là minh sát. Do xả ly là đối tượng của các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định. Như thế là minh sát trước, chỉ tịnh sau. Vì thế được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh có minh sát đi trước.”

Tu tập: Có bốn sự tu tập: …(như trên)… là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. Đạo lộ được hình thành: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? …(như trên)… Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế. …(như trên)… Các ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.

Với ý nghĩa của sự quán xét sắc là vô thường là minh sát, với ý nghĩa của sự quán xét sắc là khổ não là minh sát, với ý nghĩa của sự quán xét sắc là vô ngã là minh sát. Do xả ly là đối tượng của các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định. Như thế là minh sát trước, chỉ tịnh sau. Vì thế được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh có minh sát đi trước.”

Tu tập: Có bốn sự tu tập: …(như trên)… là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. Đạo lộ được hình thành: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? …(như trên)… Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế. …(như trên)… Các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.

Với ý nghĩa của sự quán xét thọ … tưởng … các hành … thức … mắt … lão tử là vô thường là minh sát …(nt)… lão tử là khổ não …(nt)… lão tử là vô ngã là minh sát. Do xả ly là đối tượng của các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định. Như thế là minh sát trước, chỉ tịnh sau. Vì thế được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh có minh sát đi trước.”

Tu tập: Có bốn sự tu tập: …(như trên)… là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. Đạo lộ được hình thành: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? …(như trên)… Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế. …(như trên)… Các ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.

Tu tập chỉ tịnh có minh sát đi trước là (có ý nghĩa) như thế.

 Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung là (có ý nghĩa) thế nào? Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo 16 biểu hiện: theo ý nghĩa đối tượng, theo ý nghĩa hành xứ, theo ý nghĩa dứt bỏ, theo ý nghĩa buông bỏ, theo ý nghĩa thoát ra, theo ý nghĩa ly khai, theo ý nghĩa an tịnh, theo ý nghĩa cao quý, theo ý nghĩa được giải thoát, theo ý nghĩa vô lậu, theo ý nghĩa vượt qua, theo ý nghĩa vô tướng, theo ý nghĩa vô nguyện, theo ý nghĩa không tánh, theo ý nghĩa nhất vị, theo ý nghĩa không vượt trội, theo ý nghĩa kết hợp chung.

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa đối tượng là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định có sự diệt tận là đối tượng. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét có sự diệt tận là đối tượng. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa đối tượng là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa của cảnh (đối tượng).”

Tu tập: Có bốn sự tu tập: …(như trên)… là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. Đạo lộ được hình thành: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? …(như trên)… Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế. …(như trên)… Các ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế. Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa của cảnh (đối tượng) là (có ý nghĩa) như thế.

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa hành xứ là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa hành xứ là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa hành xứ.” Tu tập: …(như trên)…

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa dứt bỏ là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ các phiền não đi cùng với phóng dật và (đang dứt bỏ) các uẩn, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ các phiền não đi cùng với vô minh và (đang dứt bỏ) các uẩn, minh sát theo ý nghĩa quán xét có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa dứt bỏ là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa dứt bỏ.” …(như trên)…

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa buông bỏ là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang buông bỏ các phiền não đi cùng với phóng dật và (buông bỏ) các uẩn, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang buông bỏ các phiền não đi cùng với vô minh và (buông bỏ) các uẩn, minh sát theo ý nghĩa quán xét có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa buông bỏ là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa buông bỏ.” …(như trên)…

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa thoát ra là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang thoát ra khỏi các phiền não đi cùng với phóng dật và (thoát ra khỏi) các uẩn, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang thoát ra khỏi các phiền não đi cùng với vô minh và (thoát ra khỏi) các uẩn, minh sát theo ý nghĩa quán xét có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa thoát ra là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa thoát ra.” …(như trên)…

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa ly khai là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang ly khai các phiền não đi cùng với phóng dật và (ly khai) các uẩn, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang ly khai các phiền não đi cùng với vô minh và (ly khai) các uẩn, minh sát theo ý nghĩa quán xét có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa ly khai là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa ly khai.” …(như trên)…

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa an tịnh là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định, là an tịnh, có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét là an tịnh có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa an tịnh là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa an tịnh.” …(như trên)…

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa cao quý là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định, là cao quý, có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét là cao quý có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa cao quý là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa cao quý.” …(như trên)…

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa được giải thoát là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định, là được giải thoát khỏi dục lậu, có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét là được giải thoát khỏi các vô minh lậu, có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, sự ly tham ái khỏi các tham ái là sự giải thoát của tâm, sự ly tham ái khỏi vô minh là sự giải thoát của tuệ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa được giải thoát là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa được giải thoát.” …(như trên)…

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa vô lậu là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định, là vô lậu đối với dục lậu, có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét là vô lậu đối với vô minh lậu, có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa vô lậu là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa vô lậu.” …(như trên)…

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa vượt qua là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang vượt qua các phiền não đi cùng với phóng dật và (vượt qua) các uẩn, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang vượt qua các phiền não đi cùng với vô minh và (vượt qua) các uẩn, minh sát theo ý nghĩa quán xét có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa vượt qua là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa vượt qua.” …(như trên)…

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa vô tướng là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định, là vô tướng đối với tất cả các hiện tướng, có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét là vô tướng đối với tất cả các hiện tướng, có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa vô tướng là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa vô tướng.” …(như trên)…  

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa vô nguyện là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định, là vô nguyện đối với tất cả các nguyện ước, có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét là vô nguyện đối với tất cả các nguyện ước, có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa vô nguyện là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa vô nguyện.” …(như trên)…

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa không tánh là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định, làkhông đối với tất cả các cố chấp, có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét là không đối với tất cả các cố chấp, có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa không tánh là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa không tánh.” …(như trên)…

Tu tập: Có bốn sự tu tập: là sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, là sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền, là sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn (thích hợp) nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn, là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.

Đạo lộ được hình thành: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? …(như trên)… Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế. …(như trên)… Các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa không tánh là (có ý nghĩa) như thế.

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo 16 biểu hiện là (có ý nghĩa) như thế.

Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung là (có ý nghĩa) như thế.

Tâm của vị tỳ khưu bị khuấy động bởi sự phóng dật đối với các pháp là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang tác ý vô thường, có ánh sáng sanh lên. (Hành giả) hướng tâm đến ánh sáng rằng: ‘Ánh sáng là pháp;’ sự tản mạn do việc ấy là phóng dật. Do sự phóng dật ấy, (hành giả), có tâm bị khuấy động, không nhận biết đúng theo thực thể về sự thiết lập là vô thường, không nhận biết đúng theo thực thể về sự thiết lập là khổ não, không nhận biết đúng theo thực thể về sự thiết lập là vô ngã. Vì thế, được nói rằng: “Tâm bị khuấy động bởi sự phóng dật đối với các pháp. Lúc ấy là thời điểm là lúc tâm ấy trụ lại, tập trung lại, được chuyên nhất, được định ngay ở nội phần. 

Đạo lộ được hình thành cho vị ấy: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? …(như trên)… Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế. …(như trên)… Các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.

Đối với vị đang tác ý vô thường, có trí sanh lên … có hỷ sanh lên … có tịnh sanh lên … có lạc sanh lên … có sự cương quyết sanh lên … có sự ra sức sanh lên … có sự thiết lập sanh lên … có xả sanh lên … có ao ước sanh lên. (Hành giả) hướng tâm đến sự ao ước rằng: ‘Ao ước là pháp;’ sự tản mạn do việc ấy là phóng dật. Do sự phóng dật ấy, (hành giả), có tâm bị khuấy động, không nhận biết đúng theo thực thể về sự thiết lập là vô thường, không nhận biết đúng theo thực thể về sự thiết lập là khổ não, không nhận biết đúng theo thực thể về sự thiết lập là vô ngã. Vì thế, được nói rằng: “Tâm bị khuấy động bởi sự phóng dật đối với các pháp. Lúc tâm ấy trụ lại, tập trung lại, được chuyên nhất, được định ở chính nội phần, lúc ấy là thời điểm.Đạo lộ được hình thành cho vị ấy: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? …(như trên)… Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế. …(như trên)… Các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.

Đối với vị đang tác ý khổ não …(như trên)… Đối với vị đang tác ý vô ngã, có ánh sáng sanh lên … có trí sanh lên … có hỷ sanh lên … có tịnh sanh lên … có lạc sanh lên … có sự cương quyết sanh lên … có sự ra sức sanh lên … có sự thiết lập sanh lên … có xả sanh lên … có ao ước sanh lên. (Hành giả) hướng tâm đến sự ao ước rằng: ‘Ao ước là pháp;’ sự tản mạn do việc ấy là phóng dật. Do sự phóng dật ấy, (hành giả), có tâm bị khuấy động, không nhận biết đúng theo thực thể về sự thiết lập là vô ngã, về sự thiết lập là vô thường, về sự thiết lập là khổ não. Vì thế, được nói rằng: “Tâm bị khuấy động bởi sự phóng dật đối với các pháp …(như trên)… Các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.

Đối với vị đang tác ý sắc là vô thường …(nt)… Đối với vị đang tác ý sắc là khổ não …(nt)… Đối với vị đang tác ý sắc là vô ngã …(nt)… Đối với vị đang tác ý thọ … tưởng … các hành … thức … mắt … lão tử là vô thường …(nt)… Đối với vị đang tác ý lão tử là khổ não …(nt)… Đối với vị đang tác ý lão tử là vô ngã, có ánh sáng sanh lên … có trí sanh lên … có hỷ sanh lên … có tịnh sanh lên … có lạc sanh lên … có sự cương quyết sanh lên … có sự ra sức sanh lên … có sự thiết lập sanh lên … có xả sanh lên … có ao ước sanh lên. (Hành giả) hướng tâm đến sự ao ước rằng: ‘Ao ước là pháp;’ sự tản mạn do việc ấy là phóng dật. Do sự phóng dật ấy, (hành giả), có tâm bị khuấy động, không nhận biết đúng theo thực thể về lão tử có sự thiết lập là vô ngã, không nhận biết đúng theo thực thể về lão tử có sự thiết lập là vô thường, không nhận biết đúng theo thực thể về lão tử có sự thiết lập là khổ não. Vì thế, được nói rằng: “Tâm bị khuấy động bởi sự phóng dật đối với các pháp. Lúc ấy là thời điểm là lúc tâm ấy trụ lại, tập trung lại, được chuyên nhất, được định ngay ở nội phần.

 Đạo lộ được hình thành cho vị ấy: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? …(như trên)… Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế. …(như trên)… Các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.

Tâm bị khuấy động bởi sự phóng dật đối với các pháp là (có ý nghĩa) như thế.

(1) Rung động về ánh sáng,    

về tuệ, và về hỷ,    

về tịnh, và về lạc,           

bởi chúng tâm xao động,

 

(2) Rung động về cương quyết,         

ra sức, và thiết lập,

do hướng tâm đến xả,             

và ao ước về xả.

 

(3) Vị nào huân tập tuệ           

về mười trường hợp này

biết phóng dật do pháp 

không sa vào lầm lẫn.

 

(4) Bị tản mạn, ô nhiễm,         

tu tập tâm đình chỉ;

tản mạn, không ô nhiễm,        

tu tập bị thối thất.

 

(5) Tản mạn, không ô nhiễm,  

tu tập không thối thất,

không tản, tâm vô nhiễm         

tu tâm không đình chỉ.

 

(6) Với bốn trường hợp này,   

hiểu rõ mười trường hợp

thâu hẹp và khuấy động          

vì tản mạn của tâm.

Phần Giảng về sự Kết Hợp Chung được đầy đủ.

–ooOoo–

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phân Tích Đạo II“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Phân Tích Đạo II” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *