NGÀY THỨ 6: HỎI ĐÁP VỀ TỨ NIỆM XỨ SATIPATTHANA – THIỀN SƯ S.N. GOENKA

Hỏi và đáp

Hỏi: Hướng sự chú tâm của chúng ta phải chăng là sự tự do duy nhất chúng ta có, còn các việc khác là do pháp (dhamma) điều khiển?

Đáp: Mọi việc đều do pháp điều khiển. Hướng sự chú tâm của bạn là cách duy nhất để tự giải thoát bản thân bạn thôi. Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn, song nếu bạn phản ứng, pháp – dhamma – sẽ trói buộc bạn. Nếu bạn chỉ quan sát, pháp chắc chắn sẽ giải thoát bạn. Đây là quy luật của tự nhiên.

H: Đâu là lằn ranh phân chia giữa sự nghiêm túc thực hành (hành nghiêm mật) và lòng khao khát (tham)?

Đ: Đây là một câu hỏi hay. Nếu bạn khao khát muốn làm việc một cách thật nghiêm túc (hành miên mật), bạn đang khao khát chóng đạt kết quả, hay ít nhất cũng đang phát triển một sự dính mắc vào việc thực hành nghiêm túc ấy. Nếu bạn thấy bản thân mình hành không được nghiêm túc và rồi bạn trở nên thất vọng, đó cũng là tham. Chỉ chấp nhận sự kiện rằng bạn đang không hành nghiêm túc và bắt đầu trở lại, biết rằng bạn phải làm việc một cách nghiêm mật. Lúc đó bạn mới thực sự tiến bộ.

H: Phải chăng những cảm thọ trung tính (trạng thái lạc khổ không rõ rệt) xuất phát từ những phản ứng trung lập, và chúng ta có hy vọng thay đổi được điều này bằng sự quán sát thuần túy không?

Đ: Những cảm thọ trung tính có mặt do vô minh. Vô minh sẽ mất khi chúng được quan sát chỉ như một hiện tượng đang thay đổi – vô thường. Một sự hiểu biết trên bề mặt về tính chất vô thường – anicca, được xem như hữu ích, sẽ đến khi một cảm thọ khổ rất thô và vững chắc mất đi sau một lúc. Một sự hiểu biết sâu hơn, dựa trên chánh niệm về dòng chảy của những rung động vi tế ngấm ngầm bên trong, cho thấy rằng cảm thọ này sanh và diệt trong từng sátna.

H: Khi một người hành thiền bị kích thích và dồn dập với những ý nghĩ tham dục trong một lúc nào đó trước khi sự quan sát xảy ra, liệu họ có làm tăng trưởng các hành – saṅkhāras– đến một tình trạng tồi tệ hơn thay vì tịnh hóa chúng không?

Đ: Trước đây, tiến trình làm sinh sôi nảy nở (các hành) cứ diễn ra liên tục. Giờ đây, một vài sátna quan sát của bạn sẽ chuyển thành một vài giây, một vài phút, một vài giờ, đi vào năng lực của bạn. Thực hành minh sát, bạn hiểu rằng mỗi lần bạn lăn quay trong tham dục, bạn đã làm tăng thêm khổ đau của bạn, và bạn quan sát được nhiều bao nhiêu, bạn đi ra khởi khổ đau được bấy nhiêu.

H: Những lời dạy của Đức Phật (trong kinh) dường như muốn nói đến việc di chuyển hay quét sự chú ý liên quan đến hơi thở. Vậy thì nguồn gốc và tầm quan trọng của việc quán từ phần này sang phần khác (của cơ thể) trong pháp hành này là gì?

Đ: Khi Đức Phật nói sabba-kāya-paṭisaṃvedī assasissā-mī’ti sikkhāti,( cảm giác toàn thân tôi sẻ thở vào, vị ấy tập) chữ “sikkhāti” có nghĩa là “học tập”. Ở chỗ khác “tuệ tri” (pajānāti: biết đúng) được dùng. Bạn phải học cách quét toàn thân với một hơi thở, và việc học này là – quan sát hết phần này sang phần khác, để cho tính rắn chắc của nó tan ra. Khi toàn thân tan ra và bạn có thể quét toàn khối. Lúc đó bạn lại phải đi từ phần này sang phần khác vì mặc dù toàn thân dường như đã mở toang ra, có thể vẫn còn những vùng nhỏ không biết… Bạn học (sikkhati) để đạt đến giai đoạn “hoại diệt – trí” (bhaṅga-ñāṇa).

H: Kinh đưa ra bốn pháp quán và rất nhiều pháp hành, tuy thế Ngài chỉ dạy niệm hơi thở và cảm thọ trên thân, không có sự xếp loại các pháp hành theo thứ tự quan trọng. Sao Ngài không dạy các pháp hành khác như thiền hành (đi kinh hành) và ghi nhận các tạp niệm?

Đ: Có những truyền thống khác nhau, và Đức Phật, một con người giác ngộ, cũng đưa ra những đối tượng ban đầu khác nhau cho những người khác nhau tùy theo hoàn cảnh, khả năng và khuynh hướng của họ. Tuy nhiên, khi họ tiến lên, các trạm đều như nhau. Truyền thống đang tồn tại này xuất phát từ pháp hành hơi thở ban đầu, từ đó người hành thiền tiếp tục kinh nghiệm cảm thọ, và như vậy họ cũng kinh nghiệm được sự sanh và diệt. Niệm hơi thở và cảm thọ cùng nhau sẽ dẫn đến mục tiêu cuối cùng. Bạn không bị cấm thử các pháp hành khác nhau, song nếu bạn đang tiến bộ ở đây, chỉ vì tò mò mà thử những pháp khác sẽ phí thì giờ của bạn đi. Nếu bạn đã cảm giác được các cảm thọ ở khắp nơi (trên toàn thân) và bây giờ ở một chỗ khác nào đó bạn cố gắng quan sát bước đi – mỗi bước chân dở lên và đạp xuống, nhưng không có cảm thọ – khả năng cảm giác các cảm thọ của bạn ở mức vi tế sẽ bị cùn đi. Trở lại với kỹ thuật (niệm thọ) này bạn sẽ không thể cảm giác được những cảm thọ ở chiều sâu đó nữa. Dĩ nhiên có những người tâm còn thô tháo quán hơi thở vi tế rất khó với họ, và đi (kinh hành) có thể thích hợp với họ hơn.

Cảm giác hơi thở vi tế trong một vùng nhỏ cũng rất khó. Nếu bạn đã cảm giác được nó một cách rõ ràng và rồi lại cố gắng cảm giác nó bằng cách đặt tay trên bụng – đây vốn là một kỹ thuật thô – thời bạn đang thóai bộ. Đức Phật muốn bạn di chuyển từ thô vào tế – oḷāriko đến sukhuma. Nếu ở một giai đoạn nào đó một pháp thô phát sinh từ những chiều sâu (của tâm), điều không thể tránh được, song chỉ do tò mò bạn lại không thể khởi sự làm việc một cách chủ ý với một đối tượng thô, như những câu mở đầu của kỹ thuật khác, hãy quên hết mọi thực tại vi tế của vị trí mà bạn đã đạt đến được. Nếu một kỹ thuật nào đó thích hợp hơn với bạn, hãy bám vào đó và cố gắng để đạt đến mục tiêu cuối cùng: song thời gian là vô cùng quan trọng. Đừng phí cuộc đời quí giá của bạn để chạy đông chạy tây (tìm kiếm những cái khác).

H: Cái “tôi” không có chứ?

Đ: Đúng vậy – không có “tôi”.

H: Vậy thì cái gì cần giác ngộ?

Đ: Vô minh cần giác ngộ, trói buộc cần giải thoát, không có gì khác.

H: Ngài định nghĩa thế nào về tâm bi? Chúng ta có thể sử dụng tâm bi cùng với chánh niệm khi đối phó với khổ đau của chúng ta?

Đ: Khi bi có mặt trong tâm, hãy chấp nhận tâm bạn (lúc đó) là một tâm bi. Tất nhiên bạn phải có lòng nhân ái đối với chính bạn, bạn phải thương yêu chính bạn, phải là đối tượng đầu tiên của tâm bi của bạn. Mỗi lần bạn phát sinh các hành – saṅkhāra, ngay cả tham và sân đối với một người nào khác, bạn đã giáng khổ đau lên chính bạn một cách tàn nhẫn. Cơn giận của bạn sẽ không làm hại được một hành giả vipassanā có trình độ – nó có thể hoặc không thể làm tổn hại người khác – song chính bạn đã bị hại và trở nên đau khổ. Hãy tránh nó. Hãy có lòng từ ái và bi mẫn với chính bạn.

H: Có thực rằng sự giải thích về thọ (vedanā) của truyền thống thiền này hầu như đã phân biệt hình thức vipassanā (minh sát) của chúng ta với những hình thức thiền minh sát khác trong truyền thống Phật giáo? Và các truyền thống khác định nghĩa vedanā (thọ) là thế nào, nếu nó không phải là những cảm giác thuộc về thân?

Đ: Đúng thế. Các truyền thống khác xem thọ (vedanā) chỉ như những cảm giác của tâm (thọ là một trong bốn danh uẩn thuộc tâm). Chúng ta không phải không tán đồng các truyền thống khác và đúng sự thực thì thọ là một trong bốn uẩn thuộc tâm. Tuy nhiên, chúng ta phải giải thích thay vì chỉ dịch thôi bởi vì một số từ Đức Phật dùng đã được Ngài giải thích trước đó rồi. Chẳng hạn, từ sampajañña (trí tuệ tỉnh giác) đã được Ngài giải thích như việc cảm giác các cảm thọ đang sanh và diệt. Cũng vậy, nhiều từ ngày nay hoặc đã thất lạc hoặc đã mang một  nghĩa hoàn toàn khác, vì thế chúng ta phải đi vào (nghiên cứu) Tam Tạng – Tipiṭaka để tìm sự định nghĩa nguyên thuỷ của Đức Phật về chúng. Đức Phật đã giải thích rằng sukha vedanā (thọ lạc) và dukkha vedanā (thọ khổ) liên quan đến thân, và Ngài dùng somamassa (hỷ) và domanassa (ưu) để nói về tâm. Trong thọ quán niệm xứ – vedanā nupassanā Ngài không dùng somanassa (hỷ) và domanassa (ưu), mà dùng sukha (lạc) và dukkha (khổ), vì thế chúng ta phải làm việc với các cảm thọ trong thân.

Bất luận điều gì bạn đã hiểu trên phương diện tri thức và bất luận điều gì bạn đã kinh nghiệm được, hãy tận dụng nó. Tận dụng Pháp – dhamma – không chỉ trong khóa thiền này thôi mà cả trong đời sống hàng ngày nữa. Sự phản ứng luôn luôn mang đầy tính tiêu cực. Hãy sống cuộc sống đúng pháp. Bất cứ điều gì xảy ra ở bên ngoài, hãy quan sát thực tại của các cảm thọ ở bên trong (thân) và giữ thái độ xả, lúc đó mọi quyết định của bạn và mọi hành động của bạn sẽ lành mạnh – không phải là những phản ứng, mà là những hành động tích cực, đem lại tốt đẹp cho bạn và tốt đẹp cho mọi người.

Mong cho tất cả các bạn có thể sống một cuộc sống lợi ích cho chính bản thân mình và cho mọi người. Cầu mong các bạn hưởng được những thành quả lợi ích nhất của Pháp: bình an, hòa hợp và hạnh phúc.

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui.

 

Bài viết trích từ cuốn Tứ Niệm Xứ Giảng Giải – Thiền Sư S.N. Goenka – Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

 

AUDIO TOÀN BỘ CUỐN SÁCH TỨ NIỆM XỨ GIẢNG GIẢI

 

AUDIOS PHÁP THOẠI KHOÁ THIỀN SATI 8 NGÀY DO THIỀN SƯ S.N. GOENKA GIẢNG DẠY

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *