KINH TRUNG BỘ
KINH A-NA-LUẬT – Anuruddha Sutta
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi (Xá vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà viên), chỗ tinh xá của ông Anāthapiṇḍika (Cấp cô độc). Rồi thợ mộc Pancakanga bảo một người
—Hãy đến, này Người kia, hãy đi đến Tôn giả Anuruddha (A-na-luật), nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Tôn giả Anuruddha và thưa như sau: “Thưa Tôn giả, thợ mộc Pancakanga cúi đầu đảnh lễ Tôn giả Anuruddha, và thưa: Mong rằng Tôn giả Anuruddhacùng ba vị nữa, ngày mai nhận lời dùng bữa ăn với thợ mộc Pancakanga. Mong rằng Tôn giả Anuruddha đến thật sớm, vì thợ mộc Pancakanga có nhiều công việc, có nhiều bổn phận phải làm đối với vua”.
—Thưa vâng, Tôn giả.
Người ấy vâng đáp thợ mộc Pancakanga, đi đến Tôn giả Anuruddha, sau khi đến đảnh lễ Tôn giả Anuruddha, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người ấy thưa Tôn giả Anuruddha
—Thợ mộc Pancakanga cúi đầu đảnh lễ Tôn giả Anuruddha và thưa như sau: “Thưa Tôn giả, mong rằng Tôn giả Anuruddha với ba vị nữa ngày mai đến dùng bữa ăn với thợ mộc Pancakanga. Thưa Tôn giả, mong rằng Tôn giả Anuruddha đến cho thật sớm, vì thợ mộc Pancakanga có nhiều công việc, có nhiều bổn phận phải làm đối với vua”.
Tôn giả Anuruddha im lặng nhận lời. Rồi Tôn giả Anuruddha, sau khi đêm ấy đã mãn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ thợ mộc Pancakanga, sau khi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi thợ mộc Pancakanga tự tay mời mọc và làm cho thỏa mãn Tôn giả Anuruddha với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Và sau khi Tôn giả Anuruddha đã ăn xong, đã cất tay khỏi bình bát, thợ mộc Pancakanga lấy một ghế thấp rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thợ mộc Pancakanga thưa cùng Tôn giả Anuruddha
—Ở đây, thưa Tôn giả, các Trưởng lão Tỷ-kheo đến và nói như sau: “Này Gia chủ, hãy tu tập vô lượng tâm giải thoát”. Có một số vị Trưởng lão lại nói như sau: “Này Gia chủ, hãy tu tập đại hành tâm giải thoát”. Thưa Tôn giả, vô lượng tâm giải thoát và đại hành tâm giải thoát, các pháp này vừa khác nghĩa vừa khác văn, hay đồng nghĩa, chỉ khác biệt về văn?
—Này Gia chủ, hãy nói lên những điều gì Ông nghĩ về vấn đề này; nhờ vậy, vấn đề này sẽ trở thành xác thật cho Ông.
—Thưa Tôn giả, con nghĩ như sau: “Vô lượng tâm giải thoát và đại hành tâm giải thoát, các pháp này đồng nghĩa nhưng khác văn”.
—Này Gia chủ, vô lượng tâm giải thoát và đại hành tâm giải thoát, những pháp này vừa khác nghĩa vừa khác văn. Do vậy, này Cư sĩ, đây cần phải hiểu đúng với pháp môn, nghĩa là các pháp này vừa khác nghĩa vừa khác văn.
Và này Cư sĩ, thế nào là vô lượng tâm giải thoát? Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy, cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân. … với tâm câu hữu với bi, … với tâm câu hữu với hỷ, … an trú, biến mãn, một phương với tâm câu hữu với xả, … quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là vô lượng tâm giải thoát.
Này Cư sĩ, thế nào là đại hành tâm giải thoát? Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo cho đến một gốc cây, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền). Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là đại hành tâm giải thoát. Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo cho đến hai hay ba gốc cây, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền). Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là đại hành tâm giải thoát. Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo cho đến một ruộng làng an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền). Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là đại hành tâm giải thoát. Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo cho đến hai hay ba ruộng làng, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền). Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là đại hành tâm giải thoát. Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo cho đến một đại vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền). Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là đại hành tâm giải thoát. Ở đây, này Cư sĩ, Tỷ-kheo cho đến hai hay ba đại vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền). Như vậy, này Cư sĩ, được gọi là đại hành tâm giải thoát. Do vậy, này Cư sĩ, đây cần phải hiểu đúng với pháp môn này, nghĩa là các pháp này vừa khác nghĩa, vừa khác văn.
Này Cư sĩ, có bốn hữu sanh này (bhavuppattiyo: bốn sự sanh khởi cho một đời sống mới). Thế nào là bốn? Ở đây, này Cư sĩ, có người, với hào quang hạn lượng (parittabha) an trú, biến mãn và thấm nhuần. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh cọng trú với chư Thiểu Quang thiên. Ở đây, này Cư sĩ, có người với hào quang vô lượng, an trú, biến mãn và thấm nhuần. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh cọng trú với chư Vô Lượng Quang thiên. Ở đây, này Cư sĩ, có người với hào quang tạp nhiễm, an trú, biến mãn và thấm nhuần. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh cọng trú với chư Tạp Nhiễm Quang thiên. Ở đây, này Cư sĩ, có người với hào quang thanh tịnh, an trú, biến mãn và thấm nhuần. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư Biến Tịnh Quang thiên. Này Cư sĩ, có bốn loại hữu sanh này.
Có thời, này Cư sĩ, chư Thiên kia tập họp tại một chỗ. Khi các vị này tập họp tại một chỗ, có thấy sự sai khác về màu sắc, không có thấy sự sai khác về hào quang. Ví như, này Cư sĩ, có người cầm nhiều cây đèn dầu đi vào trong một nhà. Khi các cây đèn dầu ấy được đem vào trong nhà, có thấy sự sai khác về ngọn lửa, nhưng không có thấy sự sai khác về ánh sáng. Cũng vậy, này Cư sĩ, có thời chư Thiên kia tập họp tại một chỗ. Khi các vị này tập họp tại một chỗ, có thấy sự sai khác về màu sắc, không có thấy sự sai khác về hào quang.
Có thời, này Cư sĩ, chư Thiên ấy, đi ra khỏi từ chỗ kia. Khi chư Thiên ấy đi ra khỏi từ chỗ kia, có thấy sự sai khác về màu sắc và cũng có thấy sự sai khác về hào quang. Ví như, này Cư sĩ, có người đem nhiều cây đèn dầu ra khỏi ngôi nhà ấy, khi các cây đèn dầu ấy được đem ra khỏi ngôi nhà kia, có thấy sự sai khác về màu sắc và cũng có thấy sự sai khác về ánh sáng. Cũng vậy, này Cư sĩ, có thời chư Thiên ấy đi ra khỏi từ chỗ kia. Khi chư Thiên ấy đi ra khỏi từ chỗ kia, có thấy sự sai khác về màu sắc và cũng có thấy sự sai khác về hào quang.
Này Cư sĩ, chư Thiên ấy không có nghĩ: “Ðây là thường còn, thường trú, thường hằng cho chúng tôi”. Nhưng chỗ nào chư Thiên ấy an trú, tại chỗ ấy, chư Thiên ấy sống trong thoải mái. Ví như, này Cư sĩ, khi các con ruồi bị mang đi trong đòn gánh hay trong cái giỏ, chúng nó không có nghĩ: “Ðây là sự thường còn, thường trú hay thường hằng cho chúng tôi”. Nhưng chỗ nào, chỗ nào các con ruồi kia an trú, tại chỗ ấy, các con ruồi ấy sống trong thoải mái. Cũng vậy, này Cư sĩ, chư Thiên ấy không có nghĩ: “Ðây là thường còn, thường trú hay thường hằng cho chúng tôi”. Nhưng chỗ nào, chỗ nào chư Thiên ấy an trú, tại chỗ ấy, chư Thiên ấy sống trong thoải mái.
Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Abhiya Kaccāna thưa với Tôn giả Anuruddha
—Tốt lành thay, Tôn giả Anuruddha! Ở đây, tôi có câu này cần phải hỏi thêm. Thưa Tôn giả, chư Thiên có hào quang, tất cả đều có hào quang có hạn lượng? Hay là ở đây có một số chư Thiên có hào quang vô lượng?
—Này Hiền giả Kaccāna, tùy theo trường hợp, ở đây một số chư Thiên có hào quang có hạn lượng, nhưng ở đây cũng có một số chư Thiên có hào quang vô lượng.
—Thưa Tôn giả Anuruddha, do nhân gì, do duyên gì, dầu cho chư Thiên ấy được sanh khởi trong một Thiên chúng, lại có một số chư Thiên có hào quang hạn lượng và có một số chư Thiên khác có hào quang vô lượng?
—Này Hiền giả Kaccāna, ở đây Ta sẽ hỏi Hiền giả. Nếu Hiền giả kham nhẫn, Hiền giả sẽ trả lời. Này Hiền giả Kaccāna, Hiền giả nghĩ thế nào? Tỷ-kheo cho đến một gốc cây, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), và Tỷ-kheo cho đến hai hay ba gốc cây, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm này, sự tu tập tâm nào rộng lớn hơn?
—Thưa Tôn giả, Tỷ-kheo cho đến hai hay ba gốc cây, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm này rộng lớn hơn.
—Này Hiền giả Kaccāna, Hiền giả nghĩ thế nào? Tỷ-kheo cho đến hai hay ba gốc cây, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), và Tỷ-kheo, cho đến một ruộng làng, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm này, sự tu tập tâm nào rộng lớn hơn?
—Thưa Tôn giả, Tỷ-kheo cho đến một ruộng làng, an trú, biến mãn, và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm này rộng lớn hơn.
—Này Hiền giả Kaccāna, Tỷ-kheo cho đến hai hay ba ruộng làng, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), và Tỷ-kheo cho đến một đại vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm nào rộng lớn hơn?
—Thưa Tôn giả, Tỷ-kheo, cho đến một đại vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm này rộng lớn hơn.
—Này Hiền giả Kaccāna, Tỷ-kheo cho đến một đại vương, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), và Tỷ-kheo cho đến hai hay ba một đại vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm nào rộng lớn hơn?
—Thưa Tôn giả Anuruddha, Tỷ-kheo cho đến hai hay ba đại vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần rộng lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm này rộng lớn hơn.
—Này Hiền giả Kaccāna, Hiền giả nghĩ thế nào? Tỷ-kheo cho đến hai hay ba đại vương quốc, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), và Tỷ-kheo cho đến giải đất tận hải biên, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn cho đến như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm nào rộng lớn hơn?
—Thưa Tôn giả, Tỷ-kheo cho đến giải đất tận hải biên, an trú, biến mãn và thấm nhuần lớn như vậy (trong khi tu Thiền), trong hai sự tu tập tâm ấy, sự tu tập tâm này rộng lớn hơn.
—Này Hiền giả Kaccāna, do nhân này, do duyên này, giữa các chư Thiên ấy được sanh khởi trong một Thiên chúng, có một số chư Thiên có hào quang có hạn lượng, nhưng có một số chư Thiên có hào quang vô lượng.
—Lành thay, Tôn giả Anuruddha! Tôi có một câu cần phải hỏi thêm nữa. Thưa Tôn giả, về hào quang chư Thiên, có phải tất cả hào quang là tạp nhiễm hay có một số chư Thiên có hào quang thanh tịnh?
—Tùy theo trường hợp, này Hiền giả Kaccāna, ở đây có một số chư Thiên có hào quang tạp nhiễm, nhưng ở đây cũng có một số chư Thiên có hào quang thanh tịnh.
—Thưa Tôn giả Anuruddha, do nhân gì, do duyên gì, trong chư Thiên ấy được sanh khởi trong một Thiên chúng, có một số hào quang tạp nhiễm, nhưng có một số chư Thiên có hào quang thanh tịnh?
Này Hiền giả Kaccāna, Ta sẽ cho Hiền giả một ví dụ. Nhờ ví dụ ở đây, người có trí hiểu được ý nghĩa của lời nói. Ví như, này Hiền giả Kaccāna, một cây đèn đang cháy với dầu không được sạch sẽ, với tim đèn cũng không được sạch sẽ. Vì dầu không được sạch sẽ, và cũng vì tim đèn không được sạch sẽ, nên cây đèn cháy rất lu mờ. Cũng vậy, này Hiền giả Kaccāna, ở đây Tỷ-kheo an trú, biến mãn và thấm nhuần với hào quang tạp nhiễm. Thân dâm hạnh của vị ấy không được khéo chấm dứt, hôn trầm thụy miên không được khéo đoạn trừ, trạo cử hối quá không được khéo nhiếp phục. Vì không được khéo chấm dứt thân dâm hạnh, vì không khéo đoạn trừ hôn trầm thụy miên, vì không khéo nhiếp phục trạo cử hối quá, nên vị ấy được cháy lên một cách lu mờ. Vị ấy sau khi thân hoại mạng chung được sanh cọng trú với chư Thiên có hào quang tạp nhiễm.
Ví như, này Hiền giả Kaccāna, một ngọn đèn dầu được đốt cháy, với dầu sạch sẽ và với tim đèn cũng được sạch sẽ. Do dầu được sạch sẽ và cũng do tim đèn được sạch sẽ, nên cây đèn ấy được cháy không có mù mờ. Cũng vậy, này Hiền giả Kaccāna, ở đây Tỷ-kheo an trú, biến mãn và thấm nhuần với hào quang thanh tịnh. Thân dâm hạnh của vị này được khéo chấm dứt, hôn trầm thụy miên được khéo đoạn trừ, trạo cử hối quá được khéo nhiếp phục. Do thân dâm hạnh được khéo chấm dứt, do hôn trầm thụy miên được khéo đoạn trừ, do trạo cử hối quá được khéo nhiếp phục, nên vị ấy được cháy lên không có mù mờ. Sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh cọng trú với chư Thiên có hào quang thanh tịnh.
Này Hiền giả Kaccāna, do nhân này, do duyên này, giữa chư Thiên ấy sanh khởi cùng trong một Thiên chúng, có một số chư Thiên có hào quang tạp nhiễm, nhưng có một số chư Thiên có hào quang thanh tịnh.
Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Abhiya Kaccāna thưa với Tôn giả Anuruddha
—Thật lành thay, Tôn giả Anuruddha! Thưa Tôn giả, Tôn giả Anuruddha không có nói như sau: “Như vậy tôi nghe”, hay “Sự việc đúng như vậy”. Trái lại, thưa Tôn giả, Tôn giả Anuruddha chỉ nói: “Chư Thiên này là như vậy và chư Thiên kia là như vậy”. Thưa Tôn giả, tôi nghĩ như sau: “Tôn giả Anuruddha chắc chắn đã sống từ trước, đã đàm thoại từ trước, đã đàm luận từ trước với chư Thiên ấy”.
—Này Hiền giả Kaccāna, lời nói này của Hiền giả đến gần như thử thách Ta phải tuyên bố, nhưng Ta sẽ trả lời cho Hiền giả. Này Hiền giả Kaccāna, đã từ lâu, Ta đã sống từ trước, đã đàm thoại từ trước, đã đàm luận từ trước với chư Thiên ấy.
Khi nghe nói vậy, Tôn giả Abhiya Kaccāna nói với thợ mộc Pancakanga
—Thật lợi ích thay cho Ông, này Cư sĩ, rằng Ông đã đoạn trừ được điều nghi ngờ từ trước, và cũng được dịp nghe pháp môn này.
—-
Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Trung Bộ III“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Trung Bộ III” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda