KINH TRUNG BỘ

KINH NHIỀU CẢM THỌ – Bahuvedanīya Sutta

Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn ở tại Sāvatthi (Xá vệ), Jetavana (Rừng Kỳ đà), tinh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).

Rồi người thợ mộc Pancakanga (Ngũ Phần) đến Tôn giả Udāyi (Ưu đà di), sau khi đến, đảnh lễ Ngài rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, người thợ mộc Pancakanga thưa Tôn giả Udāyi

—Thưa Tôn giả Udāyi, Thế Tôn thuyết có bao nhiêu thọ?

—Này Gia chủ, Thế Tôn thuyết có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Gia chủ, ba thọ này được Thế Tôn nói đến.

—Thưa Tôn giả Udāyi, Thế Tôn không thuyết ba thọ. Thế Tôn chỉ thuyết hai thọ: lạc thọ, khổ thọ. Thưa Tôn giả, bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn thuyết là tối thắng lạc đối với vị đã chứng được tịch tịnh.

Lần thứ hai, Tôn giả Udāyi nói với người thợ mộc Pancakanga

—Này Gia chủ, Thế Tôn không thuyết hai thọ. Thế Tôn thuyết ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Gia chủ, ba thọ này được Thế Tôn nói đến.

Lần thứ hai, người thợ mộc Pancakanga thưa Tôn giả Udāyi

—Thưa Tôn giả Udāyi, Thế Tôn không thuyết ba thọ. Thế Tôn chỉ thuyết hai thọ: lạc thọ, khổ thọ. Thưa Tôn giả, bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn thuyết là tối thắng lạc đối với vị đã chứng được tịch tịnh.

Lần thứ ba, Tôn giả Udāyi nói với người thợ mộc Pancakanga

—Này Gia chủ, Thế Tôn không thuyết hai thọ. Thế Tôn thuyết ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Gia chủ, ba thọ này được Thế Tôn nói đến.

Lần thứ ba, người thợ mộc Pancakanga thưa Tôn giả Udāyi

—Thưa Tôn giả Udāyi, Thế Tôn không thuyết ba thọ. Thế Tôn chỉ thuyết hai thọ: lạc thọ, khổ thọ. Thưa Tôn giả, bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn thuyết là tối thắng lạc đối với vị đã chứng được tịch tịnh.

Như vậy, Tôn giả Udāyi không thể thuyết phục được thợ mộc Pancakanga. Và thợ mộc Pancakanga cũng không thể thuyết phục được Tôn giả Udāyi.

Tôn giả Ānanda nghe được cuộc đàm thoại này giữa Tôn giả Udāyi với thợ mộc Panacakanga. Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, sau khi ngồi xuống một bên, Tôn giả Ānanda thuật lại Thế Tôn rõ toàn diện cuộc đàm thoại giữa Tôn giả Udāyi và thợ mộc Pancakanga. Khi nghe nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda

—Này Ānanda, dầu cho pháp môn của Udāyi là đúng, nhưng thợ mộc Pancakanga không chấp nhận. Dầu cho pháp môn của người thợ mộc Pancakanga là đúng, nhưng Udāyikhông chấp nhận. Này Ānanda, hai thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; ba thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; năm thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; sáu thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; mười tám thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; ba mươi sáu thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn; một trăm lẻ tám thọ được Ta nói đến tùy theo một pháp môn. Như vậy, này Ānanda, pháp được Ta thuyết giảng tùy theo pháp môn.

Này Ānanda, vì pháp được Ta thuyết giảng tùy theo pháp môn như vậy, nên đối với những ai không chấp nhận, không tán đồng, không tùy hỷ những điều được khéo nói, khéo thuyết, khéo trình bày cùng nhau, thời sự kiện này sẽ xẩy ra: họ sẽ sống đấu tranh, khẩu tranh, luận tranh, đả thương nhau với những binh khí miệng lưỡi. Như vậy, này Ānanda pháp được Ta thuyết giảng tùy theo pháp môn. Này Ānanda, vì pháp được Ta thuyết giảng tùy theo pháp môn như vậy, nên đối với những ai chấp nhận, tán đồng, tùy hỷ những điều được khéo nói, khéo thuyết, khéo trình bày cùng nhau, thời sự kiện này sẽ xẩy ra: họ sẽ sống hòa hợp, tán đồng, tùy hỷ với nhau, như nước với sữa, và nhìn nhau với cặp mắt tương ái.

Này Ānanda, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn, các tiếng do tai nhận thức … các hương do mũi nhận thức … các vị do lưỡi nhận thức … các xúc do thân cảm xúc, khả ái, khả lạc, khả ý, khả hỷ, tương ứng với dục, hấp dẫn. Này Ānanda, như vậy là năm dục trưởng dưỡng. Này Ānanda, duyên năm dục trưởng dưỡng này khởi lên lạc và hỷ, như vậy gọi là dục lạc.

Này Ānanda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng mà các chúng sanh có thể cảm thọ”, Ta không thể chấp nhận như vậy. Vì sao vậy? Vì có một lạc khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn. Và này Ānanda, lạc ấy khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ānanda, vị Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Này Ānanda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ānanda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng mà chúng sanh có thể cảm thọ”, Ta không thể chấp nhận như vậy. Vì sao vậy? Vì có một lạc thọ khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn. Và này Ānanda, lạc ấy khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ānanda, vị Tỳ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Này Ānanda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ānanda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng … ”, … vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ānanda, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Này Ānanda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ānanda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng … ”, … vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ānanda, vị Tỷ-kheo, xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng và trú Thiền thứ tư không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này Ānanda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ānanda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng … ”, … vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ānanda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện sắc tưởng, diệt trừ hữu đối tưởng, không tư niệm sai biệt tưởng, nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Hư không vô biên xứ. Này Ānanda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ānanda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng … ”, … vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ānanda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện Hư không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên,” chứng và trú Thức vô biên xứ. Này Ānanda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ānanda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng … ”, … vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ānanda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện Thức vô biên xứ, nghĩ rằng không có vật gì, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Này Ānanda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ānanda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng … ”, … vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ānanda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này Ānanda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Này Ānanda, ai nói như sau: “Lạc và hỷ này là tối thượng mà chúng sanh có thể cảm thọ”, Ta không thể chấp nhận như vậy. Vì sao vậy? Vì có một lạc thọ khác với lạc thọ kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn. Và này Ānanda, lạc ấy khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn là gì? Ở đây, này Ānanda, vị Tỷ-kheo vượt qua toàn diện Phi tưởng phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng định. Này Ānanda, lạc này khác với lạc kia, vi diệu hơn và thù thắng hơn.

Sự kiện này xẩy ra, này Ānanda, những du sĩ ngoại đạo có thể nói như sau: “Sa-môn Gotama nói đến Diệt thọ tưởng định, và chủ trương định ấy thuộc về lạc thọ. Như vậy là gì, như vậy là thế nào? Này Ānanda, được nói vậy, các du sĩ ngoại đạo cần phải được trả lời như sau: “Này chư Hiền, Thế Tôn không chủ trương rằng chỉ có những gì tùy thuộc lạc thọ là thuộc về lạc; vì rằng, chư Hiền, Thế Tôn chủ trương rằng chỗ nào, chỗ nào có được lạc thọ, như vậy chỗ ấy, chỗ ấy thuộc về lạc”.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ānanda hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Trung Bộ II“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Trung Bộ II” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *