NGÀY THỨ NĂM
Ngày thứ năm của khóa thiền Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna) đã qua. Chúng ta đã đi hết phần quán thân – kāyānupassanā.
Quán thân sẽ không hoàn tất nếu không quán thọ – vedanānupassanā, bởi vì “tùy quán” – anupassanā có nghĩa là thể nghiệm liên tục sự thực, điều này hàm ý phải cảm giác được thân. Thực sự ra vedanā hay thọ là trọng tâm trong cả bốn niệm xứ – saṭtipaṭṭhāna. Tâm và Pháp hay các nội dung tâm trí cũng phải được cảm nhận. Không cảm nhận được, việc thực hành chẳng qua chỉ là trò chơi của tri thức. Truyền thống này nhấn mạnh đến thọ vì nó cho chúng ta một sự hiểu biết cụ thể về tính chất vô thường – anicca, của sanh và diệt – samudaya, vaya. Sự hiểu biết ở mức cảm thọ này là tuyệt đối quan trọng vì không có nó sẽ không có tỉnh giác – sampajañña. Không có sampajañña sẽ không có trí tuệ – paññā. Không có trí tuệ sẽ không có minh sát – vipassanā. Không có minh sát sẽ không có Niệm xứ – satipaṭṭhāna, và cũng không có sự giải thoát.
Có thể dùng bất kỳ đối tượng của sự tập trung nào để đạt đến định sâu. Chẳng hạn hơi thở vô – ra, như đã giới thiệu ở đoạn đầu của phần niệm hơi thở – Ānāpāna, có thể được dùng để đạt đến sự an chỉ của sơ thiền (jhāna), rồi an chỉ của nhị thiền, tam thiền và tứ thiền. Cùng với niệm hơi thở, cảm thọ cũng được cảm nhận là điều hoàn toàn khả dĩ; nhưng nếu không tuệ tri tính chất sanh – diệt của nó, đó không phải là minh sát – vipassanā. Rồi từ thiền thứ năm đến thiền thứ tám (các bậc thiền vô sắc) thân đã bị quên đi. Các thiền này chỉ làm việc với tâm, và do đó sự tưởng tượng được sử dụng.
Trước khi đạt đến giác ngộ, Đức Phật đã học thiền thứ bảy (vô sở hữu xứ thiền) và thiền thứ tám (phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền) từ Āḷāra kālāma và Uddaka Rāmaputta và chắc chắn ở các thiền chứng này ngài đã có được sự thanh tịnh rất nhiều. Tuy nhiên ngài vẫn thấy còn những bất tịnh ăn rễ sâu xa ở bên trong, những bất tịnh mà ngài gọi là phiền não tùy miên hay phiền não ngủ ngầm anusaya kilesa. Saya có nghĩa là ngủ. Anu chỉ ra rằng chúng (phiền não) đi theo với tâm từ kiếp này sang kiếp khác. Tựa như những ngọn núi lửa đang ngủ chúng có thể phun lên bất cứ lúc nào, và một trong những tùy miên phiền não ấy luôn luôn khởi lên vào lúc chết.
Những phiền não còn lại cũng tiếp tục đi theo vào đời sống kế. Vì lý do này, mặc dù ngài đã hoàn thiện tám thiền chứng, Đức Phật vẫn không chấp nhận là mình đã giải thoát.
Hành hạ thân xác (khổ hạnh) cũng không đem lại kết quả. Ngài tiếp tục khảo sát. Từ niệm hơi thở ngài bắt đầu quan sát cảm thọ, và từ đây ngài có được sự hiểu biết về tính chất sanh – diệt. Chiếc chìa khóa đi đến giải thoát đã được tìm ra. Các bậc thiền mà ngài đã hành trước đây bây giờ có minh sát – vipassanā, cộng thêm vào. Trước đây các bậc thiền này được gọi là lokiya jhānas – các thiền hiệp thế bởi vì chúng vẫn còn đưa đến một sanh hữu mới và vì thế còn phải xoay lăn trong thế gian – loka, còn luân chuyển trong các cảnh giới của vũ trụ. Giờ đây chúng được gọi là lokuttara jhānas – các thiền siêu thế, vì với sự kinh nghiệm tính chất sanh – diệt này chúng sẽ cho quả Niết Bàn, vượt ra ngoài thế gian – loka. Đây là sự đóng góp vô song của Đức Phật cho nhân loại, và nó được đạt đến với cảm thọ – vedanā, đó là lý do vì sao thọ lại rất quan trọng đối với chúng ta.
Vedanānupassanā – Quán các cảm thọ
Vedanāsu vedanānupassī viharati – sống quán thọ trong các cảm thọ.
Thọ được quán hay quan sát trong các cảm thọ như thế nào?
Ở đây không dính líu gì đến sự tưởng tượng, vì điều đó chẳng khác gì người hành thiền đứng ở bên ngoài và đang khảo sát các cảm xúc của mình vậy. Không có ai đứng ở ngoài cả. Bạn phải tự mình kinh nghiệm trực tiếp. Đối với quán thân (kāya) và sau đó quán tâm (citta) và pháp (dhamma) cũng áp dụng như vậy. Việc quan sát phải không có bất kỳ một sự tách rời nào giữa người quan sát và (hành động) quan sát, hoặc không có một sự tưởng tượng về bất kỳ một người khảo sát ở bên ngoài nào cả.
…sukhaṃ vā vedanaṃ vedayamāno ‘sukhaṃ vedanaṃ vedayāmī’ti pajānāti…
Kinh nghiệm hay cảm giác một cảm thọ lạc (sukhaṃ vedanaṃ vedayamāno) người hành thiền tuệ tri (pajānāti) đây như là sự cảm giác về một cảm thọ lạc.
…dukkhaṃ vā vedanaṃ vedayamāno ‘dukkhaṃ vedanaṃ vedayāmī’ti pajānāti; adukkhamasukhaṃ vā vedanaṃ vedayamāno ‘adukkhamasukhaṃ vedanaṃ vedayāmī’ti pajānāti.
Đối với cảm thọ khổ (dukkha vedanā), như đau đớn; và cảm thọ trung tính hay không khổ không lạc (adukkhamasukha vedanā) cũng áp dụng như vậy. Những chữ sukha (lạc hay dễ chịu) và dukkha (khổ hay khó chịu) nói đến những cảm thọ về thân. Đối với những cảm xúc tâm lý dễ chịu (lạc) hay khó chịu (khổ), Đức Phật dùng somanassa (hỷ) và domanassa(ưu). Sukha và dukkha vedanā vì thế nói đến cảm thọ trên thân. Mặc dù thân tự nó không thể cảm giác (lạc, khổ), mà chúng được cảm giác bởi một phần của tâm; tuy thế thân vẫn là nền tảng (phát sinh cảm thọ).
Sāmisaṃ vā sukhaṃ vedanaṃ vedayamāno ‘sāmisaṃ sukhaṃ vedanaṃ vedayāmī’ti pajānāti; nirāmisaṃ vā sukhaṃ vedanaṃ vedayamāno ‘nirāmisaṃ sukhaṃ vedanaṃ vedayāmī’ti pajānāti.
Một cảm thọ lạc được tuệ tri hay hiểu đúng như đang đi kèm với tham ái (sāmisa) hay không đi kèm với tham ái (nirāmisa). Ở Ấn Độ ngày nay chữ nirāmisa có nghĩa là thực phẩm chay và sāmisa có nghĩa là thực phẩm không phải chay (tức mặn). Song ở đây, ý nghĩa của chúng lại là thanh tịnh hay bất tịnh.
Một cảm thọ lạc phát sinh do hành thiền minh sát đúng, nếu nó được quan sát không có tham ái hoặc chấp thủ, sẽ dẫn đến sự thanh tịnh. Cũng cảm thọ lạc, có thể bắt gặp do dính líu đến dục lạc, nếu nó được phản ứng với ái và thủ, hay với một cố gắng muốn làm tăng trưởng nó, là bất thiện và sẽ dẫn đến bất tịnh. Cảm thọ này sẽ dẫn đến sự luân chuyển trong khổ đau. Theo nghĩa này, một cảm thọ lạc có thể là tịnh hay bất tịnh. Một cảm thọ đi kèm với tham ái (sāmisa) chỉ cần quan sát, nhờ thế sự phản ứng sẽ yếu đi và dừng lại.
Một cảm thọ không đi kèm với tham ái (nirāmisa), đối với cảm thọ ấy chỉ có thái độ xả, và không phản ứng, cũng chỉ cần quan sát. Tất nhiên theo quy luật, khả năng quan sát khách quan này sẽ tăng trưởng. Bạn không phải làm gì cả. Pajānāti (tuệ tri) là sự quan sát thuần túy, dựa trên trí tuệ.
Sāmisaṃ vā dukkhaṃ vedanaṃ …nirāmisaṃ vā dukkhaṃ vedanaṃ… pajānāti.
Sāmisaṃ vā adukkhamasukhaṃ vedanaṃ… nirāmisaṃ vā adukkhamasukhaṃ vedanaṃ vedayamāno ‘niramisaṃ adukkhamasukhaṃ vedanaṃ vedayāmī’ti pajānāti.
Tương tự, thọ khổ (dukkha vedanaṃ) được kinh nghiệm là bất tịnh do có hay không có sự phản ứng với nó. Thọ ấy cũng chỉ được quan sát, tuệ tri và chấp nhận đúng như nó là. Đối với thọ không khổ không lạc hay trung tính cũng hiểu theo cách như vậy.
Iti ajjhattaṃ vā vedanāsu vedanānupassī viharati,bahiddhā vā vedanāsu vedanānupassī viharati, ajjhattabahiddhā vā vedanāsu vedanānupassī viharati.
Cũng như trong mỗi đoạn, những trạm tương tự giờ đây được nối tiếp theo sau. Các cảm thọ được cảm giác ở bên trong và trên bề mặt của thân, và rồi cảm giác cả bên trong lẫn bề mặt cùng một lúc ở khắp toàn bộ cấu trúc vật lý (thân).
Truyền thống khác giải thích ajjhattaṃ này là sự cảm giác trên thân mình, bahiddha là cảm giác trên thân người khác, còn ajjhatta-bahiddhā là lúc thì cảm giác trên thân mình và lúc thì cảm giác trên thân người khác. Như trước, truyền thống (thiền) của chúng ta không chấp nhận điều này. Người hành thiền đang hành thiền một mình, hoặc trong rừng, hoặc dưới một gốc cây, hay trong một căn phòng. Người ta lý luận rằng, khi đi khất thực vị sư gặp những người khác và có cơ hội cảm giác hơi thở và cảm thọ của họ này. Tuy nhiên, phải nhớ rằng khi đi ra ngoài mắt của người hành thiền nghiêm túc luôn luôn ngó xuống (okkhitta-cakkhu) và quá lắm họ cũng chỉ thấy được chân của người khác khi họ đi mà thôi: vì thế sự giải thích này dường như không hợp lý. Dĩ nhiên, ở một giai đoạn rất cao của sự quan sát người hành thiền cũng sẽ rất nhạy cảm đối với các cảm thọ của người khác, với những rung động của môi trường chung quanh và của những vật hữu tình và vô tình khác. Có thể hiểu ý nghĩa của đoạn kinh theo cách này cũng được. Ngoài ra thì để thực hành trên hơi thở hay cảm thọ của người khác là điều không thể làm được. Bởi thế tốt hơn hết hãy xem ajjhattaṃnhư “bên trong” và bahiddhā như “trên bề mặt của thân bạn”.
…Samudayadhammānupassī … vayadhammānupassī … samudayavajadhammānupassī vā vedanāsu viharati…
Trạm này và những trạm sau, được thấy ở mỗi đoạn kinh, rất là quan trọng. Người hành thiền phải trải qua những trạm ấy. Sự sanh khởi của thọ, sự diệt của thọ, và sự sanh và diệt tức thời của thọ phải được cảm giác.
…’atthi vedanā’ti vā panassa sati paccupaṭṭhitā hoti.
Trong phần quán thân – kāyānupassanā – giai đoạn ‘atthi kāyo’ti – “ đây là thân ” xảy đến khi thân trở thành chỉ thuần một khối các hạt hạ nguyên tử hay kalapas (tổng hợp sắc), không có sự đánh giá hay phán xét; tưởng (saññā) không còn nhận thức nó (thân) như người hay thú, giống đực hay giống cái, đẹp hay xấu nữa. Thân chỉ là thân, không có sự phân biệt nào cả. Tương tự, thọ – vedanā – giờ đây được thấy chỉ như thọ, không lạc cũng không khổ. Không có sự phán xét, không có sự đánh giá, không có tưởng tri (saññā). Niệm lúc này được thiết lập về thọ kể như các cảm thọ. Sau đó các trạm tương tự cũng diễn ra cho đến mục tiêu cuối cùng.
Yāvadeva ñāṇamattāya paṭissatimattāya anissito ca viharati, na ca kiñci loke upādiyati.
Vai trò của thọ – vedanā được xem là khám phá vĩ đại của Đức Phật cho nhân loại. Nó là giao lộ quan trọng từ đó hai con đường khởi sự: hoặc dukkha-samudaya-gāminī paṭipadā – khổ tập đạo, con đường trong đó khổ đau được tạo ra liên tục, hoặc dukkha-nirodha gāminī paṭidanā – khổ diệt đạo, con đường trong đó khổ đau hoàn toàn bị diệt trừ. Ngài đã khám phá ra rằng mọi phản ứng, mọi hành (saṅkhāra) chỉ có thể phát sinh với việc cảm giác một cảm thọ – dù cho đó là lạc, khổ hay bất khổ bất lạc thọ. Ở mức thâm sâu tâm luôn luôn phản ứng lại với cảm thọ ở khắp toàn thân, trong từng phân tử, bất cứ chỗ nào có sự sống. Trừ phi thọ – vedanā – được kinh nghiệm, bằng không bất kỳ sự giái thoát nào khỏi tham ái hay sân hận cũng chỉ là ở bề mặt của tâm. Đó chẳng qua là ảo tưởng về sự không phản ứng mà thôi bởi vì nó chỉ liên quan đến các đối tượng bên ngoài, đến ngoại trần – sắc, thinh, hương, vị, xúc. Cái bị bỏ quên là thực tại về phản ứng của bạn bởi vì mỗi xúc chạm của đối tượng với một căn môn chắc chắn phải tạo ra một cảm thọ trên thân, có thể đó là lạc, khổ hay trung tính. Điều này đã bị bỏ quên.
Bạn phải đi vào chiều sâu, nơi mà bạn cảm giác các cảm thọ và vẫn chưa phản ứng đó. Chỉ khi bạn chánh niệm về các cảm thọ và giữ thái độ xả đối với chúng, bạn mới có thể thay đổi được lề thói quen của tâm ở mức thâm sâu nhất. Các hành – saṅkhāra ăn rễ sâu xa giống như những đường khắc trên đá do búa và đục tạo ra vậy – các phiền não tùy miên (anusaya kilesa) này lúc đó có thể trồi lên và diệt. Ngược lại tiến trình sinh sôi nảy nở (của tùy miên phiền não) sẽ tiếp tục. Do đó, thọ (vedanā) đóng một vai trò rất quan trọng trong niệm xứ – sati paṭṭhāna.
Bài viết trích từ cuốn Tứ Niệm Xứ Giảng Giải – Thiền Sư S.N. Goenka – Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.
AUDIO TOÀN BỘ CUỐN SÁCH TỨ NIỆM XỨ GIẢNG GIẢI