TĂNG CHI BỘ II – CHƯƠNG BỐN PHÁP – PHẨM NGHIỆP CÔNG ĐỨC

TĂNG CHI BỘ

CHƯƠNG BỐN PHÁP

PHẨM NGHIỆP CÔNG ĐỨC

(I) (61) Bốn Nghiệp Công Ðức

1. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên:

2. – Có bốn pháp này, này Gia chủ, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó được ở đời. Thế nào là bốn?

“Mong rằng tài sản khởi lên cho ta đúng pháp”. Ðây là pháp thứ nhất, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó được ở đời. “Tài sản đã được đúng pháp, mong rằng tiếng tốt được đồn về ta, cùng với bà con, và các bậc Thầy”. Ðây là pháp thứ hai, khả lạc… khó được ở đời. “Tài sản đã được đúng pháp, tiếng tốt đã được đồn về ta, cùng với bà con, và các bậc Thầy, mong rằng ta sống lâu, hộ trì thọ mạng kéo dài”. Ðây là pháp thứ ba, khả lạc… khó được ở đời. “Tài sản đã được đúng pháp, tiếng tốt đã được đồn về ta, cùng với bà con, và các bậc Thầy, sau khi được sống lâu, hộ trì thọ mạng kéo dài, mong rằng khi thân hoại mạng chung, ta sanh lên cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này”. Ðây là pháp thứ tư, khả lạc… khó được ở đời.

Bốn pháp này, này Gia chủ, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó tìm được ở đời.

3. Này Gia chủ, đối với bốn pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó được ở đời này, có bốn pháp đưa đến chứng được những pháp ấy. Thế nào là bốn?

Ðầy đủ lòng tin, đầy đủ giới, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.

4. Và này Gia chủ, thế nào là đầy đủ lòng tin? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: Vị này là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Này Gia chủ, đây gọi là đầy đủ lòng tin.

5. Và này Gia chủ, thế nào là đầy đủ giới? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh… từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Này Gia chủ, đây gọi là đầy đủ giới.

6. Và này Gia chủ, thế nào là đầy đủ bố thí? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử sống ở gia đình, tâm không bị cấu uế xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay rộng mở, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, vui thích san sẻ vật bố thí. Này Gia chủ, đây gọi là đầy đủ bố thí.

7. Và này Gia chủ, thế nào là đầy đủ trí tuệ? Này Gia chủ, sống với tâm bị dục tham chinh phục, làm việc không nên làm, không làm việc nên làm. Do làm việc không nên làm, không làm việc nên làm, vị ấy rời khỏi danh tiếng và an lạc. Này Gia chủ, sống với tâm vị sân hận chinh phục… sống với tâm bị hôn trầm thụy miên chinh phục… sống với tâm bị trạo hối chinh phục… sống với tâm bị nghi chinh phục, làm việc không nên làm, không làm việc nên làm; do làm việc không nên làm, không làm việc nên làm, vị ấy rời khỏi danh tiếng và an lạc.

8. Này Gia chủ, Thánh đệ tử ấy, sau khi biết được dục tham là uế nhiễm của tâm, từ bỏ dục tham, uế nhiễm của tâm; sau khi biết được sân hận là uế nhiễm của tâm, từ bỏ sân hận, uế nhiễm của tâm; sau khi biết được hôn trầm thụy miên là uế nhiễm của tâm, từ bỏ hôn trầm thụy miên, uế nhiễm của tâm; sau khi biết được trạo hối là uế nhiễm của tâm, từ bỏ trạo hối, uế nhiễm của tâm; sau khi biết được nghi là uế nhiễm của tâm, từ bỏ nghi, uế nhiễm của tâm; này Gia chủ, đây gọi là vị Thánh đệ tử có đại trí tuệ, có trí tuệ rộng lớn, bước vào giới vức minh kiến, đầy đủ trí tuệ. Ðây gọi là đầy đủ trí tuệ.

Này Gia chủ, đối với bốn pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó được ở đời này, có bốn pháp này đưa đến chứng được những pháp ấy.

9. Vị Thánh đệ tử ấy, này Gia chủ, với tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra, đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, là người đã làm bốn hành động. Thế nào là bốn?

10. Ở đây, này Gia chủ, Thánh đệ tử, với tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, tự làm mình an lạc, hoan hỷ, chơn chánh đem lại an lạc; giúp cha mẹ được an lạc hoan hỷ, chơn chánh đem lại an lạc; giúp vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ, chơn chánh đem lại an lạc; giúp bạn bè thân hữu được an lạc hoan hỷ, là người chơn chánh đem lại an lạc. Này Gia chủ, đây là trường hợp thứ nhất, vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

11. Lại nữa, này Gia chủ, Thánh đệ tử, với tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, với tài sản ấy, tự làm cho mình được an toàn, chống lại những tai họa từ lửa đến, từ nước đến, từ vua đến, từ ăn trộm đến, từ các thừa tự thù nghịch đến. Này Gia chủ, đây là trường hợp thứ hai vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

12. Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử với tài sản… thâu hoạch đúng pháp. Với tài sản ấy, vị ấy tổ chức năm loại lễ hiến cúng; hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho các vong linh quá khứ, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên. Này Gia chủ, đây là trường hợp thứ ba vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

13. Lại nữa, này Gia chủ, Thánh đệ tử với tài sản… thâu hoạch đúng pháp, đối với những vị Sa-môn, Bà-la-môn sống từ bỏ kiêu mạn, phóng dật, an trú trên nhẫn nhục, nhu hòa, an tịnh tự mình, nhiếp phục tự mình, làm lắng dịu tự mình; đối với những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy, vị ấy tổ chức sự cúng dường tối thượng, thuộc về cõi Trời, đem đến quả lạc dị thục, đưa đến Thiên giới. Này Gia chủ, đây là trường hợp thứ tư vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

14. Vị Thánh đệ tử ấy, này Gia chủ, với tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp; với tài sản ấy, vị ấy là người đã làm được bốn hành động này. Nếu tài sản của ai, này Gia chủ, được tiêu dùng không đúng với bốn hành động này, những tài sản này được gọi là tài sản đi đến không lợi ích, đi đến không thành đạt, đạt được sự hưởng thọ không đúng phương xứ. Nếu những tài sản của ai, này Gia chủ, được tiêu dùng với bốn hành động này, những tài sản này được gọi là những tài sản đi đến lợi ích, đi đến thành đạt, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

Tài sản ta thọ hưởng,
Gia nhân được nuôi dưỡng,
Chính nhờ các tài sản,
Do ta tránh tai họa,
Ta cúng dường tối thượng,
Làm năm loại hiến vật,
Hộ trì bậc trì giới,
Bậc tự điều, Phạm hạnh,
Mục đích gì bậc trí,
Trú nhà, cầu tài sản,
Mục đích ấy Ta đạt,
Ðược làm không hối hận.
Người nào nhớ nghĩ vậy,
An trú trên Thánh pháp,
Ðời này được tán thán,
Ðời sau được hoan hỷ,
Trên cảnh giới chư Thiên.

(II) (62) Không Nợ

1. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên:

2. – Có bốn loại an lạc này, ngày Gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ khởi lên cho vị ấy. Thế nào là bốn? Lạc sở hữu, lạc thọ dụng, lạc không mắc nợ, lạc không phạm tội.

3. Và này Gia chủ, thế nào là lạc sở hữu?

Ở đây, này Gia chủ, tài sản của người thiện nam tử, thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp. Vị ấy suy nghĩ: “Ta có tài sản, thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay… thâu hoạch đúng pháp.” Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này Gia chủ, đây gọi là lạc sở hữu.

4. Và này, thế nào là lạc tài sản?

Ở đây, này Gia chủ, thiện nam tử thọ hưởng những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được… thâu hoạch đúng pháp và làm các việc phước đức. Vị ấy nghĩ rằng: “Ta thọ hưởng những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn… thâu hoạch đúng pháp và ta làm các phước đức.” Nghĩ vậy vị ấy được lạc, được hỷ. Này Gia chủ, đây gọi là lạc tài sản.

5. Và này Gia chủ, thế nào là lạc không mắc nợ? Ở đây, này Gia chủ, vị thiện gia nam tử không có mắc nợ ai một điều gì, ít hay nhiều. Vị ấy nghĩ rằng: “Ta không có mắc nợ ai một điều gì, ít hay nhiều.” Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này Gia chủ, đây gọi là lạc không mắc nợ.

6. Và này Gia chủ, thế nào là lạc không phạm tội?

Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử thành tựu thân hành không phạm tội, thành tựu khẩu hành không phạm tội, thành tựu ý hành không phạm tội. Vị ấy nghĩ rằng: “Ta thành tựu thân hành không phạm tội, khẩu hành không phạm tội, ý hành không phạm tội”. Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này Gia chủ, đây gọi là lạc không phạm tội.

Có bốn loại lạc này, này Gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ, khởi lên cho vị ấy.

Ðược lạc không mắc nợ,
Nhớ đến lạc sở hữu,
Người hưởng lạc tài sản,
Với tuệ, thấy như thị,
Do thấy, vị ấy biết,
Sáng suốt cả hai phần,
Lạc vậy chỉ bằng được,
Bằng một phần mười sáu,
Lạc không có phạm tội.

(III) (63) Bằng Với Phạm Thiên

1. – Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là giống như Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là giống như bậc Ðạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy, này các Tỷ-kheo, được xem là giống như chư Thiên thời trước. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là đáng được cúng dường.

2. Phạm Thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; các bậc Ðạo sư thời xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; chư Thiên thuở xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; đáng được cung kính cúng dường, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì mẹ cha giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dưỡng chúng lớn và giới thiệu chúng vào đời này.

Mẹ cha gọi Phạm thiên,
Bậc Ðạo sư thời trước,
Xứng đáng được cúng dường,
Vì thương đến con cháu,
Do vậy bậc Hiền sĩ,
Ðảnh lễ và tôn trọng,
Dâng đồ ăn đồ uống,
Vải mặc và giường nằm,
Thoa bóp cả thân mình,
Tắm rửa cả chân tay.
Với sở hành như vậy,
Ðối với mẹ và cha,
Ðời này người hiền khen,
Ðời sau hưởng Thiên lạc.

(IV) (64) Ðịa Ngục

1. – Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Với bốn pháp gì? Sát sanh, lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

2.

Sát sanh và trộm cắp,
Cái được gọi nói láo,
Và đi đến vợ người,
Bậc trí không tán thán.

(V) (65) Hình Thức Bên Ngoài

1. – Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn?

Hạng người đo lường sắc và thỏa mãn với sắc; hạng người đo lường tiếng và thỏa mãn với tiếng; hạng người đo lường với thô và thỏa mãn với thô; hạng người đo lường pháp và thỏa mãn với pháp. Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời.

2.

Những ai đo lường sắc,
Những ai đi đến tiếng,
Bị tham dục dắt dẫn,
Chúng không biết người ấy.
Không biết được nội tâm,
Không thấy được ngoại cảnh,
Kẻ ngu bị bao quanh,
Bị tiếng nói chi phối,
Không biết được nội tâm,
Quán thấy được ngoại cảnh,
Thấy được quả ở ngoài,
Bị tiếng nói chi phối.
Rõ biết được nội tâm,
Quán thấy được ở ngoài,
Thấy rõ không chướng ngại,
Không bị tiếng chi phối.

(VI) (66) Tham Ái

1. – Có bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là bốn? Có tham, có sân, có si, có mạn. Bốn hạng người này, này các Tỷ-kheo, có mặt hiện hữu ở đời.

2.

Tham ái vật đẹp đẽ,
Thích thú sắc khả ái,
Bị cột bởi vô minh,
Các hữu tình hạ liệt,
Càng tăng trưởng trói buộc.
Cho đến kẻ có trí,
Làm các việc bất thiện,
Sanh từ tham, sân, si,
Khiến phiền muộn, khó chịu,
Làm đau khổ sanh khởi,
Kẻ vô minh bao vây,
Kẻ mù không có mắt,
Tự tánh họ là vậy,
Họ không thể nghĩ rằng,
Ta có thể như vậy.

(VII) (67) Vua Các Loài Rắn

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika.

Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo ở Sàvatthi bị rắn cắn chết. Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

2. – Ở đây, bạch Thế Tôn, một Tỷ-kheo ở Sàvatthi bị rắn cắn đã mệnh chung.

– Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, với từ tâm đã không hướng đến bốn gia đình vua các loài rắn. Nếu Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, với từ tâm có hướng đến bốn gia đình vua các loài rắn, thời này các Tỷ-kheo, vị ấy có thể không bị rắn cắn mà mạng chung. Thế nào là bốn gia đình vua các loài rắn?

Gia đình vua các loài rắn Virùpakkha, gia đình vua các loài rắn Eràpattha, gia đình vua các loài rắn Chabyàputta, gia đình vua các loài rắn Kanhàgotamaka; Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo với từ tâm đã không hướng đến bốn gia đình vua các loài rắn này. Nếu Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, với từ tâm có thể hướng đến bốn gia đình vua các loài rắn, thời này các Tỷ-kheo, vị ấy có thể không bị rắn cắn mà mạng chung. Này các Tỷ-kheo, Ta cho phép với từ tâm hướng đến bốn gia đình vua các loài rắn này để tự bảo vệ, để tự hộ trì, để tự che chở.

3.

Ta hãy có từ tâm
Với Virùpakkha,
Ta hãy có từ tâm
Với Eràpatha,
Ta hãy có từ tâm
Với Chabyaputta,
Ta hãy có từ tâm
Với Kanhàgotamaka,
Ta hãy có từ tâm
Với các loài không chân,
Ta hãy có từ tâm
Với các loài hai chân,
Ta hãy có từ tâm
Với các loài bốn chân,
Ta hãy có từ tâm,
Với các loài nhiều chân,
Mong rằng loài không chân
Không có làm hại ta,
Mong rằng loài hai chân
Không có làm hại ta,
Mong rằng loài bốn chân
Không có làm hại ta,
Mong rằng loài nhiều chân
Không có làm hại ta,
Mọi chúng sanh, hữu tình
Toàn thể mọi sinh vật,
Mong chúng thấy hiền thiện,
Chớ đi đến điều ác.

“Ðức Phật là vô lượng, Pháp là vô lượng, chúng Tăng là vô lượng, có lượng là các loài bò sát, các loài rắn, các con bò cạp, các con một trăm chân, các loại nhện giăng tơ, các con thằn lằn và các loài chuột. Ta đã làm sự hộ trì. Ta đã làm sự che chở, mong rằng các loài hữu tình sẽ bỏ đi. Ta đảnh lễ đức Thế Tôn. Ta đảnh lễ bảy vị Chánh Ðẳng Giác.”

(VIII) (68) Devadatta

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại núi Gijjhakùta sau khi Devadatta bỏ đi không bao lâu. Tại đấy, Thế Tôn nhơn việc Devadatta bảo các Tỷ-kheo:

– Ðem đến hại mình, này các Tỷ-kheo, khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta; đem đến bất hạnh cho người, này các Tỷ-kheo, khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta! Ví như, này các Tỷ-kheo, một cây chuối khi sanh ra trái, đem đến hại mình; khi sanh ra trái, đem đến bất hạnh cho người khi sanh ra trái. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đem đến hại mình khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta, đem đến bất hạnh cho người khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta. Ví như, này các Tỷ-kheo, cây tre đem đến hại mình khi sanh ra trái, đem đến bất hạnh cho người khi sanh ra trái. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đem đến hại mình khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta. Ví như, này các Tỷ-kheo, cây lau đem đến hại mình khi sanh ra trái, đem đến bất hạnh cho người khi sanh ra trái. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đem đến hại mình khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta, đem lại bất hạnh cho người khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ví như con la đem đến hại mình khi mang thai, đem đến bất hạnh cho người khi mang thai. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đem đến hại mình khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta, đem đến bất hạnh cho người khi lợi dưỡng, cung kính, danh vọng khởi lên cho Devadatta.

2.

Quả giết hại cây chuối,
Giết hại tre và lau,
Cung kính hại người ngu,
Thai tạng hại con la.

(IX) (69) Tinh Cần

1. – Này các Tỷ-kheo, có bốn tinh cần này, thế nào là bốn?

Tinh cần chế ngự, tinh cần đoạn tận, tinh cần tu tập, tinh cần hộ trì.

2. Này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần chế ngự?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mục đích khiến cho các ác bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần chế ngự.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần đoạn tận?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mục đích đoạn tận các ác bất thiện pháp, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần đoạn tận.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần tu tập?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mục đích làm cho sanh khởi các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần tu tập.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tinh cần hộ trì?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có mù mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn cố gắng, tinh tấn, sách tâm, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tinh cần hộ trì.

Này các Tỷ-kheo, có bốn loại tinh cần này.

Chế ngự và đoạn tận,
Tu tập và hộ trì,
Bốn loại tinh cần này,
Ðược bà con mặt trời,
Ðược đức Phật thuyết giảng.
Ở đây vị Tỷ-kheo,
Với bốn tinh cần này,
Nhiệt tâm và nỗ lực.
Ðạt được khổ đoạn diệt.

(X) (70) Phi Pháp

1. – Khi nào, này các Tỷ-kheo, các vua phi pháp có mặt, khi ấy, các đại thần phi pháp của vua có mặt. Khi nào các đại thần phi pháp của vua có mặt, khi ấy các Bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt. Khi nào các Bà-la-môn gia chủ phi pháp có mặt, khi ấy dân chúng thị thành và dân chúng các làng trở thành phi pháp. Khi nào dân chúng thị thành và ở các làng là phi pháp, khi ấy mặt trăng, mặt trời đi sai quỹ đạo. Khi nào mặt trăng, mặt trời đi sai quỹ đạo, khi ấy các dãy ngân hà, các loại sao đi sai quỹ đạo. Khi nào các dãy ngân hà, các loại sao đi sai quỹ đạo, khi ấy ngày đêm đi sai quỹ đạo. Khi nào ngày đêm đi sai quỹ đạo, khi ấy tháng và nửa tháng đi sai quỹ đạo. Khi nào tháng và nửa tháng đi sai quỹ đạo, khi ấy thời tiết và năm đi sai quỹ đạo. Khi nào thời tiết và năm đi sai quỹ đạo, khi ấy gió thổi sai lạc trái mùa. Khi nào gió thổi sai lạc trái mùa, khi ấy chư Thiên bực mình. Khi nào chư Thiên bực mình, khi ấy trời mưa không có điều hòa. Khi nào trời mưa không có điều hòa, khi ấy lúa chín trái mùa. Này các Tỷ-kheo, khi nào lúa chín trái mùa, khi ấy các loài Người nuôi sống với loại lúa ấy, thì thọ mạng sẽ ngắn, dung sắc xấu, yếu sức và nhiều bệnh.

2. Khi nào, này các Tỷ-kheo, các vua đúng pháp có mặt, thì khi ấy các vị đại thần đúng pháp của vua có mặt. Khi nào các vị đại thần đúng pháp của vua có mặt, khi ấy các Bà-la-môn gia chủ đúng pháp có mặt. Khi nào các Bà-la-môn gia chủ đúng pháp có mặt, khi ấy dân chúng thị thành và dân chúng các làng trở thành đúng pháp. Khi nào dân chúng thị thành và ở các làng là đúng pháp, khi ấy mặt trăng, mặt trời đi đúng quỹ đạo. Khi nào mặt trăng, mặt trời đi đúng quỹ đạo, khi ấy các dãy ngân hà, các loại sao đi đúng quỹ đạo. Khi nào các dãy ngân hà, các loại sao đi đúng quỹ đạo, khi ấy ngày đêm đi đúng quỹ đạo. Khi nào ngày đêm đi đúng quỹ đạo, khi ấy tháng và nửa tháng đi đúng quỹ đạo. Khi nào tháng và nửa tháng đi đúng quỹ đạo, khi ấy thời tiết và năm đi đúng quỹ đạo. Khi nào thời tiết và năm đi đúng quỹ đạo, khi ấy gió thổi đúng mùa. Khi nào gió thổi đúng mùa, khi ấy chư Thiên hoan hỉ. Khi nào chư Thiên hoan hỉ, khi ấy trời mưa điều hòa. Khi nào trời trở mưa điều hòa, khi ấy, lúa chín đúng mùa. Này các Tỷ-kheo, khi nào lúa chín đúng mùa, khi ấy loài Người nuôi sống với loại lúa ấy, thọ mạng sẽ lâu dài, dung sắc đẹp đẽ, có sức mạnh và không có nhiều bệnh.

Khi đàn bò lội sông,
Ðầu đàn đi sai lạc,
Cả đàn đều đi sai,
Vì hướng dẫn sai lạc.
Cũng vậy, trong loài Người,
Vị được xem tối thắng,
Nếu sở hành phi pháp,
Còn nói gì người khác,
Cả nước bị đau khổ,
Nếu vua sống phi pháp.

Khi đàn bò lội sông,
Ðầu đàn đi đúng hướng,
Cả đàn đều đúng hướng,
Vì hướng dẫn đúng đường.
Cũng vậy trong loài Người,
Vị được xem tối thắng,
Nếu sở hành đúng pháp,
Còn nói gì người khác,
Cả nước được an vui,
Nếu vua sống đúng pháp.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ I“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ I” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *