Áp dụng Dhamma trong cuộc sống

Điều quan trọng nhất là áp dụng Dhamma vào cuộc sống. Nếu quý vị chỉ đơn thuần tham dự hết khóa này đến khóa kia – các khóa mười ngày hay các khóa dài ngày – và rồi không áp dụng vào cuộc sống thì Dhamma sẽ trở thành một nghi lễ hay nghi thức tẻ nhạt. Nhiều tôn giáo và giáo phái khác nhau có những nghi lễ, nghi thức và những lễ lạc riêng của họ. Thật là một điều rất bất hạnh nếu khóa thiền Vipassana cũng trở thành một nghi lễ hay một nghi thức tôn giáo đối với một người hành thiền (hành giả)..

Mỗi khi quý vị tham gia một khóa thiền mười ngày hay khóa thiền dài ngày hơn, quý vị đang diệt trừ các yếu điểm và phát huy sức mạnh của mình. Quý vị phải sử dụng sức mạnh này trong cuộc sống hàng ngày của mình.

Trong khóa thiền, quý vị làm việc ở mức độ  sâu hơn của tâm mình, diệt trừ từng lớp từng lớp các phức cảm. Sau khóa thiền, nếu  quý vị lại bắt đầu tích lũy các phức cảm giống như vậy, những bất tịnh giống như vậy, những ô nhiễm giống như vậy, thì mục đích đã không đạt được. Quý vị chưa hiểu việc  mình đang làm. Toàn bộ khuôn mẫu cuộc đời quý vị phải thay đổi. Dhamma phải tự thể hiện trong cuộc sống hàng ngày của quý vị.

Quý vị phải tiếp tục cố gắng để áp dụng Dhamma trong cuộc sống. “Với bất cứ sức mạnh nào mà tôi đã thu nhận được khi đến một khóa thiền như thế này, giờ tôi sẽ sử dụng nó để chắc rằng cuộc sống của tôi trở thành một cuộc sống Dhamma. Tôi sẽ hoàn thiện giới hạnh (sīla), phát triển việc làm chủ  tâm và thanh lọc tâm của mình. Khi đối mặt  với các tình huống khác nhau trong cuộc sống, tôi sẽ thực hành Dhamma thay vì tạo ra các saṅkhāra (các phản ứng của tâm) bất thiện”. Theo cách này, quý vị cần tiếp tục quán sát chính mình.

Được làm một kiếp người và gặp được Dhamma tuyệt diệu, quý vị đã phát triển sự tin tưởng vào Vipassana. Giờ đây quý vị phải sử dụng nó một cách tốt nhất. Thật là một cơ hội hiếm hoi khi có được kiếp người, gặp được Dhamma, và học được cách thực hành Dhamma.

Đích đến thật rõ ràng, đó là thoát khỏi mọi khổ đau. Và điều đó chỉ có thể có được khi quý vị diệt trừ mọi phiền não. Mục tiêu là tối thiểu phải trở thành một ariya, một sotāpanna (Tu đà hoàn), rồi lúc đó Dhamma sẽ lo liệu vì quý vị đã được giải thoát khỏi bốn cõi thấp hơn.

Nhưng trước khi quý vị trở thành một sotāpanna, quý vị phải phát triển bản thân đến một giai đoạn mà quý vị trở thành một cūḷa-sotāpanna, một tiểu sotāpanna. Một sotāpanna bắt đầu hòa vào dòng suối giải thoát, và chắc chắn sẽ đến đích cuối cùng của sự hoàn toàn giải thoát. Còn một cūḷa-sotāpanna bắt đầu hòa vào dòng suối Dhamma, và chắc chắn sẽ trở thành một sotāpanna.

Có ba phẩm chất quan trọng trong cuộc đời của một sotāpanna.

Phẩm chất quan trọng đầu tiên là hoàn toàn giải thoát khỏi tất cả mọi hoài nghi, ngờ vực về Dhamma (vicikicchā – Hoài nghi). Làm sao  có thể có bất kỳ hoài nghi nào về Dhamma, về con đường này sau khi một người đã chứng nghiệm trực tiếp được Dhamma, chứng nghiệm trực tiếp về con đường này, bước đi trên con đường này, và  đạt được nhiều lợi lạc.

Nếu một người vẫn còn nhiều hoài nghi  về Dhamma, về con đường này, về phương pháp, và cảm thấy rằng mình là một sotāpanna,” thì đó quả là một ảo tưởng lớn.

Phẩm chất quan trọng thứ hai là hoàn toàn thoát khỏi sự vướng mắc vào các giáo điều, nghi lễ (sīla-vata parāmāsa – Giới cấm thủ). Mỗi giáo phái, mỗi tổ chức tôn giáo đều có các nghi lễ, nghi thức, và lễ lạc riêng. Vài người phát triển một sự dính mắc rất lớn đối với các nghi lễ, nghi thức và lễ lạc này và nghĩ rằng họ sẽ được giải thoát bằng cách thực hành các nghi lễ, nghi thức, và lễ lạc như vậy. Một vị sotāpanna được giải phóng khỏi  ảo tưởng này và hoàn toàn hiểu rõ rằng việc dính mắc vào các nghi lễ và nghi thức không thể đưa người đó đến đích cuối cùng. Nếu người nào vẫn còn dính mắc vào những việc này và cảm thấy rằng “Tôi là một sotāpanna” – thì đó là một ảo tưởng lớn, si mê lầm lẫn lớn.

Phẩm chất quan trọng thứ ba là sự giải thoát hoàn toàn khỏi niềm tin – vào một thực thể nào đó trong hiện tượng thân tâm này (sakkāyadiṭṭhi – Thân kiến). Theo quy ước đời thường, để giao tiếp với mọi người, quý vị phải dùng những từ này – ‘tôi’ và ‘của tôi’. Nhưng trong thực tế, không có  cơ cấu thân thể nào hay cơ cấu tâm ý nào hay thậm chí sự kết hợp của cả hai là ‘tôi’, hay ‘của tôi’, hay ‘linh hồn của tôi’ cả.

Điều đó trở nên rất rõ ràng đối với một vị sotāpanna không phải nhờ nghe những pháp thoại, hay nhờ đọc kinh sách; mà bằng chứng nghiệm trực tiếp của bản thân. Bằng cách chia cắt, mổ xẻ, tách rời ra, làm tan nhỏ toàn bộ cơ cấu thân tâm, sự hiểu biết trở nên rõ ràng rằng thân và tâm tương tác không ngừng với nhau như thế nào; làm thế nào mà ảo tưởng về cái ‘tôi’ và ‘của tôi’, được hình thành.

Ba phẩm chất này trở nên rất vững chắc trong một vị sotāpanna. Một cūḷa-sotāpanna cũng phát triển chính những phẩm chất giống như vậy, bởi vì trừ phi những phẩm chất này được phát triển, không thì đích đến sotāpanna thật xa vời.

Một cơ may hiếm có và tuyệt vời đã đến với cuộc đời của quý vị. Hãy tận dung cơ hội này cho sự giải thoát của chính bản thân quý vị.

Buddhuppādo dullabho lokasmiṃ.

Thật là may mắn khi được sinh ra trong một thời kỳ mà 25 thế kỷ trước, có một vị trở nên hoàn toàn giác ngộ;. Thật là hi hữu để một người có thể hoàn toàn giác ngộ, một vị sammāsambuddha. Người này đã phải tích lũy và hoàn thiện các pāramīs từ vô số kappas (tỷ tỷ năm); mất rất nhiều thời gian. . Có rất nhiều kappas trống không, không có vị Phật nào cả. Thật là may mắn cho chúng ta khi trong kappa này, Gotama đã trở thành vị sammāsambuddha, và ngay cả 25 thế kỷ sau sāsana của Ngài, lời dạy của Ngài, Dhamma này, phương pháp Vipassana này, vẫn còn tồn tại.

Manussa-bhāvo dullabho.

Thật hiếm để có được một kiếp người, quả là một kiếp sống giá trị. Tự nhiên đã ban tặng một khả năng kỳ diệu cho con người – để quan sát sự thật bên trong bản thân mình. Quý vị quan sát sự tương tác giữa thân và tâm; làm thế nào mà vì nguyên nhân này thì điều này xảy ra; làm thế nào mà nếu không có nguyên nhân này thì điều này sẽ không xảy ra. Dhamma trở nên rất rõ ràng đối với con người nhờ khả năng quan sát thực tại bên trong bản thân một cách khách quan.

Người ta nói rằng thật may mắn nếu ai đó được chết ở kiếp người và được sinh ra trên cõi trời. Nhưng Đức Phật nói rằng: ai mà ở cõi trời chết đi và được sinh ra làm kiếp người, đó mới là thật sự là một điều may mắn.

Kiếp người là một kiếp sống tuyệt vời. Khả năng có thể nhìn vào bên trong của con người thật tuyệt vời. Đây là kiếp sống mà ta có thể quan sát được sự  thật như nó đang là, thoát khỏi cái thực tại quy ước bề ngoài và tiến về sự thật tối hậu. Thật may mắn, chúng ta giờ có được cơ may hiếm hoi này; chúng ta là con người.

Dullabhaṃ saddhammasavanaṃ.

Tuy nhiên, nếu một người không gặp được chân lý này, quy luật này, Dhamma này, nếu anh ta hay cô ta không có được ngay cả một cơ hội để nghe về Dhamma này,  người đó đã lãng phí kiếp người của mình . Người này có thể tiêu phí trọn đời mình như những chúng sinh khác – một con vật, một con chim hay một con bò sát. Chỉ lắng nghe được sự thật về Dhamma thôi, điều này tự bản thân nó cũng đã rất hiếm.

Dullabhā saddhā sampattiṃ.

Và ngay cả nếu như họ đã được nghe về Dhamma, lắng nghe những lời Dhamma, thì cũng lại rất hiếm để phát triển được sự tin tưởng, lòng thành kính và niềm tin vào Dhamma.

Pabbajita bhāvo dullabho.

Và ngay cả khi người đó có niềm tin vào Dhamma, thật khó để gác lại phía sau tất cả những trách nhiệm đa đoan của cuộc đời cư sĩ và sống như một vị tăng hay một vị ni.

Khi tất cả những điều hiếm hoi này đều đã đạt  được. Giờ đây, cái còn lại là – làm cho bản thân mình vững vàng trong Dhamma, mạnh mẽ trong Dhamma.

Handadāni, bhikkhave, āmantayāmi vo,

Ngay trước khi qua đời, Đức Phật gọi các đệ tử của Ngài đến, để nói những lời sau cùng.

Tất cả những lời của Ngài đều thật tuyệt vời. Nhưng những lời sau cùng giống như một di sản vô giá, một tặng phẩm vô giá từ Ngài:

Vaya-dhammā saṅkhārā, appamādena sampādetha.

Tất cả các saṅkhāra đều vaya-dhammā, anicca. Bất cứ cái gì được cấu thành rồi sẽ bị tan rã, bất cứ cái gì sinh ra chắc chắn đều sẽ bị diệt đi. Đây là chân lý, là sự thật, là quy luật, là tự nhiên, là Dhamma.

Hãy tiếp tục thấu hiểu thực tại này. Appamādena – hãy duy trì sự tỉnh giác, duy trì sự chú tâm.

Thật là một cơ may tuyệt vời khi được làm người, gặp được lời dạy của Đức Phật, được nghe chân lý tuyệt diệu về Dhamma; phát triển lòng thành kính trong Dhamma; và thực hành phương pháp Vipassana, sống cuộc đời của một vị tăng hay một vị ni.

Hãy tận dụng tất cả những điều này trong cuộc sống hàng ngày của quý vị. Dhamma không phải chỉ có 10 ngày, Dhamma không phải chỉ có 30 ngày mà thôi; Dhamma là cho trọn cuộc đời. Mỗi khoảnh khắc đều thật quý báu. Mỗi giây phút của một người hiểu về Dhamma, người mà nhận ra sự thật về Dhamma cho dù là một ít, người mà biết được cách thực hành Dhamma, đều trở nên vô cùng quý báu. Quý vị không thể để mất cơ hội này.

Hãy tận dụng nó vì sự tốt lành cho chính quý vị, vì lợi lạc cho chính quý vị, vì sự giải thoát cho chính quý vị và cũng vì sự tốt lành và lợi lạc cho rất nhiều người khác. Có quá nhiều khổ đau xung quanh. Không có cách nào khác hơn để thoát khỏi khổ đau.

Nguyện cho Dhamma được lan rộng, vì sự tốt lành cho nhiều người, vì hạnh phúc cho nhiều người, vì sự giải thoát cho nhiều người.

BHAVATU SABBA MAṄGALAṂ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *