Sứ Giả Của An Lạc Nội Tâm: Ngài Satya Narayan Goenka

Ngài S.N. Goenka Tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc Tại New York

Đó là buổi chiều của một ngày dài vào cuối tháng 8 năm 2000. Trong Hội trường của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York, các phái đoàn tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Thiên Niên kỉ về Hoà bình Thế giới đang trong tâm trạng mệt mỏi và có phần chán nản. Đây là lần tụ họp đầu tiên tại Liên Hiệp Quốc của các nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần đến từ khắp các nơi trên thế giới, và bầu không khí đã trở nên gay gắt.

Không thể tìm được một nền tảng chung, các đại biểu đã có sự chia rẽ mạnh mẽ trong quan điểm về vấn đề hoán chuyển tôn giáo. Một số phái đoàn chỉ trích kịch liệt việc hoán chuyển tôn giáo; một số khác – gồm các nhà lãnh đạo các tôn giáo lớn – lại bác bỏ quan điểm này. Trong nhiều năm qua, sảnh đường này vẫn là nơi xảy ra những cuộc tranh luận như thế của các chính trị gia; nhưng thật thất vọng khi thấy các nhà lãnh đạo tinh thần cũng không làm được gì khá hơn.

 

Vào cuối cuộc họp, một nhân vật ít nổi tiếng bước lên diễn đàn với sự trợ giúp của một phụ tá. Mái tóc bạc bóng bảy, Ông mặc một bộ quần áo Ấn Độ được cắt may gọn gàng. Một cách chu đáo, ông cúi chào mọi người và mỉm cười quan sát chung quanh. Rồi ông bắt đầu cất lời, chỉ trong vài giây, ông đã thu hút được sự chú ý của những đại biểu có mặt.

“Tôn giáo chỉ là tôn giáo khi nó đoàn kết”, Ông nói: “Tôn giáo không còn là tôn giáo khi nó chia rẽ con người. Mục đích của tôn giáo không phải là để chia rẽ mà là để đoàn kết con người.”

Những tràng pháo tay vang rộ để hướng ứng những lời này. Đây không phải cùng một luận điệu được lặp đi lặp lại trong ngày. Các đại biểu bắt đầu lắng nghe.

thiền sư s.n. goenka
Ngài Goenka tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Hòa Bình Thế Giới, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, New York, tháng 8 năm 2000 (hình ảnh do nhiếp ảnh gia Lyn Hughes chụp tại New York)

Diễn giả tiếp tục: “Đã có quá nhiều ý kiến tán thành hay phản đổi việc hoán chuyển. Tôi tán thành chứ không phản đối việc hoán chuyển. Nhưng không phải là sự hoán chuyển từ một tổ chức tôn giáo này sang một tổ chức tôn giáo khác – không phải vậy – đó phải là sự hoán chuyển đau khổ sang hạnh phúc. Hoán chuyển từ ràng buộc sang giải thoát. Hoán chuyển từ tàn ác sang tình thương. Đó là sự hoán chuyển cần thiết trong thời đại này.”

Gần như cứ sau mỗi câu là lại có một tràng vỗ tay vang dội lên. Vị diễn giả đã gây được thiện cảm với chủ đề của mình:

“Nếu tâm tôi đang bị vọng động vì giận giữ, ghét bỏ, ác ý, thù hận thì làm sao tôi có thể đem lại hòa bình cho thế giới?

Do đó các nhà hiền triết, thánh nhân, tiên tri trên thế giới đã nói, “Hãy biết chính mình”. Không chỉ ở mức độ lý trí, tình cảm hay đức tin, mà ở mức độ thực sự. Khi qui vị biết sự thật về chính bản thân ở mức độ chứng nghiệm, nhiều vấn đề sẽ được giải quyết. Quí vị bắt đầu hiểu được luật tự nhiên phổ quát, hay còn gọi là Thượng Đế, vốn được áp dụng cho từng người và mọi người.

Khi tôi quan sát bản thân và thấy mình đang tạo ra giận dữ, ác ý hay thù hận, tôi nhận ra rằng, tôi là nạn nhận đầu tiên của chính sự oán ghét và thù hận mà tôi đang tạo ra trong tâm. Rồi chỉ sau đó, tôi mới làm thương tổn đến người khác. Nếu tôi thoát khỏi những ô nhiễm này, Thượng Đế Toàn Năng bắt đầu tưởng thưởng tôi. Tôi cảm thấy rất an lạc.

Bất kể tôi cho mình là người theo Ấn giáo, hay Hồi giáo hay Thiên chúa giáo hay đạo Jain, điều ấy không có gì khác biệt cả. Tâm con người là tâm con người. Sự chuyển đổi phải từ tâm bất tịnh sang tâm thanh tịnh. Đây mới là sự chuyển đổi cần thiết – chứ không phải là bất cứ điều gì khác.”

Tiếng chuông rung lên, báo hiệu thời gian cho phần trình bày của diễn ra đã hết, nhưng Ông xin phép được thêm chút thời gian để truyền đạt thông điệp của của một người từng trị vì đất nước của ông. Trích dẫn và diễn giải, Ông nói:

“Cốt lõi của mọi tôn giáo đều đều là tình thương yêu, lòng từ bi và thiện ý. Vỏ bề ngoài của các tôn giáo tuy có khác nhau, nhưng ta hãy chú trọng đến cót lõi bên trong của chúng, và điều này sẽ giúp chấm dứt những cuộc tranh cãi. Đừng lên án bất cứ điều gì, thay vì đó – hãy chú trọng đến thực chất của mọi tôn giáo, khi đó sự an lạc và hòa hợp thực sự sẽ đến.”

Nhà trị vì được đề cấp đến là Asoka Đại Đế của Ấn Độ, người đã đưa ra thông điệp – lời kêu gọi dung hòa tôn giáo đầu tiên trên thế giới – hơn 2000 năm trước đây. Và sứ giả mang thông điệp này là người lúc nào cũng coi Vua Asoka là một vị anh hùng và đã dành trọn đời mình để truyền dạy con đường dẫn đến sự an lạc nội tâm: thiền sư Satya Narayan Goenka.

Thủa thiếu thời

Hành trình để truyền đạt thông điệp này của thiền sư Goenka bắt đầu từ năm 1924 tại cố đô của vương quốc Miến Điện. Gần 50 năm trước một vị vua vẫn trị vì nơi ấy, nhưng sau đó người Anh xâm chiếm miền nam Miến Điện. Sau thời này, một làn sóng người Ấn di cư sang đây. Trong số này có ông nội của ngài Goenka. Như những người mới tới, ông cũng muốn làm giàu. Nhưng ông là một người chính trực, lương thiện, thiên về vấn đề tâm linh; và mặc dù là một người theo Ấn giáo, ông nhanh chóng ngưỡng mộ người Miến Điện và các truyền thống của họ.

Ông truyền đạt sự ngưỡng mộ này sang cháu của mình. Thiền sư Goenka nhớ lại, khi ngài còn là một cậu bé, ông nội đã đưa ngài tới tháp Moha nổi tiếng ở Myat Muni thuộc ngoại ô Mandalay. Tại đó, ông ngồi nhắm mắt và chìm trong tĩnh lặng, trong khi đứa bé [tức ngài Goenka] kiên nhẫn chờ đợi, chăm chú quan sát và cảm nhận được bầu không khí an lành. Đối với đứa trẻ ấy, sự ngưỡng mộ đã trở thành lòng yêu mến sâu đậm đối với nơi chôn rau cắt rốn của mình. Tình yêu đó không bao giờ phai nhạt trong suốt cuộc đời Ngài.

Đứa bé lớn lên, tốt nghiệp hạng nhất bậc trung học. Mặc dù ý tưởng theo đuổi việc học rất hấp dẫn, nhưng vì bổn phận nên ngài đã tham gia vào việc kinh doanh ngành tơ sợi của gia đình. Rồi sau đó, thảm hoạ của thế chiến thứ hai đã thay đổi mọi thứ. Khi quân Nhật xâm lăng Miến Điện năm 1942, Ngài Goenka dẫn một đoàn đông người trong gia đình vượt núi rừng đến Ấn Độ một cách an toàn. Họ là những người may mắn trong lúc hằng ngàn người bỏ mạng trong cuộc hành trình.

Gia đình sống những năm chiến tranh ở Ấn Độ, nơi một người bạn giúp họ có một sự khởi đầu mới. Sau khi người Nhật bị đánh bại và rút lui, gia đình trở lại Miến Điện, và lúc Ngài Goenka trong độ tuổi hai mươi. Ngài nhanh chóng chứng tỏ khả năng kinh doanh thiên phú của mình và trở thành người lãnh đạo cộng người Ấn. Như Ngài thường nhắc lại, giàu sang và danh tiếng không đem lại an lạc cho Ngài. Thay vào đó, những căng thẳng tinh thần đã gây ra chứng đau nửa đầu kinh niên, chỉ có thể được điều trị bằng những liều morphine gây nghiện cao. Ngài đã đi khắp nơi để tham vấn các bác sĩ tài giỏi nhất ở Nhật, Âu Châu, Mỹ châu; nhưng không bác sĩ nào có thể chữa lành bệnh cho Ngài.

Tiếp xúc với Vipassana

Thiền sư U Ba Khin tại Trung tâm Thiền Quốc tế, Yangon, những năm 60

Sau đó, một người bạn khuyên Ngài tới Trung Tâm Thiền Quốc Tế ở phía bắc Yangon do Ngài Sayagyi U Ba Khin thành lập trước đó vài năm. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo, Ngài U Ba Khin đã vượt trội và trở thành một viên chức cao cấp trong chính phủ Miến Điện; nổi tiếng về sự liêm khiết và khả năng làm việc hữu hiệu của mình. Ngài cũng chính là một thiền sư cư sĩ Vipassana, một phương pháp tự quan sát nội tâm được lưu truyền qua nhiều thế hệ, từ thời cổ xử, bởi một nhóm các vị tăng người Miến Điện.

Nghe theo lời khuyên của người bạn, ngài tới thăm trung tâm để tìm hiểu những gì được truyền dạy ở đây. Khi người đàn ông trẻ bước vào, thiền sư U Ba Khin đã nhận ra đây là người sẽ giúp ngài hoàn tất sứ mệnh của một thiền sư Vipassana.

Tuy thế, ban đầu Sayagyi đã từ chối không cho Ngài Goenka tham dự khóa thiền 10 ngày. Ngài Goenka thẳng thắn nói rằng ngài đang tìm một phương pháp để trị căn bệnh nhức đầu kinh niên của mình. “Nếu tới học chỉ với mục đích chữa bệnh về thể xác, ông đã hạ thấp giá trị của phương pháp,” Ngài U Ba Khin nói, “Hãy tới học để giải thoát khỏi sự căng thẳng và đau khổ trong tâm, những lợi ích về thể chất sẽ tự động đến.”

Ngài Goenka đồng ý. Sau một vài tháng do dự, Ngài tới tham dự khóa thiền đầu tiên vào năm 1955. Mặc dù Ngài đã muốn bỏ chạy vào ngày thứ hai, Ngài kiên trì và tìm thấy những lợi lạc mà Ngài không bao giờ có thể mơ tới. Suốt phần đời còn lại, Ngài bày tỏ lòng cảm kích sâu sắc đối với Ngài U Ba Khin trong những bài tụng buổi sáng,

Trong những năm sau đó, Ngài thường xuyên trở lại Trung Tâm Thiền Quốc Tế và mang theo cả những người trong gia đình và bạn bè. Song song việc thực hành thiền, Ngài vẫn tiếp tục việc kinh doanh. Nhưng trong năm 1963, một khúc ngoặt xảy ra khi chính phủ quân phiệt, mới thành lập không lâu, ra lệnh quốc hữu hóa tài sản trong nước. Trong chớp mắt Ngài mất hết cơ nghiệp và tài sản. Tên Ngài cũng nằm trong danh sách những nhà tư bản sẽ bị hành quyết. Ngài chấp nhận tình huống một cách vui vẻ và khuyến khích những nhân viên cũ làm việc tích cực vì lợi ích của đất nước mình. Ngài làm câu thơ sau đây:

Nếu đó là ý trời… nguyện cho thân xác tôi được hòa nhập với cát bụi trên mảnh đất thiêng liêng này. Nếu trời cho tôi được sống lâu hơn, nguyện cho hơi thở của tôi hòa nhập cùng lòng cảm kích đối với quê nhà. – (trích một đoạn từ nguyên bản bằng tiếng Rajasthani.)

Những năm vàng son

thiền sư s.n. goenka
Thiền sư Goenka đảnh lễ thầy U Ba Khin trong thiền thất của Trung tâm Thiền Quốc tế, những năm 60

Vào phút chót, sự đe dọa đến tính mạng được bãi bỏ và Ngài bước vào thời kỳ mà sau này Ngài gọi là thời kỳ vàng son.

Không còn bận rộn với việc kinh doanh, càng ngày Ngài càng gần gũi với Thầy mình hơn, thấm nhuần trong Dhamma, giáo huấn về con đường giải thoát. Riêng đối với Ngài, Ngài không mong muốn gì hơn điều này. Tuy nhiên, thiền sư U Ba Khin có một dự tính khác. Ngài nhớ lại lời tiên tri cổ xưa rằng 2.500 năm sau thời của Đức Phật, Giáo huấn sẽ từ Miến Điện trở về Ấn Độ, nơi nó ra đời, và từ đó lan truyền khắp thế giới.

Nguyện vọng thầm kín của Ngài U Ba Khin là thực thi lời tiên tri này, bằng cách tái lập phương pháp thiền Vipassana – cốt lõi trong giáo huấn của Đức Phật – tại Ấn Độ. Điều không may là trong thời kỳ 1960, chính phủ Miến Điện thường không cho người Miến Điện xuất ngoại. Nhưng vì Ngài Goenka thuộc giòng dõi Ấn Độ nên Ngài có thể được phép.

Cơ hội đến vào năm 1969. Cha mẹ Ngài đã trở về Ấn trước đó vài năm, và mẹ Ngài lâm bệnh. Chính phủ đã sẵn sàng cấp hộ chiếu chỉ có giá trị đi Ấn Độ cho Ngài.

Trước khi khởi hành, thiền sư U Ba Khin chính thức bổ nhiệm Ngài làm thiền sư Vipassana. Trong hai khóa thiền cho cộng đồng người Ấn ở Miến Điện, Ngài hướng dẫn khóa thiền với Thầy mình ngồi bên cạnh. Địa điểm được chọn là để Ngài làm quen với hoàn cảnh sẽ gặp ở Ấn Độ. Khóa đầu được tổ chức trên nóc một căn nhà tại trung tâm thành phố Mandalay, nằm giữa hai rạp chiếu phim, nơi tiếng nhạc phim được mở với âm lượng lớn. Chỗ ngủ là những căn chòi tạm được ngăn bằng mành tre. Nhưng những điều này không làm cho thiền sinh bận tâm, và Ngài may mắn được một vị đại thiền sư đào tạo tại chỗ.

Ngồi kế bên thiền sư U Ba Khin, Ngài Goenka giảng những bài pháp thoại sau này trở thành quen thuộc. Vì người tham dự là người Ấn nên Ngài giảng bằng tiếng Ấn. Sayagyi hiểu tiếng Ấn mặc dù nói không được thông thạo; Ngài thường nghiêng qua nói nhỏ với Ngài Gienka, “Bây giờ kể cho họ về một số môn đệ của Đức Phật! Hãy kể cho họ nghe về Bà Mẹ Visaka! Kể cho họ nghe về Aṅgulīmālā!” Và Ngài Goenka ngưng những gì đang giảng và chuyển sang nói những gì thầy dặn. Sau này Ngài cho biết, đối với Ngài, giảng pháp thoại giản dị như mở một vòi nước; không một chút khó khăn, lời nói tự động tuôn trào.

Trở về ấn độ

Tháng sáu năm 1969, Ngài Goenka lên máy bay ở Yangon để đi Kolkata, Ấn Độ. Trước khi lên đường, thiền sư U Ba Khin nói với Ngài, “Con không phải là người đang đi – chính ta đang đi, Dhamma đang đi!” Bản thân Ngài U Ba Khin không thể rời Miến Điện, nhưng Ngài gởi học trò của mình làm người đại diện, làm Dhamma-dūta, theo tiếng Pali nghãi là “sứ giả Dhamma”.

Ngài Goenka ý thức rất rõ đây là giây phút lịch sử. Tuy nhiên trong thâm tâm, Ngài vẫn nghĩ là Ngài chỉ ở Ấn Độ một thời gian ngắn và sẽ sớm trở về đoàn tụ với vị thầy kính mến và quê hương yêu dấu. Trên thực tế, hơn hai thập niên sau Ngài mới trở lại Miến Điện.

Ngài đến một xứ sở, nơi có rất ít người biết Ngài và giáo huấn của Đức Phật không được coi trọng. Ngay như chữ “Vipassana” cũng đã bị quên lãng. Nhưng với sự hỗ trợ của gia đình, Ngài đã sớm tổ chức được khóa 10 ngày đầu tiên ở Munbai. Trong số những người tham dự gồm có cha mẹ Ngài vài một người khác, trong đó có cả một phụ nữ người Pháp. Vào ngày cuối khóa, bà này mời Ngài sang Pháp; Ngài đã nói bà hãy đưa ra lời mời sau 10 năm nữa.

Sau khóa đầu tiên là một khóa nữa, rồi khóa nữa, và như vậy Bánh Xe Dhamma bắt đầu chuyển động tại nơi nó khởi nguồn. Việc trở lại Miến Điện Điến phải trì hoãn lại; nhiều người đang nôn nóng được học Dhamma, và sứ giả Dhamma không thể từ chối. Ngài Goenka đi khắp Ấn Độ, thông thường trong toa xe lửa hạng ba đông đúc. Ngài không có thiền sinh cũ trợ giúp; trái lại, trong khóa thiền Ngài chính là người sắp xếp chỗ ngủ cho thiền sinh, và trong bữa ăn Ngài ăn chung với thiền sinh hay phân phối thức ăn. Thông thường một căn lều được dùng làm thiền đường. Một buổi tối ở Rajgir, cơn giông giật sập căn lều. Nhưng sáng sớm hôm sau, Ngài đã ngồi trên ghế, tụng niệm để khích lệ thiền sinh.

Điều kiện ngày ấy thường khó khăn. Ngài có ít tiền và ít sự hỗ trợ, Ngài chỉ có một mình vì vợ Ngài, bà Ilaichi (được thiền sinh gọi là Mataji) phải ở lại Miến Điện trong thời gian đầu. Tuy vậy sự tươi vui vẫn tỏa ra từ Ngài – sự tươi vui của một người đang làm những gì bẩm sinh để làm.

Trong những năm đầu, ngài giảng dạy bằng tiếng Ấn. Ngài biết tiếng Anh nhưng chủ yếu chỉ sử dụng trong các hạn giao dịch thương mại, và ngài nghĩ rằng khả năng tiếng Anh của mình không đủ để dạy thiền Vipassana. Nhưng khi danh tiếng của ngài lan rộng, ngày càng có nhiều người nước ngoài muốn học thiền từ ngài. Vào cuối những năm 60, đầu những năm 70, đã có rất nhiều người phương Tây tới Ấn Độ để tìm kiếm một thứ gì đó mà bản thân họ cũng chưa thể xác định được. Một số người trong số đó đã thuyết phục thiền sư Goenka cho họ được tham dự khoá thiền, nhưng ngài đã từ chối vì rào cản ngôn ngữ. Không nản lòng, các thiền sinh đó đã gửi thư tới ngài U Ba Khin tại Miến Điện. Sau đó một thời gian ngắn đã có một lá thư đến từ Miến Điện, yêu cầu thiền sư Goenka giảng dạy các khoá thiền bằng tiếng Anh. Như mọi lần, ngài luôn thuận theo ý muốn của thầy mình.

Khóa thiền đầu tiên bằng tiếng Anh được tổ chức vào tháng 10 năm 1970 tại Dalhousie, một khu nghỉ dưỡng đồi núi ở Hy Mã Lạp Sơn. Sau đó ở Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật giác ngộ, một số người phương tây trẻ tuổi đã tới học với Ngài. Một số trần trụi, tóc dài bù xù, bắt chước những tu sĩ lang thang; một số khác ăn mặc như sắp đi tắm biển. Đa số đều để râu rậm rạp. Phần lớn phụ nữ đều để đầu bù tóc rối, dài tới lưng – không chải bới gọn ghẽ như phụ nữ Ấn Độ. Đối với Ngài, vóc dáng luộm thuộm của họ không làm Ngài bận tâm; Ngài chia sẻ kho báu Dhamma cho tất cả những người đến với Ngài. Một số người tham dự một khóa 10 ngày và rồi không bao giờ quay trở lại. Một số khác đi theo Ngài khắp Ấn Độ hết khóa này sang khóa khác. Trong số này có những người nổi tiếng trong các truyền thống khác. Cũng trong số này, có người bây giờ trở thành những thiền sư trụ cột do Ngài bổ nhiệm.

Ngày cuối một khoá thiền tại Chennai, Nam Ấn Độ, 1973

Chẳng bao lâu, trong tiệm cà phê, tiệm ăn dành cho du khác tây phương đều dán những thông báo về khóa thiền Vipassana. Đôi khi người ta còn gọi ngài là vị “Đạo Sư hay hát” vì giọng tụng đặc sắc và đầy ắp giai điệu của ngài. Ngài thường tụng những câu kệ cổ xưa về giáo huấn của Đức Phật và những bài do chính Ngài sáng tác bằng tiếng Ấn và tiếng Rajasthani. Trong sự tĩnh lặng của thiền đường vào buổi sáng sớm lạnh giá, hay vào buổi tối muộn, giọng tụng của ngài làm rung động bầu không khí, thoa dịu, dìu dắt, khích lệ.

Lúc bắt đầu khóa thiền, Ngài đi vào, yên lặng chờ thiền sinh ngồi vào chỗ, sửa soạn tọa cụ rồi ngồi yên. Rồi Ngài bắt đầu nói, và ngay lập tức căn phòng thuê mướn tồi tàn hoặc túp lều tuềnh toàng được chuyện hóa thành một nơi vượt thời gian, nơi mọi người chìm trong hành trình khám phá sự thật về nội tâm đầy ngạc nhiên. Ngài giảng mọi thứ trực tiếp – tụng, hướng dẫn cách thực tập trong ngày, và pháp thoại vào buổi tối. Dhamma từ Ngài tuôn trào ra.

Chương trình hằng ngày chấm dứt vào lúc 9 giờ tối. Sau một ngày dài bắt đầu từ sáng sớm, thiền sinh đều mệt mỏi. Nhưng hầu hết đều ở lại thiền đường, họ không muốn bỏ lỡ giờ tham vấn buổi tối. Thiền sinh sắp hàng hay ngồi xung quanh Ngài. Một số hỏi, rõ ràng là muốn thách đố hay tranh cãi với Ngài. Một số khác thực sự bối rối hay dao động. Một số muốn được xác nhận quan điểm của họ là đúng. Một số khác cố chứng tỏ là Ngài sai. Với từng trường hợp, ngài đều ứng xử vui vẻ, dịu dàng, thường cười thành tiếng. Cuối cùng, thiền sinh thường cười lớn cùng với Ngài. Họ có thể không nhớ những lời Ngài nói, nhưng tất cả đều cảm thấy họ đã nhận được câu trả lời mà họ đang cần.

Vào cuối khóa, Ngài giảng pháp thoại và thiền chung với thiền sinh một lúc. Sau đó Ngài rời thiền đường, vừa đi vừa tụng bằng tiếng Ấn Độ, “Saba kā mangala – nguyện cho mọi chúng sinh được hạnh phúc, Nguyện cho mọi chúng sinh được hạnh phúc,” tiếng tụng mỗi lúc một nhỏ dần cho tới khi mất hẳn. Thiền giả trở về những căn phòng tồi tàn nơi nào đó trong một thành phố tại Ấn Độ, với tiếng rao hàng inh ỏi lên bên ngoài, tiếng chó sủa, gặp gỡ bạn bè hoặc người thân yêu, đọc thư từ, bắt xe lửa, các kế hoạch cần thực hiện. Nhưng đối với nhiều người, có cái gì đó đã thay đổi. Cuộc đời của họ sẽ không bao giờ còn như xưa nữa.

Đây là sự trả ơn duy nhất

thiền sư s.n. goenka

Ngài thường xuyên báo cáo cho thầy mình, và Ngài U Ba Khin rất hài lòng với những bức thư của Ngài Goenka. Trong một khóa có 37 thiền sinh và Ngài U Ba Khin vui mừng: “37 người cho 37 yếu tố giác ngộ!” Ngài đề cập tới một đề mục trong kinh điển Pali cổ xưa. Ngài còn hài lòng hơn nữa khi được báo rằng Ngài Goenka hướng một khóa thiền cho 100 thiền sinh. Ít người ngờ được rằng, một ngày nào đó, đây được coi là một khóa thiền nhỏ.

Khi Ngài Goenka đang hướng dẫn một khóa thiền tại thiền viện Miến Điện ở Bồ Đề Đạo Tràng vào tháng 1 năm 1971, Ngài nhận được điện tín báo tin Ngài U Ba Khin đã qua đời. “Ánh sáng đã tắt.” Ngài nói với thiền sinh. Ngài cảm thấy mất mát rất lớn. Nhưng chẳng bao lâu Ngài nhận ra mình ý thức được sự hiện diện của thầy mình rõ rệt hơn bao giờ hết. Dường như cuối cùng thầy U Ba Khin đã đoàn tụ với Ngài ở Ấn Độ.

Bây giờ có thể làm gì khác, ngoài việc tiếp tục? Thầy Ngài đã giúp Ngài trong lúc hầu như không có cách nào để thoát khỏi khổ đau. Ngài U Ba Khin đã ưu ái dạy Ngài Vipassana và chỉ dạy Ngài cách hướng dẫn một khóa thiền. Ngài đã bổ nhiệm Ngài Goenka làm thiền sư, giao cho Ngài một sứ mệnh và gửi Ngài lên đường. Ngài Goenka đã tiếp tục sứ mệnh cho tới hơi thở cuối cùng. Mọi ngày trong khóa thiền, Ngài tuyên bố trong bài tụng buổi sáng:

Lòng cảm kích trào ra từ mọi lỗ chân lông,
Con không bao giờ có thể đền đáp được ơn này,
Sống một cuộc sống Dhamma,
Phục vụ người đang đau khổ,
Chia sẻ hạnh phúc Dhamma với mọi chúng sinh –
Đây là cách đền đáp duy nhất.

Và đó là những gì Ngài đã làm. Từ vùng cực nam Ấn Độ tới dãy Hy Mã Lạp Sơn, từ những sa mạc miền tây Gurajat tới vùng đồi núi Bengal, Ngài tiếp tục dấn bước. Phong cảnh thay đổi, con người đổi khác, chính Ngài cũng sẽ thay đổi và già yếu đi, nhưng cuộc hành trình cứ tiếp diễn.

Ngọn đồi Dhamma

Trong những năm đầu tiên đó, các khóa thiền được tổ chức ở những nơi tạm bợ – đền thờ, tu viện, nhà thờ, trường học, nhà vãng lai, nhà trọ, viện điều dưỡng, bất cứ nơi nào rẻ tiền. Những nơi ấy đều có thể tổ chức khoá thiền nhưng mỗi nơi đều có những khuyết điểm, và vấn đề là luôn luôn phải sửa soạn và tháo gỡ sau khóa thiền. Do đó công cuộc tìm kiếm một địa điểm chỉ dành riêng cho Vipassana – nơi các khoá sẽ được tổ chức quanh năm – đã bắt đầu.

Đó là tại sao cuối năm 1973, tại thành phố Igatpuri, một chủ tiệm tạp hóa và một công chức trẻ tuổi chặn xe của Ngài trên đường về nhà ở Mumbai sau một khóa thiền ở Deolali. Họ đã tìm thấy vài địa điểm thích hợp ở ngoại ô và năn nỉ Ngài dừng lại để đi xem. Ngài lưỡng lự đồng ý vì chân Ngài đang bó bột vì mới bị rạn và Ngài không muốn về nhà trễ.

 

Hai địa điểm đầu rõ ràng là không thích hợp, nhưng còn một chỗ nữa cần phải xem. Xe quẹo vào một con đường lồi lõm, bỏ phế lâu ngày. Con đường dẫn lên một đỉnh đồi với nhiều cây xoài to lớn. Dưới bóng cây là những căn nhà xây dựng từ thời thuộc địa Anh. Một số căn trong tình trạng tồi tàn, và có những con dê chạy ra chạy vào. Đằng sau là một dẫy núi sừng sững.

Ngài Goenka nhắm mắt một lúc. Rồi Ngài nói, “Được, đây là chỗ thích hợp!” Ngay lập tức, người thương gia đi cùng với Ngài tình nguyện mua mảnh đất. Đây là sự khởi đầu của trung tâm được biết đến bằng tên Dhamma Giri – Ngọn đồi Dhamma.

Ngài Goenka và Mataji tham gia giúp đặt viên đá nền móng cho khu tháp tại trung tâm Dhamma Giri vào năm 1976.

Trung tâm bắt đầu rất khiêm nhường, với một vài thiền sinh, chủ yếu là những người tây phương lưu trú ở đây. Họ viết thư hỏi Ngài Goenka xem phải làm gì. Ngài trả lời, “Hành thiền, hành thiền, hành thiền. Hãy gột rửa bản thân, gột rửa trung tâm.” Họ bắt đầu chùi rửa với chổi chà và nước múc dưới giếng. Một khi đã có chỗ, họ dành sáu tới tám tiếng một ngày để hành thiền. Chẳng bao lâu, nhiều người tới và việc xây dựng bắt đầu. Dhama Giri chính thức mở cửa vào tháng 10 năm 1976.

Đó là giây phút hào hứng nhưng cũng đầy thử thách. Như thường xảy ra, tiền chi ra nhiều hơn thu vào. Ban điều hành thiếu nợ nhà thầu mà không có tiền trả. Ví dụ, không đủ kinh phí cho việc xây cất chỗ ở mới cho thiền sư. Khi Ngài Goenka biết được, Ngài từ chối không ở đó.

Thay vì thế, Ngài và bà Mataji, tức vợ Ngài, tới ở trong một phòng thuộc khu kí túc, mặc dù không có bơm nước. Chỗ tắm được quay bằng mành tre và hai người dùng nhà vệ sinh công cộng như mọi người khác. Đây là những gì hai người trải qua trong nửa năm đầu tiên, khi Dhamma Giri hoạt động, cho tới khi ban điều hành trả hết nợ.

The original pagoda at Dhamma Giri, shortly after its completion in 1979

Sau cùng, trung tâm đã có thêm các nguồn tài chính và nhiều phòng ốc được xây cất và việc xây dựng một ngôi tháp, giống như tháp tại trung tâm của Ngài U Ba Khin ở Yangon đã được bắt đầu. Một nhóm tình nguyện người tây phương làm việc cùng với những người thợ Ấn Độ; một vị sư trụ trì chùa Miến Điện ở Bồ Đề Đạo Tràng tới giúp để làm hoa văn trang trí. Đầu năm 1979, tháp chính thức mở cửa. Tham dự trong dịp này là Sayama Daw Mya Thwin (người giúp Ngài U Ba Khin ở trung tâm thiền) và chồng bà là U Chit Tin (cấp dưới của ngài Sayagyi trong cơ quan chính phủ”.

Sau đó chẳng bao lâu, có một sự kiện đột xuất, Ngài Goenka lên máy bay để dạy một khóa thiền đầu tiên ở tây phương. Người phụ nữ đã mời Ngài trước đây 10 năm vẫn ghi nhớ những gì Ngài nói. Giờ đây bà lại liên lạc với Ngài, lần này có thêm thư mời của Hiệp Hội Thiền Sư Yoga Pháp.

Từ Ấn Độ đến với thế giới

Ngài Goenka cảm thấy thời gian đã chín muồi. Lời tiên tri cổ xưa – Dhamma sẽ từ Miến Điện trở về Ấn Độ – đã được thực hiện. Nhưng lời tiên tri còn nói, Dhamma sẽ từ Ấn Độ lan truyền khắp thế giới. Vẫn còn việc phải làm để hoàn thành sứ mệnh ấy.

Ngày cuối cùng trong khoá thiền đầu tiên tổ chức tại phương Tây, tháng 7 năm 1979, Gaillon, Pháp

Trước khi bắt đầu sứ mệnh, điều cần thiết là Ngài phải có thể đi tới các nước khác. Hộ chiếu Miến Điện cúa Ngài chỉ có giá trị đối với Ấn Độ. Ngài đã thử dùng hộ chiếu này để xin visa tới các nước khác nhưng không được chấp thuận. Một cách lưỡng lự, Ngài nhận ra mình cần phải thay đổi quốc tịch và xin hộ chiếu Ấn Độ. Lại thêm một giây nối với xứ sở mà Ngài coi là quê hương bị cắt đứt. Nhưng vì là một sứ giả Dhamma, Ngài bắt buộc phải làm.

Ngài rất ngạc nhiên khi thấy việc trở thành công dân và xin hộ chiếu Ấn Độ cũng không dễ dàng lắm. Nghe đồn là cảnh sát chìm tới Dhamma Giri để điều tra Ngài làm gì ở đó. Chậm trễ xảy ra ở khắp mọi nơi. Rồi vào lúc chót, những trở ngại được giải tỏa, Ngài Goenka và Mataji lên máy bay đi Paris. Thời điểm đó cách ngày Ngài rời Miến Điện đến Ấn Độ gần 10 năm.

 

Năm đó Ngài dạy hai khóa ở Paris, tiếp theo là một khóa ở Canada và hai khóa ở Anh. Rất nhiều thiền sinh cũ và những người chưa bao giờ học Vipassana tới gặp Ngài. Mùa đông năm sau, một số người này tới học ở Dhamma Giri. Đây là khuôn mẫu cho hai thập niên tới. Trong thời gian đó, hằng năm Ngài thường xuyên đi ra nước ngoài. Không những Ngài chỉ viếng thăm Âu Châu, Bắc Mỹ mà còn tới những nước khác như Nhật, Úc, Tân Tây Lan, Tích Lan và Thái Lan … và cuối cùng là Miến Điện vào năm 1990 – đây là chuyến về thăm quê nhà đầu tiên. Tại những nơi này và nhiều nơi khác, nhiều trung tâm nhanh chóng mọc lên nhằm tạo cơ hội cho việc học và thực hành thiền Vipassana do Ngài Goenka giảng dạy.

Trọng tâm mới

Ngài Goenka đã có một bước đại nhảy vọt trong sứ mệnh của mình, nhưng bây giờ Ngài lại phải đối diện với trở ngại mới: làm sao để phục vụ một số lượng lớn người đang muốn học Vipassana? Ngài dạy một mình, và ngay trong một khóa thiền đông người, ngài cũng chỉ có thể trực tiếp hỗ trợ một số lượng thiền sinh hạn chế.

Ngài Goenka giảng tại Dhamma Kuta tại Sri Lanka, trong lần đầu thăm trung tâm này vào năm 1994.

Chỉ có một giải pháp duy nhất. Bắt đầu cuối năm 1981, Ngài bắt đầu huấn luyện và bổ nhiệm thiền sư phụ tá để đại diện Ngài dạy thiền, dùng băng ghi âm các bài giảng và phần hướng dẫn của Ngài. Khóa 10 ngày đầu tiên do thiền sư phụ tá hướng dẫn được tổ chức tại khu nhà cho khách hành hương của chùa Miến Điện ở Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Ngài đã ở lại nhiều lần. Chỉ trong vòng vài tháng, những khóa thiền được tổ chức khắp thế giới.

Ngày nay có hằng trăm thiền sư phụ tá hằng năm hướng dẫn khoảng 2.500 khóa thiền cho 150.000 thiền sinh, tại hơn 150 trung tâm chính thức cũng như các địa điểm tạm thời. Bắt đầu năm 1994, Ngài Goenka khởi sự bổ nhiệm những thiền sư phụ tá kỳ cựu làm thiền sư; có hơn 300 thiền sư trên khắp thới giới, tham gia hướng dẫn cho các khoá thiền và trung tâm tại nơi họ phụ trách.

Chương trình thiền sư phụ tá đã giúp Ngài Goenka có thể tập trung vào những dự án lớn khác. Ngài dành nhiều thì giờ hơn cho việc diễn thuyết và xuất hiện tại nhiều sự kiện, trong đó có Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới năm 2000 tại Davo, Thụy sĩ. Ngài thành lập Viện Nghiên Cứu Vipassana, nơi phát hành miễn phí Tam Tạng Kinh Điển tiếng Pali – kinh điển kỳ cựu nhất ghi lại giáo huấn của Đức Phật – bằng ngôn ngữ của nhiều nước. Ngài giám sát chương trình thiền Vipassana cho tù nhân ở nhà tù Tihar tại New Delhi và tại những nhà giam khác; chính Ngài hướng dẫn “Khóa thiền Ngàn Người” tại nhà tù Tihar vào tháng tư năm 1994. Ngài khởi sự chương trình khóa thiền cho trẻ em.

Ngài viết rất nhiều về Vipassana và giáo huấn của Đức Phật. Ngài cũng là người đã khơi nguồn cảm hứng cho việc xây dựng Tháp Vipassana Toàn Cầu (Global Vipassana Pagoda) ở ngoại ô thành phố Mumbai. Đây là phiên bản nhỏ hơn của Tháp Shwedagon tại Yangon, được xây dựng với mục đích thu hút nhiều người tìm hiểu về giáo huấn của Đức Phật. Tháp này là biểu tượng cho lòng biết ơn sâu sắc đối với Miến Điện và Ngài Sayagyi U Ba Khin, người đã mang món quà Vipassana sang Ấn Độ.

Thời gian trôi qua, Ngài nhận được nhiều vinh dự và ban khen . Ngài nhận được tước vị “Đại dương Trí tuệ”, “Người Dâng Cao Ngọn Đuốc Dhamma”, “Nhà Thông Thái Vĩ Đại”, “Đại Thiền Sư Cư Sĩ Vipassana” và nhiều tước vị khác nữa… Chính phủ Miến Điện và Sri Lanka mời Ngài làm quốc khách, và năm 2012 chính phủ Ấn ban cho Ngài tước vị Padma Bhushan (“Bông sen Quí báu”), một trong những giải thưởng công dân cao quí nhất. Ngài nhấn mạnh, tất cả những vinh dự ấy thực chất là sự vinh danh Dhamma.

Những năm cuối cuộc đời

Vào những năm cuối cuộc đời, sức khỏe của Ngài suy yếu. Ngài phải ngồi xe lăn; giọng nói trầm ấm, lôi cuốn trở nên yếu đi, Ngài không thể nói lâu. Nhưng ngay cả khi Ngài cảm thấy bị chi phối vì bệnh tật và tuổi già, Ngài không bao giờ bỏ rơi sứ mệnh. Ngài cố gắng hết mình để giảng dạy Dhamma và khuyến khích người khác thực tập.

Khi danh tiếng của ngài ngày một lan rộng, sự kính trọng mà người ta dành cho ngài cũng lớn dần, và một số người đối xử với Ngài như một vị đạo sư (Guru) Ấn Độ truyền thống – một vai trò Ngài luôn luôn phủ nhận.

Khi Ngài xuất hiện ở Tháp Toàn Cầu, đông đảo người vây quanh, làm như Ngài có thể ban cho họ phép màu. Những hành vi này khiến Ngài hết sức thất vọng bởi vì nó không có gì liên quan đến công việc một sứ giả Dhamma. “Tôi chỉ là một người bình thường,” Ngài nói sau khi buổi diễn thuyết ở New York vào năm 2002. Tại Ấn Độ, bất cứ đạo sư nào cũng có thể được gọi là “Guruji” và một vài thiền sinh ưu ái dùng tên này đối với Ngài. Nhưng nếu Ngài phải dùng tước vị, Ngài thích tước vị Pali truyền thống Kalyana-mitta – có nghĩa là “bạn hữu cho hạnh phúc của người khác.”

Ngài không thể ngăn cấm thiền sinh chụp ảnh Ngài, nhưng Ngài đùa cợt khi họ nhắm máy. Ngài nói “Cái gì thế này, không phải là con đã có đủ hình của Thầy rồi sao?” Ngoài việc đùa cợt như vậy, Ngài không cho phép hình của Ngài được treo trong thiền đường hay bất cứ nơi nào tại các trung tâm Vipassana.

Khi được hỏi, Ngài đã giải thoát chưa, Ngài trả lời, “Nếu chỉ nói về số lượng giận dữ, oán ghét, ác ý mà tôi đã gột rửa được, thì tôi đã giải thoát.” Ngài không bao giờ nói là đã đạt tới một giai đoạn đặc biệt nào; nhiều lắm là Ngài nói Ngài đã bước trên con đường vài bước xa hơn những người tới học với Ngài.

Thiền Sư Goenka

Sau khóa học nhiều người cám ơn Ngài. Câu trả lời của Ngài lúc nào cũng giống nhau: “Hãy cám ơn Dhamma! Và cũng cám ơn chính mình vì đã tu tập tích cực.”

Trong năm 2010, Ngài nói, “thiền sư U Ba Khin quan trọng hơn là sứ giả Dhamma. Người ta đã quên tên của những sứ giả Dhamma mà Vua Asoka trước đây đã gởi đi, để đem Dhammma tới những nước xung quanh Ấn độ. Do đó ngày nay, trong chu kỳ mới của giáo huấn của Đức Phật, ta phải nhớ đến thiền sư U Ba Khin.” Ngài không quan tâm là người ta có nhớ đến Ngài hay không.

Tuy nhiên, đối với những người biết Ngài, Ngài Goenka vẫn là người mà họ không thể quên được.

Cách đây đã lâu, thiền sư U Ba Khin nói, “Đồng hồ Vipassana đã điểm.” Đối với nhiều người trên thế giới, Ngài Sataya Narayan Goenka là người đã mang thông điệp đó. Đối với họ, Ngài là hiện thân sống động của Dhamma – của trí tuệ, khiêm nhượng, từ bi, vị tha và bình tâm. Ngài thường nói về sự ngọt ngào của Dhamma. Sự ngọt ngào của chính Ngài sẽ tồn tại dài lâu, cũng như giọng tụng của Ngài khi rời thiền đường, “Nguyện cho mọi chúng sinh được hạnh phúc … hạnh phúc … hạnh phúc.”

Thiền sư Goenka tụng kinh, đi bên cạnh là bà Mataji, tại trung tâm Dhamma Dhara, Hoa Kì, giữa những năm 1980

Ngài Goenka trút hơi thở cuối cùng một cách thanh thản vào tối chủ nhật ngày 29 tháng 9 năm 2013, tại tư gia ở Mumbai, Ấn độ. Ngài thọ được 90 tuổi và đã phục vụ nửa đời người với cương vị của một thiền sư Vipassana. Sau khi hỏa táng ở Mumbai, tro của Ngài được mang về Miến Điện và rải xuống sông Irrawaddy, vĩnh viễn đoàn tụ Ngài với quê hương yêu dấu.

* Bài này do Bill Hart viết. Ông là một trong những thiền sư được Ngài Goenka bổ nhiệm và là tác giả cuốn Nghệ Thuật Sống – Thiền Vipassana. Tài liệu được trích từ những bài viết và diễn văn của Ngài Goenka, đàm luận riêng với Ngài và hồi ký của những người đã học thiền với Ngài trong những năm đầu.

Quý vị có những ký ức, hình ảnh, bản ghi âm liên quan tới ngài Goenka mà quý vị sẵn sàng chia sẻ? Nếu có, vui lòng liên hệ với ban phụ trách Bản tin Vipassana Thế giới tại editor@news.dhamma.org


 

Năm 2012, Ngài Goenka chỉ định những thiền sư quản lý trung tâm là những người kế vị. Thiền sư ở mỗi vùng sẽ làm việc với nhau trên cơ sở bình đẳng, hợp tác với những thiền sư ở khu vực khác. Những khóa thiền Vipassana sẽ tiếp tục y hệt như trước đây, và bánh xe Dhamma sẽ không ngừng luân chuyển vì lợi ích và hạnh phúc của nhiều người.

* Nguồn Dhamma.org

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *