TẠNG KINH
KINH TĂNG CHI BỘ ANGUTTARA NIKAYA
CHƯƠNG HAI PHÁP
PHẨM HÌNH PHẠT
1-10 Hai Loại Tội
1.- Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Thắng lâm, khu vườn ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: – Này các Tỷ-kheo. – Bạch Thế Tôn. Các tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế tôn nói như sau:
– Có hai loại tội này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là hai? Tội có kết quả ngay trong hiện tại, và tội có kết quả trong đời sau. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tội có kết quả ngay trong hiện tại? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thấy vua chúa bắt được người ăn trộm, kẻ vô loại, liền áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi, họ đánh bằng gậy, họ đánh bằng côn, họ chặt tay, họ chặt chân, họ chặt tay chân, họ xẻo tai, họ cắt mũi, họ xẻo tai cắt mũi. Họ dùng hình phạt vạc dầu, họ dùng hình phạt bối đầu hình (xẻo đỉnh đầu thành hình con sò), họ dùng hình phạt La-hầu khẩu hình … hỏa man hình (lấy lửa đốt thành vòng hoa) … đốt tay … khu hành hình (lấy rơm bện lại rồi siết chặt) … bì y hình (lấy vỏ cây làm áo) … linh dương hình (hình phạt con dê núi) … câu nhục hình (lấy câu móc vào thịt) … tiền hình (cắt thịt thành đồng tiền) … khối chắp hình … chuyển hình … cao đạp đài … Họ tưới bằng dầu sôi, họ cho chó ăn, họ đóng cọc những người sống, họ lấy gươm chặt đầu.
Người thấy vậy suy nghĩ như sau: “Do nhân các ác nghiệp như vậy, vua chúa bắt được kẽ ăn trộm, kẻ vô loại, áp dụng nhiều hình phạt sai khác. Họ đánh bằng roi … họ lấy gươm chặt đầu. Nếu ta làm các ác nghiệp như vậy, vua sẽ bắt ta và áp dụng các hình phạt như vậy”. Người ấy sợ hãi tội phạm ngay trong hiện tại, không có cướp phá tài sản của những người khác. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tội có kết quả ngay trong hiện tại.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tội có kết quả trong đời sau? Ở đây, có người suy xét như sau: “Quả dị thục của thân làm ác trong đời sau là ác và khổ. Quả dị thục của miệng nói ác trong đời sau là ác và khổ. Quả dị thục của ý nghĩ ác trong đời sau là ác và khổ. Nếu thân ta làm ác, nói lời ác, nghĩ việc ác, sao ta lại không có thể, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”. Người ấy sợ hãi tội có kết quả trong đời sau, từ bỏ thân làm ác, tu tập thân làm thiện, từ bỏ miệng nói ác, tu tập miệng nói thiện, từ bỏ ý nghĩ ác, tu tập ý nghĩ thiện, và cư xử tự ngã hoàn toàn thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tội có kết quả trong đời sau.
Này các Tỷ-kheo, trên đây là hai loại tội. Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: “Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả hiện tại. Chúng ta phải sợ hãi đối với tội có kết quả trong đời sau. Chúng ta phải tránh xa các tội. Chúng ta phải thấy rõ sự nguy hiểm của các tội”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập. Ðối với ai tránh xa các tội, này các Tỷ-kheo, đối với ai thấy rõ sự nguy hiểm của các tội, thời được chờ đợi rằng người ấy sẽ được giải thoát tất cả tội.
2. Có hai sự tinh cần này rất khó thực hiện ở đời. Thế nào là hai? Sự tinh cần của các gia chủ ở nhà với mục đích bố thí các vật dụng như đồ ăn khất thực, các sàng tọa, các dược phẩm trị bệnh, và sự tinh cần của các người xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, với mục đích từ bỏ tất cả sanh y. Hai sự tinh cần này, này các Tỷ kheo, rất khó thực hiện ở đời.
Trong hai tinh cần này, này các Tỷ-kheo, tối thắng là tinh cần với mục đích từ bỏ tất cả sanh y. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau: “Ta sẽ cố gắng tinh cần để từ bỏ tất cả sanh y”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
3. Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, làm cho nung nấu. Thế nào là hai? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người thân làm ác, thân không làm thiện, miệng nói lời ác, miệng không nói thiện, ý nghĩ ác, ý không nghĩ thiện. Vị ấy bị nung nấu với ý nghĩ: “Thân ta đã làm ác”. Vị ấy bị nung nấu với ý nghĩ: “Thân ta đã không làm thiện”. Vị ấy bị nung nấu với ý nghĩ: “Miệng ta đã nói lời ác”. Vị ấy bị nung nấu với ý nghĩ: “Miệng ta đã không nói lời thiện”. Vị ấy bị nung nấu với ý nghĩ: “Ý ta đã nghĩ ác”. Vị ấy bị nung nấu với ý nghĩ: “Ý ta đã không nghĩ thiện”. Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, làm cho nung nấu.
4. Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, không làm cho nung nấu. Thế nào là hai? Ở đây, có người thân làm thiện, thân không làm ác, miệng nói thiện, miệng không nói ác, ý nghĩ thiện, ý không nghĩ ác. Vị ấy không bị nung nấu với ý nghĩ: “Thân ta đã làm thiện”. Vị ấy không bị nung nấu với ý nghĩ: “Thân ta đã không làm ác”. Vị ấy không bị nung nấu với ý nghĩ: “Miệng ta đã nói lời thiện”. Vị ấy không bị nung nấu với ý nghĩ: “Miệng ta đã không nói lời ác”. Vị ấy không bị nung nấu với ý nghĩ: “Ý ta đã nghĩ thiện”. Vị ấy không bị nung nấu với ý nghĩ: “Ý ta đã không nghĩ ác”. Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, không làm cho nung nấu.
5. Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, đã học được, biết được. Thế nào là hai? Không biết đủ đối với thiện pháp và không có thối chuyển đối với tinh cần. Không có thối chuyển, này các Tỷ-kheo, ta cố gắng như sau: “Ta sẵn sàng, dầu chỉ còn da, gân và xương, dầu thịt và máu trên thân bị khô héo, mong rằng sẽ có tinh tấn kiên trì để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ sức mạnh của người, nhờ tinh tấn của người, nhờ cần dõng của người. Ta nhờ không phóng dật, chứng được Chánh Giác. Nhờ không phóng dật, chứng được Vô thượng an ổn khỏi các khổ ách”. Và này các Tỷ-kheo, nếu các Thầy không có thối chuyển, cố gắng như sau: “Ta sẵn sàng, dầu chỉ còn da, gân và xương, dầu thịt và máu trên thân bị khô héo, mong rằng sẽ có tinh tấn kiên trì để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ sức mạnh của người, nhờ tinh tấn của người, nhờ cần dõng của người”. Thời không bao lâu, này các Tỷ-kheo, các Thầy sẽ đạt được mục đích mà các Thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình: Ðó chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, ngay trong hiện tại, các Thầy với thắng trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập như sau: “Không có thối chuyển, chúng ta cố gắng, chúng ta sẵn sàng, dầu chỉ còn da, gân và xương, dầu thịt và máu trên thân bị khô héo, mong rằng sẽ có tinh tấn kiên trì để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, nhờ sức mạnh của người, nhờ tinh tấn của người, nhờ cần dõng của người”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.
6. Có hai pháp này, này các Tỷ-kheo, Thế nào là hai? Thấy vị ngọt trong các pháp có thể khởi lên kiết sử. Và thấy nhàm chán trong các pháp có thể khởi lên kiết sử. Ai sống thấy vị ngọt trong các pháp có thể khởi lên kiết sử, này các Tỷ-kheo, tham không đoạn tận, sân không đoạn tận, si không đoạn tận. Do tham không đoạn tận, sân không đoạn tận, si không đoạn tận, nên không giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng người ấy không giải thoát khỏi khổ đau. Ai sống thấy nhàm chán trong các pháp có thể khởi lên kiết sử, này các Tỷ-kheo, tham được đoạn tận, sân được đoạn tận, si được đoạn tận. Do tham được đoạn tận, sân được đoạn tận, si được đoạn tận, nên được giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng người ấy giải thoát khỏi khổ đau. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai pháp.
7. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là pháp đen. Thế nào là hai? Không tàm và không quý. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai pháp đen.
8. Hai pháp này, này các Tỷ-kheo, là pháp trắng. Thế nào là hai? Tàm và quý. Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai pháp trắng.
9. Hai pháp trắng này, này các Tỷ-kheo, che chở cho thế giới. Thế nào là hai? Tàm và quý. Nếu hai pháp trắng này, không che chở cho thế giới, thời không thể chỉ được đây là mẹ hay là em, chị của mẹ, hay đây là vợ của anh hay em của mẹ, hay đây là vợ của Thầy hay đây là vợ của các vị tôn trưởng. Và thế giới sẽ đi đến hỗn loạn như giữa các loài dê, loài gà vịt, loài heo, loài chó, loài dã can. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có hai pháp trắng này che chở cho thế giới, nên mới có thể chỉ được đây là mẹ hay đây là chị em của mẹ, hay đây là vợ của anh hay em của mẹ, hay đây là vợ của Thầy hay đây là vợ của các vị tôn trưởng.
10. Có hai thời kỳ an cư mùa mưa, này các Tỷ-kheo. Thế nào là hai? Tiền an cư và hậu an cư. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai thời kỳ an cư mùa mưa.
—-
Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ I“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ I” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda