ĐẠI PHẨM II – CHƯƠNG Y PHỤC: TỤNG PHẨM THỨ NHẤT

Đại Phẩm II

Chương Y Phục

Tụng Phẩm Thứ Nhất

Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, thành Vesāli được phồn thịnh và còn giàu có nữa, đông dân, người người chen chúc, vật thực dễ dàng, và có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy tòa nhà dài, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy lầu mái nhọn, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy công viên, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy hồ sen. Và có nàng kỹ nữ Ambapālī xinh đẹp, đáng nhìn, duyên dáng, được phú cho làn da đẹp hạng nhất, có tài năng về múa, hát, và đàn, được những người đàn ông có lòng say đắm cầu cạnh, nàng qua đêm với giá năm mươi tiền. Và nhờ nàng thành Vesāli càng thêm phần rạng rỡ.

Khi ấy, viên thị trưởng thành Rājagaha đã đi đến Vesāli do công việc cần thiết nào đó. Viên thị trưởng thành Rājagaha đã nhìn thấy thành Vesāli là phồn thịnh và còn giàu có nữa, đông dân, người người chen chúc, vật thực dễ dàng, có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy tòa nhà dài, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy lầu mái nhọn, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy công viên, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy hồ sen, có nàng kỹ nữ Ambapālī xinh đẹp, đáng nhìn, duyên dáng, được phú cho làn da đẹp hạng nhất, có tài năng về múa, hát, và đàn, được những người đàn ông có lòng say đắm cầu cạnh, nàng qua đêm với giá năm mươi tiền, và nhờ nàng thành Vesāli càng thêm phần rạng rỡ.

Sau đó, khi đã hoàn tất công việc cần làm ấy ở Vesāli, viên thị trưởng thành Rājagaha đã quay về lại thành Rājagaha và đã đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã nói với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này: – “Tâu bệ hạ, thành Vesāli là phồn thịnh và còn giàu có nữa, đông dân, người người chen chúc, vật thực dễ dàng, có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy tòa nhà dài, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy lầu mái nhọn, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy công viên, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy hồ sen, có nàng kỹ nữ Ambapālī xinh đẹp, đáng nhìn, duyên dáng, được phú cho làn da đẹp hạng nhất, có tài năng về múa, hát, và đàn, được những người đàn ông có lòng say đắm cầu cạnh, nàng qua đêm với giá năm mươi tiền, và nhờ nàng thành Vesāli càng thêm phần rạng rỡ. Tâu bệ hạ, tốt đẹp thay nếu chúng ta cũng có thể đào tạo kỹ nữ.” – “Này khanh, như thế thì khanh hãy tìm người con gái tương tợ rồi hãy đào tạo nàng trở thành kỹ nữ như thế.”

Vào lúc bấy giờ, trong thành Rājagaha có người con gái tên Sālavatī là người xinh đẹp, đáng nhìn, duyên dáng, được phú cho làn da đẹp hạng nhất. Khi ấy, viên thị trưởng thành Rājagaha đã đào tạo người con gái Sālavatī thành kỹ nữ. Sau đó chẳng bao lâu, nàng kỹ nữ Sālavatī đã trở nên có tài năng về múa, hát, và đàn, được những người đàn ông có lòng say đắm cầu cạnh, và nàng qua đêm với giá đến một trăm tiền.

Sau đó chẳng bao lâu, nàng kỹ nữ Sālavatī đã mang thai. Khi ấy, nàng kỹ nữ Sālavatī đã khởi ý điều này: “Đàn bà mang thai đâu còn được đàn ông ưa thích. Nếu có người biết về ta rằng: ‘Kỹ nữ Sālavatī mang thai’ thì toàn bộ sự trọng vọng đối với ta đều sẽ mất. Hay là ta nên cáo bệnh?” Sau đó, nàng kỹ nữ Sālavatī đã bảo người gác cổng rằng: – “Này chú em gác cổng, chớ để bất cứ người đàn ông nào vào. Và ai hỏi ta thì cho hay rằng: ‘Bị bệnh.’” – “Thưa cô chủ, xin vâng.” Người gác cổng ấy đã đáp lại nàng kỹ nữ Sālavatī. Sau đó, đến lúc phát triển đầy đủ của bào thai ấy, nàng kỹ nữ Sālavatī đã sanh ra đứa bé trai. Khi ấy, nàng kỹ nữ Sālavatī đã bảo người tớ gái rằng: – “Này em, giờ hãy đặt đứa bé trai này vào trong giỏ đan cũ kỹ rồi mang đi quăng bỏ ở đống rác.” – “Thưa cô chủ, xin vâng.” Rồi người tớ gái ấy nghe theo nàng kỹ nữ Sālavatī đã đặt đứa bé trai ấy vào trong giỏ đan cũ kỹ rồi mang đi quăng bỏ ở đống rác.

Vào lúc bấy giờ, vị vương tử tên Abhaya trong khi đi phục vụ đức vua vào lúc sáng sớm đã nhìn thấy đứa bé trai ấy đang bị bầy quạ bu quanh, sau khi nhìn thấy đã hỏi mọi người rằng: – “Này các khanh, vật gì bị bầy quạ bu quanh vậy?” – “Thưa ngài, đứa bé trai.” – “Này các khanh, còn sống không?” – “Thưa ngài, còn sống.” – “Này các khanh, như thế thì hãy mang đứa bé trai ấy về hậu cung của chúng ta và giao cho các vú nuôi chăm sóc.” – “Thưa ngài, xin vâng.” Rồi những người ấy nghe theo vương tử Abhaya đã mang đứa bé trai ấy về hậu cung của vương tử Abhaya rồi giao cho các vú nuôi (nói rằng): – “Các người hãy chăm sóc.” Lời đã nói về đứa bé là “còn sống,” nên họ đã đặt tên đứa bé là “Jīvaka” (người đang sống). Và bởi vì “được nuôi dưỡng bởi vị vương tử” nên đã được đặt tên là “Komārabhacca.”

Sau đó chẳng bao lâu, Jīvaka Komārabhacca đã đạt đến tuổi hiểu biết. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp vương tử Abhaya, sau khi đến đã nói với vương tử Abhaya điều này: – “Thưa ngài, ai là mẹ của con, ai là cha của con?” – “Này Jīvaka con, ta cũng không biết mẹ của con; tuy nhiên ta là cha của con vì con đã được ta nuôi dưỡng.” Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Với kẻ không có nghề nghiệp thì các gia đình vương giả này quả là không dễ gì để sống nhờ vả. Hay là ta nên học lấy nghề nghiệp?”

Vào lúc bấy giờ, có người thầy thuốc tiếng tăm lẫy lừng sống ở Takkasilā. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca không xin phép vương tử Abhaya đã đi đến Takkasilā gặp người thầy thuốc ấy, sau khi đến đã nói với người thầy thuốc ấy điều này: – “Thưa thầy, con muốn học nghề.” – “Này Jīvaka con, như vậy thì con có thể học.”

Sau đó, Jīvaka Komārabhacca học nhiều, học nhanh chóng, tiếp thâu tốt đẹp, và đối với anh ta điều đã được học thì không quên đi. Sau đó, khi trải qua bảy năm Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Ta học nhiều, học nhanh chóng, tiếp thâu tốt đẹp, và đối với ta điều đã được học thì không quên đi. Và trong khi ta đã học được bảy năm rồi mà đích cuối cùng của nghề này vẫn không được biết đến, vậy thì khi nào đích cuối cùng của nghề này mới được biết đến?”

Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp người thầy thuốc ấy, sau khi đến đã nói với người thầy thuốc ấy điều này: – “Thưa thầy, con học nhiều, học nhanh chóng, tiếp thâu tốt đẹp, và đối với con điều đã được học thì không quên đi. Và trong khi con đã học được bảy năm rồi mà đích cuối cùng của nghề này vẫn không được biết đến, vậy thì khi nào đích cuối cùng của nghề này mới được biết đến?” – “Này Jīvaka con, như vậy thì con hãy cầm lấy cái thuổng đi dạo xung quanh Takkasilā một do tuần, nếu con thấy được bất cứ vật gì không phải là dược phẩm thì hãy đem vật ấy về.” – “Thưa thầy, xin vâng.” Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo người thuốc ấy đã cầm lấy cái thuổng, trong khi đi dạo xung quanh Takkasilā một do tuần, đã không nhìn thấy bất cứ vật gì không phải là dược phẩm.

Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp người thầy thuốc ấy, sau khi đến đã nói với người thầy thuốc ấy điều này: – “Thưa thầy, trong khi đi dạo xung quanh Takkasilā một do tuần, con đã không thấy được bất cứ vật gì không phải là dược phẩm.” – “Này Jīvaka con, con đã học xong. Bấy nhiêu đó đã đủ cho cuộc sống của con rồi.” Rồi (người thầy thuốc ấy) đã trao cho Jīvaka Komārabhacca chút ít (tiền) dự phòng đi đường.

Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca sau khi nhận lấy chút ít (tiền) dự phòng đi đường rồi đã ra đi về phía thành Rājagaha. Sau đó, vào khoảng giữa cuộc hành trình, ở Sāketa chút ít (tiền) dự phòng đi đường ấy đã hết. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Những con đường này hoang vắng, ít nước, ít thức ăn, không có (tiền) dự phòng đi đường không phải dễ dàng để đi, hay là ta nên kiếm (tiền) dự phòng đi đường?”

Vào lúc bấy giờ, ở Sāketa có người vợ của nhà đại phú bị bệnh đau đầu đã bảy năm. Nhiều thầy thuốc tiếng tăm vô cùng lừng lẫy đã đi đến và đã không thể làm khỏi bệnh; họ đã nhận lấy nhiều vàng khối rồi ra đi. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã đi vào Sāketa và hỏi dân chúng rằng: – “Này các người, ai bị bệnh? Tôi chữa trị cho ai đây?” – “Này ông thầy, người vợ nhà đại phú kia bị bệnh đau đầu đã bảy năm. Này ông thầy, hãy đi và chữa trị cho người vợ nhà đại phú.”

Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến tư gia của vị đại phú, sau khi đến đã bảo người gác cổng rằng: – “Này chú gác cổng, hãy đi và báo cho người vợ nhà đại phú rằng: ‘Thưa bà, người thầy thuốc đã đến. Ông ấy có ý muốn gặp bà.’” – “Thưa thầy, xin vâng.” Rồi người gác cổng ấy nghe theo Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp người vợ nhà đại phú, sau khi đến đã nói với người vợ nhà đại phú điều này: – “Thưa bà, người thầy thuốc đã đến. Ông ấy có ý muốn gặp bà.” – “Này chú gác cổng, người thầy thuốc ra làm sao?” – “Thưa bà, còn trẻ lắm.” – “Này chú gác cổng, thôi đi! Thầy thuốc còn trẻ lắm thì sẽ làm được gì cho ta? Nhiều thầy thuốc tiếng tăm vô cùng lừng lẫy đã đi đến và đã không thể làm khỏi bệnh; họ đã nhận lấy nhiều vàng khối rồi ra đi.”

Sau đó, người gác cổng ấy đã đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca, sau khi đến đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: – “Thưa thầy, người vợ nhà đại phú đã nói như vầy: ‘Này chú gác cổng, thôi đủ rồi! Thầy thuốc còn trẻ lắm thì sẽ làm được gì cho ta? Nhiều thầy thuốc tiếng tăm vô cùng lừng lẫy đã đi đến và đã không thể làm khỏi bệnh; họ đã nhận lấy nhiều vàng khối rồi ra đi.’”

– “Này chú gác cổng, hãy đi và báo cho người vợ nhà đại phú rằng: ‘Thưa bà, người thầy thuốc đã nói như vầy: Thưa bà, bà không phải đưa trước vật gì. Khi nào khỏi bệnh, khi ấy bà muốn cho vật gì thì bà cứ việc cho vật ấy.’” – “Thưa thầy, xin vâng.” Rồi người gác cổng ấy nghe theo Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp người vợ nhà đại phú, sau khi đến đã nói với người vợ nhà đại phú điều này: – “Thưa bà, người thầy thuốc đã nói như vầy: ‘Thưa bà, bà không phải đưa trước vật gì. Khi nào khỏi bệnh, khi ấy bà muốn cho vật gì thì bà cứ việc cho vật ấy.’” – “Này chú gác cổng, như thế thì hãy để người thầy thuốc đi đến.” – “Thưa bà, xin vâng.” Rồi người gác cổng ấy nghe theo người vợ nhà đại phú đã đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca, sau khi đến đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: – “Thưa thầy, người vợ nhà đại phú cho gọi thầy.”

Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp người vợ nhà đại phú, sau khi đến đã xem xét sự biến đổi diện mạo của người vợ nhà đại phú rồi nói với người vợ nhà đại phú điều này: – “Thưa bà, tôi cần một bụm tay bơ lỏng.” Khi ấy, người vợ nhà đại phú đã bảo người trao cho Jīvaka Komārabhacca một bụm tay bơ lỏng. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã nấu sôi bụm tay bơ lỏng ấy với nhiều loại dược phẩm rồi bảo người vợ nhà đại phú nằm ngửa ở trên cái giường nhỏ và cho vào theo đường mũi. Sau đó, bơ lỏng đã được cho vào theo đường mũi ấy đã đi ra theo đường miệng. Khi ấy, người vợ nhà đại phú đã nhổ bơ lỏng ấy vào vật đựng rồi bảo người tớ gái rằng: – “Này em, hãy thu hồi lại bơ lỏng này bằng lớp gòn.”

Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ lạ! Bà chủ nhà này thật là hà tiện! Bởi vì thứ bơ lỏng chỉ đáng quăng bỏ này còn được bảo thu hồi lại bằng lớp gòn! Và nhiều thứ thuốc vô cùng quý giá của ta đã được sử dụng, rồi bà này sẽ cho ta vật thưởng công là cái gì đây?”

Khi ấy, sau khi xem xét sự biến đổi diện mạo của Jīvaka Komārabhacca, người vợ nhà đại phú ấy đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: – “Thưa thầy, sao thầy có vẻ lo âu vậy?” – “Trong trường hợp này, tôi đã khởi ý điều này: ‘Thật là kỳ lạ! Bà chủ nhà này thật là hà tiện! Bởi vì thứ bơ lỏng chỉ đáng quăng bỏ này còn được bảo thu hồi lại bằng lớp gòn! Và nhiều thứ thuốc vô cùng quý giá của ta đã được sử dụng, rồi bà này sẽ cho ta vật thưởng công là cái gì đây?’” – “Thưa thầy, chúng tôi, được gọi là gia chủ, hiểu về điều này là sự tiết kiệm. Bơ lỏng ấy là thuốc xoa chân rất tốt cho các tôi tớ và các người làm công, hay là dầu cho việc đốt đèn. Thưa thầy, thầy chớ có lo âu. Vật thưởng công cho thầy sẽ không phải bỏ phí.”

Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã trị dứt chứng bệnh đau đầu bảy năm của người vợ nhà đại phú chỉ bằng mỗi một việc làm ở mũi. Sau đó, người vợ nhà đại phú, được khỏi bệnh, đã thưởng cho Jīvaka Komārabhacca bốn ngàn. Người con trai (nghĩ rằng): “Mẹ ta đã khỏi bệnh!” nên đã thưởng cho Jīvaka Komārabhacca bốn ngàn. Người con dâu (nghĩ rằng): “Mẹ chồng ta đã khỏi bệnh!” nên đã thưởng cho Jīvaka Komārabhacca bốn ngàn. Người gia chủ đại phú (nghĩ rằng): “Vợ ta đã khỏi bệnh!” nên đã thưởng cho Jīvaka Komāra-bhacca bốn ngàn, đứa tôi trai, (đứa tớ gái), và chiếc xe ngựa.

Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã cầm lấy mười sáu ngàn ấy, đứa tôi trai, đứa tớ gái, và chiếc xe ngựa rồi ra đi đến thành Rājagaha. Theo tuần tự, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến thành Rājagaha gặp vương tử Abhaya, sau khi đến đã nói với vương tử Abhaya điều này: – “Thưa ngài, đây là công việc đầu tiên của con gồm có mười sáu ngàn, đứa tôi trai, đứa tớ gái, và chiếc xe ngựa. Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lấy cho việc đã nuôi dưỡng con.” – “Này Jīvaka con, thôi đi, hãy để cho chính con. Con hãy cho xây tư thất ở hậu cung của chính chúng ta.” – “Thưa ngài, xin vâng.” Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo vương tử Abhaya đã cho xây tư thất ở hậu cung.

Vào lúc bấy giờ, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bị bệnh rò rỉ. Các vải choàng đều bị lấm lem bởi máu. Các vương phi sau khi nhìn thấy trêu ghẹo rằng: – “Bữa nay, chúa công tới chu kỳ. Kinh nguyệt của chúa công đã có. Chẳng bao lâu chúa công sẽ sanh con.” Vì chuyện ấy, đức vua bị xấu hổ.

Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với vương tử Abhaya điều này: – “Này khanh Abhaya, trẫm có bệnh giống như vầy. Các vải choàng đều bị lấm lem bởi máu. Các vương phi sau khi nhìn thấy trêu ghẹo rằng: ‘Bữa nay, chúa công tới chu kỳ. Kinh nguyệt của chúa công đã có. Chẳng bao lâu chúa công sẽ sanh con.’ Này khanh Abhaya, người nào có thể chữa trị cho trẫm thì hãy tìm thầy thuốc hạng như thế ấy.” – “Tâu bệ hạ, Jīvaka này của thần là thầy thuốc trẻ, giỏi giang, cậu ta sẽ chữa trị cho bệ hạ.” – “Này khanh Abhaya, như thế thì hãy ra lệnh cho thầy thuốc Jīvaka. Vị ấy sẽ chữa trị cho trẫm.”

Sau đó, vương tử Abhaya đã truyền lệnh cho Jīvaka Komārabhacca rằng: – “Này Jīvaka con, hãy đi và chữa trị cho đức vua.” – “Thưa ngài, xin vâng.” Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo vương tử Abhaya sau khi nhét dược phẩm vào trong móng tay rồi đã đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã nói với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này: – “Tâu bệ hạ, chúng ta hãy xem bệnh.”

Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã trị dứt căn bệnh rò rỉ của đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha chỉ bằng mỗi một liều thuốc thoa. Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, được khỏi bệnh, đã cho người trang điểm năm trăm người nữ với tất cả các đồ trang sức, xong bảo tháo ra, cho chất thành đống, rồi đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: – “Này khanh Jīvaka, tất cả các đồ trang sức này từ năm trăm người nữ là của khanh.” – “Tâu bệ hạ, thôi đi, chỉ xin bệ hạ hãy nhớ cho chức vụ của thần.” – “Này khanh Jīvaka, như vậy thì khanh hãy phục vụ trẫm, các cung phi, và hội chúng có đức Phật đứng đầu.” – “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Jīvaka Komārabhacca đã trả lời đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.

Vào lúc bấy giờ, có nhà đại phú ở thành Rājagaha bị bệnh đau đầu đã được bảy năm. Nhiều thầy thuốc tiếng tăm vô cùng lừng lẫy đã đi đến và đã không thể làm khỏi bệnh; họ đã nhận lấy nhiều vàng khối rồi ra đi. Hơn nữa, ông ta đã bị các thầy thuốc từ chối. Một số thầy thuốc đã nói như vầy: “Vào ngày thứ năm, người gia chủ đại phú này sẽ chết.” Một số thầy thuốc đã nói như vầy: “Vào ngày thứ bảy, người gia chủ đại phú này sẽ chết.”

Khi ấy, vị thị trưởng thành Rājagaha đã khởi ý điều này: “Người gia chủ đại phú này có nhiều cống hiến cho đức vua và cho thị trấn nữa. Tuy nhiên, ông ta đã bị các thầy thuốc từ chối. Một số thầy thuốc đã nói như vầy: ‘Vào ngày thứ năm, người gia chủ đại phú này sẽ chết.’ Một số thầy thuốc đã nói như vầy: ‘Vào ngày thứ bảy, người gia chủ đại phú này sẽ chết.’ Và thầy thuốc Jīvaka này của đức vua là trẻ tuổi, giỏi giang, hay là chúng ta nên cầu xin đức vua phái thầy thuốc Jīvaka chữa trị cho người gia chủ đại phú vậy?”

Sau đó, viên thị trưởng thành Rājagaha đã đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã nói với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này: – “Tâu bệ hạ, người gia chủ đại phú này có nhiều cống hiến cho đức vua và cho thị trấn nữa. Tuy nhiên, ông ta đã bị các thầy thuốc từ chối. Một số thầy thuốc đã nói như vầy: ‘Vào ngày thứ năm, người gia chủ đại phú này sẽ chết.’ Một số thầy thuốc đã nói như vầy: ‘Vào ngày thứ bảy, người gia chủ đại phú này sẽ chết.’ Tâu bệ hạ, tốt đẹp thay xin bệ hạ hãy ra lệnh cho thầy thuốc Jīvaka chữa trị cho người gia chủ đại phú.” Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra lệnh cho Jīvaka Komārabhacca rằng: – “Này khanh Jīvaka, hãy đi và chữa trị cho người gia chủ đại phú.”

– “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi đến gặp người gia chủ đại phú, sau khi đến đã xem xét sự biến đổi diện mạo của người gia chủ đại phú rồi đã nói với người gia chủ đại phú điều này: – “Này gia chủ, nếu tôi chữa cho ông khỏi bệnh, vật thưởng công cho tôi sẽ là cái gì đây?” – “Thưa thầy, tất cả tài sản sẽ là của thầy và tôi sẽ là đầy tớ của thầy.” – “Này gia chủ, vậy ông có thể nằm một bên hông trong bảy tháng không?” – “Thưa thầy, tôi có thể nằm một bên hông trong bảy tháng.” – “Này gia chủ, vậy ông có thể nằm bên hông kia trong bảy tháng không?” – “Thưa thầy, tôi có thể nằm bên hông kia trong bảy tháng.” – “Này gia chủ, vậy ông có thể nằm ngửa trong bảy tháng không?” – “Thưa thầy, tôi có thể nằm ngửa trong bảy tháng.”

Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã bảo người gia chủ đại phú nằm xuống trên cái giường nhỏ, sau khi buộc chặt vào cái giường nhỏ rồi đã cắt làn da đầu, tách đôi vết mổ, rồi lôi ra hai con sâu đưa cho mọi người thấy (nói rằng): – “Các người có thể nhìn xem hai con sâu một nhỏ một lớn này. Các vị thầy nào đã nói như vầy: ‘Vào ngày thứ năm, người gia chủ đại phú này sẽ chết,’ các vị ấy đã nhìn thấy con sâu lớn này trong năm ngày nữa sẽ xâm nhập bộ não của người gia chủ đại phú; do sự xâm nhập vào bộ não mà người gia chủ đại phú sẽ phải chết. Các vị thầy ấy đã nhìn thấy đúng. Còn các vị thầy nào đã nói như vầy: ‘Vào ngày thứ bảy, người gia chủ đại phú này sẽ chết,’ các vị ấy đã nhìn thấy con sâu nhỏ này trong bảy ngày nữa sẽ xâm nhập bộ não của người gia chủ đại phú; do sự xâm nhập vào bộ não mà người gia chủ đại phú sẽ phải chết. Các vị thầy ấy đã nhìn thấy đúng.” Rồi Jīvaka Komārabhacca đã khép lại vết mổ, khâu lại làn da đầu, rồi bôi thuốc mỡ vào.

Sau đó, khi trải qua bảy ngày người gia chủ đại phú đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: – “Thưa thầy, tôi không thể nằm một bên hông trong bảy tháng.” – “Này gia chủ, không phải ông đã hứa với tôi rằng: ‘Thưa thầy, tôi có thể nằm một bên hông trong bảy tháng’ hay sao?” – “Thưa thầy, đúng vậy. Tôi đã hứa. Nhưng mà tôi sẽ chết mất. Tôi không thể nằm một bên hông trong bảy tháng.” – “Này gia chủ, như thế thì ngươi hãy nằm bên hông kia trong bảy tháng.”

Sau đó, khi trải qua bảy ngày người gia chủ đại phú đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: – “Thưa thầy, tôi không thể nằm bên hông kia trong bảy tháng.” – “Này gia chủ, không phải ông đã hứa với tôi rằng: ‘Thưa thầy, tôi có thể nằm bên hông kia trong bảy tháng’ hay sao?” – “Thưa thầy, đúng vậy. Tôi đã hứa. Nhưng mà tôi sẽ chết mất. Tôi không thể nằm bên hông kia trong bảy tháng.” – “Này gia chủ, như thế thì ngươi hãy nằm ngửa trong bảy tháng.”

Sau đó, khi trải qua bảy ngày người gia chủ đại phú đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: – “Thưa thầy, tôi không thể nằm ngửa trong bảy tháng.” – “Này gia chủ, không phải ông đã hứa với tôi rằng: ‘Thưa thầy, tôi có thể nằm ngửa trong bảy tháng’ hay sao?” – “Thưa thầy, đúng vậy. Tôi đã hứa. Nhưng mà tôi sẽ chết mất. Tôi không thể nằm ngửa trong bảy tháng.” – “Này gia chủ, nếu tôi không nói điều ấy thì ông không thể nằm được chừng này. Hơn nữa, tôi đã tính trước và biết rằng: ‘Với ba lần bảy ngày, người gia chủ đại phú sẽ khỏi bệnh.’ Này gia chủ, hãy đứng dậy, ông đã khỏi bệnh. Ông hãy biết vật thưởng công cho tôi là cái gì?”- “Thưa thầy, tất cả tài sản hãy là của thầy và tôi là đầy tớ của thầy.” – “Này gia chủ, thôi đi. Ông chớ có cho tôi tất cả tài sản và chớ có là đầy tớ của tôi. Hãy trao cho đức vua một trăm ngàn và tôi một trăm ngàn.” Sau đó, người gia chủ đại phú, được khỏi bệnh, đã trao cho đức vua một trăm ngàn và Jīvaka Komārabhacca một trăm ngàn.

Vào lúc bấy giờ, người con trai nhà đại phú ở Bārāṇasī trong lúc chơi giỡn trò nhào lộn bị bệnh xoắn ruột. Vì thế, ngay cả cháo được húp vào cũng không tiêu hóa đúng đắn, vật thực được ăn vào cũng không tiêu hóa đúng đắn, thậm chí việc tiểu tiện đại tiện cũng không bình thường. Do đó, cậu ấy trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân.

Khi ấy, nhà đại phú thành Bārāṇasī đã khởi ý điều này: “Con trai ta có chứng bệnh như thế này. Vì thế, ngay cả cháo được húp vào cũng không tiêu hóa đúng đắn, vật thực được ăn vào cũng không tiêu hóa đúng đắn, thậm chí việc tiểu tiện đại tiện cũng không bình thường. Do đó, con trai ta trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Hay là ta nên đi đến thành Rājagaha cầu xin đức vua phái thầy thuốc Jīvaka chữa trị cho con trai của ta vậy?”

Sau đó, nhà đại phú ở Bārāṇasī đã đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã nói với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này: – “Tâu bệ hạ, con trai thần có chứng bệnh như thế này. Vì thế, ngay cả cháo được húp vào cũng không tiêu hóa đúng đắn, vật thực được ăn vào cũng không tiêu hóa đúng đắn, thậm chí việc tiểu tiện đại tiện cũng không bình thường. Do đó, con trai thần trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Tâu bệ hạ, tốt lành thay xin bệ hạ hãy ra lệnh cho thầy thuốc Jīvaka chữa trị cho con trai của thần.”

Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra lệnh cho Jīvaka Komārabhacca rằng: – “Này khanh Jīvaka, hãy đi. Sau khi đi đến Bārāṇasī khanh hãy chữa trị cho con trai nhà đại phú ở Bārāṇasī.” – “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi Bārāṇasī gặp người con trai nhà đại phú ở Bārāṇasī, sau khi đến đã xem xét sự biến đổi diện mạo của người con trai nhà đại phú ở Bārāṇasī rồi bảo mọi người tránh đi, dùng màn che vây kín lại, cột chặt (người con trai) vào cây cột nhà, bảo người vợ đứng ở phía trước, rồi cắt làn da ở bụng, lấy ruột ra, đưa cho người vợ thấy (nói rằng): – “Hãy nhìn xem bệnh của tướng công bà. Vì điều này mà ngay cả cháo được húp vào cũng không tiêu hóa đúng đắn, vật thực được ăn vào cũng không tiêu hóa đúng đắn, thậm chí việc tiểu tiện đại tiện cũng không bình thường. Vì điều này, người này trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân.” Rồi Jīvaka Komārabhacca đã gỡ rối phần ruột bị xoắn, đặt các thứ ruột vào trở lại, khâu lại làn da bụng, rồi bôi thuốc mỡ vào.

Sau đó cũng chẳng bao lâu, người con trai nhà đại phú ở Bārāṇasī đã được khỏi bệnh. Khi ấy, nhà đại phú ở Bārāṇasī (nghĩ rằng): “Con trai ta đã được khỏi bệnh” rồi đã thưởng cho Jīvaka Komārabhacca mười sáu ngàn. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã cầm lấy mười sáu ngàn ấy rồi quay trở về lại thành Rājagaha.

Vào lúc bấy giờ, đức vua Pajjota bị bệnh vàng da. Nhiều thầy thuốc tiếng tăm vô cùng lừng lẫy đã đi đến và đã không thể làm khỏi bệnh; họ đã nhận lấy nhiều vàng khối rồi ra đi. Sau đó, đức vua Pajjota đã phái sứ giả đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha (nói rằng): – “Quả là tôi bị bệnh như thế này. Tâu bệ hạ, tốt đẹp thay xin bệ hạ hãy ra lệnh cho thầy thuốc Jīvaka. Vị ấy sẽ chữa trị cho tôi.”

Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra lệnh cho Jīvaka Komārabhacca rằng: – “Này khanh Jīvaka, hãy đi. Sau khi đi đến Ujjenī khanh hãy chữa trị cho đức vua Pajjota.” – “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi Ujjenī gặp đức vua Pajjota, sau khi đến đã xem xét sự biến đổi diện mạo của đức vua Pajjota rồi đã nói điều này: – “Tâu bệ hạ, thần sẽ đun sôi bơ lỏng và bệ hạ sẽ uống thứ ấy.” – “Này khanh Jīvaka, thôi đi. Ngươi hãy làm khỏi bệnh bằng cách nào mà có thể không dùng bơ lỏng. Đối với ta, bơ lỏng ghê tởm và không thích hợp.”

Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Bệnh của vị vua này là như thế ấy; không dùng bơ lỏng không thể nào làm khỏi bệnh được. Hay là ta nên nấu sôi bơ lỏng có màu cam, có hương của cam, và có vị của cam?” Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã nấu sôi bơ lỏng có màu cam, có hương của cam, và có vị của cam với nhiều loại dược phẩm.

Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Đối với vị vua này, bơ lỏng đã được uống vào, trong khi được tiêu hóa, sẽ làm ợ chua. Vị vua này thì tàn bạo có thể cho người giết ta, hay là ta nên hỏi phòng xa trước?”

Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp đức vua Pajjota, sau khi đến đã nói với đức vua Pajjota điều này: – “Tâu bệ hạ, những người thầy thuốc chúng tôi nhổ các thứ rễ cây, thu hoạch các thứ dược phẩm vào thời điểm thích hợp. Tốt đẹp thay xin bệ hạ hãy ra lệnh cho các trạm xe và các cổng thành rằng: ‘Jīvaka muốn đi bằng xe nào thì hãy để cho đi bằng xe đó, muốn đi ra bằng cổng nào thì hãy để cho đi ra bằng cổng đó, muốn đi ra lúc nào thì hãy cho đi ra lúc đó, muốn đi vào lúc nào thì hãy cho đi vào lúc đó.’”

Sau đó, đức vua Pajjota đã ra lệnh cho các trạm xe và các cổng thành rằng: – “Jīvaka muốn đi bằng xe nào thì hãy để cho đi bằng xe đó, muốn đi ra bằng cổng nào thì hãy để cho đi ra bằng cổng đó, muốn đi ra lúc nào thì hãy cho đi ra lúc đó, muốn đi vào lúc nào thì hãy cho đi vào lúc đó.”

Vào lúc bấy giờ, đức vua Pajjota có con voi cái tên là Bhaddavatikā có thể đi năm mươi do tuần. Rồi Jīvaka Komārabhacca đã đem lại bơ lỏng cho đức vua Pajjota (nói rằng): – “Xin bệ hạ hãy uống cam.” Sau đó, khi đã cho đức vua Pajjota uống bơ lỏng xong, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến chuồng voi và tẩu thoát thành phố bằng con voi cái Bhaddavatikā.

Sau đó, khi đã được đức vua Pajjota uống vào và trong khi tiêu hóa, bơ lỏng ấy đã làm ợ chua. Khi ấy, đức vua Pajjota đã nói với mọi người điều này: – “Này các khanh, Jīvaka xảo trá đã làm cho trẫm phải uống bơ lỏng. Chính vì thế, các khanh hãy truy nã thầy thuốc Jīvaka.” – “Tâu bệ hạ, thầy thuốc đã tẩu thoát thành phố bằng con voi cái Bhaddavatikā rồi.”

Vào lúc bấy giờ, đức vua Pajjota có nam nô lệ tên là Kāka đã được sanh ra có nguồn gốc phi nhân có thể đi sáu mươi do tuần. Khi ấy, đức vua Pajjota đã ra lệnh cho nô lệ Kāka rằng: – “Này khanh Kāka, hãy đi và hãy bảo thầy thuốc Jīvaka rằng: ‘Thưa thầy, đức vua bảo đem thầy quay trở về.’ Này khanh Kāka, bọn người gọi là thầy thuốc này vô cùng quỷ quyệt. Khanh chớ có nhận lấy bất cứ vật gì từ ông ta.”

Sau đó, vào khoảng giữa đường đi tại thành Kosambi, người nô lệ Kāka đã bắt gặp Jīvaka Komārabhacca đang dùng điểm tâm. Khi ấy, người nô lệ Kāka đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: – “Thưa thầy, đức vua bảo đem thầy quay trở về.” – “Này chú em Kāka, hãy chờ cho ta ăn. Này chú em Kāka, ngươi cũng nên ăn đi.” – “Thưa thầy, thôi đi. Tôi đã được đức vua ra lệnh rằng: ‘Này khanh Kāka, bọn người gọi là thầy thuốc này vô cùng xảo trá. Khanh chớ có nhận lấy bất cứ vật gì từ ông ta.’”

Vào lúc bấy giờ, Jīvaka Komārabhacca đã dùng móng tay khảy lấy (chút) dược phẩm rồi ăn trái cây āmalaka và uống nước. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã nói với nô lệ Kāka điều này: – “Này chú em Kāka, ngươi hãy ăn trái cây āmalaka và nên uống nước.” Khi ấy, nô lệ Kāka (nghĩ rằng): “Thầy thuốc này ăn trái cây āmalaka và uống nước. Xem ra không có điều gì là quỷ quyệt cả” rồi đã ăn nửa trái āmalaka và uống nước. Khi người nô lệ ấy vừa ăn vào nửa phần của trái āmalaka ấy liền bị ói ra ngay tại chỗ ấy.

Khi ấy, nô lệ Kāka đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: – “Thưa thầy, tôi có còn mạng sống không?” – “Này chú em Kāka, chớ có sợ. Rồi chính ngươi sẽ được khỏi bệnh. Còn đức vua thì tàn bạo, đức vua ấy cũng có thể ra lệnh giết ta; vì thế ta không quay trở lại.” Sau khi bảo nô lệ Kāka dẫn đi con voi cái Bhaddavatikā, Jīvaka Komārabhacca đã ra đi về phía thành Rājagaha, tuần tự đã đi đến thành Rājagaha gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã trình sự việc ấy cho đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha. – “Này khanh Jīvaka, khanh đã làm tốt lắm, là việc khanh đã không quay trở về. Đức vua ấy tàn bạo cũng có thể ra lệnh giết khanh.”

Sau đó, đức vua Pajjota, được khỏi bệnh, đã phái sứ giả đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca (nói rằng): – “Jīvaka hãy đi đến. Trẫm sẽ ban đặc ân.” – “Thưa ngài, thôi đi. Chỉ xin đức vua nhớ cho chức vụ của thần.”

Vào lúc bấy giờ, có xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi được phát sanh đến đức vua Pajjota. (Đây) là loại tốt nhất, thượng hạng, nổi tiếng, cao quý, và sang trọng trong vô số các loại vải, trong vô số các xấp vải đôi, trong hàng trăm xấp vải đôi, trong hàng ngàn xấp vải đôi, trong hàng trăm ngàn xấp vải đôi. Sau đó, đức vua Pajjota đã phái người đem xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi ấy ban cho Jīvaka Komārabhacca.

Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi này đã được đức vua Pajjota gởi đến cho ta, là loại tốt nhất, thượng hạng, nổi tiếng, cao quý, và sang trọng trong vô số các loại vải, trong vô số các xấp vải đôi, trong hàng trăm xấp vải đôi, trong hàng ngàn xấp vải đôi, trong hàng trăm ngàn xấp vải đôi; không ai xứng đáng với vật này, ngoại trừ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy, hay là đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.”

Vào lúc bấy giờ, cơ thể của đức Thế Tôn bị tiết ra dịch chất dơ. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo với đại đức Ānanda rằng: – “Này Ānanda, cơ thể của Như Lai bị tiết ra dịch chất dơ. Như Lai muốn uống liều thuốc xổ.”

Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca, sau khi đến đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: – “Này đạo hữu Jīvaka, cơ thể của Như Lai bị tiết ra dịch chất dơ. Như Lai muốn uống liều thuốc xổ.” – “Thưa ngài Ānanda, như thế thì ngài hãy thoa dầu nơi cơ thể của đức Thế Tôn một vài ngày.”

Sau đó, khi đã thoa dầu nơi cơ thể của đức Thế Tôn một vài ngày, đại đức Ānanda đã đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca, sau khi đến đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này: – “Này đạo hữu Jīvaka, cơ thể của Như Lai đã được thoa dầu, đạo hữu hãy suy nghĩ xem bây giờ là thời điểm của việc gì.”

Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Đối với ta quả là không thích đáng, là việc ta có thể dâng đức Thế Tôn liều thuốc xổ thô tháo,” nên đã dùng ba nắm sen và nhiều loại dược phẩm trộn lẫn nhau rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã dâng lên đức Thế Tôn một nắm sen (nói rằng): – “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hít vào nắm sen thứ nhất này, liều này sẽ làm đức Thế Tôn xổ mười lần.” Rồi đã dâng đức Thế Tôn nắm sen thứ nhì (nói rằng): – “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hít vào nắm sen thứ nhì này, liều này sẽ làm đức Thế Tôn xổ mười lần.” Rồi đã dâng đức Thế Tôn nắm sen thứ ba (nói rằng): – “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hít vào nắm sen thứ ba này, liều này sẽ làm đức Thế Tôn xổ mười lần.” (Rồi nghĩ rằng:) “Như thế đức Thế Tôn sẽ có liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần.” Sau đó, khi đã dâng đức Thế Tôn liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần, Jīvaka Komārabhacca đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Khi ấy, trong lúc đang đi ra khỏi cổng ra vào, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Ta đã dâng lên đức Thế Tôn liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần. (Do) cơ thể của đức Như Lai đã bị tiết ra dịch chất dơ nên sẽ không làm đức Thế Tôn xổ đầy đủ ba mươi lần mà chỉ làm đức Thế Tôn xổ hai mươi chín lần. Tuy nhiên, khi đức Thế Tôn đã được xổ, ngài sẽ tắm. Và khi đã được tắm, liều thuốc sẽ làm đức Thế Tôn xổ một lần nữa. Như thế, đức Thế Tôn sẽ có được liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần.”

Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của Jīvaka Komārabhacca nên đã bảo đại đức Ānanda rằng: – “Này Ānanda, ở đây trong lúc đang đi ra khỏi cổng ra vào, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: ‘Ta đã dâng lên đức Thế Tôn liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần. (Do) cơ thể của đức Như Lai đã bị tiết ra dịch chất dơ nên sẽ không làm đức Thế Tôn xổ đầy đủ ba mươi lần mà chỉ làm đức Thế Tôn xổ hai mươi chín lần. Tuy nhiên, khi đức Thế Tôn đã được xổ, ngài sẽ tắm; và khi đã được tắm, liều thuốc sẽ làm đức Thế Tôn xổ một lần nữa. Như thế, đức Thế Tôn sẽ có được liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần.’ Này Ānanda, như thế thì ngươi hãy chuẩn bị sẵn sàng nước nóng.” – “Bạch ngài, xin vâng.” Rồi đại đức Ānanda, nghe theo đức Thế Tôn, đã chuẩn bị sẵn sàng nước nóng.

Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Jīvaka Komārabhacca đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, đức Thế Tôn đã được xổ chưa?” – “Này Jīvaka, ta đã được xổ.” – “Bạch ngài, ở đây trong lúc đang đi ra khỏi cổng ra vào, con đã khởi ý điều này: ‘Ta đã dâng lên đức Thế Tôn liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần. (Do) cơ thể của đức Như Lai đã bị tiết ra dịch chất dơ nên sẽ không làm đức Thế Tôn xổ đầy đủ ba mươi lần mà chỉ làm đức Thế Tôn xổ hai mươi chín lần. Tuy nhiên, khi đức Thế Tôn đã được xổ, ngài sẽ tắm. Và khi đã được tắm, liều thuốc sẽ làm đức Thế Tôn xổ một lần nữa. Như thế, đức Thế Tôn sẽ có được liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần.’ Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy tắm, xin đấng Thiện Thệ hãy tắm.” Khi ấy, đức Thế Tôn đã tắm nước nóng. Khi đã được tắm, (liều thuốc) đã làm đức Thế Tôn xổ một lần nữa. Như thế, đức Thế Tôn đã có được liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần.

Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, cho đến khi cơ thể của đức Thế Tôn trở lại bình thường, cần kiêng đồ khất thực là nước trái cây.”

Sau đó chẳng bao lâu, cơ thể của đức Thế Tôn đã được bình thường. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã cầm lấy xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi ấy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Jīvaka Komārabhacca đã nói với đức Thế Tôn điều này: – “Bạch ngài, con thỉnh cầu đức Thế Tôn một điều ước muốn.” – “Này Jīvaka, các đấng Như Lai đã vượt khỏi các điều ước muốn.” – “Bạch ngài, điều ấy là hợp lý, điều ấy không bị chê trách.” – “Này Jīvaka, hãy nói đi.” – “Bạch ngài, đức Thế Tôn là vị sử dụng y may từ vải bị quăng bỏ, và hội chúng tỳ khưu (cũng vậy). Bạch ngài, xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi này của con đã được vua Pajjota gởi đến, là loại tốt nhất, thượng hạng, nổi tiếng, cao quý, và sang trọng trong vô số các loại vải, trong vô số các xấp vải đôi, trong hàng trăm xấp vải đôi, trong hàng ngàn xấp vải đôi, trong hàng trăm ngàn xấp vải đôi. Bạch ngài, xin ngài thọ nhận xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi này của con và cho phép y của gia chủ[1] đến hội chúng tỳ khưu.” Đức Thế Tôn đã thọ nhận xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Jīvaka Komārabhacca bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Jīvaka Komārabhacca đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã nói Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng: – “Này các tỳ khưu, ta cho phép y của gia chủ. Vị nào thích thì hãy là vị sử dụng y may từ vải bị quăng bỏ, vị nào thích thì hãy chấp nhận y của gia chủ. Và này các tỳ khưu, ta ngợi khen sự biết đủ (dầu) với loại này hay loại kia.”

Rồi dân chúng ở thành Rājagaha đã nghe được rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã cho phép y của gia chủ đến các tỳ khưu.” Và những người dân ấy đã trở nên mừng rỡ phấn chấn (nghĩ rằng): “Giờ đây, chúng ta sẽ dâng các vật thí, chúng ta sẽ làm các việc phước thiện, bởi vì đức Thế đã cho phép y của gia chủ đến các vị tỳ khưu.” Và chỉ trong một ngày, ở thành Rājagaha nhiều ngàn y đã được phát sanh.

Rồi dân chúng trong nước đã nghe được rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã cho phép y của gia chủ đến các vị tỳ khưu.” Và những người dân ấy đã trở nên mừng rỡ phấn chấn (nghĩ rằng): “Giờ đây, chúng ta sẽ dâng các vật thí, chúng ta sẽ làm các việc phước thiện, bởi vì đức Thế đã cho phép y của gia chủ đến các vị tỳ khưu.” Và chỉ trong một ngày, ở trong nước nhiều ngàn y đã được phát sanh.

Vào lúc bấy giờ, có tấm vải choàng được phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép tấm vải choàng.” Có tấm vải choàng bằng tơ lụa được phát sanh. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép tấm vải choàng bằng tơ lụa.” Có tấm choàng lông được phát sanh đến hội chúng. – “Này các tỳ khưu, ta cho phép tấm choàng lông.”

Dứt tụng phẩm thứ nhất.

–ooOoo–

[1] Y của gia chủ (gahapaticīvaraṃ) được ngài Buddhaghosa giải thích là: “Y được dâng bởi các gia chủ” (VinA. v, 1119).

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *