PHẬT SỬ – LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT: Chương Tổng Hợp về Chư Phật

LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT

Chương Tổng Hợp về Chư Phật

  1. Vô lượng kiếp trước đây, đã có bốn bậc Hướng Đạo là Taṇhaṅkara, Medhaṅkara, cùng với Saraṇaṅkara, và đấng Toàn Giác Dīpaṅkara. Các đấng Chiến Thắng ấy là thuộc về chung một kiếp.
  1. Sau (đức Phật) Dīpaṅkara, có bậc Lãnh Đạo tên là Koṇḍañña. Chỉ một mình trong một kiếp, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
  1. (Số lượng) các kiếp ở vào khoảng giữa của hai vị này, (tức là) đức Thế Tôn Dīpaṅkara và đấng Đạo Sư Koṇḍañña, là không thể đếm được theo cách thức tính toán.
  1. Sau (đức Phật) Koṇḍañña, có bậc Lãnh Đạo tên là Maṅgala. (Số lượng) các kiếp ở vào khoảng giữa của hai vị này cũng là không thể đếm được theo cách thức tính toán.
  1. Maṅgala, Sumana, Revata, và bậc Hiền Triết Sobhita, các đức Phật, các bậc Hữu Nhãn, các đấng Quanh Minh ấy cũng ở vào một kiếp.
  1. Sau (đức Phật) Sobhita là vị Anomadassī có danh tiếng vĩ đại. (Số lượng) các kiếp ở vào khoảng giữa của hai vị ấy cũng là không thể đếm được theo cách thức tính toán.
  1. Anomadassī, Paduma, luôn cả bậc Lãnh Đạo Nārada, các đức Phật, các đấng chấm dứt bóng đêm, các bậc Hiền Triết ấy cũng ở vào một kiếp.

 

  1. Sau (đức Phật) Nārada, có bậc Lãnh Đạo tên là Padumuttara. Được sanh lên (riêng biệt) trong một kiếp, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
  1. (Số lượng) các kiếp ở vào khoảng giữa của hai vị ấy, (tức là) đức Thế Tôn Nārada và đấng Đạo Sư Padumuttara, cũng là không thể đếm được theo cách thức tính toán.
  1. Một trăm ngàn kiếp (trước đây) đã có một bậc Đại Hiền Triết, đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, là vị thọ lãnh các vật cúng dường.
  1. Ba chục ngàn kiếp sau (đức Phật) Padumuttara, đã có hai bậc Hướng Đạo là Sumedha và Sujāta.
  1. Mười tám trăm (một ngàn tám trăm) kiếp (trước đây), vào sau (thời đức Phật) Sujāta, đã có ba bậc Hướng Đạo là các bậc Lãnh Đạo Piyadassī, Atthadassī, và Dhammadassī; (các vị ấy) là các bậc Toàn Giác, là các đấng Tối Thượng Nhân.
  1. Chín mươi bốn kiếp trước đây, đã có một bậc Đại Hiền Triết. Vị ấy là đấng Hiểu Biết Thế Gian Siddhattha, sâu sắc, và vô thượng.
  1. Chín mươi hai kiếp trước đây, đã có hai bậc Hướng Đạo. Tissa và đấng Toàn Giác Phussa là không kẻ sánh bằng, không người đối thủ.
  1. Chín mươi mốt kiếp trước đây, (đã có) đấng Lãnh Đạo tên là Vipassī. Đức Phật ấy cũng là đấng Bi Mẫn đã giải thoát chúng sanh khỏi sự trói buộc.
  1. Ba mươi mốt kiếp trước đây, đã có hai bậc Hướng Đạo. Sikhī và luôn cả Vessabhū là không kẻ sánh bằng, không người đối thủ.
  1. Trong kiếp Bhadda này đã có ba bậc Hướng Đạo là Kakusandha, Koṇāgamana, và luôn cả vị Lãnh Đạo Kassapa. Hiện nay, ta là đấng Toàn Giác và cũng sẽ có vị Metteyya nữa.
  1. Cả năm vị Phật này là các bậc thông thái và là những vị có lòng thương xót thế gian. Sau khi chỉ ra Đạo Lộ ấy của các đấng Pháp Vương này cho vô số koṭi người khác, các vị ấy đã Niết Bàn cùng với các vị Thinh Văn.[10]

Dứt Chương Tổng Hợp về Chư Phật.

–ooOoo–

Giảng Giải về Việc Phân Chia Xá-Lợi

  1. Đấng Chiến Thắng cao quý Gotama vĩ đại đã Niết Bàn tại Kusinārā. Đã có sự phân tán xá-lợi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.
  1. Một phần thuộc về (đức vua) Ajātasattu. Một phần ở thành Vesālī. Một phần ở thành Kapilavatthu. Và một phần dành cho người dân ở Allakappa.
  1. Và một phần ở Rāmagāma. Và một phần dành cho người dân ở Veṭṭhadīpa. Một phần dành cho người dân Malla ở Pāvā. Và một phần dành cho người dân ở Kusinārā.
  1. Bà-la-môn tên Doṇa đã xây dựng ngôi bảo tháp cho bình đựng (xá-lợi). Những người Moriya với tâm tư hớn hở đã xây dựng ngôi bảo tháp thờ tro.
  1. Chính vào thời ấy, có tám ngôi bảo tháp (thờ) xá-lợi, ngôi bảo tháp của bình đựng (xá-lợi) là thứ chín, ngôi bảo tháp thờ tro là thứ mười đã được thiết lập.
  1. Một chiếc răng nanh ở thành phố của cõi trời Ba Mươi, một ở Long Cung, một ở lãnh địa Gandhāra, một thuộc về đức vua xứ Kaliṅga.[11]
  1. Chư thiên theo tuần tự của mỗi một thế giới đã mang đi bốn mươi chiếc răng bằng nhau và toàn bộ tóc lông.
  1. Bình bát, cây gậy, và y của đức Thế Tôn là ở Madhurā. Y nội là ở Kusaghara. Tấm trải nằm là ở (thành) Kapila.
  1. Bình đựng nước, dây thắt lưng là ở thành Pāṭaliputta. Vải lọc nước là ở Campā. Và sợi lông giữa hai lông mày là ở Kosala.
  1. Y ca-sa là ở cõi Phạm Thiên. Vải che đầu là ở thành phố của cõi trời Ba Mươi. Dấu chân ở Pāsāṇaka là nhất hạng và cũng là dấu chân không bị hư hoại. Khi ấy, tấm lót ngồi, tấm trải nằm là ở vương quốc Avantipura.
  1. Và cái bật lửa là ở Mithilā. Đồ lọc nước là ở Videha. Khi ấy, dao cạo và luôn cả hộp đựng kim là ở thành phố Indapatta.
  1. Khi ấy, dân chúng ở vùng ven của xứ sở đã bảo quản các vật dụng thiết yếu còn lại đã được sử dụng bởi bậc Hiền Triết.
  1. Khi ấy, tài liệu cổ (porāṇikaṃ) đã nói rằng: “Vì lòng thương tưởng chúng sanh, đã có sự phân tán xá-lợi của bậc Đại Ẩn Sĩ Gotama.”

Dứt Phần Giảng Giải về Việc Phân Chia Xá-Lợi.

 

Phật Sử được chấm dứt.

–ooOoo–

 

[1] Là hoàng tử Khaṇḍa người em trai cùng cha khác mẹ và Tissa con trai của viên quan tế tự. Hai người này đã trở thành hai vị Thinh Văn hàng đầu của vị Phật này, BvA. 237.

[2] puṇḍarīka là cây xoài trắng (setambarukkha), BvA. 247.

[3] Dịch theo lời giải thích của Chú Giải, BvA. 249.

[4] Kiếp Bhadda (bhaddakappa) có năm vị Phật sanh lên. Chúng ta đang ở vào kiếp Bhadda gồm có bốn vị Phật đã sanh lên là Kakusandha, Koṇāgamana, Kassapa, Gotama (Phật Thích Ca). Vị Phật sẽ sanh lên trong thời vị lai là Metteyya, BvA. 252.

[5] Tám chi phần về lời nói là: lưu loát, dễ hiểu, dịu ngọt, nghe rõ ràng, sung mãn, phân minh, thâm sâu và vang động (Kinh Xa-ni-sa, Trường Bộ Kinh II, lời Việt của HT. Minh Châu).

[6] Hồ nước ví như Pháp Học, dầu thơm là Tứ Thanh Tịnh Giới, tấm vải là hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, tràng hoa là ba mươi bảy Pháp đưa đến Giác Ngộ, BvA. 269.

[7] Nghĩa là sự an lạc các loại thuộc về thế gian và siêu thế, BvA. 293.

[8] Chưa đạt được quả vị A-la-hán, BvA. 293.

[9] Ám chỉ hai vị Thinh Văn hàng đầu Sārīputta và Moggallāna (Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên), BvA. 295.

[10] Thứ tự của 28 vị Phật sắp xếp theo các kappa (kiếp) được trình bày như sau:

Sāramaṇḍa-kappa: Có bốn vị Phật là Taṇhaṅkara, Medhaṅkara, Sara-ṇaṅkara, và Dīpaṅkara

Sāra-kappa: Một vị Phật là Koṇḍañña

Sāramaṇḍa-kappa: Bốn vị Phật là Maṅgala, Sumana, Revata, Sobhita

Vara-kappa: Ba vị Phật là Anomadassī, Paduma, Nārada

Sāra-kappa: Một vị Phật là Padumuttara

Maṇḍa-kappa: Hai vị Phật là Sumedha, Sujāta

Vara-kappa: Ba vị Phật là Piyadassī, Atthadassī, Dhammadassī

Sāra-kappa: Một vị Phật là Siddhattha

Maṇḍa-kappa: Hai vị Phật là Tissa, Phussa

Sāra-kappa: Một vị Phật là Vipassī

Maṇḍa-kappa: Hai vị Phật là Sikhī, Vessabhū

Bhadda-kappa: Năm vị Phật là Kakusandha, Koṇāgamana, Kassapa, Gotama, và đức Phật Metteyya vào thời vị lai.

[11] Như vậy là bốn chiếc răng nanh, hai ở hàm trên hai ở hàm dưới (ND).

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Sử“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Pháp Sử” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *