TĂNG CHI BỘ III – CHƯƠNG SÁU PHÁP – PHẨM LỢI ÍCH

TẠNG KINH

KINH TĂNG CHI BỘ 

CHƯƠNG SÁU PHÁP

PHẨM LỢI ÍCH

(I) (96) Sự Xuất Hiện

  1. – Này các Tỷ-kheo, sự xuất hiện của sáu sự kiện khó tìm được ở đời. Thế nào là sáu?
  2. Sự xuất hiện của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác khó tìm được ở đời; sự xuất hiện của người thuyết giảng Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết khó tìm được ở đời; sự tái sanh trong Thánh xứ khó tìm được ở đời; không khiếm khuyết các căn khó tìm ở đời; không si mê, không câm ngọng khó tìm ở đời; ước muốn thiện pháp khó tìm được ở đời.

Này các Tỷ-kheo, sự xuất hiện của sáu sự kiện khó tìm được ở đời.

(II) (97) Các Lợi Ích

  1. – Có sáu lợi ích, này các Tỷ-kheo, khi chứng ngộ quả Dự lưu. Thế nào là sáu?
  2. Sự quyết định đối với diệu pháp không có bị thối đọa; không có bị đau khổ; làm các việc bị sanh tử hạn chế; thành tựu trí tuệ; không cùng chia sẻ với các dị sanh; nguyên nhân và các pháp do nhân sanh được khéo thấy.

Có sáu lợi ích này, này các Tỷ-kheo, khi chứng ngộ quả Dự lưu.

(III) (98) Vô Thường

  1. – Thật vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là thường còn, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này không xảy ra. Không thành tựu nhẫn nhục tùy thuận, sẽ nhập vào chánh tánh quyết định, sự kiện này không thể xảy ra. Không nhập vào chánh tánh quyết định, sẽ chứng ngộ quả Dự lưu, hay quả Nhất Lai, hay quả Bất lai, hay quả A-la-hán, sự kiện này không xảy ra.
  2. Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là vô thường, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này có xảy ra. Thành tựu nhẫn nhục tùy thuận, sẽ nhập vào chánh tánh quyết định, sự kiện này có xảy ra. Nhập vào chánh tánh quyết định, sẽ chứng ngộ quả Dự lưu, quả Nhất lai, quả Bất lai, hay quả A-la-hán, sự kiện này có xảy ra.

(VI) (99) Khổ

– Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là lạc, sẽ thành tựu… (như trên với những thay đổi cần thiết).

(V) (100) Vô Ngã

– Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào thấy bất cứ hành nào là ngã, sẽ thành tựu… (như kinh 98 với những thay đổi cần thiết).

(VI) (101) Niết Bàn

– Thật vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào thấy Niết-bàn là khổ, sẽ thành tựu được nhẫn nhục tùy thuận, sự kiện này không xảy ra… (như kinh 98 với những thay đổi cần thiết).

(VII) (102) Không Có Hạn Chế (1)

  1. – Thấy được sáu lợi ích, này các Tỷ-kheo, thật là vừa đủ để vị Tỷ-kheo làm cho an trú tưởng vô thường, không có hạn chế trong tất cả hành. Thế nào là sáu?
  2. Tất cả hành hiện ra với tôi, không có an trú; ý của tôi không ưa thích tất cả thế giới; ý của tôi sẽ xuất khỏi tất cả thế giới; ý của tôi sẽ nghiêng về Niết-bàn; các kiết sử của tôi đi đến đoạn diệt; và tôi sẽ thành tựu tối thượng Sa-môn hạnh.

Thấy được sáu lợi ích này, này các Tỷ-kheo, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo làm cho an trú tưởng vô thường, không có hạn chế trong tất cả hành.

(VIII) (103) Không Có Hạn Chế (2)

  1. – Thấy được sáu lợi ích này, này các Tỷ-kheo, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo làm cho an trú tưởng khổ, không có hạn chế trong tất cả hành. Thế nào là sáu?
  2. Trong tất cả hành, tưởng Niết-bàn sẽ được an trú trong tôi, ví như kẻ giết người đang đưa dao lên chém; ý của tôi sẽ xuất khỏi tất cả thế giới; tôi sẽ trở thành một người thấy được tịnh lạc trong Niết-bàn; các tùy miên trong tôi sẽ được nhổ lên; tôi sẽ là người đã làm các việc nên làm; tôi sẽ với từ tâm hầu hạ bậc Ðạo Sư.

Thấy được sáu lợi ích này, này các Tỷ-kheo, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo làm cho an trú tưởng khổ không có hạn chế trong tất cả hành.

(IX) (104) Không Có Hạn Chế (3)

  1. – Thấy được sáu lợi ích, này các Tỷ-kheo, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo làm cho an trú tưởng vô ngã không có hạn chế trong tất cả hành. Thế nào là sáu?
  2. Trong tất cả thế giới, tôi sẽ không dự phần vào trong ấy; cái gì tạo ra cái “tôi” trong tôi sẽ được chận đứng; cái gì tạo ra cái “của tôi” trong tôi sẽ được chận đứng; tôi sẽ thành tựu trí; không cùng chia sẻ với người khác; nguyên nhân và các pháp do nhân sanh được tôi khéo thấy.

Thấy được sáu lợi ích này, này các Tỷ-kheo, thật là vừa đủ để Tỷ-kheo làm cho an trú tưởng vô ngã không có hạn chế trong tất cả hành.

(X) (105) Hữu

  1. – Này các Tỷ-kheo, có ba hữu này cần phải đoạn tận, cần phải được học tập trong ba học pháp. Thế nào là ba hữu cần phải đoạn tận?
  2. Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Ba hữu này cần phải đoạn tận.

Trong ba học pháp nào, cần phải học tập?

  1. Tăng thượng giới học, tăng thượng định học, tăng thượng tuệ học. Trong ba học pháp này, cần phải học tập.
  2. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo đã đoạn tận ba hữu này, đã học tập trong ba học pháp này, Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, được gọi là Tỷ-kheo đã chặt đứt khát ái, đã giải tỏa kiết sử do chơn chánh thực hiện quán kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau.

(XI) (106) Khát Ái

  1. – Này các Tỷ-kheo, ba khát ái và ba mạn này cần phải đoạn diệt. Thế nào là ba khát ái cần phải đoạn diệt?
  2. Dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Ba khát ái này cần phải đoạn diệt.

Thế nào là ba mạn cần phải đoạn diệt?

  1. Mạn, tùy mạn, quá mạn. Ba mạn này cần phải đoạn diệt.
  2. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo đã được tận ba khát ái và ba mạn này, vị này, này các Tỷ-kheo, được gọi là Tỷ-kheo đã chặt đứt khát ái, đã giải tỏa kiết sử, do chơn chánh thực hiện quán kiêu mạn, đã đoạn tận khổ đau.
  1. Phẩm Ba Pháp

(I) (107) Tham

  1. – Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba?
  2. Tham, sân, si. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba?

  1. Ðể đoạn tận tham, bất tịnh cần phải tu tập. Ðể đoạn tận sân, từ tâm cần phải tu tập. Ðể đoạn tận si, trí tuệ cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

(II) (108) Ác Hành

  1. – Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba?
  2. Thân ác hành, khẩu ác hành, ý ác hành. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba?

  1. Ðể đoạn tận thân ác hành, thân thiện hành cần phải tu tập. Ðể đoạn tận khẩu ác hành, khẩu thiện hành cần phải tu tập. Ðể đoạn tận ý ác hành, ý thiện hành cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải được tu tập.

(III) (109) Suy Tầm

1.- Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba?

  1. Dục tầm, sân tầm, hại tầm. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba?

  1. Ðể đoạn tận dục tầm, xuất ly tầm phải tu tập. Ðể đoạn tận sân tầm, vô sân tầm cần phải tu tập, Ðể đoạn tận hại tầm, bất hại tầm cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

(IV) (110) Tưởng

… (Như kinh trên, chỉ có tưởng thế cho tâm).

(V) (111) Giới

… (Như kinh (109), chỉ có giới thế cho tâm).

(VI) (112) Thỏa Mãn

  1. – Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba?
  2. Thỏa mãn kiến, tùy ngã kiến, tà kiến. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba?

  1. Ðể đoạn tận thỏa mãn kiến, tưởng vô thường cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tùy ngã kiến, tưởng vô ngã cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tà kiến, chánh kiến cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này phải tu tập.

(VII) (113) Bất Lạc

  1. – Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba?
  2. Bất lạc, hại, phi pháp hành. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba?

  1. Ðể đoạn tận bất lạc, hỷ cần phải tu tập. Ðể đoạn tận hại, bất hại cần phải tu tập. Ðể đoạn tận phi pháp hành, pháp hành cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

(VIII) (114) Biết Ðủ

  1. – Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba?
  2. Không biết đủ, không tỉnh giác, có nhiều dục. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập. Thế nào là ba?

  1. Ðể đoạn tận không biết đủ, biết đủ cần phải tu tập. Ðể đoạn tận không tỉnh giác, tỉnh giác cần phải tu tập. Ðể đoạn tận có nhiều dục, ít dục cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

(IX) (115) Ác Ngôn

1.- Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba?

  1. Ác ngôn, ác bằng hữu, tâm dao động. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập. Thế nào là ba?

  1. Ðể đoạn tận ác ngôn, thiện ngôn cần phải tu tập. Để đoạn tận ác bằng hữu, thiện bằng hữu cần phải tu tập. Ðể đoạn tận tâm dao động, niệm hơi thở vào hơi thở ra cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp này cần phải tu tập.

(X) (116) Trạo Cử

  1. – Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này. Thế nào là ba?
  2. Trạo cử, không bảo vệ, phóng dật. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này.

Ðể đoạn tận ba pháp đó, ba pháp cần phải tu tập. Thế nào là ba?

  1. Ðể đoạn tận trạo cử, chỉ cần phải tu tập. Ðể đoạn tận không bảo vệ, bảo vệ cần phải tu tập. Ðể đoạn tận phóng dật, không phóng dật cần phải tu tập.

Ðể đoạn tận ba pháp kia, này các Tỷ-kheo, ba pháp cần phải tu tập.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ III“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Kinh Tăng Chi Bộ III” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *