TƯƠNG ƯNG BỘ III – CHƯƠNG I: TƯƠNG ƯNG UẨN – PHẨM VÔ THƯỜNG

TƯƠNG ƯNG BỘ III

CHƯƠNG I: TƯƠNG ƯNG UẨN

PHẨM VÔ THƯỜNG

12. Vô Thường

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sāvatthi

Tại đấy …

—Này các Tỷ-kheo, sắc là vô thường…, thọ là vô thường…, tưởng là vô thường … các hành là vô thường…, thức là vô thường.

Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức … Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

13. Khổ

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Này các Tỷ-kheo, sắc là khổ…, thọ là khổ…, tưởng là khổ…, các hành là khổ…, thức là khổ …

Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.

14. Vô Ngã

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Này các Tỷ-kheo, sắc là vô ngã…, thọ là vô ngã…, tưởng là vô ngã…, các hành là vô ngã…, thức là vô ngã …

Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm ly đối với tưởng, yếm ly đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: “Ta được giải thoát”. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

15. Cái Gì Vô Thường

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường; cái gì vô thường là khổ; cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã, cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi”.

Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô thường; cái gì vô thường là khổ; cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi”.

Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô thường …

Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô thường …

Thức, này các Tỷ-kheo, là vô thường; cái gì vô thường là khổ; cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi”.

Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.

16. Cái Gì Khổ

Nhân duyên tại Sāvatthi

—Sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi”.

Thọ, này các Tỷ-kheo, là khổ …

Tưởng, này các Tỷ-kheo, là khổ …

Các hành, này các Tỷ-kheo, là khổ …

Thức, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì khổ là vô ngã; cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi”.

Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.

17. Cái Gì Vô Ngã

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì vô ngã; cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi”.

Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô ngã … Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô ngã … Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô ngã …

Thức, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của tôi; cái này không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi”.

Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.

18. Có Nhân Là Vô Thường

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho sắc sanh khởi; cái ấy cũng vô thường. Sắc đã được cái vô thường làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể thường được?

Thọ, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho thọ sanh khởi; cái ấy cũng vô thường. Thọ đã được cái vô thường làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể thường được?

Tưởng, này các Tỷ-kheo, là vô thường …

Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô thường …

Thức, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho thức sanh khởi; cái ấy cũng vô thường. Thức đã được cái vô thường làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể thường được?

Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc … ” … không còn trở lui với trạng thái này nữa”.

19. Có Nhân Là Khổ

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Sắc, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho sắc sanh khởi; cái ấy cũng khổ. Sắc đã được cái khổ làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể lạc được?

Thọ, này các Tỷ-kheo, là khổ …

Tưởng, này các Tỷ-kheo, là khổ …

Các hành, này các Tỷ-kheo, là khổ …

Thức, này các Tỷ-kheo, là khổ. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho thức sanh khởi; cái ấy cũng khổ. Thức đã được cái khổ làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu có thể lạc được?

Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.

20. Có Nhân Là Vô Ngã

Nhân duyên ở Sāvatthi

—Sắc, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho sắc sanh khởi; cái ấy cũng vô ngã. Sắc đã được cái vô ngã làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu là ngã được?

Thọ … Tưởng … Các hành, này các Tỷ-kheo, là vô ngã …

Thức, này các Tỷ-kheo, là vô ngã. Cái gì là nhân, cái gì là duyên cho thức sanh khởi; cái ấy cũng vô ngã. Thức đã được cái vô ngã làm cho sanh khởi, này các Tỷ-kheo, từ đâu là ngã được?

Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, vị Ða văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.

21. Ānanda

Ở tại Sāvatthi … trong vườn …

Lúc bấy giờ Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

: “Ðoạn diệt, đoạn diệt”, bạch Thế Tôn, chúng con được nghe nói đến. Do đoạn diệt những pháp nào, bạch Thế Tôn, được gọi là đoạn diệt?

—Sắc, này Ānanda, là vô thường, hữu vi, do nhân duyên sanh khởi, chịu sự đoạn tận, chịu sự hoại diệt, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt. Sự đoạn diệt của sắc được gọi là đoạn diệt.

Thọ, này Ānanda, là vô thường, hữu vi, do nhân duyên sanh khởi, chịu sự đoạn tận, chịu sự hoại diệt, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt. Sự đoạn diệt của thọ được gọi là đoạn diệt.

Tưởng, này Ānanda, là vô thường … Các hành, này Ānanda, là vô thường …

Thức, này Ānanda, là vô thường, hữu vi, do nhân duyên sanh khởi, chịu sự đoạn tận, chịu sự hoại diệt, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt. Sự đoạn diệt của thức được gọi là đoạn diệt.

Sự đoạn diệt của những pháp này, này Ānanda, được gọi là đoạn diệt.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ III“, Ngài Thích Minh Châu Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ III” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *