TƯƠNG ƯNG BỘ IV – CHƯƠNG I: TƯƠNG ƯNG SÁU XỨ – PHẨM AN ỔN, KHỎI CÁC KHỔ ÁCH

TƯƠNG ƯNG BỘ IV

CHƯƠNG I: TƯƠNG ƯNG SÁU XỨ

PHẨM AN ỔN, KHỎI CÁC KHỔ ÁCH

102. Người Ðược An Ổn, Khỏi Các Khổ Ách

—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông pháp môn đưa đến an ổn, khỏi các khổ ách, pháp môn đúng pháp. Hãy lắng nghe.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp môn đưa đến an ổn, khỏi các khổ ách?

Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận biết khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Những sắc ấy đã được Như Lai đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Ðể đoạn tận chúng, Như Lai tuyên bố cái ách. Do vậy, Như Lai được gọi là vị đã được an ổn, khỏi các khổ ách … có những tiếng … có những hương … có những vị … có những xúc …

Này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận biết khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Những pháp ấy đã được Như Lai đoạn tận, cắt đứt từ gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai. Ðể đoạn tận chúng, Như Lai tuyên bố cái ách. Do vậy, Như Lai được gọi là vị đã được an ổn, khỏi các khổ ách.

Này các Tỷ-kheo, đây là pháp môn đưa đến an ổn, khỏi các khổ ách, là pháp môn đúng pháp.

103. Chấp Thủ

—Này các Tỷ-kheo, do có mặt cái gì, do chấp thủ cái gì khởi lên nội lạc, nội khổ?

—Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản …

—Này các Tỷ-kheo, do mắt có mặt, do chấp thủ mắt nên khởi lên nội lạc, nội khổ … tai … mũi … lưỡi … thân … Do ý có mặt, do chấp thủ ý nên khởi lên nội lạc, nội khổ.

Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, mắt là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy thời có thể khởi lên nội khổ, nội lạc không?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt … nhàm chán đối với ý. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên biết rằng: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”.

104. Khổ

—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về khổ tập khởi và khổ đoạn diệt. Hãy lắng nghe.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ tập khởi?

Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Ðây là khổ tập khởi. Do duyên tai … Do duyên mũi … Do duyên lưỡi … Do duyên thân … Do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Ðây là khổ tập khởi, này các Tỷ-kheo.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là khổ đoạn diệt?

Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Ðây là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Ðây là khổ chấm dứt.

Do duyên tai … Do duyên mũi …

Do duyên lưỡi … Do duyên thân …

Do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, ưu, não diệt. Ðây là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Ðây là khổ chấm dứt.

105. Thế Giới

—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về thế giới tập khởi và thế giới đoạn diệt. Hãy lắng nghe.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thế giới tập khởi?

Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ. Do duyên thủ nên có hữu. Do duyên hữu nên có sanh. Do duyên sanh nên có già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Ðây là thế giới tập khởi.

Do duyên tai … Do duyên mũi … Do duyên lưỡi … Do duyên thân …

Và do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ. Do duyên thủ nên có hữu. Do duyên hữu nên có sanh. Do duyên sanh nên có già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Này các Tỷ-kheo, đây là thế giới tập khởi.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thế giới đoạn diệt?

Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do sự ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đoạn diệt. Như vậy, đây là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt.

Này các Tỷ-kheo, đây là thế giới đoạn diệt.

106. Thắng

—Này các Tỷ-kheo, do có cái gì, do chấp thủ cái gì, do thiên chấp cái gì nên có: “Thắng hơn là tôi”, “Ngang bằng là tôi” hay “Thấp kém là tôi”?

—Bạch Thế Tôn, đối với chúng con, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản …

—Này các Tỷ-kheo, do có mắt, do chấp thủ mắt, do thiên chấp mắt nên có: “Thắng hơn là tôi”, “Ngang bằng là tôi” hay “Thấp kém là tôi” … Do có ý, do chấp thủ ý, do thiên chấp ý nên có: “Thắng hơn là tôi”, “Ngang bằng là tôi” hay “Thấp kém là tôi”.

Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỷ-kheo, mắt là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn.

—Cái vì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời (có thể) có ý nghĩ: “Thắng hơn là tôi”, “Ngang bằng là tôi”, hay “Thấp kém là tôi” không?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Tai là thường hay vô thường …

Mũi là thường hay vô thường …

Lưỡi là thường hay vô thường …

Thân là thường hay vô thường …

Ý là thường hay vô thường?

—Là vô thường, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

—Là khổ, bạch Thế Tôn.

—Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, nếu không chấp thủ cái ấy, thời (có thể) có ý nghĩ: “Thắng hơn là tôi”, “Ngang bằng là tôi” hay “Thấp kém là tôi” không?

—Thưa không, bạch Thế Tôn.

—Thấy vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt … nhàm chán đối với ý. Do nhàm chán nên vị ấy ly tham. Do ly tham nên vị ấy được giải thoát … ” … không còn trở lui trạng thái này nữa”.

107. Kiết Sử

—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về các pháp bị kiết sử và kiết sử. Hãy lắng nghe. Thế nào là kiết sử?

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị kiết sử và … kiết sử?

Này các Tỷ-kheo, mắt là pháp bị kiết sử. Ở đây, chỗ nào có dục và tham, ở đấy là kiết sử … Ý là pháp bị kiết sử. Ở đây, chỗ nào có dục và tham, ở đấy là kiết sử.

Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là những pháp bị kiết sử và kiết sử.

108. Chấp Thủ

—Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng về các pháp bị chấp thủ và chấp thủ. Hãy lắng nghe.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các pháp bị chấp thủ, và thế nào là chấp thủ?

Mắt, này các Tỷ-kheo, là pháp bị chấp thủ. Ở đây, chỗ nào có dục và tham, ở đấy là chấp thủ … Ý là pháp bị chấp thủ. Ở đây, chỗ nào có dục và tham, ở đấy là chấp thủ.

Này các Tỷ-kheo, đây được gọi là những pháp bị chấp thủ, và chấp thủ.

109. Tuệ Tri (Pajànàti)

—Này các Tỷ-kheo, do vì không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ mắt nên không thể đoạn tận khổ đau … tai … mũi … lưỡi … thân … Do vì không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ ý nên không thể đoạn tận khổ đau.

Và này các Tỷ-kheo, do thắng tri, liễu tri, ly tham và từ bỏ mắt nên có thể đoạn tận khổ đau … tai … mũi … lưỡi … thân … Do thắng tri, liễu tri, ly tham và từ bỏ ý nên có thể đoạn tận khổ đau.

110. Tuệ Tri

—Này các Tỷ-kheo, do không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ các sắc nên không thể đoạn tận khổ đau … các tiếng … các hương … các vị … các xúc … Do không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ các pháp nên không thể đoạn tận khổ đau.

Và này các Tỷ-kheo, do thắng tri, liễu tri, ly tham, từ bỏ các sắc, nên có thể đoạn tận khổ đau … các tiếng … các hương … các vị … các xúc … Do thắng tri, liễu tri, ly tham, từ bỏ các pháp nên có thể đoạn tận khổ đau.

111. Nghe Trộm (upassuti)

Một thời Thế Tôn trú tại Ñātikā, trong ngôi nhà bằng gạch.

Rồi Thế Tôn trong khi độc cư Thiền tịnh, nói lên lời pháp giáo này (dhammapariyàyam):

—Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ … Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

Do duyên tai … Do duyên mũi … Do duyên lưỡi … Do duyên thân …

Do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do duyên ái nên có thủ … Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này được tập khởi.

Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt … Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này được đoạn diệt.

Do duyên tai … Do duyên mũi … Do duyên lưỡi … Do duyên thân …

Do duyên ý và các pháp khởi lên ý thức. Do ba pháp này họp lại nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt … Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này được đoạn diệt.

Lúc bấy giờ một Tỷ-kheo đứng nghe trộm Thế Tôn.

Thế Tôn thấy Tỷ-kheo ấy đứng nghe trộm.

Thấy vậy, Thế Tôn liền nói với Tỷ-kheo ấy:

—Này Tỷ-kheo, Ông có nghe pháp giáo này không?

—Thưa có nghe, bạch Thế Tôn.

—Này Tỷ-kheo, hãy học pháp giáo này. Này Tỷ-kheo, hãy học thuộc lòng pháp giáo này. Này Tỷ-kheo, hãy thọ trì pháp giáo này. Này Tỷ-kheo, pháp giáo này liên hệ đến mục đích, là cứu cánh Phạm hạnh.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ IV“, Ngài Thích Minh Châu dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ IV” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *