TƯƠNG ƯNG BỘ IV – CHƯƠNG II: TƯƠNG ƯNG THỌ – PHẨM MỘT TRĂM LẺ TÁM PHÁP MÔN

TƯƠNG ƯNG BỘ IV

CHƯƠNG II: TƯƠNG ƯNG THỌ

PHẨM MỘT TRĂM LẺ TÁM PHÁP MÔN

I. Sìvaka (S.iv,230)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

2) Rồi du sĩ Moliya Sìvaka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.

3) Ngồi một bên, du sĩ Moliya Sìvaka thưa với Thế Tôn:

— Thưa Tôn giả Gotama, có một số Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như sau, thấy như sau: “Con người cảm thọ cảm giác gì, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; tất cả thọ ấy đều do nhân đã làm trong quá khứ”. Ở đây, Tôn giả Gotama nói như thế nào?

4) — Này Sìvaka, ở đây, một số cảm thọ khởi lên, phát sanh từ mật (semhà). Này Siivaka, hoặc là Ông phải tự mình (sàma) biết rằng: “Ở đây, một số cảm thọ khởi lên, phát sanh từ mật”. Hay là, này Siivaka, thế giới chấp nhận là đúng sự thật rằng: “Ở đây, một số cảm thọ khởi lên phát sanh từ mật”. Ở đây, này Siivaka, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào thuyết như sau, thấy như sau: “Con người cảm thọ cảm giác gì, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ; tất cả thọ đều do nhân đã làm trong quá khứ”; nếu do họ tự mình biết, họ thật sự đi quá xa; nếu được thế giới chấp nhận là đúng sự thật, họ cũng đi quá xa. Do vậy, Ta tuyên bố rằng các Sa-môn, Bà-la-môn ấy thuộc về tà.

5) Này Siivaka, ở đây, một số cảm thọ khởi lên, phát sanh từ đàm (niêm dịch) …

6) Này Siivaka… khởi lên, phát sanh từ gió…

7) Này Siivaka… khởi lên, phát sanh từ sự gặp gỡ các… nước trong thân thể (sannipitikàni).

8) Này Siivaka… khởi lên, phát sanh từ sự gặp gỡ các thời tiết…

9) Này Siivaka… khởi lên, phát sanh từ sự gặp gỡ các nghịch vận…

10) Này Siivaka… khởi lên, phát sanh từ các công kích thình lình từ bên ngoài vào…

11) Do quả dị thục của nghiệp, này Siivaka, ở đây, một số cảm thọ được khởi lên. Này Siivaka, hoặc là Ông phải tự mình biết rằng: “Ở đây, một số cảm thọ khởi lên vì kết quả dị thục của nghiệp”. Hay là, này Siivaka, thế giới chấp nhận là đúng sự thật rằng: “Ở đây, một số cảm thọ khởi lên vì kết quả dị thục của nghiệp”. Ở đây, này Siivaka, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào thuyết như sau, thấy như sau: “Con người cảm thọ cảm giác gì, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ; tất cả thọ đều do nhân đã làm trong quá khứ”; nếu do họ tự mình biết, họ thật sự đi quá xa; nếu được thế giới chấp nhận là đúng sự thật, họ cũng đi quá xa. Do vậy, Ta tuyên bố rằng các Sa-môn, Bà-la-môn ấy thuộc về tà.

12) Khi được nói vậy, du sĩ Moliya Siivaka bạch Thế Tôn:

— Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn… từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

Mật, niêm dịch và gió,
Sự gặp gỡ các loại nước,
Sự thay đổi thời tiết,
Sự gặp gỡ các nghịch vận,
Sự công kích thình lình,
Nghiệp quả là thứ tám.

II. Một Trăm Lẻ Tám (S.iv,231)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông pháp môn về pháp theo 108 pháp môn. Hãy lắng nghe.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp môn về pháp theo 108 pháp môn? Có hai thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có ba thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có năm thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có sáu thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có 18 thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có 36 thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có 108 thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hai thọ? Thọ về thân và thọ về tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hai thọ.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ba thọ? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ba thọ.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là năm thọ? Lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là năm thọ.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu thọ? Thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỷ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, thọ do thân xúc sanh, thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sáu thọ.

8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là 18 thọ? Có sáu tư duy thân cận (upavicàrà) với hỷ; có sáu tư duy thân cận với ưu; có sáu tư duy thân cận với xả. Này các Tỷ-kheo, đây là 18 thọ.

9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là 36 thọ? Sáu hỷ liên hệ đến gia đình, sáu hỷ liên hệ đến ly dục; sáu ưu liên hệ đến gia đình, sáu ưu liên hệ đến ly dục; sáu xả liên hệ đến gia đình, sáu xả liên hệ đến ly dục. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là 36 thọ.

10) Thế nào là 108 thọ? 36 thọ về quá khứ, 36 thọ về tương lai, 36 thọ về hiện tại. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là 108 thọ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là pháp môn về pháp theo 108 pháp môn.

III. Vị Tỷ Kheo (S.iv,232)

1) …

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn…

3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, thế nào là thọ? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là con đường đưa đến thọ tập khởi? Thế nào là thọ đoạn diệt? Thế nào là con đường đưa đến thọ đoạn diệt? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự nguy hiểm của thọ? Thế nào là sự xuất ly của thọ?

4) — Này Tỷ-kheo, có ba thọ này: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Tỷ-kheo, đây gọi là ba thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Khát ái là con đường đưa đến thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chánh tri kiến… chánh định. Do duyên thọ khởi lên lạc hỷ nào, đó là vị ngọt của thọ. Tánh vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của thọ là sự nguy hiểm của thọ. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham là sự xuất ly của thọ.

IV. Trí Về Quá Khứ (S.iv,233)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh đẳng Chánh giác, khi còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Thế nào là thọ? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là con đường đưa đến thọ tập khởi? Thế nào là thọ đoạn diệt? Thế nào là con đường đưa đến thọ đoạn diệt? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự nguy hiểm của thọ? Thế nào là sự xuất ly của thọ?”

3) Và này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: “Có ba thọ này: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Ái là con đường đưa đến thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chánh tri kiến… chánh định. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham là sự xuất ly của thọ”.

4) Này các Tỷ-kheo, đây là các thọ, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.

5) Này các Tỷ-kheo, đây là các thọ tập khởi, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.

6) Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến thọ tập khởi, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.

7) Này các Tỷ-kheo, đây là thọ đoạn diệt, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.

8) Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến thọ đoạn diệt, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe…

9) Này các Tỷ-kheo, đây là vị ngọt của thọ, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe…

10) Này các Tỷ-kheo, đây là sự nguy hiểm của thọ…

11) Này các Tỷ-kheo, đây là sự xuất ly của thọ, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.

V. Bởi Vị Tỷ Kheo (S.iv,234)

1) Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn…

… (Kinh này giống như kinh số 23) …

VI. Sa Môn, Bà La Môn (1) (S.iv,234)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.

3) Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của ba thọ này…

4) … như thật tuệ tri… với thắng trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú.

VII. Sa Môn, Bà La Môn (2) (S.iv,235)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có ba thọ. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.

… (giống như kinh số 26) …

VIII. Sa Môn, Bà La Môn (3) (S.iv,235)

1-2) …

3) — Này các Tỷ-kheo, có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không tuệ tri thọ, không tuệ tri thọ tập khởi, không tuệ tri con đường đưa đến thọ tập khởi, không tuệ tri thọ đoạn diệt, không tuệ tri con đường đưa đến thọ đoạn diệt…

4) … như thật tuệ tri… tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú…

IX. Thanh Tịnh, Không Liên Hệ Ðến Vật Chất (S.iv,235)

1) …

2) — Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đây là ba thọ.

3) Này các Tỷ-kheo, có hỷ liên hệ đến vật chất, có hỷ không liên hệ đến vật chất, có hỷ không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại hỷ không liên hệ đến vật chất kia; có lạc liên hệ đến vật chất, có lạc không liên hệ đến vật chất, có lạc không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại lạc không liên hệ đến vật chất kia; có xả liên hệ đến vật chất, có xả không liên hệ đến vật chất, có xả không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại xả không liên hệ đến vật chất kia; có giải thoát liên hệ đến vật chất, có giải thoát không liên hệ đến vật chất, có giải thoát không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại giải thoát không liên hệ đến vật chất kia.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hỷ liên hệ đến vật chất? Này các Tỷ-kheo, có năm dục công đức này. Thế nào là năm? Có các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn… Có xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây là năm dục công đức này. Này các Tỷ-kheo, do duyên năm dục công đức này, hỷ khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hỷ liên hệ đến vật chất.

5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hỷ không liên hệ đến vật chất? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hỷ không liên hệ đến vật chất.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hỷ không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại hỷ không liên hệ đến vật chất kia? Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, khi quán sát tâm giải thoát khỏi tham, khi quán sát tâm giải thoát khỏi sân, khi quán sát tâm giải thoát khỏi si, hỷ được khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hỷ không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại hỷ không liên hệ đến vật chất kia.

7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lạc liên hệ đến vật chất? Này các Tỷ-kheo, có năm dục công đức. Thế nào là năm? Có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn… Có những xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây là năm dục công đức. Này các Tỷ-kheo, do duyên năm dục công đức này, khởi lên lạc hỷ gì, này các Tỷ-kheo, đây gọi là lạc liên hệ đến vật chất.

8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lạc không liên hệ đến vật chất? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Tịnh chỉ các tầm và tứ, vị ấy chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhứt tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, vị ấy chứng đạt và trú Thiền thứ ba. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là lạc không liên hệ đến vật chất.

9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lạc không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại lạc không liên hệ đến vật chất kia? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, khi quán sát tâm giải thoát khỏi tham, quán sát tâm giải thoát khỏi sân, quán sát tâm giải thoát khỏi si, lạc và hỷ khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là lạc không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại lạc không liên hệ đến vật chất kia.

10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xả liên hệ đến vật chất? Này các Tỷ-kheo, có năm dục công đức này. Thế nào là năm? Có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn… Có những xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, do duyên năm dục công đức này, xả khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là xả liên hệ đến vật chất.

11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xả không liên hệ đến vật chất? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn lạc, đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là xả không liên hệ đến vật chất.

12) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xả không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại xả không liên hệ đến vật chất kia? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, quán sát tâm giải thoát khỏi tham, quán sát tâm giải thoát khỏi sân, quán sát tâm giải thoát khỏi si, xả khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là xả không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại xả không liên hệ đến vật chất kia.

13-14) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là giải thoát liên hệ đến vật chất? Sự giải thoát liên hệ đến sắc là liên hệ đến vật chất… Sự giải thoát liên hệ đến vô sắc là không liên hệ đến vật chất.

16) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự giải thoát không liên hệ đến vật chất còn hơn cả sự giải thoát không liên hệ đến vật chất kia? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, quán sát tâm giải thoát khỏi tham, quán sát tâm giải thoát khỏi sân, quán sát tâm giải thoát khỏi si, giải thoát khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây là sự giải thoát không liên hệ đến vật chất còn hơn cả sự giải thoát không liên hệ đến vật chất kia.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ IV“, Ngài Thích Minh Châu dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ IV” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *