TƯƠNG ƯNG BỘ V
CHƯƠNG I: TƯƠNG ƯNG ÐẠO
PHẨM VÔ MINH
1.I. Vô Minh (S.v,1)
Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), tại Thắng Lâm, trong vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Lúc bấy giờ, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. — “Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
3) — Khi nào vô minh dẫn đầu, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự thành tựu các pháp bất thiện, thời vô tàm, vô quý nối tiếp theo. Với kẻ bị vô minh chi phối, vô trí, này các Tỷ-kheo, tà kiến sanh. Ðối với kẻ có tà kiến, tà tư duy sanh. Ðối với kẻ có tà tư duy, tà ngữ sanh. Ðối với kẻ có tà ngữ, tà nghiệp sanh. Ðối với kẻ có tà nghiệp, tà mạng sanh. Ðối với kẻ có tà mạng, tà tinh tấn sanh. Ðối với kẻ có tà tinh tấn, tà niệm sanh. Ðối với kẻ có tà niệm, tà định sanh.
4) Khi nào minh dẫn đầu, này các Tỷ-kheo, đưa đến sự thành tựu các thiện pháp, thời tàm và quý nối tiếp theo. Với kẻ được minh chi phối, có trí, này các Tỷ-kheo, chánh kiến sanh. Ðối với vị chánh kiến, chánh tư duy sanh. Ðối với vị chánh tư duy, chánh ngữ sanh. Ðối với vị chánh ngữ, chánh nghiệp sanh. Ðối với vị chánh nghiệp, chánh mạng sanh. Ðối với vị chánh mạng, chánh tinh tấn sanh. Ðối với vị chánh tinh tấn, chánh niệm sanh. Ðối với vị chánh niệm, chánh định sanh.
2.II. Một Nửa (Upaddham) (S.v,1)
1) Một thời, Thế Tôn trú giữa các dân chúng Sakka, tại thị trấn của dân chúng Sakka tên là Sakkara.
2) Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
— Một nửa Phạm hạnh này, bạch Thế Tôn, là thiện bạn hữu (kalyàsamittatà), thiện bạn đãng (kalyànasahàyatà), thiện thân tình (kalyàsam-pavankatà).
3) — Chớ có nói vậy, này Ananda! Chớ có nói vậy, này Ananda! Toàn bộ Phạm hạnh này, này Ananda, là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. Với Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, này Ananda, thời được chờ đợi Thánh đạo Tám ngành được tu tập, Thánh đạo Tám ngành được làm cho viên mãn.
4) Và này Ananda, thế nào là Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, tu tập và làm cho viên mãn Thánh đạo Tám ngành? Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Tỷ-kheo tu tập chánh tư duy… tu tập chánh ngữ… tu tập chánh nghiệp… tu tập chánh mạng… tu tập chánh tinh tấn… tu tập chánh niệm… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Như vậy, này Ananda, là Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, tu tập Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành.
5) Này Ananda, chính với pháp môn này, các Ông cần phải hiểu thế nào toàn bộ Phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình. Do Ta lấy thiện làm bạn hữu, này Ananda, nên các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh; các chúng sanh bị già được giải thoát khỏi già; các chúng sanh bị chết được giải thoát khỏi chết; các chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não. Chính với pháp môn này, này Ananda, các Ông cần phải hiểu thế nào toàn bộ Phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình.
3.III. Sàriputta (S.v,3)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Tôn giả Sàriputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Sàriputta bạch Thế Tôn:
— Toàn bộ Phạm hạnh này, bạch Thế Tôn, chính là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình này.
3)– Lành thay, này Sàriputta! Lành thay, này Sàriputta! Chính toàn bộ Phạm hạnh này là thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình này. Này Sàriputta, với Tỷ-kheo thiện bạn hữu, thiện bạn đãng, thiện thân tình, được chờ đợi rằng Thánh đạo Tám ngành sẽ được tu tập, sẽ được làm cho viên mãn.
4-5) (Như đoạn số 4, số 5 của kinh trên, chỉ khác: đây là Tôn giả Sàriputta chớ không phải Tôn giả Ananda)
4.IV. Bà La Môn (S.iv,4)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Tôn giả Ananda, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực.
3) Rồi Tôn giả Ananda thấy Bà-la-môn Jànusoni đi xe ra khỏi Sàvatthi, cỗ xe toàn ngựa trắng kéo. Trắng là những con ngựa kéo xe. Trắng là những đồ trang sức. Trắng là cỗ xe. Trắng là những bộ phận tùy thuộc (parivàro). Trắng là những sợi dây cương. Trắng là cây gậy thúc ngựa. Trắng là cái lọng. Trắng là cái khăn đội. Trắng là những quần áo. Trắng là giày mang. Và được quạt với cái quạt trắng. Quần chúng thấy vậy, liền nói: “Thật là cỗ xe thù thắng. Thật là cỗ xe thù thắng về dung sắc!”
4) Rồi Tôn giả Ananda đi khất thực ở Sàvatthi xong, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
— Ở đây, bạch Thế Tôn, vào buổi sáng, con đắp y, cầm y bát và đi vào Sàvatthi để khất thực. Bạch Thế Tôn, con thấy Bà-la-môn Jànusoni đi xe ra khỏi Sàvatthi, cỗ xe toàn ngựa trắng kéo. Trắng là những con ngựa kéo xe… Thật là cỗ xe thù thắng về dung sắc! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có thể nói lên cỗ xe thù thắng trong Pháp và Luật này?
Thế Tôn nói:
— Có thể được, này Ananda. Thánh đạo Tám ngành này, này Ananda, là đồng nghĩa với cỗ xe thù thắng, cỗ xe pháp này. Vô thượng là sự chinh phục trong chiến trận.
5) Chánh tri kiến, này Ananda, được tu tập, được làm cho viên mãn, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si. Chánh tư duy, này Ananda, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si. Chánh ngữ… Chánh nghiệp… Chánh mạng… Chánh tinh tấn… Chánh niệm… Chánh định, này Ananda, được tu tập, được làm cho viên mãn, cuối cùng đưa đến nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si.
Này Ananda, chính với pháp môn này, các Ông cần phải hiểu như thế này: “Cỗ xe thù thắng, cỗ xe pháp, vô thượng là sự chinh phục trong chiến trận, là đồng nghĩa với Thánh đạo Tám ngành này”.
Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Bậc Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
Ai được tín, trí tuệ,
Thường xuyên liên kết lại,
Lấy hổ thẹn làm cán,
Lấy ý làm ách xe.
Niệm là người đánh xe,
Biết hộ trì, phòng hộ,
Cỗ xe lấy giới luật
Làm vật dụng cho xe.
Thiền là trục bánh xe,
Tinh tấn là bánh xe,
Xả là định thường hằng,
Vô dục là nệm xe.
Vô sân và vô hại,
Viễn ly là binh khí,
Nhẫn nhục là áo giáp,
An ổn khỏi khổ ách,
Làm mục đích đạt đến,
Cỗ xe được chuyển vận.
Pháp này tự ngã làm,
Trở thành thuộc tự ngã.
Là cỗ xe thù thắng,
Vô thượng, không sánh bằng.
Ngồi trên cỗ xe ấy,
Bậc Trí thoát ly đời,
Chắc chắn, không sai chạy,
Họ đạt được chiến thắng.
5.V. Với Mục Ðích Gì? (S.v,6)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi rất nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
— Ở đây, bạch Thế Tôn, các du sĩ ngoại đạo đến hỏi chúng con: “Này chư Hiền, vì mục đích gì, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama?” Ðược hỏi vậy, bạch Thế Tôn, chúng con trả lời các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Này chư Hiền, với mục đích liễu tri đau khổ, Phạm hạnh được sống dưới Sa-môn Gotama”. Ðược hỏi như vậy và trả lời như vậy, bạch Thế Tôn, có phải chúng con trả lời đúng với lời nói Thế Tôn, chúng con không xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật, chúng con trả lời đúng pháp và thuận pháp, và những ai là vị đồng pháp, nói lời đúng pháp và thuận pháp, không có cơ hội để chỉ trích?
4) — Này các Tỷ-kheo, các Ông được hỏi như vậy và trả lời như vậy là các Ông trả lời đúng với lời của Ta, các Ông không xuyên tạc Ta với điều không thật, các Ông trả lời đúng pháp và thuận pháp, và những ai là vị đồng pháp, nói lời đúng pháp và thuận pháp, không có cơ hội để chỉ trích. Này các Tỷ-kheo, do mục đích liễu tri đau khổ mà Phạm hạnh được sống dưới Ta. Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo hỏi các Ông: “Này Hiền giả, có con đường nào, có đạo lộ nào đưa đến liễu tri đau khổ này?” Ðược hỏi vậy, thời các Ông hãy trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Này chư Hiền, có con đường, có đạo lộ đưa đến liễu tri đau khổ này”.
5) Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường, thế nào là đạo lộ đưa đến liễu tri đau khổ? Ðây là con đường Thánh đạo Tám ngành, tức là chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Này các Tỷ-kheo, đây là con đường, đây là đạo lộ đưa đến liễu tri sự đau khổ này.
6) Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải trả lời cho các du sĩ ngoại đạo ấy như vậy.
6.VI. Một Tỷ Kheo Khác (1) (S.iv,7)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi một Tỷ-kheo khác đi đến Thế Tôn…
3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
— “Phạm hạnh, Phạm hạnh”, bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Bạch Thế Tôn, thế nào là Phạm hạnh? Thế nào là cứu cánh Phạm hạnh?
— Này Tỷ-kheo, con đường Thánh đạo Tám ngành này là Phạm hạnh, tức là chánh tri kiến… chánh định. Này Tỷ-kheo, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây là cứu cánh Phạm hạnh.
7.VII. Một Tỷ Kheo Khác (2) (S.iv,8)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến…
3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
–“Nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Ðồng nghĩa với gì, bạch Thế Tôn, là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si?
— Ðồng nghĩa với Niết-bàn giới là nhiếp phục tham, nhiếp phục sân, nhiếp phục si, cũng được gọi là đoạn tận các lậu hoặc.
4) Khi được nói vậy, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
— “Bất tử, bất tử”, bạch Thế Tôn, được gọi là như vậy. Thế nào là bất tử, bạch Thế Tôn? Thế nào là con đường đưa đến bất tử?
— Ðoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, này Tỷ-kheo, được gọi là bất tử. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến bất tử, tức là chánh tri kiến… chánh định.
8.VIII. Phân Tích (S.iv,8)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) — Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng và phân tích Thánh đạo Tám ngành này. Hãy lắng nghe và khéo tác ý. Ta sẽ giảng.
— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
3) — Này các Tỷ-kheo, thế nào là con đường Thánh đạo Tám ngành? Tức là chánh tri kiến… chánh định.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tri kiến? Này các Tỷ-kheo, chính là trí về khổ, trí về khổ tập, trí về khổ diệt, trí về con đường đưa đến khổ diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tri kiến.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tư duy? Này các Tỷ-kheo, chính là xuất ly tư duy, vô sân tư duy, vô hại tư duy. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tư duy.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh ngữ? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh ngữ.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh nghiệp? Này các Tỷ-kheo, chính là từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ phi Phạm hạnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh nghiệp.
8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh mạng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử đoạn trừ tà mạng, nuôi sống với chánh mạng. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh mạng.
9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh tinh tấn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp từ trước chưa sanh không cho sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các ác, bất thiện pháp đã sanh được trừ diệt, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp từ trước chưa sanh nay được sanh khởi, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm; với mục đích khiến cho các thiện pháp đã được sanh có thể duy trì, không có lu mờ, được tăng trưởng, được quảng đại, được tu tập, được viên mãn, khởi lên ý muốn, cố gắng, tinh tấn, sách tấn, trì tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh tinh tấn.
10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời; Tỷ-kheo sống quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm với mục đích điều phục tham ưu ở đời. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh niệm.
11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh định? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm cho tịnh chỉ tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm, tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh định.
9.IX. Sùka (Râu lúa mì) (S.iv,10)
1-2) Tại Sàvatthi…
— Này các Tỷ-kheo, ví như sợi râu của lúa mì hay sợi râu của lúa mạch đặt hướng sai lạc, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này không xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu bị đặt hướng sai lạc. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kiến bị đặt hướng sai lạc, con đường tu tập bị đặt hướng sai lạc, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể đạt Niết-bàn; sự tình này không xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì kiến bị đặt hướng sai lạc.
3) Này các Tỷ-kheo, ví như sợi râu của lúa mì, hay sợi râu của lúa mạch được đặt hướng chân chánh, khi bị tay hay chân đè vào, có thể đâm thủng tay hay chân, hay có thể làm đổ máu; sự tình này có xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì sợi râu được đặt hướng chân chánh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo kiến được đặt hướng chân chánh, con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, có thể đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, có thể chứng đạt Niết-bàn; sự tình này có xảy ra. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì kiến được đặt hướng chân chánh.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo có kiến được đặt hướng chân chánh, con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, đâm thủng vô minh, làm minh sanh khởi, chứng đạt Niết-bàn?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập chánh tri kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ… tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy do kiến được đặt hướng chân chánh, do con đường tu tập được đặt hướng chân chánh, nên đâm thủng vô minh, minh được sanh khởi, chứng được Niết-bàn.
10.X. Nandiya (S.iv,11)
1) Tại Sàvatthi.
2) Rồi du sĩ Nandiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, du sĩ Nandiya bạch Thế Tôn:
— Thưa Tôn giả Gotama, có bao nhiêu pháp được tu tập, được làm cho viên mãn, đưa đến Niết-bàn, hướng đến đích Niết-bàn, đưa đến cứu cánh Niết-bàn?
4) — Có tám pháp này, này Nandiya, đưa đến Niết-bàn, hướng đến đích Niết-bàn, đưa đến cứu cánh Niết-bàn. Tức là chánh tri kiến… chánh định. Có tám pháp này, này Nandiya, được tu tập, được làm cho viên mãn, đưa đến Niết-bàn, hướng đến đích Niết-bàn, đưa đến cứu cánh Niết-bàn.
5) Khi được nói vậy, du sĩ Nandiya bạch Thế Tôn:
— Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống… từ nay cho đến mạng chung, con xin trọn đời quy ngưỡng.
—-
Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ IV“, Ngài Thích Minh Châu dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ IV” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda