TƯƠNG ƯNG BỘ V – CHƯƠNG XI: TƯƠNG ƯNG DỰ LƯU – PHẨM PHƯỚC ÐỨC SUNG MÃN

TƯƠNG ƯNG BỘ V

CHƯƠNG XI: TƯƠNG ƯNG DỰ LƯU

PHẨM PHƯỚC ÐỨC SUNG MÃN

I. Sung Mãn (1) (S.v,391)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) — Này các Tỷ-kheo, có bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc này. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng…Phật, Thế Tôn”. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ nhất.

4) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp: “Pháp được Thế Tôn khéo thuyết… chỉ người có trí tự mình giác hiểu”. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ hai.

5) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn… là phước điền vô thượng ở đời”. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ ba.

6) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ tư.

7) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.

II. Sung Mãn (2) (S.v,391)

1-5) … (giống như kinh trên, đoạn 1-5) …

6) — Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử trú ở gia đình, với tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích thú chia xẻ vật bố thí. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ tư.

7) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.

III. Sung Mãn (3) (S.v,392)

2-5) … (giống như kinh 31, đoạn 2-5) …

6) — Vị ấy có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt (các pháp), trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Ðây là phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc thứ tư.

7) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn phước đức sung mãn, thiện sung mãn, món ăn cho lạc.

IV. Con Ðường Của Chư Thiên (1) (S.v,392)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi.

2) — Có bốn thiên đạo này của chư Thiên, này các Tỷ-kheo, khiến chúng sanh chưa thanh tịnh được thanh tịnh, khiến chúng sanh chưa thuần bạch được thuần bạch. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín đối với đức Phật… Ðây là thiên đạo thứ nhất của chư Thiên, khiến chúng sanh chưa thanh tịnh được thanh tịnh, khiến chúng sanh chưa thuần bạch được thuần bạch.

4-6) … (như trên đối với Pháp, với chúng Tăng, với các giới) … ” Ðây là thiên đạo thứ tư của chư Thiên, khiến chúng… được thuần bạch.

7) Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn thiên đạo của chư Thiên, khiến chúng sanh… được thuần bạch.

V. Con Ðường Của Chư Thiên (2) (S.v,393)

1) …

2) — Có bốn thiên đạo của chư Thiên này, này các Tỷ-kheo, khiến chúng sanh chưa thanh tịnh được thanh tịnh, khiến chúng sanh chưa thuần bạch được thuần bạch. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng, … Phật, Thế Tôn”. Vị ấy suy tư như sau: “Thế nào là thiên đạo của chư Thiên? Nói rằng không sân hận là tối thượng. Ta không làm hại một ai, các chúng sanh di động hay các chúng sanh không di động. Thật vậy, ta sống thành tựu pháp của thiên đạo”. Ðây là thiên đạo thứ nhất của chư Thiên khiến các loài chúng sanh… được thuần bạch.

4-5) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Pháp… đối với chúng Tăng…

6) … thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Vị ấy suy tư như sau: “Thế nào là thiên đạo của chư Thiên?”. Vị ấy rõ biết như sau: “Ta nghe các chư Thiên nói rằng không sân hận là tối thượng. Ta không làm hại một ai, các chúng sanh di động hay các chúng sanh không di động. Thật vậy, ta sống thành tựu pháp của thiên đạo”. Ðây là thiên đạo thứ tư của chư Thiên, khiến các chúng sanh chưa thanh tịnh được thanh tịnh, khiến các chúng sanh chưa thuần bạch được thuần bạch.

7) Các pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn thiên đạo của chư Thiên, khiến chúng sanh… được thuần bạch.

VI. Ði Ðến Bạn Bè (S.v,394)

1) …

2) — Chư Thiên, này các Tỷ-kheo, hoan hỷ nói chuyện bạn bè với ai thành tựu bốn pháp. Thế nào là bốn?

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn”. Chư Thiên nào thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, sau khi mệnh chung ở chỗ này, được sanh ở đây. Chư Thiên ấy suy nghĩ: “Như chúng ta thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, mệnh chung chỗ kia, được sanh chỗ này”. Vị Thánh đệ tử cũng thành tựu lòng tịnh tín bất động như vậy. Họ nói với vị ấy: “Hãy đến đây, đến gần chư Thiên”.

4-5) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử… đối với Pháp… đối với chúng Tăng…

6) Vị Thánh đệ tử thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Chư Thiên nào thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, sau khi mệnh chung ở chỗ này, được tái sanh chỗ kia. Họ suy nghĩ như sau: “Chúng ta thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính. Do vậy, chúng ta mệnh chung tại chỗ kia, sanh tại chỗ này”. Vị Thánh đệ tử cũng thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính như vậy. Họ nói với vị ấy: “Hãy đến đây, đến gần với chư Thiên”.

7) Những ai thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, chư Thiên hoan hỷ nói chuyện bạn bè với họ.

VII. Mahànàma (S.v,395)

1) Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, trong khu vườn cây bàng.

2) Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn, sau khi đến… ngồi xuống một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:

3) — Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ?

— Ai quy y Phật, này Mahànàma, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ.

4) — Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ đầy đủ giới?

— Này Mahànàma, người cư sĩ từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ giới.

5) — Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ đầy đủ tín?

— Ở đây, này Mahànàma, người cư sĩ có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn”. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ tín.

6) — Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn là người cư sĩ đầy đủ lòng bố thí?

— Ở đây, này Mahànàma, người cư sĩ trú ở gia đình, tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích chú chia xẻ vật bố thí. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ bố thí.

7) — Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là người cư sĩ đầy đủ trí tuệ?

— Ở đây, này Mahànàma, người cư sĩ có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt (các pháp), trí tuệ các bậc Thánh thể nhập (các pháp), đưa đến chơn chánh đoạn tận khổ đau. Cho đến như vậy, này Mahànàma, là người cư sĩ đầy đủ trí tuệ.

VIII. Mưa (S.v,396)

1) …

2) — Ví như, này các Tỷ-kheo, khi trên đầu núi có cơn mưa to lớn, nước mưa ấy chảy theo hướng xuôi của nó, tràn đầy các hang núi, khe núi; sau khi tràn đầy các hang núi, khe núi, nó tràn đầy hồ nhỏ; sau khi tràn đầy hồ nhỏ, nó tràn đầy hồ lớn; sau khi tràn đầy hồ lớn, nó tràn đầy sông nhỏ; sau khi tràn đầy sông nhỏ, nó tràn đây sông lớn; sau khi tràn đầy sông lớn, nó tràn đầy biển, đại dương.

3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, đối với vị Thánh đệ tử, lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật, lòng tịnh tín bất động đối với Pháp, lòng tịnh tín bất động đối với chúng Tăng, và các giới được các bậc Thánh ái kính; những pháp này trôi chảy đến bờ bên kia, đưa đến đoạn diệt các lậu hoặc.

IX. Kàli (S.v,398)

1) Lúc bấy giờ Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, khu vườn Cây Bàng.

2) Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi đến nhà của Thích nữ Kàligodhà; sau khi đến, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn.

3) Rồi Thích nữ Kàligodhà đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Thích nữ Kàligodhà đang ngồi một bên:

— Thành tựu bốn pháp, này Godhà, vị nữ Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, này Godhà, vị nữ Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng, … Phật, Thế Tôn”… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… Vị này trú ở gia đình, tâm thoát khỏi cấu uế của xan tham, bố thí dễ dàng, bàn tay rộng mở, thích thú từ bỏ, đáp ứng điều yêu cầu, thích thú chia xẻ vật bố thí. Này Godhà, thành tựu bốn pháp này, một nữ Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

5) — Bốn Dự lưu phần được Thế Tôn thuyết giảng này, bạch Thế Tôn, chúng đều có trong con. Con thực hiện những pháp này. Bạch Thế Tôn, con thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với Phật, Như Lai… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… Phàm những vật gì được đem bố thí trong gia đình, tất cả đều được phân phát cho những người có giới và những người làm thiện.

6) — Lợi đắc thay cho Người, này Godhà! Thật khéo lợi đắc thay cho Người, này Godhà! Này Godhà, Người đã tuyên bố về Dự lưu quả.

40) X. Nandiyà (S.v,397)

1) Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, trong khu vườn Cây Bàng.

2) Rồi họ Thích Nandiyà đi đến Thế Tôn; sau khi đến… ngồi xuống một bên, họ Thích Nandiyà bạch Thế Tôn:

3) — Với vị Thánh đệ tử nào, bạch Thế Tôn, toàn diện, toàn bộ không có bốn Dự lưu phần này; vị Thánh đệ tử ấy, bạch Thế Tôn, có thể được gọi là trú phóng dật không?

— Này Nandiyà, với ai toàn diện, toàn bộ không có bốn Dự lưu phần này; người ấy, Ta tuyên bố là người đứng ngoài, trong hàng ngũ kẻ phàm phu.

4) Tuy vậy, này Nandiyà, Ta sẽ nói cho Ông như thế nào một Thánh đệ tử trú phóng dật và trú không phóng dật. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Họ Thích Nandiyà vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:

5) — Này Nandiyà, thế nào là vị Thánh đệ tử trú phóng dật?

Ở đây, này Nandiyà, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn”. Vị ấy thỏa mãn với lòng tịnh tín bất động đối với Phật, không cố gắng thêm, ban ngày không sống viễn ly, ban đêm không sống Thiền tịnh. Do vị ấy sống phóng dật như vậy, nên không có hân hoan. Do không có hân hoan, nên không có hỷ. Do không có hỷ, nên không có khinh an. Do không khinh an, nên sống đau khổ. Do tâm đau khổ, nên không định tĩnh. Do tâm không định tĩnh, nên các pháp không hiện rõ. Do các pháp không hiện rõ, nên vị ấy được gọi là trú phóng dật. Lại nữa, này Nandiyà, vị Thánh đệ tử… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Vị này thỏa mãn với những giới được các bậc Thánh ái kính, không cố gắng thêm, ban ngày không sống viễn ly, ban đêm không sống Thiền tịnh. Do vị ấy trú phóng dật như vậy nên không có hân hoan. Do không có hân hoan, nên không có hỷ. Do không có hỷ, nên không có khinh an. Do không có khinh an, nên sống đau khổ. Do tâm đau khổ, nên không định tĩnh. Do tâm không định tĩnh, nên các pháp không hiện rõ. Do các pháp không hiện rõ, nên vị ấy được gọi là trú phóng dật.

6) Này Nandiyà, thế nào là vị Thánh đệ tử trú không phóng dật?

Ở đây, này Nandiyà, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng,… Phật, Thế Tôn”. Vị này không thỏa mãn với lòng tịnh tín bất động ấy, cố gắng hơn nữa, ban ngày sống viễn ly, ban đêm sống Thiền tịnh. Do vị ấy sống không phóng dật, nên hân hoan khởi. Do vị ấy hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý có hỷ, nên thân khinh an. Do thân khinh an, nên vị ấy cảm thọ lạc. Do tâm được lạc, nên vị ấy định tĩnh. Do tâm định tĩnh, các pháp được hiện ra. Do các pháp được hiện ra, vị ấy được gọi là trú không phóng dật. Lại nữa, này Nandiyà, vị Thánh đệ tử đối với Pháp… đối với chúng Tăng… vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Vị ấy không thỏa mãn với các giới được các bậc Thánh ái kính, cố gắng tinh tấn hơn nữa, ban ngày sống viễn ly, ban đêm sống Thiền tịnh. Do vị ấy sống không phóng dật như vậy, hân hoan sanh. Vị ấy có hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý có hỷ, nên thân kinh an. Do thân khinh an, nên vị ấy cảm thọ lạc. Do tâm được lạc, nên vị ấy định tĩnh. Do tâm định tĩnh, các pháp được hiện ra. Do các pháp được hiện ra, vị ấy được gọi là trú không phóng dật. Như vậy, này Nandiyà, là vị Thánh đệ tử trú không phóng dật.

—-

Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ V“, Ngài Thích Minh Châu dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tạng Kinh – Tương Ưng Bộ V” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Ngài Thích Minh Châu
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *