CÁC CÂU HỎI SUY LUẬN
I. PHẨM ĐỨC PHẬT
1. CÂU HỎI VỀ VIỆC SANH LÊN CỦA HAI VỊ PHẬT
“Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, điều này là không hợp lý và không có cơ sở, là việc hai bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác có thể sanh lên trong một thế giới không trước không sau, sự kiện này không được biết đến!’ Thưa ngài Nāgasena, tất cả các đức Như Lai, trong khi thuyết giảng đều thuyết giảng ba mươi bảy pháp góp phần trong việc giác ngộ, trong khi giảng giải đều giảng giải bốn Chân Lý cao thượng, trong khi huấn luyện đều huấn luyện về ba sự học tập, trong khi chỉ dạy đều chỉ dạy sự thực hành về không xao lãng. Thưa ngài Nāgasena, nếu tất cả các đức Như Lai đều có sự thuyết giảng thống nhất, sự giảng giải thống nhất, sự huấn luyện thống nhất, sự chỉ dạy thống nhất, vì lý do gì hai đức Như Lai không sanh lên trong cùng một thời điểm? Thế gian này được phát sáng với việc sanh lên của vị Phật cho dầu chỉ một vị, nếu có thêm vị Phật thứ nhì, với hai luồng ánh sáng thế gian này có thể được phát sáng nhiều hơn thế nữa. Và hai đức Như Lai, trong khi giáo giới có thể giáo giới một cách thoải mái, [trong khi chỉ dạy, có thể chỉ dạy một cách thoải mái].[1] Về việc này, xin ngài hãy nói cho trẫm lý do, theo đó trẫm có thể dứt khỏi sự nghi ngờ.”
“Tâu đại vương, mười ngàn thế giới này, có sự nâng đỡ chỉ một vị Phật, nâng đỡ đức hạnh của chỉ một đức Như Lai. Nếu vị Phật thứ nhì sanh lên, mười ngàn thế giới này không thể nâng đỡ, có thể lay động, rúng động, nghiêng qua, hạ thấp xuống, uốn cong, phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, tiến đến việc bị hoại diệt.
Tâu đại vương, giống như chiếc thuyền là có sự nâng đỡ một người, khi có một người bước lên thì có thể đạt được sự yên ổn. Khi người thứ nhì đi đến có cùng tuổi tác, vóc dáng, thọ mạng, kích thước, ốm mập, toàn bộ cơ thể tứ chi tương đương người kia, rồi người ấy bước lên chiếc thuyền ấy. Tâu đại vương, phải chăng chiếc thuyền ấy cũng có thể nâng đỡ cả hai người?”
“Thưa ngài, không đúng. Nó có thể lay động, rúng động, nghiêng qua, hạ thấp xuống, uốn cong, phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, tiến đến việc bị hoại diệt, có thể chìm xuống nước.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế mười ngàn thế giới này, có sự nâng đỡ chỉ một vị Phật, nâng đỡ đức hạnh của chỉ một đức Như Lai. Nếu vị Phật thứ nhì sanh lên, mười ngàn thế giới này không thể nâng đỡ, có thể lay động, rúng động, nghiêng qua, hạ thấp xuống, uốn cong, phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, tiến đến việc bị hoại diệt.
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam ăn thức ăn theo như ý thích. Người ấy, sau khi chứa đầy món ăn được ưa thích đến tận cổ họng, được thỏa mãn, căng phồng, đầy ứ, không còn chỗ chứa, bị làm mệt, bị như cây gậy không khom xuống được, rồi lại ăn thức ăn chừng ấy thêm lần nữa. Tâu đại vương, phải chăng người nam ấy có thể được thoải mái?”
“Thưa ngài, không được. Đã được ăn một lần thôi cũng có thể chết.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế mười ngàn thế giới này, có sự nâng đỡ chỉ một vị Phật, nâng đỡ đức hạnh của chỉ một đức Như Lai. Nếu vị Phật thứ nhì sanh lên, mười ngàn thế giới này không thể nâng đỡ, có thể lay động, rúng động, nghiêng qua, hạ thấp xuống, uốn cong, phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, tiến đến việc bị hoại diệt.”
“Thưa ngài Nāgasena, phải chăng quả đất lay động với gánh nặng Giáo Pháp quá tải?”
“Tâu đại vương, ở đây hai chiếc xe hàng có thể được chứa đầy châu báu đến ngang miệng, sau khi lấy châu báu từ một chiếc xe hàng rồi đổ vào chiếc xe hàng kia. Tâu đại vương, phải chăng chiếc xe kéo ấy có thể chứa đựng châu báu của hai chiếc xe kéo?”
“Thưa ngài, không thể. Thậm chí ổ trục bánh xe của nó có thể nứt, các cây căm của nó có thể bị gãy, vành bánh xe của nó có thể sụm xuống, trục xe của nó có thể bị gãy.”
“Tâu đại vương, phải chăng chiếc xe hàng bị gãy đổ với gánh nặng châu báu quá tải?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế quả đất lay động với gánh nặng Giáo Pháp quá tải. Tâu đại vương, hơn nữa lý do này được đưa ra để làm rõ năng lực của vị Phật. Xin đại vương hãy lắng nghe lý do xác đáng khác nữa cho trường hợp ấy, mà vì lý do ấy hai vị Chánh Đẳng Giác không thể sanh lên trong cùng một thời điểm: [Tâu đại vương, nếu hai vị Chánh Đẳng Giác sanh lên trong cùng một thời điểm,][2] Sự tranh cãi giữa hội chúng của hai vị ấy có thể sanh khởi: ‘Phật của các vị, Phật của chúng tôi,’ rồi có thể bị sanh ra hai nhóm. Tâu đại vương, giống như sự tranh cãi giữa hội chúng của hai vị quan đại thần có quyền lực có thể sanh khởi: ‘Quan đại thần của các vị, quan đại thần của chúng tôi,’ rồi bị sanh ra hai nhóm. Tâu đại vương, tương tợ y như thế nếu hai vị Chánh Đẳng Giác sanh lên trong cùng một thời điểm, sự tranh cãi giữa hội chúng của hai vị ấy có thể sanh khởi: ‘Phật của các vị, Phật của chúng tôi,’ rồi có thể bị sanh ra hai nhóm. Tâu đại vương, đây còn là một lý do, mà vì lý do ấy hai vị Chánh Đẳng Giác không thể sanh lên trong cùng một thời điểm.
Tâu đại vương, xin đại vương hãy lắng nghe thêm lý do khác nữa, mà vì lý do ấy hai vị Chánh Đẳng Giác không sanh lên trong cùng một thời điểm.
Tâu đại vương, nếu hai vị Chánh Đẳng Giác có thể sanh lên trong cùng một thời điểm, thì lời nói rằng: ‘Đức Phật là cao cả’ có thể là sai trái, thì lời nói rằng: ‘Đức Phật là lớn nhất’ có thể là sai trái, thì lời nói rằng: ‘Đức Phật là hạng nhất’ có thể là sai trái, thì lời nói rằng: ‘Đức Phật là nổi bật’ —(như trên)— ‘Đức Phật là tối thượng’ —nt— ‘Đức Phật là quý cao’ —nt— ‘Đức Phật là không người sánh bằng’ —nt— ‘Đức Phật là không kẻ tương đương’ —nt— ‘Đức Phật là không người đối xứng’ —nt— ‘Đức Phật là không kẻ tương tợ’ —nt— ‘Đức Phật là không người đối thủ’ có thể là sai trái. Tâu đại vương, xin đại vương hãy chấp nhận theo ý nghĩa đây cũng là lý do, mà vì lý do ấy hai vị Chánh Đẳng Giác không thể sanh lên trong cùng một thời điểm.
Tâu đại vương, thêm nữa tính chất tự nhiên về bản thể của chư Phật Thế Tôn là chỉ một vị Phật sanh lên ở thế gian. Bởi vì lý do gì? Bởi vì tính chất vĩ đại về các đức hạnh của đức Phật Toàn Tri.
Tâu đại vương, vật khác cũng là vĩ đại ở thế gian, vật ấy là chỉ có một. Tâu đại vương, quả đất là vĩ đại, nó chỉ có một. Biển cả là vĩ đại, nó chỉ có một. Núi Chúa Sineru là vĩ đại, nó chỉ có một. Không gian là vĩ đại, nó chỉ có một. (Chúa Trời) Sakka là vĩ đại, vị ấy chỉ có một. Ma Vương là vĩ đại, vị ấy chỉ có một. Đại Phạm Thiên là vĩ đại, vị ấy chỉ có một ở thế gian. Nơi nào chúng sanh lên, thì nơi ấy không còn chỗ cho cái khác. Tâu đại vương, vì thế đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác sanh lên ở thế gian chỉ có một vị.”
“Thưa ngài Nāgasena, câu hỏi đã khéo được giảng giải bằng các ví dụ, với các lý kẽ. Ngay cả người không khôn ngoan sau khi lắng nghe điều này cũng có thể trở nên hoan hỷ, người có đại trí tuệ như là trẫm thì đâu có điều gì. Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về việc sanh lên của hai vị Phật là thứ nhất.
*****
2. CÂU HỎI VỀ VIỆC DÂNG CÚNG TẤM VẢI CỦA BÀ GOTAMĪ
“Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến khi dì mẫu Mahāpajāpati Gotamī đang dâng cúng tấm vải choàng tắm mưa: ‘Này Gotamī, hãy dâng cúng Hội Chúng. Khi Hội Chúng được bà dâng cúng, chính Ta sẽ được tôn vinh, và luôn cả Hội Chúng nữa.’ Thưa ngài Nāgasena, việc đức Như Lai trong khi bản thân được người dì mẫu của mình dâng cúng tấm vải choàng tắm mưa đã được bà đích thân nhuộm, đích thân chải, đích thân đập giũ, đích thân cắt, đích thân dệt, lại bảo dâng đến Hội Chúng, phải chăng đức Như Lai không là người quan trọng, không là bậc được kính trọng, không là bậc đáng được cúng dường so với Hội Chúng quý báu? Thưa ngài Nāgasena, nếu đức Như Lai là vượt hẳn Hội Chúng quý báu, hoặc là trội hơn, hay nổi bật, (nghĩ rằng): ‘Khi Ta được dâng cúng thì sẽ có quả báu lớn,’ đức Như Lai không bảo dâng cúng đến Hội Chúng tấm vải choàng tắm mưa đã được người dì mẫu đích thân nhuộm, đích thân chải, đích thân đập giũ. Thưa ngài Nāgasena, (hay) bởi vì đức Như Lai không thu lợi, không gom vào cho bản thân, vì thế đức Như Lai đã bảo người dì mẫu dâng cúng tấm vải choàng tắm mưa đến Hội Chúng.”
“Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến khi dì mẫu Mahāpajāpati Gotamī đang dâng cúng tấm vải choàng tắm mưa: ‘Này Gotamī, hãy dâng cúng Hội Chúng. Khi Hội Chúng được bà dâng cúng, chính Ta sẽ được tôn vinh, và luôn cả Hội Chúng nữa.’ Tuy nhiên, điều ấy không vì trạng thái không có quả thành tựu cho người có sự tôn kính, không phải vì tính chất không đáng được cúng dường của bản thân (Ngài), nhưng vì sự lợi ích, vì lòng thương tưởng (nghĩ rằng): ‘Vào thời vị lai xa xôi, sau khi Ta tịch diệt, Hội Chúng sẽ được quan tâm.’ Trong khi tán dương các đức tính quả đang được nhận biết, Ngài đã nói như vầy: ‘Này Gotamī, hãy dâng cúng Hội Chúng. Khi Hội Chúng được bà dâng cúng, chính Ta sẽ được tôn vinh, và luôn cả Hội Chúng nữa.’
Tâu đại vương, giống như người cha, ngay trong khi đang còn sống, tuyên dương tánh tốt quả đang được nhận biết ở người con trai trong sự hiện diện của đức vua, ở giữa quan đại thần, nhân công, binh lính, người giữ cổng, lính gác, quần thần, dân chúng (nghĩ rằng): ‘Được xác lập ở đây, thì vào thời vị lai xa xôi sẽ được tôn vinh ở giữa dân chúng.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai vì sự lợi ích, vì lòng thương tưởng (nghĩ rằng): ‘Vào thời vị lai xa xôi, sau khi Ta tịch diệt, Hội Chúng sẽ được quan tâm,’ trong khi tuyên dương các đức tính quả đang được nhận biết, đã nói như vầy: ‘Này Gotamī, hãy dâng cúng Hội Chúng. Khi Hội Chúng được bà dâng cúng, chính Ta sẽ được tôn vinh, và luôn cả Hội Chúng nữa.’
Tâu đại vương, nhưng không phải chỉ với chừng ấy việc ban cho tấm vải choàng tắm mưa mà Hội Chúng so với đức Như Lai được gọi là trội hơn, hay nổi bật. Tâu đại vương, giống như người mẹ và cha xức dầu, xoa bóp, tắm rửa, kỳ cọ cho những đứa con trai. Tâu đại vương, phải chăng chỉ với chừng ấy việc xức dầu, xoa bóp, tắm rửa, kỳ cọ mà đứa con trai so với mẹ cha được gọi là trội hơn, hay nổi bật?”
“Thưa ngài, không đúng. Thưa ngài, người mẹ và cha có những đứa con trai thì có những việc cần phải làm không theo ý muốn, vì thế người mẹ và cha thực hiện việc xức dầu, xoa bóp, tắm rửa, kỳ cọ cho những đứa con trai.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không phải chỉ với chừng ấy việc ban cho tấm vải choàng tắm mưa mà Hội Chúng so với đức Như Lai được gọi là trội hơn, hay nổi bật. Thêm nữa, đức Như Lai, trong khi thực hiện công việc cần phải làm không theo ý muốn, đã bảo người dì mẫu dâng cúng tấm vải choàng tắm mưa đến Hội Chúng.
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam nào đó mang đến tặng phẩm cho đức vua, đức vua có thể cho tặng phẩm ấy đến người nào đó, hoặc là nhân công hoặc binh lính, hoặc tướng lãnh, hoặc vị quân sư. Tâu đại vương, phải chăng chỉ với chừng ấy việc nhận lãnh tặng phẩm mà người đàn ông ấy so với đức vua được gọi là trội hơn, hay nổi bật?”
“Thưa ngài, không đúng. Thưa ngài, người đàn ông ấy là người lãnh lương của đức vua, có cuộc sống phụ thuộc vào đức vua. Trong khi đặt để vào vị trí ấy, mà đức vua ban cho tặng phẩm.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế không phải chỉ với chừng ấy việc ban cho tấm vải choàng tắm mưa mà Hội Chúng so với đức Như Lai được gọi là trội hơn, hay nổi bật, khi ấy (Hội Chúng) là người lãnh lương của đức Như Lai, có cuộc sống phụ thuộc vào đức Như Lai. Trong khi đặt để vào vị trí ấy, mà đức Như Lai đã bảo dâng tấm vải choàng tắm mưa đến Hội Chúng. Tâu đại vương, thêm nữa đức Như Lai đã khởi ý như vầy: ‘Hội chúng là xứng đáng được cúng dường từ trong bản thể, ta sẽ cúng dường đến Hội Chúng với khả năng của mình,’ nên đã bảo dâng tấm vải choàng tắm mưa đến Hội Chúng. Tâu đại vương, đức Như Lai không ca ngợi sự cúng dường đến chính bản thân, khi ấy những vị nào đáng được cúng dường ở thế gian, đức Như Lai cũng ca ngợi sự cúng dường đến các vị ấy.
Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến trong khi tuyên dương sự thực hành về ít ham muốn ở bài giảng Pháp về sự thừa tự Giáo Pháp ở đoạn Varalañchaka (Dấu Ấn Cao Quý) thuộc Majjhimanikāya (Trung Bộ) rằng: ‘Chính vị tỳ khưu đầu tiên ấy, đối với Ta, là đáng được cúng dường hơn và ca tụng hơn.’ Tâu đại vương, ở các cõi không có chúng sanh nào so với đức Như Lai là xứng đáng được cúng dường, hoặc là trội hơn, hay nổi bật. Chính đức Như Lai là vượt hơn, trội hơn, nổi bật.
Tâu đại vương, điều này cũng đã được nói đến ở Tương Ưng Bộ quý báu bởi vị Thiên tử Māṇavagāmika khi đứng ở phía trước đức Thế Tôn, giữa chư Thiên và nhân loại rằng:
‘Trong số các núi ở Rājagaha, núi Vipula được gọi là tối thắng. Ở dãy Hi-mã-lạp, núi Seta là tối thắng. Mặt trời (là tối thắng) trong số các thiên thể. Ðại dương là tối thắng trong số các biển cả. Mặt trăng (là tối thắng) trong số các vì tinh tú. Đức Phật được gọi là tối cao ở thế gian luôn cả chư Thiên.’
Tâu đại vương, hơn nữa những lời kệ này đây đã được khéo ca, không phải vụng ca, đã được khéo thuyết, không phải vụng thuyết bởi vị Thiên tử Māṇavagāmika, và đã được đức Thế Tôn chấp thuận. Tâu đại vương, quả vậy trưởng lão Sāriputta, vị Tướng Quân Chánh Pháp, cũng đã nói rằng:
‘Chỉ một việc có niềm tịnh tín ở tâm, hoặc việc nghiêng mình, chắp tay, đi đến nương nhờ nơi đức Phật, bậc có sự tiêu diệt binh đội của Ma Vương, có khả năng giúp cho vượt qua (khổ đau).’
Và đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, đã nói rằng: ‘Này các tỳ khưu, có một nhân vật, trong khi được sanh ra ở thế gian, được sanh ra vì sự lợi ích của nhiều người, vì sự an lạc của nhiều người, vì lòng thương tưởng thế gian, vì sự tốt đẹp, vì sự lợi ích, vì sự an lạc của chư Thiên và nhân loại. Là một nhân vật nào? Đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, trong khi được sanh ra ở thế gian, được sanh ra vì sự lợi ích của nhiều người, vì sự an lạc của nhiều người, vì lòng thương tưởng thế gian, vì sự tốt đẹp, vì sự lợi ích, vì sự an lạc của chư Thiên và nhân loại.’”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về việc dâng cúng tấm vải của bà Gotamī là thứ nhì.
*****
3. CÂU HỎI VỀ VIỆC THỰC HÀNH ĐÚNG ĐẮN CỦA HÀNG TẠI GIA VÀ XUẤT GIA
“Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, ta khen ngợi sự thực hành đúng đắn của người tại gia hoặc của vị xuất gia. Này các tỳ khưu, người tại gia hoặc vị xuất gia đã thực hành đúng đắn, do kết quả của việc thực hành đúng đắn mà trở nên người thành tựu thiện pháp đúng theo Thánh đạo.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu người tại gia, mặc y phục màu trắng, trong khi sinh sống có sự thọ hưởng các dục, có việc nằm chen chúc với vợ và con, trong khi hưởng thụ vải Kāsi và trầm hương, trong khi đeo tràng hoa, vật thơm, và vật thoa, trong khi ưng thuận vàng và bạc, buộc búi tóc có trang điểm ngọc ma-ni và vàng, đã thực hành đúng đắn, và trở nên người thành tựu thiện pháp đúng theo Thánh đạo; còn vị xuất gia, đầu được cạo, mặc y ca-sa, đi đến khất thực ở những người khác, có sự thực hành trọn vẹn đúng đắn bốn giới uẩn, thọ lãnh và hành trì một trăm năm mươi điều học, hành trì không thiếu sót mười ba hạnh từ khước, đã thực hành đúng đắn, thì cũng trở nên người thành tựu thiện pháp đúng theo Thánh đạo. Thưa ngài, ở đây người tại gia hoặc vị xuất gia có cái gì là khác biệt? Có phải việc hành khổ hạnh là không có kết quả, việc xuất gia là không có lợi ích, việc gìn giữ các điều học là vô ích, sự thọ trì các hạnh từ khước là rồ dại? Ở đây, có gì với việc theo đuổi sự khó khăn? Chẳng phải là sự an lạc có thể được chứng đạt bằng chính sự an lạc?”
“Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, ta khen ngợi sự thực hành đúng đắn của người tại gia hoặc của vị xuất gia. Này các tỳ khưu, người tại gia hoặc vị xuất gia đã thực hành đúng đắn, do kết quả của việc thực hành đúng đắn mà trở nên người thành tựu thiện pháp đúng theo Thánh đạo.’
Tâu đại vương, tương tợ y như thế chỉ có người đã thực hành đúng đắn là hạng nhất. Tâu đại vương, thậm chí vị xuất gia (nghĩ rằng): ‘Ta là vị xuất gia’ rồi không thực hành đúng đắn, thì vị ấy bị xa rời bản thể Sa-môn, bị xa rời phẩm vị Bà-la-môn; không cần đề cập đến người tại gia mặc y phục màu trắng. Tâu đại vương, ngay cả người tại gia đã thực hành đúng đắn cũng trở nên người thành tựu thiện pháp đúng theo Thánh đạo. Tâu đại vương, luôn cả vị xuất gia đã thực hành đúng đắn cũng trở nên người thành tựu thiện pháp đúng theo Thánh đạo.
Tâu đại vương, thêm nữa chính vị xuất gia là chúa tể, là người chủ của bản thể Sa-môn. Tâu đại vương, việc xuất gia là có nhiều đức tính, có vô số đức tính, có vô lượng đức tính, không thể thực hiện việc đo lường đức tính của việc xuất gia.
Tâu đại vương, giống như không thể thực hiện việc đo lường giá trị bằng tài sản đối với bảo ngọc ma-ni, vật ban cho điều ước, là: ‘Giá tiền của viên bảo ngọc ma-ni là chừng này.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc xuất gia là có nhiều đức tính, có vô số đức tính, có vô lượng đức tính, không thể thực hiện việc đo lường đức tính của việc xuất gia.
Tâu đại vương, hoặc là giống như không thể thực hiện việc đo lường các làn sóng ở đại dương rằng: ‘Các làn sóng ở đại dương là chừng này.’ Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc xuất gia là có nhiều đức tính, có vô số đức tính, có vô lượng đức tính, không thể thực hiện việc đo lường đức tính của việc xuất gia.
Tâu đại vương, đối với vị xuất gia điều gì cần phải làm, tất cả mọi việc ấy được thành tựu thật nhanh chóng, không lâu lắc. Vì lý do gì? Tâu đại vương, vị xuất gia ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách ly, không giao du, có sự nỗ lực tinh tấn, không mong cầu, không nhà ở, có giới tròn đủ, có hạnh giảm thiểu, thiện xảo việc thực hành các pháp từ khước. Vì lý do ấy, đối với vị xuất gia điều gì cần phải làm, tất cả mọi việc ấy được thành tựu thật nhanh chóng, không lâu lắc. Tâu đại vương, giống như mũi tên, không sần sùi, bằng phẳng, khéo được làm sạch, ngay thẳng, không vết nhơ, được bắn ra khéo léo thì di chuyển chính xác. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với vị xuất gia điều gì cần phải làm, tất cả mọi việc ấy được thành tựu thật nhanh chóng, không lâu lắc.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về việc thực hành đúng đắn của hàng tại gia và xuất gia là thứ ba.
*****
4. CÂU HỎI VỀ SỰ SAI TRÁI TRONG ĐƯỜNG LỐI THỰC HÀNH
“Thưa ngài Nāgasena, khi đức Bồ Tát thực hiện hành động khó thực hành (khổ hạnh), không nơi nào khác đã có sự nỗ lực, sự cố gắng, sự chiến đấu với phiền não, sự làm tiêu tan đạo binh của Thần Chết, sự kiêng vật thực, các hành động khó thực hành như thế này. Ở sự gắng sức có hình thức như thế, đức Bồ Tát đã không đạt được bất cứ sự khoái lạc nào, đã bỏ rơi chính tâm ý ấy, và đã nói như vầy: ‘Tuy nhiên, với việc khổ hạnh dữ dội này Ta không chứng đắc các pháp thượng nhân, là pháp đặc biệt thuộc về trí tuệ và sự thấy biết xứng đáng bậc Thánh. Có thể có chăng đạo lộ nào khác đưa đến giác ngộ?’ Sau khi nhàm chán với việc ấy, bằng một đạo lộ khác Ngài đã đạt đến bản thể Toàn Tri, rồi cũng vẫn chỉ dạy, khuyến khích các đệ tử về đường lối thực hành ấy rằng:
‘Các ngươi hãy nỗ lực, hãy cố gắng, hãy gắn bó vào lời dạy của đức Phật. Các ngươi hãy dẹp bỏ đạo binh của Thần Chết, tợ như con voi phá bỏ căn chòi bằng lau sậy.’[3]
Thưa ngài Nāgasena, bởi vì lý do gì đức Thế Tôn lại chỉ dạy, khuyến khích các đệ tử về đường lối thực hành mà bản thân Ngài đã nhàm chán, có vẻ không còn quyến luyến về việc ấy?”
“Tâu đại vương, lúc ấy cũng như hiện nay việc ấy vẫn là đường lối thực hành. Sau khi thực hành chính đường lối thực hành ấy, đức Bồ Tát đã đạt đến bản thể Toàn Tri. Tâu đại vương, thêm nữa đức Bồ Tát trong khi thực hành tinh tấn tột độ đã ngưng lại vật thực không còn chút gì, do việc buộc ngưng lại vật thực của vị ấy mà sự yếu đuối của tâm đã sanh khởi. Do sự yếu đuối ấy, vị ấy đã không thể đạt được bản thể Toàn Tri. Trong khi sử dụng lại từng chút từng chút vật thực đã được vắt thành nắm, rồi với chính đường lối thực hành ấy không bao lâu sau, vị ấy đã đạt được bản thể Toàn Tri. Tâu đại vương, chính đường lối thực hành ấy đưa đến sự đạt được Trí Toàn Tri của tất cả các đức Như Lai.
Tâu đại vương, giống như vật thực là sự nâng đỡ cho tất cả chúng sanh, được nương tựa vào vật thực mà tất cả chúng sanh nhận được sự an lạc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế chính đường lối thực hành ấy đưa đến sự đạt được Trí Toàn Tri của tất cả các đức Như Lai. Tâu đại vương, sự sai trái khiến đức Như Lai, vào thời điểm ấy, đã không đạt được Trí Toàn Tri không phải ở sự nỗ lực, không phải ở sự cố gắng, không phải ở sự chiến đấu với phiền não; nhưng sự sai trái ấy chính là ở việc buộc ngưng lại vật thực. Chính đường lối thực hành ấy luôn luôn được sẵn sàng.
Tâu đại vương, giống như người nam có thể đi rất nhanh đoạn đường dài, vì thế người ấy có thể bị tổn thương một bên (hông), hoặc có sự đi khập khiểng không tự đi lại được ở trên bề mặt trái đất. Tâu đại vương, chẳng lẽ đại địa cầu cũng có sự sai trái khiến cho người nam ấy đã bị tổn thương một bên (hông)?”
“Thưa ngài, không đúng. Thưa ngài, đại địa cầu luôn luôn được sẵn sàng. Do đâu mà nó có sự sai trái? Sự sai trái ấy chính là ở sự ra sức, vì nó mà người nam ấy đã tổn thương một bên (hông).”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự sai trái khiến đức Như Lai, vào thời điểm ấy, đã không đạt được Trí Toàn Tri không phải ở sự nỗ lực, không phải ở sự cố gắng, không phải ở sự chiến đấu với phiền não; nhưng sự sai trái ấy chính là ở việc buộc ngưng lại vật thực. Chính đường lối thực hành ấy luôn luôn được sẵn sàng.
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam quấn vào tấm vải choàng bị lấm lem, người ấy không cho giặt sạch nó; sự sai trái ấy không phải là của nước; nước luôn luôn được sẵn sàng. Sự sai trái ấy là của chính người ấy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế sự sai trái khiến đức Như Lai, vào thời điểm ấy, đã không đạt được Trí Toàn Tri không phải ở sự nỗ lực, không phải ở sự cố gắng, không phải ở sự chiến đấu với phiền não; nhưng sự sai trái ấy chính là ở việc buộc ngưng lại vật thực. Chính đường lối thực hành ấy luôn luôn được sẵn sàng. Vì thế, đức Như Lai chỉ dạy, khuyến khích các đệ tử về chính đường lối thực hành ấy. Tâu đại vương, như vậy đường lối thực hành ấy luôn luôn được sẵn sàng, không có tội lỗi.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về sự sai trái trong đường lối thực hành là thứ tư.
*****
5. CÂU HỎI VỀ VIỆC TRỞ LẠI ĐỜI SỐNG TẠI GIA TẦM THƯỜNG
“Thưa ngài Nāgasena, Giáo Pháp này của đức Như Lai là vĩ đại, có lõi, cao quý, tối thượng, ưu tú, không thể sánh bằng, thanh thịnh, vô nhiễm, trong trắng, không chê trách được, không thích hợp để cho người vẫn còn tại gia xuất gia. Người tại gia sau khi đã hướng dẫn đến một quả vị, khi nào có sự không quay trở lại nữa, khi ấy mới nên cho người ấy xuất gia. Vì lý do gì? Những người này vẫn còn là người xấu, sau khi xuất gia ở đây, trong Giáo Pháp trong sạch, sẽ quay lui, trở lại đời sống tại gia tầm thường. Với việc đi ngược trở lại của những người này, đám đông dân chúng này suy nghĩ như vầy: ‘Giáo Pháp này của Sa-môn Gotama quả là rỗng không, khiến những người này quay lui.’ Ở đây, điều này là lý do.”
“Tâu đại vương, giống như hồ nước được tràn đầy nước sạch, không dơ, mát mẻ, rồi người nào đó bị lấm lem, bị vấy bụi bặm và bùn đất sau khi đi đến hồ nước ấy không tắm rửa, rồi quay lui, vẫn còn bị lấm lem. Tâu đại vương, trong trường hợp ấy dân chúng nên chê trách ai, kẻ bị lấm lem hay là hồ nước?”
“Thưa ngài, dân chúng nên chê trách kẻ bị lấm lem rằng: ‘Người này sau khi đi đến hồ nước ấy không tắm rửa, rồi quay lui, vẫn còn bị lấm lem. Làm sao hồ nước tự nó sẽ tắm rửa cho kẻ không có ý định tắm rửa này? Vậy có điều sai trái gì đối với hồ nước?’”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai đã tạo ra hồ nước cao quý là Chánh Pháp, được tràn đầy nước cao quý là sự giải thoát (nghĩ rằng): ‘Những người nào đó bị lấm lem bụi bặm phiền não, có suy tư, có trí tuệ, những người ấy sau khi tắm rửa ở đây sẽ tẩy sạch tất cả các phiền não.’ Nếu người nào đó sau khi đi đến hồ nước Chánh Pháp cao quý ấy không tắm rửa, rồi quay lui, trở lại đời sống tại gia tầm thường, vẫn còn phiền não. Dân chúng sẽ chê trách chính kẻ ấy rằng: ‘Người này sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thằng, không đạt được chỗ đứng ở nơi ấy nên đã trở lại đời sống tại gia tầm thường. Làm sao Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng sẽ tự mình làm trong sạch kẻ không thực hành này được? Vậy có điều sai trái gì đối với Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng?’
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam bị bệnh trầm trọng, sau khi gặp người thầy thuốc giải phẩu, rành rẽ về nguyên nhân gây bệnh, có sự chữa trị hiệu quả và lâu dài, lại không cho chữa trị, rồi quay lui, vẫn còn bị bệnh. Trong trường hợp ấy dân chúng nên chê trách ai, kẻ bị bệnh hay là người thầy thuốc?”
“Thưa ngài, dân chúng nên chê trách kẻ bị bệnh rằng: ‘Người này sau khi gặp người thầy thuốc giải phẩu, rành rẽ về nguyên nhân gây bệnh, có sự chữa trị hiệu quả và lâu dài, lại không cho chữa trị, rồi quay lui, vẫn còn bị bệnh. Làm sao người thầy thuốc tự mình sẽ chữa trị cho kẻ không chịu để cho chữa trị này? Vậy có điều sai trái gì đối với người thầy thuốc?’”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai đã bỏ vào bên trong cái hộp Giáo Pháp phương thuốc Bất Tử có khả năng làm yên lặng toàn bộ tất cả căn bệnh phiền não (nghĩ rằng): ‘Những người nào đó bị hành hạ bởi căn bệnh phiền não, có suy tư, có trí tuệ, những người ấy sau khi uống vào phương thuốc Bất Tử này sẽ làm yên lặng mọi căn bệnh phiền não.’ Nếu người nào đó sau khi không uống vào phương thuốc Bất Tử ấy, rồi quay lui, trở lại đời sống tại gia tầm thường, vẫn còn phiền não. Dân chúng sẽ chê trách chính kẻ ấy rằng: ‘Người này sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thằng, không đạt được chỗ đứng ở nơi ấy nên đã trở lại đời sống tại gia tầm thường. Làm sao Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng sẽ làm trong sạch kẻ không thực hành này được? Vậy có điều sai trái gì đối với Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng?’
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam bị đói, sau khi đi đến nơi phân phát vật thực phước thiện lớn lao, lại không ăn vật thực ấy, rồi quay lui, vẫn còn bị đói. Trong trường hợp ấy dân chúng nên chê trách ai, kẻ bị đói hay là vật thực phước thiện?”
“Thưa ngài, dân chúng nên chê trách kẻ bị đói: ‘Người này, bị hành hạ bởi cơn đói, sau khi nhận lãnh vật thực phước thiện không ăn, rồi quay lui, vẫn còn bị đói. Làm sao vật thực tự nó sẽ đi vào miệng của kẻ không ăn này được? Vậy có điều sai trái gì đối với vật thực?’”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế đức Như Lai đã để vào bên trong cái hộp Giáo Pháp món vật thực Niệm Đặt Ở Thân cao quý tột bậc, yên tịnh, an toàn, hảo hạng, bất tử, ngọt ngào tột bậc (nghĩ rằng): ‘Những người nào đó bị đói ở nội phần do phiền não, có tâm bị chế ngự bởi tham ái, có suy tư, có trí tuệ, những người ấy sau khi thọ dụng vật thực này sẽ xa lìa tất cả tham ái ở dục giới, sắc giới, và vô sắc giới.’ Nếu người nào đó sau khi không ăn vật thực ấy, rồi quay lui, trở lại đời sống tại gia tầm thường, vẫn còn bị ràng buộc bởi tham ái. Dân chúng sẽ chê trách chính kẻ ấy rằng: ‘Người này sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thằng, không đạt được chỗ đứng ở nơi ấy nên đã trở lại đời sống tại gia tầm thường. Làm sao Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng sẽ làm trong sạch kẻ không thực hành này được? Vậy có điều sai trái gì đối với Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng?’
Tâu đại vương, nếu đức Như Lai cho xuất gia chỉ riêng người tại gia (nào) đã được hướng dẫn đến một quả vị, thế chẳng phải việc xuất gia này nhằm đưa đến việc dứt bỏ phiền não hay đưa đến sự thanh tịnh? Và không có việc gì cần phải làm với việc xuất gia? Tâu đại vương, giống như người nam sau khi cho đào cái hồ nước bằng hàng trăm lao động rồi thông báo đến tập thể như vầy: ‘Này quý ông, chớ để bất cứ những ai bị lấm lem bước xuống hồ nước này của tôi. Hãy để cho những người có bụi bặm dơ dáy đã được tẩy uế, trong sạch, đã kỳ cọ vết nhơ bước xuống hồ nước này.’ Tâu đại vương, phải chăng những người có bụi bặm dơ dáy đã được tẩy uế, trong sạch, đã kỳ cọ vết nhơ ấy là có việc cần làm với cái hồ nước ấy?”
“Thưa ngài, không đúng. Với mục đích nào mà những người ấy đi đến hồ nước ấy, việc cần làm ấy của những người ấy đã được làm ở tại nơi khác rồi. Họ còn có việc gì với hồ nước ấy?”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế nếu đức Như Lai cho xuất gia chỉ riêng người tại gia (nào) đã được hướng dẫn đến một quả vị, chính ở trường hợp ấy việc cần phải làm của những người ấy đã được làm xong. Họ còn có việc gì với việc xuất gia? Tâu đại vương, hoặc là giống như người thầy thuốc giải phẩu, người phục vụ tín cẩn của các vị ẩn sĩ, có sự ghi nhớ các chú thuật và các đoạn kệ ngôn đã được nghe, không là kẻ ngớ ngẩn, rành rẽ về nguyên nhân gây bệnh, có sự chữa trị hiệu quả và lâu dài, sau khi gom lại các loại thuốc men làm yên lặng tất cả các căn bệnh rồi thông báo đến tập thể như vầy: ‘Này quý ông, chớ để bất cứ những ai có bệnh đi đến gặp tôi. Hãy để cho những người không có bệnh không ốm đau đi đến gặp tôi.’ Tâu đại vương, phải chăng những người không có bệnh, không ốm đau, được toàn vẹn, được hưng phấn ấy là có việc cần làm với người thầy thuốc ấy?”
“Thưa ngài, không đúng. Với mục đích nào mà những người ấy đi đến người thầy thuốc ấy, việc cần làm ấy của những người ấy đã được làm ở tại nơi khác rồi. Họ còn có việc gì với người thầy thuốc ấy?”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế nếu đức Như Lai cho xuất gia chỉ riêng người tại gia (nào) đã được hướng dẫn đến một quả vị, chính ở trường hợp ấy việc cần phải làm của những người ấy đã được làm xong. Họ còn có việc gì với việc xuất gia?
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam nào đó, sau khi cho chuẩn bị bữa ăn hàng trăm đĩa cơm sữa, rồi thông báo đến tập thể như vầy: ‘Này quý ông, chớ để bất cứ những ai bị đói đi đến nơi phát chẩn này. Hãy để cho những người đã được ăn no, được thỏa mãn, được thừa thãi, no nê, cường tráng, đầy đủ đi đến nơi phát chẩn này.’ Tâu đại vương, phải chăng những người đã ăn xong, được thỏa mãn, được thừa thãi, no nê, cường tráng, đầy đủ ấy là có việc cần làm với bữa ăn ấy?”
“Thưa ngài, không đúng. Với mục đích nào mà những người ấy đi đến nơi phát chẩn ấy, việc cần làm ấy của những người ấy đã được làm ở tại nơi khác rồi. Họ còn có việc gì với nơi phát chẩn ấy?”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế nếu đức Như Lai cho xuất gia chỉ riêng người tại gia (nào) đã được hướng dẫn đến một quả vị, chính ở trường hợp ấy việc cần phải làm của những người ấy đã được làm xong. Họ còn có việc gì với việc xuất gia? Tâu đại vương, phải chăng những người nào trở lại đời sống tại gia tầm thường, những người ấy phô bày năm đức tính không thể so sánh ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Năm đức tính nào? Họ phô bày tính chất vĩ đại của lãnh địa, phô bày tính chất thanh tịnh không ô nhiễm, phô bày tính chất không sống chung với những kẻ ác, phô bày tính chất khó thấu triệt, phô bày tính chất cần được bảo vệ với nhiều sự thu thúc.
Họ phô bày tính chất vĩ đại của lãnh địa là như thế nào? Tâu đại vương, giống như người nam không có tài sản, dòng dõi thấp kém, tầm thường, thấp thỏi về trí tuệ, sau khi đạt được vương quốc rộng lớn, không bao lâu sau sẽ sụp đổ, tiêu hoại, suy giảm về danh vọng, không thể duy trì vương quyền. Vì lý do gì? Vì tính chất vĩ đại của vương quyền. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào đó là tầm thường, không có phước báu đã tạo, thấp thỏi về trí tuệ, xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, những người ấy trong khi không thể duy trì việc xuất gia cao quý và tối thượng ấy, không bao lâu sau từ Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng họ sụp đổ, tiêu hoại, suy giảm, trở lại đời sống tại gia tầm thường, không thể duy trì Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Vì lý do gì? Vì tính chất vĩ đại của lãnh địa Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Họ phô bày tính chất vĩ đại của lãnh địa là như thế ấy.
Họ phô bày tính chất thanh tịnh không ô nhiễm là như thế nào? Tâu đại vương, giống như nước ở lá sen sẽ phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, rồi mất dạng, không bám níu. Vì lý do gì? Vì tính chất thanh tịnh không ô nhiễm của loài sen. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào đó là gian trá, giả dối, cong quẹo, quanh co, có quan điểm không ổn định, xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, những người ấy không bao lâu sau từ Giáo Pháp thanh tịnh không ô nhiễm, không gai góc, trong trắng, cao quý, và ưu tú, sẽ phân tán, tiêu tan, tiêu hoại, không trụ vững, không bám níu, trở lại đời sống tại gia tầm thường. Vì lý do gì? Vì tính chất thanh tịnh không ô nhiễm ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Họ phô bày tính chất thanh tịnh không ô nhiễm là như thế ấy.
Họ phô bày tính chất không sống chung với những kẻ ác là như thế nào? Tâu đại vương, giống như biển cả không sống chung với xác chết, nghĩa là khi ở trong biển cả có xác chết, nó tức thời đưa xác chết ấy vào bờ hoặc hất lên đất liền. Vì lý do gì? Vì việc cư trú của các chúng sanh to lớn ở nơi biển cả. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào đó có bản tánh không thu thúc, vô liêm sỉ, không nghiêm chỉnh, có sự tinh tấn yếu ớt, biếng nhác, ô uế, đê tiện, xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, những người ấy không bao lâu sau sẽ lìa khỏi Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, khỏi nơi cư trú của các chúng sanh to lớn, các bậc A-la-hán, vô nhiễm, lậu tận, không cộng trú, và trở lại đời sống tại gia tầm thường. Vì lý do gì? Vì tính chất không sống chung với những kẻ ác ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Họ phô bày tính chất không sống chung với những kẻ ác là như thế ấy.
Họ phô bày tính chất khó thấu triệt là như thế nào? Tâu đại vương, giống như những người nào đó là cung thủ, không thành thạo, không được học tập, không rành nghề, không tập trung tâm, trong khi không thể xuyên thủng đầu của cọng tóc, buông rơi (cung), bỏ đi. Vì lý do gì? Vì tính chất tinh vi, tế nhị, khó xuyên thủng của đầu cọng tóc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào đó có tuệ tồi, ngu xuẩn, ngớ ngẩn, si mê, điệu bộ chậm chạp, xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, những người ấy trong khi không thể xuyên thủng việc thấu triệt ấy đối với bốn Chân Lý vô cùng tinh vi, tế nhị, buông rơi Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, bỏ đi, không bao lâu sau trở lại đời sống tại gia tầm thường. Vì lý do gì? Vì tính chất vô cùng tinh vi, tế nhị, khó thấu triệt của bốn Chân Lý. Họ phô bày tính chất khó thấu triệt là như thế ấy.
Họ phô bày tính chất cần được bảo vệ với nhiều sự thu thúc là như thế nào? Tâu đại vương, giống như người nam nào đó đi đến gần bãi chiến trường lớn lao vĩ đại rồi bị bao vây chung quanh khắp các hướng chính hướng phụ bởi đội quân địch, sau khi nhìn thấy người tay cầm gươm đang tiến đến gần thì hoảng sợ, thối lui, quay trở lại, đào tẩu. Vì lý do gì? Vì nỗi sợ hãi trong việc bảo vệ các tiền tuyến của cuộc chiến đấu đa dạng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào đó, có bản tánh không thu thúc, vô liêm sỉ, không nghiêm chỉnh, không nhẫn nại, thất thường, bị dao động, hay thay đổi, là những người ngu dốt, xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, những người ấy trong khi không thể bảo vệ trọn vẹn điều học có nhiều loại, thì thối lui, quay trở lại, đào tẩu, không bao lâu sau thì trở lại đời sống tại gia tầm thường. Vì lý do gì? Vì tính chất cần được bảo vệ sự thu thúc có nhiều loại thuộc Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Họ phô bày tính chất cần được bảo vệ với nhiều sự thu thúc là như thế ấy.
Tâu đại vương, ở bụi hoa nhài trâu, dầu là hạng nhất trong số các loài hoa mọc ở đất bằng, cũng có những bông hoa bị sâu ăn, những chồi non ấy, bị quắn lại, rồi rơi rụng chính vì sự hư hoại. Nhưng không vì chúng bị rơi rụng mà bụi hoa nhài bị xem thường. Những bông hoa nào còn tồn tại ở nơi ấy, chúng tỏa khắp các hướng chính phụ với hương thơm chân chánh. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng rồi trở lại đời sống tại gia tầm thường, những người ấy trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng có giới không còn phẩm chất và hình tướng, ví như những bông hoa nhài bị sâu ăn, mất đi màu sắc và hương thơm, không thể đưa đến sự phát triển trọn vẹn. Nhưng không vì việc trở lại đời sống tại gia tầm thường của những người ấy mà Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng bị xem thường. Các vị tỳ khưu nào còn tồn tại ở nơi ấy, các vị ấy tỏa khắp thế gian luôn cả cõi Trời với hương thơm cao quý của giới.
Tâu đại vương, có loại lúa sāli tên là karumbhaka, sau khi mọc lên ở khoảng giữa của các giống lúa sāli gạo đỏ không bị èo oặt, rồi bị tiêu hoại lúc còn ở giai đoạn giữa chừng. Nhưng không vì việc bị tiêu hoại của loại lúa ấy mà giống lúa sāli gạo đỏ bị xem thường. Những lúa sāli nào còn tồn tại ở nơi ấy, chúng là vật thực của đức vua. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng rồi trở lại đời sống tại gia tầm thường, những người ấy, ví như karumbhaka ở khoảng giữa của các loại lúa sāli gạo đỏ, sau khi tăng trưởng không đạt đến sự phát triển trọn vẹn ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, rồi trở lại đời sống tại gia tầm thường từ ở chính khoảng giữa. Nhưng không vì việc trở lại đời sống tại gia tầm thường của những người ấy mà Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng bị xem thường. Các vị tỳ khưu nào còn tồn tại ở nơi ấy, các vị ấy là thích đáng đối với phẩm vị A-la-hán.
Tâu đại vương, viên bảo ngọc ma-ni, vật ban cho điều ước, có một phần sần sùi sanh khởi. Nhưng không vì việc bị sanh khởi phần sần sùi ở chỗ ấy mà viên bảo ngọc ma-ni bị xem thường. Phần nào ở chỗ ấy của viên bảo ngọc ma-ni là trong suốt, phần ấy có sự tạo ra niềm vui thích cho dân chúng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng rồi trở lại đời sống tại gia tầm thường, những người ấy là lớp vỏ ngoài sần sùi ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Nhưng không vì việc trở lại đời sống tại gia tầm thường của những người ấy mà Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng bị xem thường. Các vị tỳ khưu nào còn tồn tại ở nơi ấy, các vị ấy có sự tạo ra niềm vui thích cho chư Thiên và nhân loại.
Tâu đại vương, trầm hương màu đỏ chánh tông có một phần bị hư hỏng, [không có mùi thơm. Nhưng không vì việc ấy mà trầm hương màu đỏ bị xem thường.][4] Phần nào ở chỗ ấy là không hư hỏng, có mùi thơm, phần ấy xông khói, tỏa khắp xung quanh. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những người nào sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng rồi trở lại đời sống tại gia tầm thường, những người ấy ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, ví như phần bị hư hỏng ở giữa lõi trầm hương màu đỏ, đáng được quăng bỏ. Nhưng không vì việc trở lại đời sống tại gia tầm thường của những người ấy mà Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng bị xem thường. Các vị tỳ khưu nào còn tồn tại ở nơi ấy, các vị ấy bôi xức thế gian luôn cả cõi Trời với mùi thơm của trầm hương quý giá là giới.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Bằng lý lẽ thích đáng với mỗi một trường hợp, tương xứng với mỗi một trường hợp, sự không có lỗi lầm đã được ghi nhận, Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng với bản thể tối thượng đã được làm sáng tỏ. Thậm chí trong khi trở lại đời sống tại gia tầm thường, những người ấy cũng làm sáng tỏ chính bản thể tối thượng thuộc về Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.”
Câu hỏi về việc trở lại đời sống tại gia tầm thường là thứ năm.
*****
6. CÂU HỎI VỀ SỰ NHẬN BIẾT CẢM THỌ CỦA VỊ A-LA-HÁN
“Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Vị A-la-hán nhận biết một cảm thọ, thuộc thân không thuộc tâm.’ Thưa ngài Nāgasena, việc mà tâm của vị A-la-hán vận hành nương vào thân, vậy có phải vị A-la-hán không phải là chúa tể, không phải là người chủ, không có quyền hành ở nơi ấy?”
“Tâu đại vương, đúng vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, việc vị ấy không phải là chúa tể, không phải là người chủ, không có quyền hành đối với tâm của mình trong khi thân đang được vận hành là không đúng. Thậm chí con chim cho đến khi nào còn trú ở nơi tổ chim, thì nó là chúa tể, là người chủ, là có quyền hành ở nơi ấy. ”
“Tâu đại vương, mười pháp này đi theo thân, chạy theo, vận hành theo thân ở mỗi một kiếp sống. Mười pháp nào? Lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, dã dượi buồn ngủ, già, bệnh, chết. Tâu đại vương, đây là mười pháp đi theo thân, chạy theo, vận hành theo thân ở mỗi một kiếp sống. Vị A-la-hán không phải là chúa tể, không phải là người chủ, không có quyền hành ở nơi ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, vì lý do gì mà đối với vị A-la-hán, mệnh lệnh hay là uy quyền không vận hành ở thân? Về việc này, xin ngài hãy nói cho trẫm lý do.”
“Tâu đại vương, giống như những chúng sanh nào đó là được nương tựa vào trái đất, tất cả bọn họ nương vào trái đất mà di chuyển, sinh sống, quyết định lối cư xử. Tâu đại vương, phải chăng mệnh lệnh hay là uy quyền của những người ấy vận hành ở trái đất?”
“Thưa ngài, tất nhiên không.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế tâm của vị A-la-hán vận hành nương vào thân. Tuy nhiên, đối với vị A-la-hán mệnh lệnh hay là uy quyền không vận hành ở thân.”
“Thưa ngài Nāgasena, vì lý do gì mà phàm nhân nhận biết cảm thọ thuộc thân luôn cả thuộc tâm?”
“Tâu đại vương, vì tính chất không được tu tập của tâm khiến phàm nhân nhận biết cảm thọ thuộc thân luôn cả thuộc tâm. Tâu đại vương, giống như con bò đực bị đói, bị run rẩy, có thể được buộc lại bằng những cọng cỏ không chắc, yếu ớt, nhỏ nhắn, hoặc bằng sợi dây leo. Khi nào con bò đực ấy bị kích động, khi ấy nó ra đi cùng với sợi dây buộc. Tâu đại vương, tương tợ y như thế đối với tâm chưa được tu tập, cảm thọ sau khi sanh khởi thì làm cho tâm bị kích động. Tâm bị kích động, thì uốn cong thân, vặn vẹo, làm thân xoay chuyển. Và người ấy, với tâm chưa được tu tập, run rẩy, kêu lên, thét lên tiếng kêu ghê rợn. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy phàm nhân nhận biết cảm thọ thuộc thân luôn cả thuộc tâm.”
“Thưa ngài, vì lý do gì mà vị A-la-hán nhận biết một cảm thọ, thuộc thân không thuộc tâm?”
“Tâu đại vương, tâm của vị A-la-hán là đã được tu tập, đã khéo được tu tập, đã được rèn luyện, đã khéo được rèn luyện, biết nghe, có sự phục tùng. Vị ấy, trong khi bị tiếp xúc với cảm thọ khổ, nắm chắc ý nghĩ rằng: ‘là vô thường,’ rồi buộc tâm vào cột trụ của định. Được buộc chặt vào cột trụ của định, tâm ấy của vị ấy không rung chuyển, không dao động, được vững chãi, không bị tán loạn. Tuy nhiên, do sự lan rộng sức khuấy rối của cảm thọ, thân của vị ấy uốn cong, vặn vẹo, xoay chuyển. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy vị A-la-hán nhận biết một cảm thọ, thuộc thân không thuộc tâm.”
“Thưa ngài Nāgasena, về việc trong khi thân dao động mà tâm không dao động được gọi là điều kỳ diệu ở thế gian. Về việc này, xin ngài hãy nói cho trẫm lý do.”
“Tâu đại vương, giống như ở cội cây to lớn khổng lồ có đầy đủ thân, cành cây, và lá cây, khi bị vùi dập bởi sức mạnh của gió thì cành cây dao động, phải chăng thân của cây cũng dao động?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị A-la-hán trong khi bị tiếp xúc với cảm thọ khổ, nắm chắc ý nghĩ rằng: ‘là vô thường,’ rồi buộc tâm vào cột trụ của định. Được buộc chặt vào cột trụ của định, tâm ấy của vị ấy không rung chuyển, không dao động, được vững chãi, không bị tán loạn. Do sự lan rộng sức khuấy rối của cảm thọ, thân của vị ấy uốn cong, vặn vẹo, xoay chuyển. Tuy nhiên, tâm của vị ây không rung chuyển, không dao động, tợ như thân của cội cây to lớn vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, thật là kỳ diệu! Thưa ngài Nāgasena, thật là phi thường! Ngọn đèn Giáo Pháp có hình thức như vầy vào mọi lúc là chưa từng được thấy trước đây bởi trẫm.”
Câu hỏi về sự nhận biết cảm thọ của vị A-la-hán là thứ sáu.
*****
7. CÂU HỎI VỀ CHƯỚNG NGẠI CỦA SỰ CHỨNG NGỘ
“Thưa ngài Nāgasena, ở đây có người tại gia nào đó phạm tội cực nặng,[5] người ấy vào lúc khác xuất gia, người ấy tự mình cũng không biết rằng: ‘Khi là người tại gia, ta đã phạm tội cực nặng;’ cũng không có ai nói cho người ấy rằng: ‘Khi là người tại gia, ngươi đã phạm tội cực nặng.’ Và người ấy thực hành để chứng đạt Niết Bàn, phải chăng đối với người ấy có thể có sự chứng ngộ Giáo Pháp?”
“Tâu đại vương, không có.”
“Thưa ngài, vì lý do gì?”
“Điều kiện đưa đến sự chứng ngộ Giáo Pháp của người ấy đã bị đứt đoạn đối với người ấy, do đó không có sự chứng ngộ Giáo Pháp.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Đối với người biết thì có sự hối hận. Khi có sự hối hận thì có sự che lấp, khi tâm bị che lấp thì không có sự chứng ngộ Giáo Pháp.’ Tuy nhiên, người này trong khi không biết, thì đã không sanh lòng hối hận, sống có tâm an tịnh, vì lý do gì mà đối với người này thì không có sự chứng ngộ Giáo Pháp? Câu hỏi này quanh co khúc mắc. Xin ngài suy nghĩ rồi hãy trả lời.”
“Tâu đại vương, có phải hạt giống có phẩm chất, được ủ tốt đẹp sẽ nẩy mầm ở thửa ruộng mầu mỡ, được cày kỹ lưỡng, có bùn non?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, phải chăng chính hạt giống ấy có thể nẩy mầm ở bề mặt tảng đá cứng?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vậy thì tại sao cũng hạt giống ấy lại nẩy mầm ở bãi bùn, tại sao lại không nẩy mầm ở tảng đá cứng?”
“Thưa ngài, điều kiện cho việc nẩy mầm của hạt giống ấy không có ở tảng đá cứng. Do không có điều kiện, hạt giống không nẩy mầm.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế với điều kiện nào mà người ấy có sự chứng ngộ Giáo Pháp, điều kiện ấy đối với người ấy đã bị trừ tuyệt. Do không có điều kiện, thì không có sự chứng ngộ Giáo Pháp. Tâu đại vương, hoặc là giống như cây gậy, cục đất, cây côn, cái vồ đi đến việc trụ lại ở trái đất, phải chăng chính các cây gậy, cục đất, cây côn, cái vồ ấy đi đến việc trụ lại ở không trung?” “Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, vậy thì ở đây điều gì là lý do mà với lý do ấy chính các cây gậy, cục đất, cây côn, cái vồ ấy đi đến việc trụ lại ở trái đất? Vì lý do gì chúng không trụ lại ở không trung?”
“Thưa ngài, điều kiện cho việc trụ lại của các cây gậy, cục đất, cây côn, cái vồ ấy không có ở không trung. Do không có điều kiện, chúng không trụ lại.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế do tội lỗi ấy điều kiện của sự chứng ngộ đã bị đứt đoạn đối với người ấy. Khi điều kiện đã bị tiêu diệt, do không có điều kiện, thì không có sự chứng ngộ. Tâu đại vương, hoặc là giống như ngọn lửa phát cháy ở đất bằng, tâu đại vương, phải chăng chính ngọn lửa ấy phát cháy ở trong nước?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vậy thì ở đây điều gì là lý do mà với lý do ấy chính ngọn lửa ấy phát cháy ở đất bằng? Vì lý do gì nó không phát cháy ở trong nước?”
“Thưa ngài, điều kiện cho việc phát cháy của ngọn lửa không có ở trong nước. Do không có điều kiện, nó không phát cháy.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế do tội lỗi ấy điều kiện của sự chứng ngộ đã bị đứt đoạn đối với người ấy. Khi điều kiện đã bị tiêu diệt, do không có điều kiện, thì không có sự chứng ngộ.”
“Thưa ngài Nāgasena, xin ngài hãy suy nghĩ lại về ý nghĩa này. Trẫm không có sự tin chắc ở tâm về trường hợp ấy là: ‘Đối với người không biết, khi không có sự hối hận, lại có sự che lấp.’ Hãy giúp cho trẫm hiểu bằng lý lẽ.”
“Tâu đại vương, phải chăng chất độc dữ dội đã được ăn vào mặc dầu không biết, cũng lấy đi mạng sống?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc ác đã được làm mặc dầu không biết, cũng là việc tạo ra chướng ngại cho sự chứng ngộ. Tâu đại vương, phải chăng ngọn lửa cũng thiêu đốt người bước lên mà không biết?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc ác đã được làm mặc dầu không biết, cũng là việc tạo ra chướng ngại cho sự chứng ngộ. Tâu đại vương, phải chăng rắn độc sau khi cắn người không biết (bản thân đã bị rắn cắn) cũng lấy đi mạng sống?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc ác đã được làm mặc dầu không biết, cũng là việc tạo ra chướng ngại cho sự chứng ngộ. Tâu đại vương, quả là Samaṇakolañña, vua xứ Kāliṅga, được tùy tùng với bảy báu vật, sau khi cỡi lên con voi báu, trong khi đi đến thăm gia đình, mặc dầu không biết cũng đã không thể di chuyển phía bên trên khu vực cội cây Bồ Đề. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy việc ác đã được làm, mặc dầu không biết, cũng là việc tạo ra chướng ngại cho sự chứng ngộ.”
“Thưa ngài Nāgasena, không thể bác bỏ lý do đã được đấng Chiến Thắng giảng giải. Điều này đúng là ý nghĩa của việc ấy. Trẫm chấp nhận như thế.”
Câu hỏi về chướng ngại của sự chứng ngộ là thứ bảy.
*****
8. CÂU HỎI VỀ GIỚI HẠNH TỒI
“Thưa ngài Nāgasena, cái gì là sự phân biệt giữa người tại gia phá giới[6] và của Sa-môn phá giới? Cái gì là sự khác biệt? Có phải cả hai hạng này đều có cảnh giới tái sanh giống nhau? Có phải cả hai đều có quả thành tựu giống nhau? Hay là có cái gì đó khác nhau?”
“Tâu đại vương, mười đức tính này của vị Sa-môn phá giới là dư thừa cho sự phân biệt với người tại gia phá giới. Và sự cúng dường được trong sạch hơn bởi mười lý do. Mười đức tính nào của vị Sa-môn phá giới là dư thừa cho sự phân biệt với người tại gia phá giới?
Tâu đại vương, ở đây vị Sa-môn phá giới có sự tôn kính đức Phật; có sự tôn kính Giáo Pháp; có sự tôn kính Hội Chúng; có sự tôn kính những vị hành Phạm hạnh; ra sức trong việc đọc tụng và học hỏi; có nhiều sự lắng nghe (đa văn); tâu đại vương, vị có giới bị hỏng, có giới tồi, đi đến tập thể cũng thể hiện tư cách; gìn giữ thân khẩu vì sợ sự chê trách; tâm của vị này có sự hướng đến việc nỗ lực; đã đến gần bản thể Sa-môn của vị tỳ khưu; tâu đại vương, trong khi làm điều ác vị Sa-môn phá giới thực hiện một cách giấu diếm. Tâu đại vương, giống như người nữ có chồng lén lút rồi thực hiện việc sái quấy một cách vô cùng bí mật. Tâu đại vương, tương tợ y như thế trong khi làm điều ác vị Sa-môn phá giới thực hiện một cách giấu diếm. Tâu đại vương, mười đức tính này của vị Sa-môn phá giới là dư thừa cho sự phân biệt với người tại gia phá giới.
Sự cúng dường được trong sạch hơn bởi mười lý do nào? Sự cúng dường được trong sạch do việc mang lớp vỏ bọc không tội lỗi; sự cúng dường được trong sạch do việc mang đặc điểm đầu cạo tóc, là biểu hiện Sa-môn của ẩn sĩ; sự cúng dường được trong sạch do việc đã tham gia vào cuộc hội họp của Hội Chúng; sự cúng dường được trong sạch do việc đi đến nương nhờ đức Phật, Giáo Pháp, và Hội Chúng; sự cúng dường được trong sạch do việc đã cư ngụ ở tập thể có khuynh hướng nỗ lực; sự cúng dường được trong sạch do việc tầm cầu tài sản Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng; sự cúng dường được trong sạch do việc thuyết giảng Giáo Pháp cao quý; sự cúng dường được trong sạch vì mục đích tối hậu là việc đi đến hòn đảo Giáo Pháp; sự cúng dường được trong sạch do có quan điểm hoàn toàn chánh trực về: ‘Đức Phật là cao cả;’ sự cúng dường được trong sạch do việc thọ trì ngày Uposatha. Tâu đại vương, sự cúng dường được trong sạch hơn bởi mười lý do này.
Tâu đại vương, vị Sa-môn phá giới, mặc dầu bị phạm tội rõ ràng, cũng làm trong sạch sự cúng dường của các thí chủ. Tâu đại vương, giống như nước, mặc dầu sền sệt, cũng tẩy sạch bùn, lầy, bụi bặm, vết dơ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị Sa-môn phá giới, mặc dầu bị phạm tội rõ ràng, cũng làm trong sạch sự cúng dường của các thí chủ.
Tâu đại vương, hoặc là giống như nước nóng, mặc dầu đã được đun sôi dữ dội, cũng dập tắt được đám lửa lớn đang bốc cháy. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị Sa-môn phá giới, mặc dầu bị phạm tội rõ ràng, cũng làm trong sạch sự cúng dường của các thí chủ.
Tâu đại vương, hoặc là giống như thức ăn, mặc dầu vô vị, cũng xua đi sự suy nhược vì cơn đói. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị Sa-môn phá giới, mặc dầu bị phạm tội rõ ràng, cũng làm trong sạch sự cúng dường của các thí chủ.
Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn, vị Trời vượt trội các vị Trời, nói đến ở lời giải thích về sự phân loại cúng dường ở đoạn Varalañchaka (Dấu Ấn Cao Quý) thuộc Majjhimanikāya (Trung Bộ) rằng:
‘Người nào có giới hạnh dâng cúng vật thí (do của cải) đã đạt được hợp pháp đến những kẻ có giới hạnh tồi với tâm khéo tịnh tín, trong khi có đức tin thì quả của nghiệp là tột bực; sự cúng dường ấy được trong sạch về phía người thí chủ.’”
“Thưa ngài Nāgasena, thật là kỳ diệu! Thưa ngài Nāgasena, thật là phi thường! Chúng tôi đã hỏi câu hỏi có chừng ấy, thì ngài, trong khi giải thích nó bằng những ví dụ, bằng những lý lẽ, đã khiến cho vị ngọt của Bất Tử được lắng nghe. Thưa ngài, giống như người đầu bếp hoặc học trò của người đầu bếp, sau khi nhận được chừng ấy thịt thì đã sửa soạn với nhiều vật liệu các loại khác nhau, rồi làm ra món ăn cho đức vua. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế chúng tôi đã hỏi câu hỏi có chừng ấy, thì ngài đã khi giải thích nó bằng những ví dụ, bằng những lý lẽ, và đã khiến cho vị ngọt của Bất Tử được lắng nghe.”
Câu hỏi về giới hạnh tồi là thứ tám.
*****
9. CÂU HỎI VỀ VIỆC CÓ SINH MẠNG VÀ SỰ SỐNG CỦA NƯỚC
“Thưa ngài Nāgasena, nước này trong khi được đun nóng ở ngọn lửa thì kêu tí ta tí tách và phát ra âm thanh nhiều loại. Thưa ngài Nāgasena, vậy có phải nước sinh tồn? Có phải nước trong khi đùa giỡn thì phát ra âm thanh? Hay là trong khi bị vật khác quấy nhiễu thì phát ra âm thanh?”
“Tâu đại vương, nước dĩ nhiên không sinh tồn. Không có sự sống hoặc sinh mạng ở nước. Tâu đại vương, thêm nữa do tính chất mạnh bạo của lực đốt nóng ở ngọn lửa khiến nước kêu tí ta tí tách và phát ra âm thanh nhiều loại.”
“Thưa ngài Nāgasena, ở đây một số ngoại đạo khước từ nước lạnh (cho là): ‘Nước sinh tồn,’ nên đun nóng nước, và thọ dụng vật dơ bẩn. Những người ấy chê trách, xem thường các ngài rằng: ‘Các Sa-môn Thích tử hãm hại sự sống có một giác quan.’ Xin ngài hãy xua đi, đuổi đi, loại trừ đi sự chê trách, sự xem thường ấy của họ.”
“Tâu đại vương, nước dĩ nhiên không sinh tồn. Tâu đại vương, không có sự sống hoặc sinh mạng ở nước. Tâu đại vương, thêm nữa do tính chất mạnh bạo về năng lực đốt nóng của ngọn lửa khiến nước kêu tí ta tí tách và phát ra âm thanh nhiều loại. Tâu đại vương, giống như nước tụ ở hố, ao, suối, hồ, vũng, hốc, khe, giếng, trũng, đầm sen bị cạn đi và biến mất vì tính chất mạnh bạo về năng lực của gió và sức nóng, trong trường hợp ấy có phải nước cũng kêu tí ta tí tách và phát ra âm thanh nhiều loại?”
“Thưa ngài, không có.”
“Tâu đại vương, nếu nước sinh tồn, trong trường hợp ấy nước cũng có thể phát ra âm thanh. Tâu đại vương, cũng vì lý do này xin ngài hãy nhận biết rằng: ‘Không có sự sống hoặc sinh mạng ở nước. Do tính chất mạnh bạo về năng lực đốt nóng của ngọn lửa khiến nước kêu tí ta tí tách và phát ra âm thanh nhiều loại.’
Tâu đại vương, xin ngài hãy lắng nghe thêm lý lẽ khác nữa (nói rằng): ‘Không có sự sống hoặc sinh mạng ở nước. Do tính chất mạnh bạo về năng lực đốt nóng của ngọn lửa khiến nước phát ra âm thanh.’ Tâu đại vương, khi nước được trộn với các hột gạo rồi được bỏ vào nồi, đậy lại, chưa đặt lên bếp, trong trường hợp ấy có phải cũng nước phát ra âm thanh?”
“Thưa ngài, không có. Là không dao động, hoàn toàn yên tĩnh.”
“Tâu đại vương, trái lại cũng chính nước ấy được bỏ vào nồi, rồi châm lửa, đặt ở bếp, trong trường hợp ấy có phải nước là không dao động, hoàn toàn yên tĩnh?”
“Thưa ngài, không đúng. Nó dao động, bị khuấy động, chuyển động, dấy động, bị nổi sóng, di chuyển trên dưới khắp các hướng, trồi lên, trào ra, có màng bọt.”
“Tâu đại vương, vậy thì tại sao nước ấy ở trạng thái bình thường lại không dao động, hoàn toàn yên tĩnh? Tại sao khi được đặt ở ngọn lửa thì lại dao động, bị khuấy động, chuyển động, dấy động, bị nổi sóng, di chuyển trên dưới khắp các hướng, có màng bọt?”
“Thưa ngài, nước ở trạng thái bình thường không dao động. Tuy nhiên, khi đặt ở ngọn lửa, do tính chất mạnh bạo về năng lực đốt nóng của ngọn lửa khiến nước kêu tí ta tí tách và phát ra âm thanh nhiều loại.”
“Tâu đại vương, cũng vì lý do này, xin ngài nhận biết rằng: ‘Không có sự sống hoặc sinh mạng ở nước. Do tính chất mạnh bạo về năng lực đốt nóng của ngọn lửa khiến nước phát ra âm thanh.’
Tâu đại vương, xin ngài hãy lắng nghe thêm lý lẽ khác nữa (nói rằng): ‘Không có sự sống hoặc sinh mạng ở nước. Do tính chất mạnh bạo về năng lực đốt nóng của ngọn lửa khiến nước phát ra âm thanh.’ Tâu đại vương, có phải nước ấy được để vào lu nước ở mỗi nhà rồi đậy lại?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, phải chăng nước ấy cũng dao động, bị khuấy động, chuyển động, dấy động, bị nổi sóng, di chuyển trên dưới khắp các hướng, trồi lên, trào ra, có màng bọt?”
“Thưa ngài, không có. Nó không dao động, ở trạng thái bình thường, là nước đã được để vào lu nước.”
“Tâu đại vương, vậy ngài có được nghe trước đây là nước ở đại dương dao động, bị khuấy động, chuyển động, dấy động, bị nổi sóng, di chuyển trên dưới khắp các hướng, trồi lên, trào ra, có màng bọt, vươn lên rồi vỗ vào bờ, phát ra âm thanh nhiều loại?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Điều này đã được trẫm nghe trước đây và đã được thấy trước đây là nước ở đại dương vươn lên không trung một trăm cánh tay thậm chí đến hai trăm cánh tay.”[7]
“Tâu đại vương, tại sao nước được để vào lu nước không dao động, không phát ra âm thanh? Và tại sao nước ở đại dương lại dao động và phát ra âm thanh?”
“Thưa ngài, nước ở đại dương dao động, phát ra âm thanh vì tính chất mạnh bạo về năng lực của gió. Còn nước được để vào lu nước không bị kích động bởi bất cứ cái gì nên không dao động, không phát ra âm thanh.”
“Tâu đại vương, giống như nước ở đại dương dao động, phát ra âm thanh vì tính chất mạnh bạo về năng lực của gió, tương tợ y như thế nước phát ra âm thanh vì tính chất mạnh bạo về năng lực đốt nóng của ngọn lửa. Tâu đại vương, thế không phải cái trống khô ráo, được phủ căng tấm da trâu khô ráo, thì phát ra âm thanh?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, phải chăng cũng có sự sống hoặc sinh mạng ở cái trống?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, vậy thì tại sao cái trống lại phát ra âm thanh?”
“Thưa ngài, do sự ra sức phù hợp của người nữ hoặc người nam.”
“Tâu đại vương, giống như cái trống phát ra âm thanh do sự ra sức phù hợp của người nữ hoặc người nam, tương tợ y như thế do tính chất mạnh bạo về năng lực đốt nóng của ngọn lửa khiến nước phát ra âm thanh. Tâu đại vương, cũng vì lý do này, xin ngài nhận biết rằng: ‘Không có sự sống hoặc sinh mạng ở nước. Do tính chất mạnh bạo về năng lực đốt nóng của ngọn lửa khiến nước phát ra âm thanh.’
Tâu đại vương, giờ đối với chúng tôi cũng có điều cần hỏi dành cho đại vương, như vậy thì câu hỏi này là khéo được giải quyết. Tâu đại vương, có phải nước ở tất cả các loại nồi phát ra âm thanh trong khi được đốt nóng, hay là phát ra âm thanh trong khi được đốt nóng chỉ ở một số loại nồi?”
“Thưa ngài, không phải nước ở tất cả các loại nồi phát ra âm thanh trong khi được đốt nóng, mà nước phát ra âm thanh trong khi được đốt nóng chỉ ở một số loại nồi.”
“Tâu đại vương, như thế thì ngài đã bỏ rơi cơ hội của mình. Ngài đã quay về lại vấn đề của tôi là: ‘Không có sự sống hoặc sinh mạng ở nước.’
Tâu đại vương, nếu nước ở tất cả các loại nồi có thể phát ra âm thanh trong khi được đốt nóng, thì hợp lý để nói điều này: ‘Nước sinh tồn.’ Tâu đại vương, bởi vì nước không thuộc về hai trường hợp: ‘Cái nào phát ra âm thanh, cái ấy sinh tồn. Cái nào không phát ra âm thanh, cái ấy không sinh tồn.’ Tâu đại vương, nếu nước có thể sinh tồn, thì khi các con long tượng khổng lồ, có thân hình kềnh càng, bị lên cơn, sau khi hút nước lên bằng vòi, bỏ vào miệng, nuốt vào bụng, nước ấy, trong khi được lùa qua kẽ răng của chúng, cũng có thể phát ra âm thanh.
Và chiếc thuyền lớn (dài) một trăm cánh tay, nặng nề, loại chở hàng, được chất đầy với hàng trăm ngàn kiện hàng, du hành ở đại dương, nước trong khi bị tung tóe bởi những chiếc thuyền cũng có thể phát ra âm thanh.
Ngay cả những con cá to lớn khổng lồ có thân hình hàng trăm do-tuần, là cá ông, cá voi, cá ông voi, trong khi cư ngụ với chỗ ngụ cố định, chìm vào ở bên trong lòng đại dương, hút vào và phun ra những ngụm nước lớn. Nước ấy, trong khi được lùa qua kẽ răng vào bên trong bao tử của chúng, cũng có thể phát ra âm thanh.
Tâu đại vương, bởi vì nước có thể phát ra âm thanh khi bị chèn ép bởi những sự chèn ép dữ dội có những hình thức thế này thế khác, vì thế ‘không có sự sống hoặc sinh mạng ở nước.’ Tâu đại vương, đại vương hãy ghi nhớ điều này như thế.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Được hỏi đúng nơi, câu hỏi đã được phân giải với sự phân giải một cách thích đáng. Thưa ngài Nāgasena, giống như viên ngọc quý ma-ni có giá trị vô cùng lớn lao, sau khi đến với người thợ ngọc ma-ni thành thạo, bậc thầy, khéo léo, được học tập, thì có thể nhận được sự nổi tiếng, sự tán dương, sự ca tụng; hay là viên bảo ngọc trân châu với người thợ ngọc trai, hay là xấp vải quý với người buôn vải, hay là trầm hương đỏ sau khi đến với nhà buôn hương liệu thì có thể nhận được sự nổi tiếng, sự tán dương, sự ca tụng. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế được hỏi đúng nơi, câu hỏi đã được phân giải với sự phân giải một cách thích đáng. Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về việc có sinh mạng và sự sống của nước là thứ chín.
Phẩm Đức Phật được đầy đủ là phẩm thứ nhất.
(Ở phẩm này có chín câu hỏi)
–ooOoo–
II. PHẨM KHÔNG CHƯỚNG NGẠI
1. CÂU HỎI VỀ PHÁP KHÔNG CHƯỚNG NGẠI
“Thưa ngài Nāgasena, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, các ngươi hãy sống có sự vui thích ở pháp không chướng ngại, có sự thích thú ở pháp không chướng ngại.’ Pháp không chướng ngại ấy là pháp nào?”
“Tâu đại vương, quả vị Nhập Lưu là pháp không chướng ngại, quả vị Nhất Lai là pháp không chướng ngại, quả vị Bất Lai là pháp không chướng ngại, quả vị A-la-hán là pháp không chướng ngại.”
“Thưa ngài Nāgasena, nếu quả vị Nhập Lưu là pháp không chướng ngại, quả vị Nhất Lai, quả vị Bất Lai, quả vị A-la-hán là pháp không chướng ngại, vậy thì tại sao các vị tỳ khưu này lại đọc tụng, lại học hỏi về (chín thể loại:) suttaṃ, geyyaṃ, veyyākaraṇaṃ, gāthā, udānaṃ, itivuttakaṃ, jātakaṃ, abbhutadhammaṃ, vedallaṃ,[8] lại bị chướng ngại vì công trình mới, vì việc bố thí, và vì việc cúng dường? Không lẽ các vị lại tiến hành công việc đã bị đấng Chiến Thắng từ khước?”
“Tâu đại vương, những vị tỳ khưu nào đọc tụng, học hỏi về (chín thể loại:) suttaṃ, geyyaṃ, veyyākaraṇaṃ, gāthā, udānaṃ, itivuttakaṃ, jātakaṃ, abbhutadhammaṃ, vedallaṃ, bị chướng ngại vì công trình mới, vì việc bố thí, và vì việc cúng dường, tất cả những vị ấy làm nhằm đạt được pháp không chướng ngại.
Tâu đại vương, những vị nào được trong sạch tự bản chất, có sự huân tập đã được trải qua ở thời quá khứ, những vị ấy trong một chập tâm thì có được pháp không chướng ngại. Trái lại, những vị tỳ khưu nào với tầm nhìn có nhiều bụi, những vị ấy có được pháp không chướng ngại với các sự gắng sức này.
Tâu đại vương, giống như một người nam sau khi gieo hạt giống ở thửa ruộng, rồi trồng trọt cây lúa bằng sức mạnh và nỗ lực của bản thân, không cần tường thành và hàng rào. Một người nam (khác) sau khi gieo hạt giống ở thửa ruộng, thì đi vào rừng chặt cành cây và nhánh cây làm hàng rào và tường, rồi trồng trọt cây lúa; trong trường hợp ấy việc tầm cầu hàng rào và tường thành của người ấy là vì mong muốn đạt được cây lúa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những vị nào được trong sạch tự bản chất, có sự huân tập đã được trải qua ở thời quá khứ, những vị ấy trong một chập tâm thì có được pháp không chướng ngại, tợ như người nam có sự trồng trọt cây lúa không cần hàng rào và tường thành. Trái lại, những vị tỳ khưu nào với tầm nhìn có nhiều bụi, những vị ấy có được pháp không chướng ngại với các sự gắng sức này, ví như người nam có sự trồng trọt cây lúa sau khi đã làm hàng rào và tường thành.
Tâu đại vương, hoặc là giống như có chùm trái ở ngọn cây xoài cao to vĩ đại, rồi một người nào đó, có thần thông, sau khi đi đến nơi ấy có thể hái trái của cây ấy. Trái lại, tại nơi ấy người nào không có thần thông, người ấy chặt cành cây và dây leo rồi buộc thành cái thang, nhờ nó leo lên cây ấy, rồi hái trái; trong trường hợp ấy, việc tầm cầu cái thang của người ấy là vì mong muốn đạt được trái cây.
Tâu đại vương, tương tợ y như thế những vị nào được trong sạch tự bản chất, có sự huân tập đã được trải qua ở thời quá khứ, những vị ấy trong một chập tâm thì có được pháp không chướng ngại, tợ như người có thần thông hái được trái cây. Trái lại, những vị tỳ khưu nào với tầm nhìn có nhiều bụi, những vị ấy chứng ngộ các Chân Lý với các sự gắng sức này, tợ như người nam hái được trái cây nhờ vào cái thang.
Tâu đại vương, hoặc là giống như một người nam là ngưòi làm theo chỉ tiêu, chỉ một mình đi đến gặp người chủ rồi hoàn thành chỉ tiêu. Một người (khác) có tài sản, phát triển đồ chúng nhờ vào năng lực của tài sản, rồi hoàn thành chỉ tiêu cùng với đồ chúng; trong trường hợp ấy việc tầm cầu đồ chúng của người ấy là vì mong muốn đạt được chỉ tiêu. Tâu đại vương, tương tợ y như thế những vị nào được trong sạch tự bản chất, có sự huân tập đã được trải qua ở thời quá khứ, những vị ấy trong một chập tâm thì đạt được bản thể năng lực ở sáu Thắng Trí ví như người nam một mình thực hiện việc thành tựu chỉ tiêu. Trái lại, những vị tỳ khưu nào với tầm nhìn có nhiều bụi, những vị ấy hoàn thành mục tiêu của bản thể Sa-môn với các sự gắng sức này, tợ như người nam thực hiện việc thành tựu chỉ tiêu cùng với đồ chúng.
Tâu đại vương, việc đọc tụng cũng có nhiều lợi ích, việc học hỏi cũng có nhiều lợi ích, việc xây dựng công trình mới cũng có nhiều lợi ích, việc bố thí cũng có nhiều lợi ích, việc cúng dường cũng có nhiều lợi ích cho những người này, những người nọ có công việc cần phải làm.
Tâu đại vương, giống như người nam hầu cận đức vua, có công việc đã được hoàn thành nhờ vào các quan đại thần, nhân công, binh lính, người giữ cổng, lính gác, quần thần, dân chúng, đối với người ấy khi công việc cần làm chưa đạt được thì tất cả những người ấy đều là những sự trợ giúp. Tâu đại vương, tương tợ y như thế việc đọc tụng cũng có nhiều lợi ích, việc học hỏi cũng có nhiều lợi ích, việc xây dựng công trình mới cũng có nhiều lợi ích, việc bố thí cũng có nhiều lợi ích, việc cúng dường cũng có nhiều lợi ích cho những người này, những người nọ có công việc cần phải làm.
Tâu đại vương, nếu tất cả đều được thanh tịnh ở dòng dõi, có thể không có việc cần phải làm với việc chỉ dạy. Tâu đại vương, và bởi vì có việc cần phải làm với việc lắng nghe. Tâu đại vương, trưởng lão Sāriputta, có thiện căn đã được tích lũy liên quan đến vô lượng kiếp, không thể đếm được, đã đạt đến tột đỉnh của trí tuệ, ngay cả vị ấy không có sự lắng nghe cũng không thể đạt được sự diệt tận các lậu hoặc. Tâu đại vương, vì thế việc lắng nghe cũng có nhiều lợi ích, việc đọc tụng, việc học hỏi cũng như thế. Vì thế, việc đọc tụng và học hỏi là pháp không chướng ngại, là pháp không tạo tác.”
“Thưa ngài Nāgasena, câu hỏi đã được giải quyết khéo léo. Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về pháp không chướng ngại là thứ nhất.
*****
2. CÂU HỎI VỀ NGƯỜI TẠI GIA CHỨNG A-LA-HÁN
“Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Người tại gia nào đạt đến phẩm vị A-la-hán, đối với vị này chỉ có hai lối đi không có lối khác: xuất gia nội trong ngày ấy, hoặc viên tịch Niết Bàn; ngày ấy là không thể vượt qua.’ Thưa ngài Nāgasena, nếu vị ấy, trong ngày hôm ấy, không có được thầy tuyên ngôn, hoặc thầy tế độ, hoặc y và bình bát, có phải vị A-la-hán ấy có thể tự mình xuất gia, hoặc có thể để cho ngày ấy trôi qua? Hoặc có vị nào khác, là A-la-hán, có thần thông, đi đến rồi cho vị ấy xuất gia? Hoặc có thể viên tịch Niết Bàn?”
“Tâu đại vương, vị A-la-hán ấy không thể tự mình xuất gia, trong khi tự mình xuất gia thì phạm vào việc trộm cắp (hình tướng). Và không thể để cho ngày ấy trôi qua. Nếu có thể hoặc không thể có việc đi đến của vị A-la-hán khác, thì sẽ viên tịch Niết Bàn nội trong ngày ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, như thế thì bản thể an tịnh của vị A-la-hán là bị bỏ đi, bởi vì có sự lấy đi mạng sống của vị đã chứng đắc.”
“Tâu đại vương, hình tướng tại gia là không tương xứng. Khi hình tướng là không tương xứng, do tính chất yếu ớt của hình tướng, người tại gia đạt được phẩm vị A-la-hán (phải) xuất gia, hoặc viên tịch Niết Bàn nội trong ngày ấy. Tâu đại vương, điều ấy không phải là sự sai trái của phẩm vị A-la-hán, điều ấy là sự sai trái của hình tướng tại gia, tức là tính chất yếu ớt của hình tướng.
Tâu đại vương, giống như vật thực là vật hộ trì tuổi thọ, là vật duy trì mạng sống của tất cả chúng sanh, nhưng lại lấy đi mạng sống của người có bao tử không điều hòa, có sự hấp thụ trì trệ yếu đuối, vì không tiêu hóa được. Tâu đại vương, điều ấy không phải là sự sai trái của vật thực, điều ấy là sự sai trái của bao tử, tức là tính chất yếu ớt của lửa. Tâu đại vương, tương tợ y như thế khi hình tướng là không tương xứng, do tính chất yếu ớt của hình tướng, người tại gia đạt được phẩm vị A-la-hán (phải) xuất gia, hoặc viên tịch Niết Bàn nội trong ngày ấy. Tâu đại vương, điều ấy không phải là sự sai trái của phẩm vị A-la-hán, điều ấy là sự sai trái của hình tướng tại gia, tức là tính chất yếu ớt của hình tướng.
Tâu đại vương, hoặc là giống như cọng cỏ nhỏ nhoi khi bị tảng đá nặng đặt lên trên, thì bị dập nát, đổ xuống vì tính chất yếu ớt. Tâu đại vương, tương tợ y như thế người tại gia đạt được phẩm vị A-la-hán, vì hình tướng ấy không thể nâng đỡ phẩm vị A-la-hán, nên (phải) xuất gia nội trong ngày ấy, hoặc viên tịch Niết Bàn.
Tâu đại vương, hoặc là giống như người nam không có sức mạnh, yếu đuối, có dòng dõi thấp kém, phước báu nhỏ nhoi, sau khi đạt được vương quốc to lớn khổng lồ, trong khoảnh khắc sẽ sụp đổ, tiêu hoại, thối lui, không thể duy trì vương quyền. Tâu đại vương, tương tợ y như thế người tại gia đạt được phẩm vị A-la-hán, vì hình tướng ấy không thể nâng đỡ phẩm vị A-la-hán, nên (phải) xuất gia nội trong ngày ấy, hoặc viên tịch Niết Bàn.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về người tại gia chứng A-la-hán là thứ nhì.
*****
3. CÂU HỎI VỀ SỰ THẤT NIỆM CỦA VỊ A-LA-HÁN
“Thưa ngài Nāgasena, có sự thất niệm đối với vị A-la-hán?” “Tâu đại vương, các vị A-la-hán có các sự thất niệm đã được xa lìa. Đối với các vị A-la-hán không có sự thất niệm.”
“Thưa ngài, phải chăng vị A-la-hán có thể vi phạm tội?”
“Tâu đại vương, đúng vậy.”
“Về sự việc gì?”
“Tâu đại vương, về việc làm cốc liêu, về việc mai mối, vào lúc sái thời (lầm) tưởng là lúc đúng thời, về vị đã ngăn (lầm) tưởng là chưa ngăn (vật thực dâng thêm), không phải thức ăn thừa (lầm) tưởng là thức ăn thừa.”[9]
“Thưa ngài Nāgasena, ngài nói rằng: ‘Những vị nào phạm tội, những vị ấy phạm bởi hai lý do: Vì không tôn trọng hoặc là do không biết.’ Thưa ngài, có phải việc vị A-la-hán phạm tội là vì vị A-la-hán có sự không tôn trọng?”
“Tâu đại vương, không đúng.”
“Thưa ngài Nāgasena, nếu vị A-la-hán phạm tội, và không có sự không tôn trọng ở vị A-la-hán, như thế thì có sự thất niệm ở vị A-la-hán?”
“Tâu đại vương, không có sự thất niệm ở vị A-la-hán, và có việc vị A-la-hán phạm tội.”
“Thưa ngài, như thế thì xin ngài hãy giúp cho trẫm hiểu bằng lý lẽ. Ở đây, cái gì là lý do?”
“Tâu đại vương, đây là hai loại ô nhiễm: ‘Tội lỗi đối với thế gian và tội lỗi do sự quy định.’ Tâu đại vương, tội lỗi đối với thế gian là việc nào? Mười loại nghiệp bất thiện. Việc này được gọi là tội lỗi đối với thế gian. Tội lỗi do sự quy định là việc nào? Việc nào ở thế gian là không đúng đắn, không hợp lẽ đối với hàng Sa-môn, nhưng không phải là tội lỗi đối với hàng tại gia, trong trường hợp ấy đức Thế Tôn quy định điều học cho các đệ tử, cho đến trọn đời không được vượt qua. Tâu đại vương, vật thực sái giờ không là tội lỗi đối với thế gian, điều ấy là tội lỗi ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Việc làm tổn thương thảo mộc không là tội lỗi đối với thế gian, điều ấy là tội lỗi ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Việc chơi giỡn ở trong nước không là tội lỗi đối với thế gian, điều ấy là tội lỗi ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Tâu đại vương, các hình thức như thế và tương tợ là các tội lỗi ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Việc này được gọi là tội lỗi do sự quy định.
Loại ô nhiễm nào là tội lỗi đối với thế gian, bậc Lậu Tận không thể vi phạm việc ấy; còn loại ô nhiễm nào là tội lỗi do sự quy định, trong khi không biết, có thể vi phạm việc ấy. Tâu đại vương, đối với một vị A-la-hán thì không có trình độ để biết tất cả, bởi vì đối với vị ấy không có năng lực để biết tất cả.
Tâu đại vương, đối với vị A-la-hán tên họ của những người nữ người nam là không được biết; đối với vị ấy đường xá ở trái đất là không được biết. Tâu đại vương, một vị A-la-hán có thể chỉ biết về sự giải thoát. Vị A-la-hán có sáu Thắng Trí có thể biết về lãnh vực của mình. Tâu đại vương, chỉ có đức Như Lai, đấng Toàn Tri, là biết tất cả.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về sự thất niệm của vị A-la-hán là thứ ba.
*****
4. CÂU HỎI VỀ VẬT THỂ KHÔNG CÓ Ở THẾ GIAN
“Thưa ngài Nāgasena, chư Phật được thấy ở thế gian, chư Phật Độc Giác được thấy, các đệ tử của đức Như Lai được thấy, các vị vua Chuyển Luân được thấy, các vị vua của các xứ sở được thấy, chư Thiên và loài người được thấy, những người có tài sản được thấy, những người không có tài sản được thấy, những người may mắn được thấy, những người bất hạnh được thấy, tướng trạng người nữ xuất hiện ở người nam được thấy, tướng trạng người nam xuất hiện ở người nữ được thấy, hành động khéo làm và vụng làm được thấy, các chúng sanh thọ hưởng quả thành tựu của các nghiệp thiện và ác được thấy. Có ở thế gian các chúng sanh hạng noãn sanh, hạng thai sanh, hạng thấp sanh, hạng hóa sanh; có các chúng sanh không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân. Có ở thế gian các hàng Dạ-xoa, quỷ sứ, người dạng quỷ, A-tu-la, người khổng lồ, Càn-thát-bà, ngạ quỷ, yêu tinh; có các hạng chim đầu người, rắn chúa, long vương, điểu vương, thầy phù thủy, thầy pháp; có các loài voi, ngựa, bò, trâu, lạc đà, lừa, dê, cừu, nai, heo rừng, sư tử, cọp, beo, gấu, chó sói, linh cẩu, chó hoang, chó rừng; có nhiều loại chim; có vàng, bạc, ngọc trai, ngọc ma-ni, vỏ sò, đá, san-hô, hồng ngọc, ngọc mắt mèo, ngọc bích, kim cương, pha-lê, đồng đen, đồng đỏ, đồng hỗn hợp, đồng thau; có sợi lanh, tơ lụa, bông vải, gai thô, chỉ bố, sợi len; có lúa gạo sāli, lúa gạo, lúa mạch, kê, bắp, đậu varaka, lúa mì, đậu tây, đậu māsa, mè, đậu tằm; có hương của rễ cây, hương của lõi cây, hương của giác cây, hương của vỏ cây, hương của lá cây, hương của bông hoa, hương của trái cây, hương thơm của tất cả các loại; có cỏ dại, dây leo, bụi rậm, cây cối, dược thảo, cổ thụ, sông, núi, biển, cá, rùa. Tất cả có ở thế gian. Thưa ngài, vật gì không có ở thế gian, xin ngài hãy nói về vật ấy cho trẫm.”
“Tâu đại vương, ba vật này không có ở thế gian. Ba vật nào? Vật có tâm thức hoặc không có tâm thức mà không già hoặc không chết là không có, tính chất thường còn của các hành là không có, cái được thừa nhận là chúng sanh theo ý nghĩa rốt ráo là không có. Tâu đại vương, đây là ba vật không có ở thế gian.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về vật thể không có ở thế gian là thứ tư.
*****
5. CÂU HỎI VỀ VẬT KHÔNG SANH RA DO NGHIỆP
“Thưa ngài Nāgasena, các vật sanh ra do nghiệp được thấy ở thế gian, sanh ra do nhân được thấy, sanh ra do mùa tiết được thấy. Ở thế gian vật gì không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết, xin ngài hãy nói về vật ấy cho trẫm.”
“Tâu đại vương, ở thế gian hai vật này không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết. Hai vật nào? Tâu đại vương, hư không không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết. Tâu đại vương, Niết Bàn không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết. Tâu đại vương, đây là hai vật không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết.”
“Thưa ngài Nāgasena, xin ngài chớ bôi nhọ lời dạy của đấng Chiến Thắng. Không biết thì xin ngài chớ trả lời câu hỏi.”
“Tâu đại vương, tôi nói điều gì mà đại vương lại nói với tôi như vầy: ‘Thưa ngài Nāgasena, xin đại vương chớ bôi nhọ lời dạy của đấng Chiến Thắng. Không biết thì xin đại vương chớ trả lời câu hỏi’?”
“Thưa ngài Nāgasena, cho đến điều này thì vẫn còn hợp lý để nói rằng: ‘Hư không không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết.’ Thưa ngài Nāgasena, trái lại đạo lộ đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn đã được đức Thế Tôn nói ra cho các đệ tử bằng hàng trăm cách thức. Vậy mà ngài lại nói như vầy: ‘Niết Bàn không sanh ra do nhân.’”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Đạo lộ đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn đã được đức Thế Tôn nói ra cho các đệ tử bằng hàng trăm cách thức. Tuy nhiên, nhân làm sanh khởi Niết Bàn là không được nói đến.”
“Thưa ngài Nāgasena, ở đây chúng ta từ chỗ tối đi vào chỗ tối hơn, từ rừng đi vào rừng sâu hơn, từ bụi rậm đi vào bụi rậm hơn, chính là vì cái điều gọi là có nhân đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, nhưng nhân làm sanh khởi pháp ấy lại không có. Thưa ngài Nāgasena, nếu có nhân đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, như thế thì cũng nên mong mỏi về nhân làm sanh khởi Niết Bàn.
Thưa ngài Nāgasena, hoặc là giống như có người cha của đứa con trai, vì lý do ấy cũng nên mong mỏi về người cha của người cha. Giống như có người thầy của người học trò, vì lý do ấy cũng nên mong mỏi về người thầy của người thầy. Giống như có hạt giống của cái mầm non, vì lý do ấy cũng nên mong mỏi về hạt giống của hạt giống. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế nếu có nhân đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, như thế thì cũng nên mong mỏi về nhân làm sanh khởi Niết Bàn.
Giống như khi có ngọn của thân cây hoặc của dây leo, vì lý do ấy cũng có phần thân, cũng có phần rễ. Thưa ngài Nāgasena, tương tợ y như thế nếu có nhân đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, như thế thì cũng nên mong mỏi về nhân làm sanh khởi Niết Bàn.”
“Tâu đại vương, Niết Bàn là không thể làm cho sanh được. Do đó, nhân làm sanh khởi Niết Bàn không được nói đến.”
“Thưa ngài Nāgasena, vậy thì sau khi đã chỉ cho thấy lý do, ngài hãy giúp cho trẫm hiểu bằng lý lẽ theo đó trẫm có thể biết được rằng: ‘Có nhân đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, còn nhân làm sanh khởi Niết Bàn là không có.’”
“Tâu đại vương, như thế thì đại vương hãy nghiêm chỉnh lắng tai, và hãy lắng nghe một cách cẩn thận, tôi sẽ nói lý do trong trường hợp này. Tâu đại vương, có phải người nam, với sức mạnh bình thường, từ nơi đây có thể đi đến núi chúa Hi-mã-lạp?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, vậy có phải người nam ấy, với sức mạnh bình thường, có thể mang núi chúa Hi-mã-lạp đến đây?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế có thể nói về đạo lộ đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, nhưng không thể chỉ cho thấy nhân làm sanh khởi Niết Bàn. Tâu đại vương, có phải người nam, với sức mạnh bình thường, có thể vượt qua đại dương bằng thuyền để đi đến bờ xa xa?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, vậy có phải người nam ấy, với sức mạnh bình thường, có thể mang bờ xa xa của đại dương đến đây?”
“Thưa ngài, không đúng.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế có thể nói về đạo lộ đưa đến việc chứng ngộ Niết Bàn, nhưng không thể chỉ cho thấy nhân làm sanh khởi Niết Bàn. Vì lý do gì? Vì tính chất không bị tạo tác của pháp.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải Niết Bàn là không bị tạo tác?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Niết Bàn là không bị tạo tác, không bị tạo ra bởi bất cứ cái gì. Tâu đại vương, không nên nói Niết Bàn là ‘được sanh lên,’ hoặc là ‘không được sanh lên,’ hoặc là ‘sẽ được làm cho sanh lên,’ hoặc là ‘quá khứ,’ hoặc là ‘hiện tại,’ hoặc là ‘vị lai,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi mắt,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi tai,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi mũi,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi lưỡi,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi thân.’”
“Thưa ngài Nāgasena, nếu Niết Bàn không phải là được sanh lên, không phải là không được sanh lên, không phải là sẽ được làm cho sanh lên, không là quá khứ, không là hiện tại, không là vị lai, không được nhận thức bởi mắt, không được nhận thức bởi tai, không được nhận thức bởi mũi, không được nhận thức bởi lưỡi, không được nhận thức bởi thân. Thưa ngài Nāgasena, như thế thì ngài đã chỉ ra Niết Bàn là pháp không có, có phải là không có Niết Bàn?”
“Tâu đại vương, có Niết Bàn. Niết Bàn được nhận thức bởi ý. Vị đệ tử của bậc Thánh thực hành đúng đắn với tâm ý trong sạch, hướng thượng, ngay thẳng, không bị ngăn che, không liên hệ vật chất thì nhìn thấy Niết Bàn.”
“Thưa ngài, vậy Niết Bàn ấy giống cái gì? Cái ấy nên được làm sáng tỏ bằng các ví dụ. Xin ngài hãy giúp cho trẫm hiểu bằng các lý lẽ theo đó pháp có thật là nên được làm sáng tỏ bằng các ví dụ.”
“Tâu đại vương, có phải có cái gọi là gió?”
“Thưa ngài, đúng vậy.”
“Tâu đại vương, vậy xin ngài hãy chỉ cho thấy gió qua màu sắc, hoặc qua vị trí, hoặc là vi tế, hay thô thiển, hoặc là dài, hay ngắn.”
“Thưa ngài Nāgasena, không thể chỉ cho thấy gió được. Gió ấy không đáp ứng việc nắm bắt bằng bàn tay hoặc sự đè nén. Tuy nhiên, gió ấy là có.”
“Tâu đại vương, nếu không thể chỉ cho thấy gió, như thế thì gió là không có.”
“Thưa ngài Nāgasena, trẫm biết rằng: ‘Gió là có.’ Nó đã đi vào trong tim của trẫm. Nhưng trẫm không có thể chỉ cho thấy gió được.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế Niết Bàn là có. Nhưng không thể chỉ cho thấy Niết Bàn qua màu sắc, hoặc qua vị trí.”
“Thưa ngài Nāgasena, tốt lắm! Ví dụ đã khéo được phô bày. Lý lẽ đã khéo được giải thích. ‘Có Niết Bàn,’ trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về vật không sanh ra do nghiệp là thứ năm.
*****
6. CÂU HỎI VỀ VẬT SANH RA DO NGHIỆP VÀ KHÔNG SANH RA DO NGHIỆP
“Thưa ngài Nāgasena, ở đây những cái nào là sanh ra do nghiệp, những cái nào là sanh ra do nhân, những cái nào sanh ra do mùa tiết, những cái nào không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết?”
“Tâu đại vương, những chúng sanh nào có suy tư, tất cả các hạng ấy là sanh ra do nghiệp. Lửa và tất cả các thứ được sanh ra từ hạt giống là sanh ra do nhân. Trái đất, núi, nước, và gió, tất cả các thứ ấy là sanh ra do mùa tiết. Hư không và Niết Bàn, đây là hai thứ không sanh ra do nghiệp, không sanh ra do nhân, không sanh ra do mùa tiết. Tâu đại vương, hơn nữa Niết Bàn không nên được nói là ‘sanh ra do nghiệp,’ ‘sanh ra do nhân,’ ‘sanh ra do mùa tiết,’ ‘được sanh lên,’ hoặc là ‘không được sanh lên,’ hoặc là ‘sẽ được làm cho sanh lên,’ hoặc là ‘quá khứ,’ hoặc là ‘hiện tại,’ hoặc là ‘vị lai,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi mắt,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi tai,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi mũi,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi lưỡi,’ hoặc là ‘được nhận thức bởi thân.’ Tâu đại vương, Niết Bàn là được nhận thức bởi ý, vị đệ tử của bậc Thánh thực hành đúng đắn nhìn thấy Niết Bàn với tâm ý trong sạch.”
“Thưa ngài Nāgasena, câu hỏi thú vị đã khéo được giải quyết, sự không còn nghi ngờ đã được xác định, sự phân vân đã được chặt đứt, ngài đã tiến đến vị thế cao quý và ưu tú trong số các vị có đồ chúng.”
Câu hỏi về vật sanh ra do nghiệp và không sanh ra do nghiệp là thứ sáu.
*****
7. CÂU HỎI VỀ THÂY CHẾT CỦA DẠ-XOA
“Thưa ngài Nāgasena, có phải ở thế gian có hạng gọi là Dạ-xoa?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Ở thế gian có hạng gọi là Dạ-xoa.”
“Thưa ngài, phải chăng các Dạ-xoa ấy lìa đời từ sanh chủng ấy?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Các Dạ-xoa ấy lìa đời từ sanh chủng ấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, vậy thì tại sao thân xác của các Dạ-xoa đã chết ấy không được nhìn thấy, mùi của xác chết cũng không tỏa ra?”
“Tâu đại vương, thân xác của các Dạ-xoa đã chết ấy được nhìn thấy. Mùi xác chết của chúng cũng tỏa ra. Tâu đại vương, thân xác của các Dạ-xoa đã chết với hình dáng của côn trùng được nhìn thấy, với hình dáng của con kiến được nhìn thấy, với hình dáng của con mối được nhìn thấy, với hình dáng của con châu chấu được nhìn thấy, với hình dáng của con rắn được nhìn thấy, với hình dáng của con bọ cạp được nhìn thấy, với hình dáng của con rết được nhìn thấy, với hình dáng của con chim được nhìn thấy, với hình dáng của con thú được nhìn thấy.”
“Thưa ngài Nāgasena, còn có người nào khác có thể trả lời khi được hỏi câu hỏi này, ngoại trừ bậc có sự giác ngộ như là ngài vậy?”
Câu hỏi về thây chết của Dạ-xoa là thứ bảy.
*****
8. CÂU HỎI VỀ SỰ QUY ĐỊNH ĐIỀU HỌC
“Thưa ngài Nāgasena, những người đã là những vị thầy ở thời quá khứ của các người thầy thuốc, tức là: Nārada, Dhammantarī, Aṅgīrasa, Kapila, Kaṇḍaraggi, Sāma, Atula, Pubbakaccāyana. Tất cả các vị thầy này cùng một lúc biết một cách trọn vẹn về tất cả các điều ấy là về sự phát sanh của bệnh, sự khởi đầu, bản chất, nguồn sanh khởi, cách chữa trị, việc cần làm, thành công hay không thành công (nghĩ rằng): ‘Ở cơ thể này chừng này thứ bệnh sẽ phát sanh,’ sau đó gom chung lại một mối rồi buộc lại sợi chỉ (đầu mối). Tất cả những vị này không phải là các bậc Toàn Tri. Trái lại, đức Thế Tôn, trong khi là đấng Toàn Tri, với trí tuệ của vị Phật biết được sự việc ở vị lai rằng: ‘Trong chừng này sự việc, sẽ phải quy định chừng này điều học,’ sau khi xác định tại sao Ngài đã không quy định điều học một cách toàn diện? Đến khi mỗi một sự việc đã được sanh khởi, tiếng xấu đã rõ rệt, sự sai trái đã lan rộng, đã đi xa, trong khi dân chúng phàn nàn, rồi vào từng thời điểm một Ngài đã quy định điều học cho các đệ tử?”
“Tâu đại vương, đối với đức Như Lai, điều này đã được biết đến: ‘Vào lúc này, trong lúc những người này đang phàn nàn, một trăm năm mươi điều học có tính cách phụ trội sẽ phải được quy định.’ Tuy nhiên, đức Như Lai đã khởi ý như vầy: – Nếu Ta sẽ quy định một trăm năm mươi điều học có tính cách phụ trội vào một lúc, số đông người sẽ có sự hoảng sợ: ‘Ở đây, có nhiều việc cần phải gin giữ. Quả là việc khó khăn để xuất gia ở Giáo Pháp của Sa-môn Gotama.’ Thậm chí những người có ý định xuất gia cũng sẽ không xuất gia. Và họ sẽ không tin vào lời nói của Ta. Trong khi không tin tưởng, những người ấy sẽ đi đến chốn đọa đày. Đến khi mỗi một sự việc đã được sanh khởi, sau khi làm cho họ nhận thức nhờ vào sự thuyết giảng Giáo Pháp, khi sự sai trái đã rõ rệt, thì ta sẽ quy định điều học.”
“Thưa ngài Nāgasena, thật là kỳ diệu đối với chư Phật! Thưa ngài Nāgasena, thật là phi thường đối với chư Phật! Trí Toàn Tri của đức Như Lai lớn lao đến thế! Thưa ngài Nāgasena, điều này là như vậy, ý nghĩa này đã khéo được giải thích bởi đức Như Lai. Sau khi nghe rằng: ‘Ở đây, có nhiều việc cần phải gìn giữ,’ sự hoảng sợ có thể sanh khởi ở chúng sanh, thậm chí không có đến một người có thể xuất gia ở Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Trẫm chấp nhận điều này đúng theo như vậy.”
Câu hỏi về sự quy định điều học là thứ tám.
*****
9. CÂU HỎI VỀ SỰ CHIẾU SÁNG CỦA MẶT TRỜI
“Thưa ngài Nāgasena, mặt trời này luôn luôn chiếu sáng thô tháo, hay là vào lúc nào đó thì chiếu sáng yếu ớt?”
“Tâu đại vương, mặt trời luôn luôn chiếu sáng thô tháo, và không lúc nào chiếu sáng yếu ớt.”
“Thưa ngài Nāgasena, nếu mặt trời luôn luôn chiếu sáng thô tháo, vậy thì tại sao mặt trời một đôi khi chiếu sáng thô tháo, một đôi khi chiếu sáng yếu ớt?”
“Tâu đại vương, bốn điều này là bệnh của mặt trời, bị quấy nhiễu bởi một bệnh nào đó trong bốn bệnh ấy, mặt trời chiếu sáng yếu ớt. Bốn bệnh nào? Tâu đại vương, mây là bệnh của mặt trời, bị quấy nhiễu bởi bệnh ấy, mặt trời chiếu sáng yếu ớt. Tâu đại vương, sương mù là bệnh của mặt trời, bị quấy nhiễu bởi bệnh ấy, mặt trời chiếu sáng yếu ớt. Tâu đại vương, mưa là bệnh của mặt trời, bị quấy nhiễu bởi bệnh ấy, mặt trời chiếu sáng yếu ớt. Tâu đại vương, nhật thực là bệnh của mặt trời, bị quấy nhiễu bởi bệnh ấy, mặt trời chiếu sáng yếu ớt. Tâu đại vương, bốn điều này là bệnh của mặt trời, bị quấy nhiễu bởi một bệnh nào đó trong bốn bệnh ấy, mặt trời chiếu sáng yếu ớt.”
“Thưa ngài Nāgasena, thật là kỳ diệu! Thưa ngài Nāgasena, thật là phi thường! Đối với vật có năng lượng thậm chí cho đến mặt trời mà bệnh còn sanh khởi, vậy thì có điều gì đối với những chúng sanh khác? Thưa ngài, cách phân loại này không có ở người khác, ngoại trừ bậc có sự giác ngộ như là ngài vậy.”
Câu hỏi về sự chiếu sáng của mặt trời là thứ chín.
*****
10. CÂU HỎI THỨ NHÌ VỀ SỰ CHIẾU SÁNG CỦA MẶT TRỜI
“Thưa ngài Nāgasena, tại sao mặt trời chiếu sáng thô tháo vào mùa lạnh, nhưng không như thế vào mùa nắng?”
“Tâu đại vương, vào mùa nắng bụi bặm không bị tiêu hoại. Các bụi phấn, bị khuấy động bởi gió, đi vào không trung, thậm chí ở không trung mây là vô cùng dày đặc, và gió lớn thổi mạnh hơn. Tất cả các điều ấy với nhiều nguồn khác nhau, được tổng hợp lại, che chắn các tia sáng của mặt trời. Vì thế, vào mùa nắng mặt trời chiếu sáng yếu ớt.
Tâu đại vương, trái lại vào mùa lạnh, ở phía bên dưới, trái đất thì lạnh. Ở phía bên trên, đám mây lớn được lắng đọng lại, bụi bặm thì yên tịnh. Và bụi phấn di chuyển vô cùng êm ả ở không trung, bầu trời không có mây đen, và gió thổi vô cùng yếu ớt. Do sự lắng đọng của những việc này, các tia sáng của mặt trời là trong trẻo, khi mặt trời được thoát khỏi việc bị tổn hại, ánh sáng của nó chiếu sáng cực kỳ. Tâu đại vương, ở đây điều này là lý do mà với lý do ấy mặt mặt trời chiếu sáng thô tháo vào mùa lạnh, không như thế vào mùa nắng.”
“Thưa ngài, mặt trời, khi được thoát khỏi tất cả các tai ương thì chiếu sáng thô tháo, khi đồng hành cùng các đám mây, v.v… thì không chiếu sáng thô tháo.”
Câu hỏi về sự chiếu sáng của mặt trời là thứ mười.
Phẩm không chướng ngại là phẩm thứ nhì.
(Ở phẩm này có mười câu hỏi)
–ooOoo–
[1] Được thêm vào từ văn bản Pāli của Miến Điện và Anh quốc (ND).
[2] Được thêm vào từ văn bản Pāli của Miến Điện và Anh quốc (ND).
[3] Câu kệ này được thấy ở Theragāthāpāḷi – Trưởng Lão Kệ, do trưởng lão Abhibhūta nói lên (TTPV 31, trang 91, câu kệ 256).
[4] Đoạn này được thêm vào từ văn bản của Miến Điện và PTS của Anh quốc (ND).
[5] Tội cực nặng là từ dịch của từ pārājika ở văn bản Pāli. Tuy nhiên, tội pārājika chỉ dành riêng cho tỳ khưu (4 điều) và tỳ khưu ni (8 điều), không thấy được áp dụng cho người tại gia; vì thế không xác định được bao gồm những tội nào. Có 2 bản dịch tiếng Anh ghi là: tội giết mẹ, tội giết cha, tội giết A-la-hán, tội làm nhơ tỳ khưu ni, tội làm chảy máu (đức Phật), nhưng không xác quyết. Vì thế tạm dịch tội pārājika ở trường hợp này là tội cực nặng.
[6] Lẽ ra nên dịch là ‘người tại gia có giới hạnh tồi’ và ‘Sa-môn có giới hạnh tồi’ (ND).
[7] Hattha (cánh tay) là đơn vị đo chiều dài, bằng o,5 mét. Như vậy, là 50 mét và 100 mét.
[8] Ở tài liệu Saddhammasaṅgaha – Diệu Pháp Yếu Lược có lời giải thích chi tiết về chín thể loại này như sau: “Thế nào là có chín phần khi nói về Thể (aṅga)? Bởi vì toàn bộ gồm có chín hình thức khác biệt, đó là sutta, geyya, veyyākaraṇa, gāthā, udāna, itivuttaka, jātaka, abbhūtadhamma, vedalla. Trong trường hợp này, Ubhatovibhaṅga, Niddesa, Khandhaka, Parivāra, các bài kinh Maṅgalasutta, Ratanasutta, Nalakasutta, Tuvaṭakasutta trong Suttanipāta – Kinh Tập, và các lời dạy của đấng Như Lai có tựa đề là Kinh (suttaṃ) thì được xếp vào thể SUTTA. Các bài Kinh có xen các bài kệ vào được biết là thể GEYYA; đặc biệt toàn bộ Thiên Có Kệ (Sagāthāvagga) trong Kinh Tương Ưng Bộ là thể GEYYA. Toàn bộ Tạng Vi Diệu Pháp, các bài kinh không có xen các bài kệ, và các lời dạy khác của đức Phật không thuộc tám loại trên được xếp vào thể VEYYĀKARAṆA. Kinh Pháp Cú, Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ, các bài có tên là kinh nhưng chỉ là kệ trong Suttanipāta – Kinh Tập thì được xếp vào thể GĀTHĀ. Tám mươi hai bài kinh liên quan đến các bài kệ do tuệ giác hoan hỷ được xếp vào thể UDĀNA. Một trăm mười hai bài kinh được giới thiệu bằng: “Vuttaṃ h’ etaṃ Bhagavatā ti” (Đức Thế Tôn thuyết về điều ấy như vầy) thì được xếp vào thể ITIVUTTAKA. Năm trăm năm mươi bài kinh Bổn Sanh bắt đầu bằng Bổn SanhApannaka được xếp vào thể JĀTAKA. Tất cả các bài kinh liên quan đến pháp kỳ diệu phi thường và được giới thiệu như sau: “Này các tỳ khưu, có bốn pháp kỳ diệu phi thường ở Ānanda,” được xếp vào thể ABBHŪTADHAMMA. Tất cả các bài kinh được hỏi và được liên tục ghi nhận trong sự hiểu biết và hoan hỷ như các bài kinh Cullavedalla, Mahāvedalla, Sammādiṭṭhi, Sakkapañhā, Saṅkhāra-bhājaniya, Mahāpuṇṇama, v.v…được xếp vào thể VEDALLA. Như thế khi đề cập đến Thể thì có chín phần” (Saddhammasaṅgaha – Diệu Pháp Yếu Lược, Chương I, câu 28).
[9] Các tội theo thứ tự là: saṅghādisesa 6, saṅghādisesa 5, pācittiya 37 (thọ thực lúc sái thời) và 85 (đi vào làng lúc sái thời), pācittiya 36, pācittiya 35 (ND).
—-
Bài viết trích từ cuốn “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Milinda Vấn Đạo“, Tỳ-khưu Indacanda Dịch Việt
* Link tải sách ebook: “Kinh Điển Tam Tạng – Tiểu Bộ – Milinda Vấn Đạo” ebook
* Link thư mục ebook: Sách Tỳ-khưu Indacanda
* Link tải app mobile: Ứng Dụng Phật Giáo Theravāda