Môn bơi lội học. Tầm quan trọng của việc thực hành và học những kỹ năng thực tiễn với đời sống. 

MÔN BƠI LỘI HỌC 

 

Một vị giáo sư trẻ nọ có lần đi du lịch bằng đường biển. Anh là một người học thức uyên bác với một cái đuôi dài lê thê những học vị đằng sau tên của anh ta, song anh lại có rất ít kinh nghiệm về cuộc sống. Trong thủy thủ đoàn của chiếc tàu anh đang đi có một bác thủy thủ già thất học. Mỗi buổi chiều bác thường đến viếng căn phòng của vị giáo sư trẻ để nghe anh ta nói liên tu bất tận về nhiều đề tài khác nhau. Bác rất thán phục kiến thức của vị giáo sư trẻ này.

Một buổi chiều khi bác thủy thủ già sắp rời căn phòng sau vài giờ nói chuyện, vị giáo sư hỏi, “Này bố già, thế ông có học môn địa chất học không?”

“Đó là cái gì, thưa ngài?”

“Ngành khoa học về trái đất ấy.”

“Ồ không thưa ngài, tôi chưa từng được đến trường. Tôi chưa bao giờ học một môn học nào cả.” “Ông già ơi, ông đã phí hết một phần tư cuộc đời của ông rồi.”

Bác thủy thủ già bỏ đi với khuôn mặt dài thuỗn ra. “Nếu một người học thức như thế nói như thế, chắc hẳn điều đó phải là xác thực,” bác nghĩ. “Ta đã phí hết một phần tư cuộc đời của mình rồi!” Chiều hôm sau cũng thế khi bác thủy thủ sắp rời căn phòng, vị giáo sư lại hỏi ông, “Này ông già, thế ông đã học môn hải dương học chưa?”

“Đó là cái gì, thưa ngài?” 

“Ngành khoa học về đại dương đấy.”

“Không, thưa ngài, tôi chưa từng học một cái gì cả.” 

“Ông già ơi, ông đã phí hết một nửa cuộc đời của ông rồi.” 

Với khuôn mặt xệ dài hơn trước, bác thủy thủ bỏ đi: “Ta đã phí hết một nửa đời người rồi; con người học thức này nói như vậy.”

Chiều ngày kế, một lần nữa vị giáo sư trẻ lại hỏi bác thủy thủ già: “Ông già ơi, thế ông đã học môn khí tượng học chưa?”

“Đó là cái gì, thưa ngài? Tôi chưa bao giờ nghe nói tới môn học đó.”

 

“Sao, đó là ngành khoa học nghiên cứu về các hiện tượng gió, mưa, thời tiết mà.” 

“Không, thưa ngài. Như tôi đã nói với ngài, tôi chưa bao giờ được tới trường. Tôi chưa bao giờ học một điều gì cả.” 

“Ông đã không học ngành khoa học về trái đất trên đó ông sống; ông đã không học ngành khoa học về đại dương nơi ông kiếm kế sinh nhai; ông đã không học ngành khoa học về thời tiết, cái mà ông gặp hàng ngày! Ông già ơi, ông đã phí hết ba phần tư cuộc đời của ông rồi.”

Bác thủy thủ già cảm thấy rất buồn: “Con người học thức này nói rằng ta đã phí hết ba phần tư cuộc đời của ta! Chắc chắn ta đã phí hết ba phần tư cuộc đời rồi.” 

Ngày hôm sau đến phiên bác thủy thủ già. Bác chạy hớt hơ hớt hải lên phòng của người thanh niên và la lên: “Thưa ngài giáo sư, ngài có học môn bơi lội học không?”

“Bơi lội học ư? Ý ông muốn nói gì?”

“Thưa ngài, ngài có biết bơi không đấy?” 

“Không, tôi không biết bơi.”

“Thưa ngài giáo sư, thế là ngài đã phí hết cả cuộc đời của ngài rồi! Tàu va phải đá và đang chìm đấy. Những ai biết bơi có thể đến được bờ kế bên, còn ai không biết bơi sẽ phải chết đuối. Tôi thật lấy làm tiếc, thưa ngài giáo sư, ngài chắc chắn sẽ mất mạng.”

Bạn có thể học tất cả các “ngành học” của thế gian, thế nhưng nếu bạn không học môn bơi lội học, tất cả những cái học của bạn đều vô ích.

Bạn có thể đọc và viết những cuốn sách về bơi lội, bạn có thể biện bác về những phương diện lý thuyết vi tế của nó, song điều đó sẽ giúp ích cho bạn như thế nào nếu bạn không tự mình nhảy xuống nước? Bạn phải học cách bơi.

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *