FAQ: Cuộc phỏng vấn Thiền Sư S.N. Goenka về phương pháp thiền Vipassana

Tại sao thiền trên hơi thở lại kết hợp được với sự thực?

Để dùng một đối tượng khác hơn những gì chúng ta có, chúng ta phải tạo ra nó. Chẳng hạn, với một hình ảnh, chúng ta phải mường tượng ra hình ảnh và làm việc trên đó. Nhưng từ lúc chúng ta sanh ra cho đến khi chúng ta chết, cả ngày lẫn đêm, hơi thở luôn có mặt. Hơi thở vừa ý thức lẫn vô thức, vừa chủ động lẫn không chủ tâm. Đây là một họat động có thể đóng vai trò như cây cầu, nối chúng ta từ lãnh vực đã biết đến lãnh vực chưa biết, và đến sự thực về chính bản thân chúng ta. Nếu bạn làm việc với hơi thở trần trụi, không có bất kỳ một loại áp đặt nào, không có bất kỳ một loại sáng tạo nào, bạn sẽ thấy trong ba ngày thôi tâm đã trở nên sắc bén đến độ nó bắt đầu cảm giác được các cảm thọ trong cái vùng ngay bên trên môi trên.

Tới điểm nào thì người ta có thể mở rộng sự tập trung của thiền vượt qua cái vùng nhỏ này?

Vào ngày thứ tư của khóa thiền mười ngày, bạn bắt đầu làm việc từ đỉnh đầu đến những đầu ngón chân, trên toàn thân. Lúc đầu bạn không thể cảm giác được các cảm thọ ở khắp mọi nơi, bởi vì tâm vẫn không đủ sắc bén như nó phải là. Hoặc có thể bạn chỉ có được những cảm thọ rất thô giống như đau đớn, sức ép, sự nặng nề,v.v…

Điều quan trọng là phải di chuyển từ đầu đến chân theo thứ tự, không chạy từ thân phần này sang thân phần khác. Nếu mới đầu không có cảm thọ, bạn chỉ lặng lẽ giữ tâm ở đó trong một phút và bạn sẽ cảm giác được cảm thọ. Nếu bạn không cảm giác được một cảm thọ nào, điều đó không thành vấn đề. Bạn không nên cảm thấy lúng túng; bạn tiếp tục di chuyển. Nếu bạn cứ tiếp tục làm việc một cách nhẫn nại và kiên trì, nhất định bạn sẽ cảm giác được các cảm thọ ở khắp nơi, trên mọi phần của thân.

Điều gì sẽ bắt đầu xảy ra ở giai đoạn này, khi người ta bắt đầu cảm giác được những cảm thọ này trên khắp toàn thân?

Lúc đầu có thể bạn không cảm giác được những cảm thọ rất vi tế. Có thể bạn chỉ gặp những cảm thọ khô, kiên cứng. Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục làm việc và không áp đặt bất cứ một cái gì lên sự thực tự nhiên, quy luật tự nhiên sẽ là tâm trở nên sắc bén hơn, nhạy cảm hơn, và sự rắn chắc tan ra. Sau đó bạn bắt đầu cảm nhận được những rung động rất vi tế ở khắp toàn thân. Như vậy bạn kinh nghiệm được toàn thế gian như những rung động trong cơ cấu của thân. Sự thực tối hậu của vật chất hay sắc chẳng qua chỉ là sự rung động. Sự thực tối hậu của tâm và những nội dung tâm trí (tâm sở) cho thấy chúng cũng chỉ là sự rung động. Cả danh lẫn sắc hay tâm và thân này chỉ là sự rung động.

Đức Phật nói rất rõ ràng rằng bạn cảm giác thực tại đang sanh và diệt. Có thể bạn chỉ kinh nghiệm một cái đau hay sức ép rất kiên cứng. Nó khởi lên và dường như dừng lại một lúc, nhưng không sớm thì muộn, nó sẽ diệt. Nó không vĩnh cửu; nó sẽ không dừng lại vĩnh viễn. Nó sanh như thế nào, nó diệt như vậy.

Điều này có nghĩa là đôi khi bạn cảm giác thấy dường như cảm thọ thô dừng lại trong một khoảng thời gian nào đó, song thực sự không có giai đoạn dừng như vậy. Một sự rung động có mặt – sanh và diệt, sanh và diệt liên tục. Trong đó có những giai đoạn rất quan trọng của kỹ thuật. Giai đoạn đầu tiên là uppadavāya – sanh riêng, diệt riêng. Giai đoạn thứ hai là bhaṇga, hay tan họai. Nó sanh như thế nào, nó diệt như vậy. Nó không dừng lại. Nó cứ liên tục sanh – diệt, sanh – diệt.

Điều này làm cho bạn hiểu được toàn bộ hiện tượng tâm-vật chất (các pháp danh và sắc) và cách chúng vận hành. Khắp mọi nơi chỉ có sự sanh diệt, sanh diệt. Bạn di chuyển tới đâu- dù đó là nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn hay ý căn – tất cả chỉ thuần có sự rung động. Bất kỳ đối tượng bên ngoài nào tiếp xúc với căn môn tương ứng của chúng cũng là sự rung động. Căn (giác quan) là sự rung động; đối tượng giác quan cũng là sự rung động. Chỉ có sự rung động tiếp xúc với sự rung động, và nó không phát ra cái gì khác ngoài sự rung động.

Việc kinh nghiệm thế gian như những rung động này nói đến cái gốc căn bản của khổ như thế nào?

 Thánh Đế Thứ Nhất nói rằng bạn phải đi vào chiều sâu nơi diễn ra sự tương tác giữa tâm và vật chất (danh-sắc). Thánh Đế Thứ Hai nói rằng bạn phải thấy nhân sanh của khổ này là gì, đó là phải thấy được rằng bạn đang phản ứng với sự xúc chạm. Do tiếp xúc với cảm thọ bạn bắt đầu phát ra tham và sân. Nếu bạn thích cảm thọ, bạn bắt đầu tham muốn thêm nữa và nếu bạn không thích cảm thọ bạn bắt đầu phát ra sân.

Kỹ thuật của Đức Phật đưa chúng ta vào chiều sâu của tâm, nơi chúng ta bắt đầu phản ứng với các cảm thọ. Khi bạn đi được vào chiều sâu đó, việc luyện tâm trở nên dễ dàng. Dừng lại mọi phản ứng. Các cảm thọ chắc chắn có mặt ở đó, bao lâu bạn còn đang sống. Vì thế khi xúc có mặt, thì thọ có mặt, chỉ việc quan sát, quan sát một cách khách quan, không tự đồng nhất mình với cảm thọ này, và cũng không đồng nhất mình với thân hoặc tâm, hoặc sự kết hợp của cả hai.

Chỉ quan sát, nó sanh và sớm muộn gì nó cũng diệt.

Đây là trạng thái vô thường, và vô thường này không phài là một triết lý của Đức Phật. Nó là quy luật của vũ trụ. Việc tu tập là để cho chúng ta có khả năng kinh nghiệm tính chất vô thường ấy. Một cái tâm bình thường, một cái tâm tán loạn, không thể cảm giác được những dao động rất vi tế của sanh và diệt. Việc tu tập tâm rất là quan trọng cho mục đích này.

Trong khóa thiền Vipassanā mười ngày đầu có thể bạn không đủ khả năng để cảm giác nhiều loại cảm thọ. Nhưng sớm muộn gì bạn cũng đạt đến được giai đoạn (ở đây) bạn cảm nhận được các cảm thọ vi tế. Khi bạn nhận biết được cảm thọ vi tế, tâm an tịnh; bạn chỉ việc quan sát các cảm thọ mà thôi.

Bất cứ phiền não nào bạn phát ra trong tâm đều sẽ làm khuấy động tâm. Sự bình an đã bị khuấy động. Lời dạy của Đức Phật về giới rất rõ ràng. Bạn không thể sát sanh mà không phát ra sân hận, ác ý hay thù nghịch. Trong thiền Minh Sát, bạn hiều rằng ngay khi bạn phát ra bất kỳ một dạng thái tiêu cực nào, bạn sẽ là nạn nhân đầu tiên của dạng thái tiêu cực đó. Bạn trở nên rất đau khổ-có một cảm thọ thiêu đốt, tim đập nhanh, căng thẳng tăng trưởng. Bạn đang tạo ra khổ não cho chính mình và không ai muốn làm như vậy.

Lời dạy về giới, về tránh làm những điều bất thiện như một con người sống trong xã hội, đã hiện hữu trước Đức Phật. Sự đóng góp của Đức Phật là ở chỗ dạy cho chúng ta làm việc với các cảm thọ của thân, và để hiểu rằng chúng ta đang phản ứng với các cảm thọ của thân. Nếu cúng ta quên các cảm thọ của thân này, chúng ta đang đi lạc ra khỏi lời dạy của Đức Phật.

 

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *