CĂN NGUYÊN CỦA VẤN ĐỀ

Duyên Sanh: Chuỗi Nhân Quả qua đó khổ phát sinh

Cái gì gây ra chấp thủ? Chấp thủ phát sanh như thế nào? Phân tích bản chất của mình, Đức Phật tương lai thấy rằng thủ phát triển do những phản ứng nhất thời của thích và ghét trong tâm. Tóm lại, những phản ứng vô ý thức của tâm được lặp đi lặp lại nhiều lần và gia tăng cường độ từ sát na này sang sát na khác sẽ lớn mạnh thành những cảm giác hấp dẫn và ghê tởm mãnh liệt, thành những chấp thủ của chúng ta. Như vậy chấp thủ chỉ là hình thức đã phát triển của sự phản ứng thoáng qua. Đây là nhân gần của khổ.

Cái gì gây ra những phản ứng thích và ghét ấy? Nhìn vào sâu hơn Ngài thấy rằng thích ghét nảy sanh do cảm thọ. Chúng ta cảm giác một cảm thọ dễ chịu (lạc thọ) và bắt đầu thích nó; hay chúng ta cảm giác một cảm thọ khó chịu (khổ thọ) và bắt đầu không thích hay ghét nó.

Bây giờ tại sao có những cảm thọ này? Cái gì gây tạo ra chúng? Đi sâu hơn vào trong tự thân Ngài thấy rằng thọ phát sanh do xúc: sự tiếp xúc của con mắt với một cảnh sắc, sự tiếp xúc của lỗ tai với một âm thanh, sự tiếp xúc của mũi với mùi, sự tiếp xúc của lưỡi với vị, sự tiếp xúc của thân với một vật thể nào đó, sự tiếp xúc của tâm với bất kì một cảm xúc, ý niệm, sự tưởng tượng, hay ký ức nào đó. Qua năm căn vật lý và ý căn hay tâm chúng ta kinh nghiệm thế gian. Khi một đối tượng hay một hiện tượng tiếp xúc với bất kỳ một trong sáu căn của kinh nghiệm (lục căn) này, một cảm thọ, lạc hay khổ, được tạo ra.

Và tạo sao xúc lại xảy ra trước? Đức Phật tương lai thấy rằng do sự hiện hữu của sáu căn hay sáu giác quan – năm căn vật lý và tâm – sự tiếp xúc chắc chắn phải xảy ra. Thế gian đầy rẫy những hiện tượng: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp (những ý tưởng và cảm xúc). Bao lâu các căn tiếp nhận của chúng ta còn làm nhiệm vụ, xúc là điều không thể tránh được.

Vậy thì tại sao sáu giác quan lại có mặt? Bởi vì chúng là những phương diện thiết yếu của dòng tâm và vật chất hay dòng tương tục danh – sắc. Và tại sao có dòng tương tục danh sắc này? Cái gì khiến cho nó xuất hiện? Đức Phật tương lai hiểu rằng tiến trình (danh – sắc) phát sanh do thức, hành vi nhận thức vốn tách thế giới thành người biết và cái được biết (năng tri và sở tri), thành chủ thể và đối tượng, thành “tôi” và “người khác”. Từ sự chia tách này dẫn đến tính đồng nhất, hay sự “sanh”. Mỗi sát na hay khoảnh khắc thức sanh lên và mang lấy một hình thức tâm – vật lý (danh – sắc) đặc biệt. Sát na kế cũng vậy, thức mang một hình thức hơi khác một chút. Suốt cuộc hiện hữu của mình, thức cứ trôi chảy và thay đổi như vậy. Cuối cùng cái chết đến, nhưng thức không dừng lại ở đó: không có bất kì sự gián đoạn nào (giữa hai sự kiện sống và chết), sát na kế nó mang một hình thức mới. Từ hiện hữu này sang hiện hữu kế, hết đời này sang đời sau, dòng tâm thức cứ tiếp tục trôi chảy.

Vậy thì cái gì tạo ra dòng tâm thức này? Đức Phật thấy rằng nó khởi lên do sự phản ứng hay hành (sankhara). Tâm không lúc nào ngừng phản ứng, và mỗi phản ứng sẽ tạo đà cho dòng tâm thức để nó tiếp tục sang sát na kế. Phản ứng hay hành càng mãnh liệt, thì đà nó tạo càng mạnh thêm. Phản ứng nhẹ nhàng của một sát na duy trì dòng chảy của thức chỉ trong một sát na . Nhưng nếu sự phản ứng nhất thời ấy của thích và ghét tăng cường thành tham hoặc sân, nó sẽ có đủ sức mạnh và kéo dài dòng chảy của thức trong nhiều sát na , nhiều giây, nhiều phút, nhiều giờ. Và nếu sự phản ứng của tham và sân vẫn gia tăng cường độ thêm nữa, nó sẽ kéo dài dòng chảy trong nhiều ngày, nhiều tháng, hoặc có thể trong nhiều năm. Và nếu suốt cuộc đời bạn cứ tiếp tục lập đi lập lại và gia tăng cường độ vài loại phản ứng, chúng sẽ phát triển thành một sức mạnh đủ để duy trì dòng chảy của thức không chỉ từ sát na này đến sát na , từ ngày này sang ngày khác, từ năm này sang năm khác, mà có khi còn từ đời này sang đời khác nữa.

Thế cái gì khiến cho có những phản ứng này? Quan sát vào mức sâu hơn của thực tại, Ngài hiểu rằng phản ứng nảy sanh do vô minh. Chúng ta không hay biết sự kiện rằng chúng ta đang phản ứng, và không biết về thực chất của những gì chúng ta phản ứng. Chúng ta vô minh không biết bản chất vô thường, vô ngã của hiện hữu và không biết rằng chấp thủ vào nó chỉ đem lại khổ đau mà thôi. Do không biết thực chất của mình, chúng ta phản ứng một cách mù quáng. Chẳng những không biết rằng mình đã phản ứng mù quáng, chúng ta còn khăng khăng giữ thái độ ấy và để cho chúng tăng thêm cường độ. Như vậy chúng ta đã bị giam hãm trong chính thói quen phản ứng của mình, do vô minh.

 

Đây là cách Bánh Xe của Khổ bắt đầu vận chuyển

o   Do vô minh sanh, phản ứng nảy sanh;

o   Do phản ứng hay hành sanh, thức sanh;

o   Do thức sanh, danh và sắc (tâm –thân) sanh;

o   Do danh và sắc sanh, sáu căn hay lục nhập sanh;

o   Do sáu căn sanh, xúc sanh;

o    Do xúc sanh, thọ sanh;

o    Do thọ sanh, ái và sân sanh; o Do ái và sân sanh, thủ sanh;

o    Do thủ sanh, tiến trình trở thành hay hữu sanh;

o    Do hữu sanh, (tái) sanh sanh;

o    Do tái sanh sanh, già và chết sanh, cùng với sầu, bi, khổ thân và khổ tâm, tai ương sanh.

Như vậy toàn bộ khổ uẩn (hay khối khổ) sanh.16

Do chuỗi nhân quả hay chuỗi duyên sanh này chúng ta đã bị đem vào trạng thái hiện hữu hiện tại của chúng ta và phải đối diện với một tương lai khổ đau.

Cuối cùng sự thực hiện khởi rõ ràng đến ngài: khổ bắt đầu với vô minh, không hiểu biết về thực tại của bản chất thực của chúng ta, về hiện tượng mang nhãn hiệu “cái tôi” này. Và nhân kế của khổ là hành (saṅkhāra) hay thói quen phản ứng của tâm. Mù quáng bởi vô minh, chúng ta tạo tác các hành thuộc tham ái và sân hận, vốn phát triển thành thủ, dẫn đến đủ mọi loại bất hạnh. Thói quen phản ứng ấy là nghiệp – kamma, là kẻ uốn nắn số phận tương lai của chúng ta. Vô minh, tham ái, và sân hận là ba căn nguyên từ đó mọc lên đủ mọi khổ đau của chúng ta trong đời.

21A.III. vii.65, Kesamutti Sutta (Kālāma Sutta), xvi.

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *