TẬP YẾU II – NHÓM NĂM CỦA UPĀLI: PHẨM TRÌNH BÀY QUAN ĐIỂM

Tập Yếu II

Nhóm năm của Upāli

Phẩm Trình Bày Quan Điểm

  1. – Bạch ngài, có bao nhiêu sự trình bày quan điểm sai pháp?

– Này Upāli, đây là năm sự trình bày quan điểm sai pháp. Thế nào là năm? Vị trình bày quan điểm rằng không có sự vi phạm tội, vị trình bày quan điểm rằng sự phạm tội không đưa đến sám hối, vị trình bày quan điểm rằng tội đã được sám hối, vị trình bày quan điểm rằng (sám hối chung) bởi bốn năm vị,[5] vị trình bày quan điểm rằng (sám hối) bằng tác ý của tâm. Này Upāli, đây là năm sự trình bày quan điểm sai pháp.

Này Upāli, có năm sự trình bày quan điểm đúng pháp. Thế nào là năm? Vị trình bày quan điểm rằng có sự vi phạm tội, vị trình bày quan điểm rằng sự phạm tội đưa đến sám hối, vị trình bày quan điểm rằng tội chưa được sám hối, vị trình bày quan điểm rằng không (sám hối chung) bởi bốn năm vị, vị trình bày quan điểm rằng không (sám hối) bằng tác ý của tâm. Này Upāli, đây là năm sự trình bày quan điểm đúng pháp.

  1. Này Upāli, có năm sự trình bày quan điểm sai pháp khác nữa. Thế nào là năm? Vị trình bày quan điểm rằng (sám hối) trong sự hiện diện của vị không đồng cộng trú, vị trình bày quan điểm rằng (sám hối) trong sự hiện diện của vị đứng không cùng ranh giới, vị trình bày quan điểm rằng (sám hối) trong sự hiện diện của vị không trong sạch, vị trình bày quan điểm rằng (sám hối chung) bởi bốn năm vị, vị trình bày quan điểm rằng (sám hối) bằng tác ý của tâm. Này Upāli, đây là năm sự trình bày quan điểm sai pháp.

Này Upāli, đây là năm sự trình bày quan điểm đúng pháp. Thế nào là năm? Vị trình bày quan điểm rằng (sám hối) trong sự hiện diện của vị đồng cộng trú, vị trình bày quan điểm rằng (sám hối) trong sự hiện diện của vị đứng chung ranh giới, vị trình bày quan điểm rằng (sám hối) trong sự hiện diện của vị trong sạch, vị trình bày quan điểm rằng không (sám hối chung) bởi bốn năm vị, vị trình bày quan điểm rằng không (sám hối) bằng tác ý của tâm. Này Upāli, đây là năm sự trình bày quan điểm đúng pháp.

  1. – Bạch ngài, có bao nhiêu sự thọ lãnh sai pháp?

– Này Upāli, đây là năm sự thọ lãnh sai pháp. Thế nào là năm? Vật được cho bằng thân không được thọ lãnh bằng thân; vật được cho bằng thân không được thọ lãnh bằng vật gắn liền với thân; vật được cho bằng vật gắn liền với thân không được thọ lãnh bằng thân; vật được cho bằng vật gắn liền với thân không được thọ lãnh bằng vật gắn liền với thân; vật được cho bằng sự buông ra không được thọ lãnh bằng thân hoặc bằng vật gắn liền với thân. Này Upāli, đây là năm sự thọ lãnh sai pháp.

Này Upāli, đây là năm sự thọ lãnh đúng pháp. Thế nào là năm? Vật được cho bằng thân được thọ lãnh bằng thân; vật được cho bằng thân được thọ lãnh bằng vật gắn liền với thân; vật được cho bằng vật gắn liền với thân được thọ lãnh bằng thân; vật được cho bằng vật gắn liền với thân được thọ lãnh bằng vật gắn liền với thân; vật được cho bằng sự buông ra được thọ lãnh bằng thân hoặc bằng vật gắn liền với thân. Này Upāli, đây là năm sự thọ lãnh đúng pháp.

  1. – Bạch ngài, có bao nhiêu vật không phải là đồ thừa?

– Này Upāli, đây là năm vật không phải là đồ thừa. Thế nào là năm? Là vật chưa làm thành được phép, việc thọ lãnh chưa được thực hiện, việc nâng lên chưa được thực hiện, đã được thực hiện ngoài tầm tay, chưa được nói rằng: ‘Tất cả đây là đủ rồi.’ Này Upāli, đây là năm vật không phải là đồ thừa.

Này Upāli, đây là năm vật là đồ thừa. Thế nào là năm? Là vật đã làm thành được phép, việc thọ lãnh đã được thực hiện, việc nâng lên đã được thực hiện, đã được thực hiện ở trong tầm tay, đã được nói rằng: ‘Tất cả đây là đủ rồi.’ Này Upāli, đây là năm vật là đồ thừa.

  1. – Bạch ngài, việc ngăn được nhận biết với bao nhiêu biểu hiện?

– Này Upāli, việc ngăn được nhận biết với năm biểu hiện. Với năm (biểu hiện) gì? Việc ăn được nhận biết, vật thực được nhận biết, đã đứng ở trong tầm tay, (thí chủ) dâng lên, việc từ chối được nhận biết. Này Upāli, việc ngăn (vật thực) được nhận biết với năm biểu hiện này.

  1. – Bạch ngài, có bao nhiêu việc phán xử theo tội đã được thừa nhận sai pháp?

– Này Upāli, đây là năm việc phán xử theo tội đã được thừa nhận sai pháp. Thế nào là năm? Vị tỳ khưu đã vi phạm tội pārājika, trong khi bị buộc tội với tội pārājika vị (ấy) thú nhận đã phạm tội saṅghādisesa; hội chúng tiến hành cho vị ấy với tội saṅghādisesa là việc phán xử theo tội đã được thừa nhận sai pháp. Vị tỳ khưu đã vi phạm tội pārājika, trong khi bị buộc tội với tội pārājika vị (ấy) thú nhận đã phạm tội pācittiya, ―nt― tội pāṭidesanīya, ―nt― tội dukkaṭa; hội chúng tiến hành cho vị ấy với tội dukkaṭa là việc phán xử theo tội đã được thừa nhận sai pháp.

Vị tỳ khưu đã vi phạm tội saṅghādisesa, ―(như trên)― tội pācittiya, ―(như trên)― tội pāṭidesanīya, ―(như trên)― tội dukkaṭa, trong khi bị buộc tội với tội dukkaṭa vị (ấy) thú nhận đã phạm tội pārājika; hội chúng tiến hành cho vị ấy với tội pārājika là việc phán xử theo tội đã được thừa nhận sai pháp. Vị tỳ khưu đã vi phạm tội dukkaṭa, trong khi bị buộc tội với tội dukkaṭa vị (ấy) thú nhận đã phạm tội saṅghādisesa, ―(như trên)― tội pācittiya, ―(như trên)― tội pāṭidesanīya; hội chúng tiến hành cho vị ấy với tội pāṭidesanīya là việc phán xử theo tội đã được thừa nhận sai pháp. Này Upāli, đây là năm việc phán xử theo tội đã được thừa nhận sai pháp.

Này Upāli, đây là năm việc phán xử theo tội đã được thừa nhận đúng pháp. Thế nào là năm? Vị tỳ khưu đã vi phạm tội pārājika, trong khi bị buộc tội với tội pārājika vị (ấy) thú nhận đã phạm tội pārājika; hội chúng tiến hành cho vị ấy với tội pārājika là việc phán xử theo tội đã được thừa nhận đúng pháp. Vị tỳ khưu đã vi phạm tội saṅghādisesa, ―(như trên)― tội pācittiya, ―(như trên)― tội pāṭidesanīya, ―(như trên)― tội dukkaṭa, trong khi bị buộc tội với tội dukkaṭa vị (ấy) thú nhận đã phạm tội dukkaṭa; hội chúng tiến hành cho vị ấy với tội dukkaṭa là việc phán xử theo tội đã được thừa nhận đúng pháp. Này Upāli, đây là năm việc phán xử theo tội đã được thừa nhận đúng pháp.

  1. – Bạch ngài, việc thỉnh ý là không cần thiết trong khi thỉnh ý (để buộc tội) vị tỳ khưu có bao nhiêu yếu tố?

– Này Upāli, việc thỉnh ý là không cần thiết trong khi thỉnh ý (để buộc tội) vị tỳ khưu có năm yếu tố. Với năm (yếu tố) gì? Là vị vô liêm sỉ, là vị ngu dốt, là vị không trong sạch, là vị nói với ý định loại trừ, không với ý định giúp cho thoát tội. Này Upāli, việc thỉnh ý là không cần thiết trong khi thỉnh ý (để buộc tội) vị tỳ khưu có năm yếu tố này.

Này Upāli, việc thỉnh ý là cần thiết trong khi thỉnh ý (để buộc tội) vị tỳ khưu có năm yếu tố? Với năm (yếu tố) gì? Là vị có liêm sỉ, là vị thông thái, là vị trong sạch, là vị nói với ý định giúp cho thoát tội, là vị không có ý định loại trừ. Này Upāli, việc thỉnh ý là cần thiết trong khi thỉnh ý (để buộc tội) vị tỳ khưu có năm yếu tố này.

  1. – Bạch ngài, không nên thảo luận về Luật với vị tỳ khưu có bao nhiêu yếu tố?

– Này Upāli, không nên thảo luận về Luật với vị tỳ khưu có năm yếu tố. Với năm (yếu tố) gì? Là vị không biết về sự việc, không biết về duyên khởi, không biết về điều quy định, không biết về thứ tự của chữ (trong câu), không biết về phương thức của lối trình bày mạch lạc. Này Upāli, không nên thảo luận về Luật với vị tỳ khưu có năm yếu tố này.

Này Upāli, nên thảo luận về Luật với vị tỳ khưu có năm yếu tố. Với năm (yếu tố) gì? Là vị biết về sự việc, biết về duyên khởi, biết về điều quy định, biết về thứ tự của chữ (trong câu), biết về phương thức của lối trình bày mạch lạc. Này Upāli, nên thảo luận về Luật với vị tỳ khưu có năm yếu tố này.

  1. – Bạch ngài, có bao nhiêu lối hỏi câu hỏi?

– Này Upāli, đây là năm lối hỏi câu hỏi. Thế nào là năm? Vị có bản tánh ngu khờ có bản tánh si mê hỏi câu hỏi; vị có ước muốn xấu xa bị thúc giục bởi ước muốn rồi hỏi câu hỏi; vị hỏi câu hỏi do sự khinh khi; vị hỏi câu hỏi với ý muốn hiểu biết; vị hỏi câu hỏi (nghĩ rằng): ‘Nếu được ta hỏi câu hỏi vị (ấy) sẽ trả lời đúng đắn, như thế việc này là tốt đẹp, nếu được hỏi câu hỏi mà vị (ấy) không trả lời đúng đắn, ta sẽ trả lời đúng đắn cho vị ấy.’ Này Upāli, đây là năm lối hỏi câu hỏi.

  1. – Bạch ngài, có bao nhiêu lối bày tỏ kiến thức?

– Này Upāli, đây là năm lối bày tỏ kiến thức. Thế nào là năm? Vị có bản tánh ngu khờ có bản tánh si mê bày tỏ kiến thức, vị có ước muốn xấu xa bị thúc giục bởi ước muốn rồi bày tỏ kiến thức, vị bày tỏ kiến thức do bị điên do bị mất trí, vị bày tỏ kiến thức với sự tự hào quá đáng, vị bày tỏ kiến thức thật có. Này Upāli, đây là năm lối bày tỏ kiến thức.

  1. – Bạch ngài, có bao nhiêu cách làm cho trong sạch?

– Này Upāli, đây là năm cách làm cho trong sạch. Thế nào là năm? Sau khi đọc tụng phần mở đầu, nên thông báo phần còn lại bằng cách đã được nghe; đây là cách làm cho trong sạch thứ nhất. Sau khi đọc tụng phần mở đầu, sau khi đọc tụng bốn điều pārājika, nên thông báo phần còn lại bằng cách đã được nghe; đây là cách làm cho trong sạch thứ nhì. Sau khi đọc tụng phần mở đầu, sau khi đọc tụng bốn điều pārājika, sau khi đọc tụng mười ba điều saṅghādisesa, nên thông báo phần còn lại bằng cách đã được nghe; đây là cách làm cho trong sạch thứ ba. Sau khi đọc tụng phần mở đầu, sau khi đọc tụng bốn điều pārājika, sau khi đọc tụng mười ba điều saṅghādisesa, sau khi đọc tụng hai điều aniyata, nên thông báo phần còn lại bằng cách đã được nghe; đây là cách làm cho trong sạch thứ tư. (Đọc tụng) một cách đầy đủ là cách thứ năm. Này Upāli, đây là năm cách làm cho trong sạch.

  1. – Bạch ngài, có bao nhiêu loại vật thực mềm?

– Này Upāli, đây là năm loại vật thực mềm. Thế nào là năm? Cơm, xúp, bánh, cá, thịt. Này Upāli, đây là năm loại vật thực mềm.

Phẩm Trình Bày Quan Điểm là thứ tư.

*****

TÓM LƯỢC PHẦN NÀY

Việc trình bày quan điểm, những điều khác nữa, việc thọ lãnh, vật không phải là đồ thừa, việc ngăn, đã được thừa nhận, việc thỉnh ý, và với sự thảo luận, câu hỏi, bày tỏ kiến thức, sự trong sạch, và cả vật thực nữa.

–ooOoo–

[5] Trình bày quan điểm bởi bốn năm vị: catūhi pañcahi diṭṭhī ti yathā catūhi pañcahi diṭṭhi āvikatā hoti, evaṃ āvikaroti. cattāro pañca janā ekato āpattiṃ desentī ti attho (VinA. vii, 1375) = ‘quan điểm bởi bốn năm vị’: quan điểm đã được trình bày bởi bốn năm vị như thế nào thì vị ấy trình bày như vậy; nghĩa là bốn năm vị sám hối tội chung một lượt.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *