FAQ: HỎI ĐÁP VỚI THIỀN SƯ S.N. GOENKA VỀ THIỀN VIPASSANA (TỔNG HỢP 2)

Hỏi – Chúng ta cần phải hành Minh sát bao nhiêu (giờ) trong đời sống hàng ngày?

Đáp – Hãy tham dự một khóa thiền, và lúc đó bạn sẽ hiểu cách làm thế nào để áp dụng việc thực hành trong đời sống của bạn. Nếu bạn chỉ dự một khóa thiền rồi không chịu áp dụng nó trong cuộc sống, thì Minh sát sẽ chẳng khác gì một hình thức lễ nghi tôn giáo, và sẽ không giúp gì được cho bạn. Minh sát là nhằm sống một cuộc sống tốt đẹp. Bạn sẽ hiểu cách làm thế nào để áp dụng nó trong cuộc sống sau khi dự một khóa thiền.

Hỏi – Buồn khổ là gì? Nó là vấn đề ở bên ngoài, hay ở bên trong?

Đáp – Mọi vấn đề đều ở bên trong. Không có những vấn đề bên ngoài. Nếu bạn đi sâu vào bên trong và khám phá ra nguyên nhân nỗi khổ của bạn, bạn sẽ thấy rằng mọi nguyên nhân đều nằm ở bên trong bạn, chứ không phải bên ngoài. Hãy loại trừ nguyên nhân ấy, và bạn sẽ được thoát khổ.

Hỏi – Sự khác nhau giữa Pháp (Dhamma) và bổn phận là gì?

Đáp – Bất cứ điều gì ích lợi cho bạn và ích lợi cho mọi người là bổn phận của bạn, là Pháp. Bất cứ điều gì có hại cho bạn và có hại cho mọi người không phải là bổn phận của bạn, vì nó làm tổn hại  bạn và cũng làm tổn hại người khác vậy.

Hỏi – Khổ đau, chiến tranh và xung đột là những chuyện xưa như trái đất. Ngài có thực sự tin một thế giới hòa bình không?

Đáp – Thế đấy, dủ chỉ một vài người thoát khổ, đó cũng là điều tốt rồi. Khi bóng tối vây quanh và một ngọn đèn đã bắt đầu tỏa sáng, đó là điều tốt. Cũng vậy, nếu một ngọn đèn thành mười ngọn đèn, hay hai mươi ngọn đèn, bóng tối cũng sẽ bị xua tan đây đó. Không có gì bảo đảm toàn thế giới sẽ trở nên bình yên, song bạn tạo càng nhiều bình yên trong chính bạn bao nhiêu thời chừng ấy (bình yên) bạn đang giúp cho bình yên của thế giới.

Hỏi – Thượng đế là ai?

Đáp – Sự thực (chân lý) là Thượng đế. Hãy tỏ ngộ chân lý và bạn sẽ thấy rõ Thượng đế. 

Hỏi – Xin Ngài hãy vui lòng giải thích sự khác nhau giữa thôi miên và thiền?

Đáp – Những kỹ thuật thiền thực sự của Ấn Độ cổ xưa hoàn toàn ngược lại với thôi miên. Một số kỹ thuật đã sử dụng hình thức thôi miên, song điều này hoàn toàn đi ngược lại Pháp (Dhamma). Pháp tạo cho bạn tinh thần tự lực. Thôi miên sẽ chẳng bao giờ làm cho bạn tự lực được. Vì thế thiền và thôi miên không đi chung với nhau.

Hỏi – Vipassanã (thiền Minh sát) khác với khuynh hướng chạy trốn thực tại như thế nào?

Đáp – Minh sát là để đương đầu với thế gian. Trong thiền Minh sát không một sự chạy trốn nào được phép.

Hỏi – Có người nào đã giải thoát đang sống hiện nay không? 

Đáp – Có. Minh sát là một đạo lộ thăng tiến đến giải thoát. Bạn thoát khỏi bao nhiêu bất tịnh, bạn được giải thoát chừng ấy. Và có những người đã đạt đến giai đoạn hoàn toàn thoát khỏi mọi bất tịnh.

Hỏi – Cái nào là tốt hơn: xây dựng chùa chiền, phục vụ, giảng dayh, hay công tác ở bệnh viện?

Đáp – Mọi dịch vụ xã hội này đều quan trọng; không có gì sai với những công việc ấy. Song hãy làm chúng với sự thanh tịnh của tâm. Nếu bạn làm những dịch vụ xã hội này với một cái tâm bất tịnh, phát sinh cái tôi, nó sẽ không giúp gì cho bạn cũng chẳng giúp gì cho người khác. Hãy làm mọi việc với tâm trong sạch, với lòng từ ái, với lòng bi mẫn, và bạn sẽ thấy rằng nó đã bắt đầu giúp ích cho bạn, và nó cũng đã bắt đầu đem lại lợi ích thực sự cho mọi người.

Hỏi – Nếu phạm một hành động tiêu cực vì lợi ích của người khác, điều đó có xấu không?

Đáp – Tất nhiên là xấu. Một hành động tiêu cực sẽ làm tổn hại bạn. Khi bạn đã tự hại mình, bạn chẳng thể nào giúp được người khác. Một người què không thể giúp một người què khác được. Trước tiên bạn phải làmcho mình lành mạnh đã, và rồi bạn sẽ thấy rằng bạn bắt đầu giúp ích cho người khác.

Hỏi – Làm thế nào để có thể tránh được những thói quen xấu như hút thuốc và nhai trầu? 

Đáp – Không chỉ hút thuốc hay nhai trầu thôi, mà có rất nhiều loại nghiện ngập khác nữa. Khi thực hành Minh sát, bạn sẽ hiểu ra rằng sự nghiệp ngập của bạn thực ra không phải đối với cái chất đặc biệt ấy. Xem thì có vẻ như bạn đã nghiện thuốc, nghiện rượu, ma túy, hay nghiện trầu, nhưng thực tế là bạn đã nghiệm một cảm giác (thọ) đặc biệt trong thân. Khi bạn hút thuốc có một cảm giác trong thân. Khi bạn nhai trầu, có một cảm giác trong thân. Khi sử dụng ma túy, có một cảm giác trong thân. Tương tự, khi bạn nghiện tham hay sân cũng vậy, những điều này cũng liên hệ đến những cảm giác của thân. Nghiện của bạn là đối với các cảm giác hay cảm thọ. Nhờ hành Minh sát, bạn sẽ thoát khỏi thói nghiện ngập đó. Bạn cũng thoát khỏi mọi sự nghiện ngập ở bên ngoài nữa. Đó là điều rất tự nhiên, rất khoa học. Hãy thử đi, và bạn sẽ thấy nó công hiệu như thế nào.

Hỏi – Chỉ  có con người là đau khổ? Còn những chúng sanh khác sống một cuộc sống hòa hợp phải không?

Đáp – Khổ ở khắp mọi nơi, nhưng những chúng sanh khác không thể thoát ra khỏi khổ đau vì chúng không thể quan sát thực tại trong tự thân chúng. Thiên nhiên – hay nếu bạn muốn gọi là “Thượng đế Toàn năng” cũng được – đã ban sức mạnh kỳ diệu này duy nhất cho con người, để quan sát thực tại trong tự thân và thoát khỏi khổ đau. Hãy tận dụng sức mạnh kỳ diệu mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta đó.

Hỏi – Liệu một người tâm trí chậm phát triển có thể lấy lại việc kiểm soát bản thân nhờ thiền Minh sát không?

Đáp – Điều đó còn tùy. Nếu người ta có thể hiểu những gì đang được dạy, chứ không có pháp thuật, hay phép lạ nào trong kỹ thuật (Minh sát). Minh sát là một sự luyện tập tinh thần. Tỷ như bạn thực hiện những bài tập thể dục khác như thế nào, ở đây bạn cũng thực hiện những bài tập tinh thần này như vậy. Ít nhất người ta cũng  phải có đủ tri thức để hiểu việc luyện tập này là gì, và rồi thực hành nó. Có một số người đã được giúp đỡ, song chúng tôi không nói rằng mọi người đều sẽ được giúp đỡ như vậy.

Hỏi – Nếu như việc thực hành Pháp được xem là điều cần thiết, chúng ta có thể đương đầu với  phi pháp (Adhamma) kể như một phản ứng đối nghịch và tương đương không?

Đáp – Có. Khi bạn khởi sự hành Pháp, thì Phi pháp có mặt. Những sức mạnh của Phi pháp, sự rung động của Phi pháp – bạn phải chiến đấu với chúng. Nhưng bạn phải có sức mạnh. Cuối cùng thì Pháp (Dhamma) sẽ thắng. Nếu bạn hiểu Pháp là gì, và nếu bạn hiểu cách áp dụng Pháp trong chính bản thân, thì mọi Phi pháp sẽ bị đánh bại – không có gì hoài nghi về điều đó. 

Hỏi – Ngài luôn luôn lên án chủ nghĩa nghi thức. Nhưng có gì sai đối với việc bày tỏ lòng tôn kính và biết ơn của chúng ta chứ? 

Đáp – Không có gì sai với điều đó cả. Tôn kính và tri ân không phải là những nghi thức. Được xem là nghi thức khi bạn không hiểu những gì bạn đang làm; hay khi bạn làm điều gì chỉ vì người nào đó yêu cầu bạn phải làm. Nếu tận sâu bên trong bạn hiểu: “Tôi đang tỏ lòng tôn kính đối với một vị thần hay nữ thần đặc biệt nào đó”. Lúc đó hãy xem: Những nữ thần đó là gì? Ta có đang tỏ  lòng kính trọng thực sự đối với vị thần hay nữ thần ấy bằng cách phát triển chính những đức tính đó trong tự thân ta hay không? Nếu câu trả lời là có, thì bạn đang làm những hành động này với sự hiểu biết, và sự tôn kính, tri ân ấy không phải là những nghi lễ hay nghi thức. Nhưng nếu bạn thực hiện một điều gì một cách máy móc, lúc đó nó trở thành một nghi lễ hay nghi thức. 

Hỏi – Sự sống sau khi chết là gì? 

Đáp – Mỗi sát na con người ta đang sanh, và mỗi sát na con người ta cũng đang chết. Hãy hiểu rõ tiến trình sống và chết ấy. Sự hiểu biết này sẽ làm cho bạn an vui, và bạn cũng sẽ dễ dàng hiểu những gì xảy ra sau khi chết. 

Hỏi – Làm thế nào để bẻ gãy phi pháp (adhamma)? 

Đáp – Hãy phát triển Pháp, và phi pháp sẽ bị bẻ gãy. 

Hỏi – Ngài có phải là người vô thần không? 

Đáp – (cười) Nếu “vô thần” bạn muốn nói là người không tin nơi Thượng đế, thì không, tôi không phải là người vô thần. Tôi tin nơi Thượng đế. Nhưng đối với tôi, Thượng đế không phải là một nhân vật tưởng tượng. Đối với tôi, chân lý là Thượng đế. Sự thực tối hậu là Thượng đế tối hậu. 

Hỏi – Có một Thượng đế sáng tạo ra quả đất không? 

Đáp – Tôi không thấy một đấng Thượng đế như vậy. Nếu bạn thấy Thượng đế, bạn cứ tự nhiên tin. Còn tôi, chân lý là Thượng đế, quy luật tự nhiên là Thượng đế, Pháp là Thượng đế, và mọi vật đang tiến triển vì Pháp, vì quy luật tự nhiên.Nếu bạn hiểu điều này, và sống hợp với quy luật của Pháp, là bạn đã sống một cuộc sống tốt đẹp. Dù bạn tin Thượng đế hay không tin thượng đế, không có gì quan trọng. 

Hỏi – Làm thế nào để có thể thoát khỏi những mặc cảm tự ti hoặc tự tôn. 

Đáp – Đây là những gì Vipassanã (Minh sát) làm. Mỗi mặc cảm là một bất tịnh của tâm. Khi bất tịnh ấy lên đến bề mặt, bạn quan sát nó. Bạn quan sát nó, và nó diệt mất. Khi bạn đè nén nó, nó sẽ sinh sôi nảy nở. Khi bạn bộc lộ nó, nó sẽ làm tổn hại người khác. Vì thế không bộc lộ cũng không đè nén. Chỉ quan sát, Vipassanã sẽ giúp bạn quan sát. 

Hỏi – Tại sao chúng ta lại chỉ làm việc với hơi thở thôi? 

Đáp – Hơi thở là sự thực. Hơi thở liên quan đến tâm và thân (danh – sắc) của bạn, và ngay ở đây bạn làm một cuộc nghiên cứu phân tích về tâm và thân (vật chất). Vì thế bạn hãy khởi sự với hơi thở, và rồi đi vào một mức độ sâu hơn của tâm và vật chất.

Hỏi – Để sống một cuộc sống chánh trực, chúng ta không cần đến năng lực của Thượng đế sao? 

Đáp – Năng lực của Thượng đế là năng lực của Pháp. Pháp là Thượng đế. Khi bạn sống với sự thực, khi bạn sống với Pháp, là bạn sống với Thượng đế vậy. Hãy phát triển năng lực của Thượng đế ấy trong chính bạn, bằng cách tịnh hóa tâm của bạn. 

Hỏi – Tôi là một người nặng về cảm xúc, nhạy cảm và luôn luôn đầy ắp những lo âu. Liệu có thể vượt qua được những điều này  bằng Vipassanã không? 

Đáp – Tất nhiên. Đây là mục đích của Vipassanã – giải thoát bạn khỏi mọi khổ đau. Lo lắng và lo nghĩ là những nỗi khổ lớn nhất, sở dĩ chúng có mặt là vì một vài bất tịnh nằm sâu trong bạn, chúng sẽ trồi lên và diệt. Dĩ nhiên phải mất thời gian. Giải thoát không liên quan gì đến pháp thuật, không liên quan gì đến quyền lực của minh sư. Không một vị minh sư (guru) nào có thể dặt tay lên đầu bạn và làm cho bạn trở thành một người giải thoát được – KHông ai có thể làm được gì gì cả. Một người nào đó sẽ chỉ cho bạn con đường (Đạo lộ). Bạn phải tự mình thực hiện sự giải thoát của bạn. Bạn phải bước đi trên Đạo lộ. 

Hỏi – Ngài có thấy được những tiền kiếp của ngài không?

Đáp – Mỗi sát na tôi đang chết, mỗi sát na tôi đang mang một hình thức sanh mới. Tiến trình này đang  diễn tiến, và tôi vẫn tiếp tục quan sát nó. 

Hỏi – Tôi phải đối phó như thế nào trước tình huống bị người khác chửi rủa, đánh đá, và xem thường trước mặt nhiều người. 

Đáp – Trước mặt nhiều người hay một mình, điều đó có gì khác? Nếu ai đó chửi rủa bạn, ai đó lăng mạ bạn, tại sao lại phản ứng? Khi bạn bắt đầu phản ứng, bạn bắt đầu làm hại bản thân bạn. Khi người đó lăng mạ bạn, là y muốn làm cho bạn đau khổ. Vì thế bạn nói: “Được rồi, mi muốn cho ta đau khổ hả?  Bắt tay! Ta sẽ đau khổ (ta sẽ giữ đau khổ). Mi muốn làm cho ta đau khổ một lần, nhưng ta sẽ tiếp tục đau khổ trong hàng giờ, hoặc trong nhiều ngày”. Cái gì sẽ diễn ra? Bạn đang làm gì? Bạn đang tự hại bạn. Điều này sẽ trở nên rất rõ ràng nhờ hành thiền Minh sát. 

Hỏi – Sự quan sát không chọn lựa là thế nào? 

Đáp – Điều đó có nghĩa là không làm gì cả. Các pháp cứ việc  xảy ra, và bạn đang quan sát. Đừng áp đặt tín ngưỡng này hay tín ngưỡng nọ vào đó, đừng áp đặt giáo điều này hay triết lý nọ vào đó. Đừng áp đặt điều gì cả, đừng tạo ra điều gì cả, hãy để mọi việc xảy ra trong bạn một cách tự nhiên. Bất cứ điều gì xảy ra trong bạn một cách tự nhiên đều là sự thực, và sự thực là Thượng đế. 

Hỏi – Gì là sự khác nhau giữa Vipassanã và định (sự tập trung)? 

Đáp – Vipassanã hay Minh sát không chỉ là sự tập trung. Minh sát là quan sát (quán) sự thực từ sát na này đến sát na khác. Bạn phát triển khả năng chánh niệm và sự chú ý của bạn. Mọi việc cứ tiếp tục thay đổi, còn bạn vẫn giữ niệm: đây là Minh sát. Nếu bạn chỉ tập trung trên một đối tượng, có thể là một đối tượng tưởng tượng, thì sẽ không có gì thay đổi cả. Khi bạn sống với sự tưởng tượng này và tâm bạn vẫn tập trung trên đó, bạn không phải đang quan sát sự thực. Khi bạn đang quan sát sự thực, nó buộc phải thay đổi. Nó cứ tiếp tục thay đổi và bạn vẫn cứ duy trì niệm hay cái biết về nó, về sự thay đổi này. Đây là Minh sát. 

Hỏi – Thiền có phải là con đường hay duy nhất để đạt đến giải thoát không? 

Đáp – Đúng vậy. Song chỉ chấp nhận một điều gì với niềm tin mù quáng sẽ không giúp ích gì được. Bạn phải nỗ lực thực hiện sự giải thoát của bạn. Bạn phải khám phá xem sự trói buộc nằm ở đâu, và rồi bạn phải đi ra khỏi trói buộc ấy. Đây là Vipassanã. Hãy quan sát sự trói buộc của bạn, hãy quan sát khổ đau của bạn. Lúc đó bạn sẽ tìm ra nguyên nhân thực sự của trói buộc, nguyên nhân thực sự của khổ và bạn cũng sẽ tìm ra cách làm thế nào để đoạn trừ các nhân này. Dần dần bạn cũng thoát khỏi nó. Vì thế sự giải thoát xảy ra nhờ hành thiền Minh sát. 

Hỏi – Nếu mọi người ở Ấn Độ cổ xưa đã hành pháp sao hệ thống giai cấp ngày nay vẫn còn? 

Đáp – Vì họ đã quên Pháp. Khi pháp biến mất khỏi xã hội, lúc ấy hệ thống giai cấp trở nên vững mạnh. Khi có pháp, không thể có hệ thống giai cấp trong xã hội. 

Hỏi – Làm thế nào để hoàn thành những mục đích và hoài  bão của mình? 

Đáp – Hãy tịnh hóa tâm bạn bằng thiền Minh sát và bạn sẽ trở thành chủ nhân của tâm bạn. Lúc đó bạn thấy rằng mọi công việc bạn làm ở thế gian sẽ thành công. Và ở mức siêu thế cũng vậy, công việc của bạn sẽ thành công. Vì thế hãy là chủ nhân của tâm bạn. Hãy làm cho tâm bạn trong sạch.

Hỏi – Chúng tôi có thể loại trừ những ý nghĩ tham dục trong lúc nghiên cứu bằng cách nào?

Đáp – Không chỉ trong lúc nghiên cứu, mà trong mọi lúc! Dục là dục; nó là điều tai hại. Tình thường phải là tình thương trong sạch. Tình thương trong sạch là sự giao thông một chiều; bạn không mong đợi một điều gì đáp trả. Pháp, thiền Minh sát sẽ giúp chuyển hóa dục này thành tình thương trong sạch – tình thương trong sạch không có chút dấu vết của tham dục. Tình thương ấy phải tràn đầy bi mẫn. 

Hỏi – Kỹ thuật (Minh sát) này không phải là vị kỷ sao? Làm thế nào chúng tôi có thể trở nên tích cực và giúp đỡ mọi người được? 

Đáp – Trước tiên bạn phải vì mình đã, bạn phải giúp cho chính bản thân bạn đã. Nếu bạn không tự giúp mình, bạn không thể giúp người được. Một người yếu không thể giúp một người yếu khác.Một người què không thể cõng một người què khác. Chính bạn cũng phải trở thành con người mạnh mẽ đã, rồi sau đó mới dùng sức mạnh này để giúp người và làm cho họ cũng được mạnh như bạn.

Hỏi – Đi vào đường lối chính trị một cách thân thiện để thiết lập Pháp (Dhamma) ở Ấn Độ và giải quyết những vấn đề hiện nay được không?

Đáp – Tôi đã đọc thấy trong báo chí nói rằng chính trị cần phải tách rời Pháp. Tôi hoàn toàn chống lại quan điểm này. Chính trị cần phải có đầy đủ Pháp. Ngặt nỗi là xứ sở này đã xem Pháp như là chủ nghĩa bộ phái. Chính trị phải thoát khỏi chủ nghĩa bộ phái, chứ không tách khỏi pháp. Nếu có pháp trong chính trị, nó sẽ hết sức tốt. Toàn xứ sở này sẽ trở nên rất trong sạch, rất an vui, rất bình yên.

Hỏi – Làm thế nào chúng ta có thể được giác ngộ như Sĩ Đạt Ta Cồ Đàm (Sidhãrtha Gotama) đã làm? 

Đáp – Mọi người đều có thể trở nên giác ngộ. Sự giác ngộ không phải là độc quyền của Siddhãrtha Gotama. Ngài đã nói: “Trước ta, đã có rất nhiều người giác ngộ, và sau ta cũng có rất nhiều người sẽ giác ngộ”. Bất kỳ ai thoát khỏi vô minh ở mức kinh nghiệm đều là một bậc giác ngộ. Bất cứ người nào cũng có thể thực hành pháp này và trở nên giác ngộ. 

Hỏi – Ngài có nói về duyên (điều kiện, qui định). Phải chăng sự tu tập này thực sự cũng là một loại tác duyên (quy định) của tâm, dù là qui định tích cực? 

Đáp – Ngược lại, đó là một tiến trình tháo bỏ các duyên. Thay vì áp đặt bất cứ điều gì trên tâm, nó tự động loại bỏ những phẩm chất bất thiện, nhờ thế chỉ còn những phẩm chất thiện, tích cực. Nhờ trừ tuyệt những tiêu cực, nó mở ra sự tích cực là tính chất căn bản của tâm thanh tịnh.

Hỏi – Nhưng trải qua một thời gian, ngồi trong một oai nghi đặc biệt và hướng sự chú tâm theo một  cách nào cũng là một hình thức của tác duyên chứ? 

Đáp – Nếu bạn làm điều đó như một trò chơi hay một nghi thức có tính máy móc, thì đúng – bạn đã qui định tâm. Nhưng đó là sự lạm dụng Vipassanã. Khi Minh sát được thực hành đúng, nó cho bạn khả năng kinh nghiệm trực tiếp sự thực về chính bản thân bạn. Và từ kinh nghiệm này, tất nhiên sự hiểu biết sẽ phát triển và diệt mọi qui định (tác duyên) trước đó.

Hỏi – Phải chăng sẽ là ích kỷ khi quên chuyện thế gian và chỉ ngồi thiền  suốt ngày? 

Đáp – Sẽ là ích kỷ nếu việc hành thiền này tự thân nó (bị xem) là một cứu cánh, song nó chỉ là phương tiện để đạt đến một cái tâm lành mạnh. Khi thân bạn đau đớn, bạn vào nhà thương để hồi phục sức khỏe. Bạn không đến đó suốt cả đời bạn, mà chỉ đến để phục hồi sức khỏe, sau đó bạn sẽ dùng nó trong đời sống bình thường. Cũng theo cách ấy, bạn đến một khóa thiền để lấy lại sự lành mạn tinh thần, rồi sẽ dùng nó trong đời sống bình thường vì sự tốt đẹp của bạn và vì sự tốt đẹp của người khác.

Hỏi – Điềm nhiên an lạc và bình thản ngay cả khi đối diện với những khổ đau của người khác – đó chẳng phải hoàn toàn vô tình hay sao? 

Đáp – Cảm thông với nỗi khổ của người khác không có nghĩa rằng bản thân bạn phải lộ vẻ buồn rầu. Thay vào đó bạn phải giữ an nhiên và quân bình để có thể hành động làm vơi nhẹ nỗi khổ của họ. Nếu bạn cũng buồn rầu, thì bạn chỉ làm tăng thêm nỗi đau buồn quanh bạn; bạn không giúp gì được người khác, mà cũng chẳng giúp được chính bạn. 

Hỏi – Tạo sao chúng ta không thể sống trong trạng thái bình yên?

Đáp – Bởi vì thiếu trí tuệ. Một cuộc sống không có tuệ là một cuộc sống ảo tưởng, là một trạng thái kích động đau khổ. Trách nhiệm đầu tiêncủa chúng ta là phải sống một cuộc sống lành mạnh, hòa hợp, tốt đẹp cho bản thân và cho mọi người. Để làm được như vậy, chúng ta phải học cách sử dụng khả năng quan sát tự thân, quan sát sự thực của chúng ta. 

Hỏi – Mục đích của cuộc sống là gì? 

Đáp – Đi ra khỏi khổ đau. Con người có khả năng kỳ diệu để đi vào bên trong, quan sát thực tại, và thoát ra khỏi khổ đau. Không dùng khả năng này là bạn đã hoang phí cuộc đời bạn. Hãy dùng nó để sống một cuộc sống thực sự lành mạnh, an vui! 

Hỏi – Ngài nói về việc bị tiêu cực áp đảo. Còn bị tích cực, chẳng hạn như tình thương yêu, áp đảo thì sao? 

Đáp – Cái bạn gọi “tích cực” là bản chất thực sự của tâm. Khi tâm thoát khỏi qui định, nó luôn tràn ngập tình thương – tình thương trong sạch – và bạn cảm nghe bình an và hạnh phúc. Nếu bạn loại hết tiêu cực ra, thì tích cực còn lại, sự trong sạch còn lại. Hãy để cho toàn thế gian được tràn ngập bởi tích cực này!

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *