Hỏi : Chúng con được nghe rằng thầy đang viết những lời chỉ dẫn chi tiết về Tipitaka (Tam tạng kinh điển), giáo huấn của Đức Phật, đang làm hứng khởi những người hành thiền. Thầy có thể nói rõ hơn về nó cũng như thời điểm phát hành?

Đáp : Thầy đã thực hiện công việc này dù có sự hiểu biết hạn hẹp về tiếng Pāli. Nhưng khi thầy đọc những lời Đức Phật bằng chính ngôn ngữ ngài nói, thầy cảm thấy rất được khích lệ. Trước khi thầy tiếp xúc với Vipassana, hay lời của Đức Phật, có thể nói thầy không biết gì về Đức Phật hoặc giáo huấn của ngài. Thật là xấu hổ khi thầy tham dự khóa thiền đầu tiên, thầy đã không đọc quyển Dhammapada (Kinh pháp cú) thầy đã không biết gì về giáo huấn này.

Do đó thầy hoàn toàn hiểu được rằng, dù một số lớn người ở Ấn Độ kính trọng Đức Phật (họ nói ngài là hiện thân của Thượng đế), nhưng họ không biết gì về giáo huấn của ngài. Khi tới khóa thiền Vipassana, họ rất kinh ngạc bởi giáo huấn tuyệt vời này, họ muốn biết thêm. Tuy nhiên, đối với hầu hết thiền sinh, học được tiếng Pāli và đọc được lời của Đức Phật là một công việc khó khăn. Cho nên thầy muốn làm điều gì đó đối với giáo huấn này để khích lệ thiền sinh. Thầy không phải là nhà văn chuyên nghiệp, nhưng sẽ cố gắng viết.

Hiện tại, quyển thứ nhất cho rất nhiều thông tin về Đức Phật, không chỉ là hình dáng mà còn có pháp thân, phẩm chất của ngài. Ví dụ, Iti’pi so bhagava araham… thầy cố giải thích ý nghĩa của araham và làm sao Đức Phật thể hiện phẩm chất này. Bằng cách này, mỗi một phẩm chất của Đức Phật sẽ được giải thích cùng với những sự kiện liên quan, để có những thông chi tiết về Tipitaka theo nhiều hướng khác nhau.

Quyển kế tiếp sẽ về Dhamma, giải thích như thế nào về việc Đức Phật không phải là nhà sáng lập ra tôn giáo hay tông phái nào. Những gì ngài giảng dạy là luật tự nhiên mà ngài khám phá ra. Thầy muốn nói ngài là một nhà khoa học siêu việt. Những nhà khoa học đương đại chỉ muốn làm cho chúng ta được thoải mái. Nhưng nhà khoa học siêu việt này tìm cách diệt trừ tất cả mọi khổ đau của chúng ta theo một đường lối khoa học. Các con thấy đó, Dhamma không phải là Phật giáo. Đức Phật không bao giờ giảng dạy Phật giáo, ngài không có gì liên quan tới Phật giáo cả. Ngài giảng dạy Dhamma, ngài gọi những người đi theo và thực tập giáo huấn của ngài là dhammiko, dhammattho, dhammim, dhammacari, dhamma – vihari, ngài không bao giờ dùng chữ Baudda hay Buddhism (Phật giáo). Điểm này phải được thiền sinh hiểu rõ. Đây là mục đích của phẩm thứ hai.

Quyển thứ ba sẽ nói về Sangha, thường được hiểu là người đã mặc một bộ quần áo đặc biệt nào đó. Đúng thế, không còn gì phải nghi ngờ nữa, đây là Sangha. Nhưng khi Đức Phật nói tới ai trở thành một Sangha, ngài nói rằng người này phải đạt được một giai đoạn nào đó, một thánh nhân, một ariya. Và chỉ sau đó người ấy mới là một Sangha. Nhiều người đã trở thành Sangha qua sự giáo huấn của ngài. Điều này tạo ra hứng khởi cho thiền sinh. Họ sẽ nghĩ rằng, “Có thể ta xuất thân từ một truyền thống đặc biệt, hay niềm tin đặc biệt nào đó. Nhưng khi ta thực hành Dhamma, ta bắt đầu thanh lọc tâm mình trong một phương cách rất khoa học, tâm sẽ mỗi lúc một tinh khiết và thanh tịnh hơn. Ta đang đi trên con đường tới mục đích thanh lọc hoàn toàn tâm.” Đây là quyển thứ ba, gồm ví dụ của những người đã trở thành Sangha.

Do đó thầy đang cố. Thầy không biết mình sẽ thành công tới đâu, hay công việc khi nào sẽ xong, với tất cả những trách nhiệm nặng nề cần phải có thời gian. Thầy sẽ cố hết sức.

Hỏi : Hằng năm tại cuộc hội thảo, ngài đều giải thích nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của thiền sư phụ tá, người phục vụ Dhamma, thành viên ban quản trị hay tín viên. Xin thầy vui lòng giải thích một lần nữa về điểm này để tất cả ba nhóm trên có thể thực hiện nhiệm vụ củ a họ một cách đúng đắn?

Đáp : Dù ta là một người phục vụ Dhamma, là quản lý khóa thiền hay là tín viên, hoặc phục vụ trên cương vị thiền sư Dhamma (thiền sư cho trẻ con, thiền sư phụ tá, thiền sư kỳ cựu hay thiền sư) không có gì khác nhau cả. Ta đang phục vụ người khác. Động cơ, toàn thể mục đích phải là phục vụ người khác mà không đòi hỏi được đền đáp bất cứ thứ gì. Trông đợi bất cứ thứ gì liên quan tới tiền bạc hoàn toàn không phải là Dhamma, hoàn toàn ngược lại với Dhamma. Không một ai nên thương mại hóa Dhamma bằng không nó sẽ trở nên xuống cấp và bị ô nhiễm. Nó sẽ không còn là Dhamma nữa. Nhưng ngay cả trông đợi sự vinh danh hay sự kính trọng của người khác cũng bị cấm. Các con phục vụ với tinh thần không trông mong bất cứ điều gì từ người khác.

Các con đã nhận được rất nhiều lợi lạc khi các con thấy người khác có được lợi lạc từ phương pháp này. Khi mới tới khóa thiền, người ta thường tư lự và mang theo buồn bã trên khuôn mặt. Và sau 10 ngày, các con thấy rằng họ ra về với gương mặt rạng rỡ và sáng lạn. Các con cảm thấy hạnh phúc, vì các con đã phục vụ một cách tốt đẹp và người ta đã có được nhiều lợi lạc. Sau này, khi các con nhận hay nghe được từ họ rằng họ vẫn tiếp tục được lợi lạc bằng cách đi trên con đường này, các con cảm thấy rất hạnh phúc. Đây là phần thưởng cho các con, phần thưởng rất quý giá. Parami mà các con đã đạt được, công đức các con có được sẽ có lợi ích cho các con. Khi phục vụ thiền sinh, đừng trông đợi bất cứ điều gì khác.

Dù các con phục vụ với bất cứ vai trò nào, một cảm xúc biết ơn nên được phát triển trong con. Đừng bao giờ trông đợi người khác cảm ơn các con, nhưng riêng với các con, phải phát triển lòng cảm kích, cũng như sự kính trọng lớn lao, lòng thành tín đối với Bậc Giác Ngộ. Đức Phật đã bỏ rất nhiều công sức thay cho chúng ta. Từ vô lượng thời gian này tới vô lượng thời gian khác Ngài không ngừng phát triển Pāramī của ngài, cố gắng nỗ lực để tìm lại phương pháp tuyệt diệu đã từng mất đi với cả nhân loại này. Nếu ngài không bỏ ra công lao ấy thì làm sao chúng ta nhận được nó? Do đó, một lòng cảm kích phải được phát triển đối với ngài. Còn hơn nữa, nếu ngài đã quyết định không ban phát cho người khác sau khi giác ngộ, làm sao chúng ta có thể nhận được nó? Nhưng vì lòng từ bi vô lượng, ngài không ngừng ban phát giáo huấn này suốt cuộc đời của ngài. Lòng biết ơn vô lượng phải được phát triển đối với Bậc Giác Ngộ.

Rồi từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ thầy tới trò, từ Bậc Giác Ngộ cho tới Sayagyi U Ba Khin, nhờ họ mà phương pháp này được giữ gìn dưới hình thức tinh khiết. Chúng ta phải có lòng biết ơn với tất cả những người đã giữ gìn phương pháp, dù có thể nó đã mất đi ở những quốc gia khác, giống như ở Ấn Độ. Tuy nhiên những người ở Miến Điện, dù chỉ có số ít người, đã giữ được phương pháp. Chúng ta phải có một lòng cảm ơn sâu sắc với họ, bằng không làm sao chúng ta nhận được nó.

Lòng biết ơn là phẩm chất rất quan trọng, cho thấy rằng một người đang phát triển trên con đường Dhamma. Hãy phục vụ mà không đòi hỏi được đền đáp bất cứ thứ gì, và phải chắc rằng lòng biết ơn không ngừng gia tăng trong các con.

Bây giờ trong số các con, cho dù ta là một người phục vụ, một tín viên hay một thiền sư, ta không nên tạo ra ngã mạn. Không phải cái ngã mạn cảm thấy rằng, “Bây giờ ta đã trở thành một thiền sư,” hoặc cái ngã mạn nghĩ rằng, “Ồ, ta chỉ là một người phục vụ Dhamma thấp hèn.” Tất cả các con đang phục vụ, chỉ phục vụ bằng nhiều cách khác nhau. Toàn thể mục đích, toàn thể ý tưởng là chỉ để phục vụ người khác.

Do đó các con phải có những cảm nghĩ tốt lành đối với nhau. Nếu thiện ý bị mất đi, nó sẽ tạo ra một gương xấu. Nó chứng tỏ rằng các con đã không hiểu Dhamma một chút nào cả. Do đó, hãy luôn luôn ghi nhớ điều này trong tâm. “Bất cứ trong cương vị nào mà tôi đang phục vụ, mục đích chỉ để phục vụ nhân loại đang đau khổ, chỉ có vậy thôi.”

Hỏi : Trong tương lai, thầy có thể hướng dẫn một khóa thiền đặc biệt dành cho trẻ em nói tiếng Anh không?

Đáp : Thầy không thể nói thầy có thể tự mình làm được điều đó, nhưng thầy sẽ cố bởi vì có một nhu cầu rất lớn. Chúng ta đã có sẵn những tài liệu dành cho trẻ em Ấn Độ, và những tài liệu thích hợp cho trẻ em nói tiếng Anh sẽ sớm được soạn thảo.

Ở Ấn Độ, những người hành thiền, cũng như không hành thiền, đã gởi con cái của họ tới khóa thiền và rất mãn nguyện với kết quả. Những việc tương tự như thế phải xảy ra phương

Tây, mặc dù khởi đầu thầy nói với những thiền sinh phương Tây là chỉ con em của người hành thiền mới được tham gia. Bằng không, cha mẹ là những người không hành thiền sẽ hiểu lầm những gì chúng ta đang giảng dạy.

Hỏi : Có phải thầy đang nghĩ tới việc dạy một khóa thiền Vipassana dành riêng cho thiếu niên không?

Đáp : Chắc chắn là như thế. Có một nhu cầu rất lớn về việc này, chúng ta nhìn về những thế hệ mới, được lớn lên trong Dhamma. Dhamma rất tốt cho mọi người, trẻ hay già đều tốt. Nhưng thầy muốn chú tâm tới người trẻ, điều này đảm bảo rằng Dhamma sẽ tiếp tục truyền bá từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi thầy bắt đầu tổ chức khóa thiền, có nhiều khó khăn vì giới trẻ Ấn Độ rất ít em tham gia. Nhưng bây giờ đã có đông người hơn, chúng ta nên có những khóa thiền đặc biệt dành cho các em.

Hỏi : Một thiền sinh hỏi, “Con gặp khó khăn khi thực hành sampajañña khi không ngồi hành thiền. Thầy có thể nói rõ làm sao thực hành nó khi không ngồi thiền?”

Đáp: Theo giáo huấn của Đức Phật, phải có sự liên tục về ý thức của Anicca trong phạm vi cơ thể. Điều này phải được duy trì trong khi đi, ngồi, ăn, uống, trong mọi tư thế, trong mọi cử động. Các con lúc nào cũng phải duy trì được sự ý thức, điều này sẽ mang các con tới bề sâu của tâm, giúp diệt các bất tịnh ngủ ngầm nơi đó. Ngay khi ở nhà, hành thiền buổi sáng và buổi tối, sampajañña rất quan trọng. Nhưng khi các con đang làm công việc hàng ngày, sampajañña không cần thiết, các con không hành thiền lúc đó. Và nếu các con cố giữ sự nửa sự chú tâm vào cảm giác, nửa sự chú tâm vào công việc, các con sẽ không được thành công trong cả hai.

Hỏi: Một cái tháp hoành tráng đã được xây dựng ở Dhamma Giri, cái đó có liên hệ gì với sự thực tập Vipassana của chúng ta?

Đáp: Để xem. Những sự trang trí của tháp giống như sự trang trí của một cái bánh. Hương vị của cái bánh quan trọng, chứ không phải là trang trí bên ngoài. Do đó, cái tháp quan trọng cho người hành thiền Vipassana ở trong thất. Sự trang trí cho tháp là biểu lộ sự biết ơn. Khi Dhamma được đi từ quốc gia này, tới các quốc gia lân cận, dân chúng ở đó chấp nhận kiến trúc Ấn Độ là một cách để nhớ tới Dhamma phát xuất từ Ấn Độ, vùng đất của Đức Phật. Cho tới ngày nay, dân chúng có sự biết ơn tới Ấn Độ vì điều này. Khi Dhamma đi tới Miến Điện, tháp nguyên thủy được xây ở đó theo kiểu của Sanchi gần đó, mặc dù sau này có những loại văn hoa khác để trang trí.

Bây giờ, cũng tương tự như thế, sau 25 thế kỉ, Dhamma đã từ Miến Điện trở về. Điều này cũng hợp lý, người ta phải hiểu điều này, và tạo ra lòng biết ơn đối với Miến Điện. Miến Điện là một quốc gia Dhamma rất tuyệt, nó đã duy trì sự tinh khiết của phương pháp. Do đó, tất cả những thiết kế, những kiến trúc này là để nhắc nhở người ta rằng phương pháp Vipassana đến với họ từ Miến Điện, và đây là lý do vì sao họ có được lợi lạc từ đó.

Hỏi : Nhưng thưa thầy, một điều nguy hiểm nằm trong việc này là cái tháp quá đẹp, nó có thể còn vương vấn trong tâm của chúng con khi ngồi thiền.

Đáp : Để coi, nó đẹp vì Dhamma là đẹp, là biểu tượng của Dhamma. Nếu nó tới khi các con ngồi thiền, nó sẽ cho các con biết ý nghĩa đằng sau biểu tượng: anicca, anicca, anicca, thay đổi, thay đổi, thay đổi.

Hỏi : Chơi âm nhạc, nhảy múa, hoặc hội họa có thể tạo ra ngã mạn không? Ta có thể thực sự bộc lộ chính mình trong nghệ thuật với sự bình tâm không?

Đáp : Sự bình tâm rất cần thiết. Nhưng tới một giai đoạn khi các con không còn ngã mạn, ngã mạn đã hoàn toàn bị tiêu trừ, cần phải rất nhiều thời gian. Khi ta tới giai đoạn của ānagāmī thì tại bề sâu của tâm, ngã mạn đã tiêu trừ đi rất nhiều và tới giai đoạn arahant sẽ không còn chút nào nữa. Nhưng đối với một người hành thiền Vipassana bình thường, ít nhất họ cũng phải đoan chắc rằng họ đã bắt đầu làm tiêu tan bản ngã. Bất cứ nghệ sỹ nào đang thực hành Vipassana đúng đắn, sẽ thấy một sự thay đổi lớn lao trong lãnh vực nghệ thuật, bất cứ nghệ thuật nào. Nghệ thuật sẽ trở nên tinh khiết, với ý nghĩa rằng, nó sẽ không bao giờ dùng để tạo ra đam mê trong tâm người khác, hay tạo ra nóng giận, thù ghét. Với sự thực hành Vipassana, ta sẽ trở nên một nghệ sỹ tốt hơn với một hiệu ứng là, qua sự trung gian của nghệ thuật, người nghệ sỹ khiến cho người ta có cảm giác bình an, hài hòa. Ta phải xét xem những chiều hướng tốt lành này có được phát triển hay là không.

 

Hỏi đáp với Thiền Sư S.N. Goenka tại các cuộc họp hàng năm – Trích từ cuốn Vì Lợi Ích Cho Nhiều Người

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *