Câu hỏi: Xin Thầy cho biết tại sao giữ Năm Giới lại rất quan trọng tại đất Dhamma?

Thầy Goenka: Giữ Năm Giới quan trọng khắp mọi nơi, nhưng đặc biệt quan trọng tại đất Dhamma. Lý do thứ nhất là rất khó giữ những giới này ở thế giới bên ngoài. Trong cuộc sống hằng ngày có rất nhiều lý do tại sao người ta lại phạm giới (Sila). Nhưng tại đất Dhamma, là nơi môi trường Dhamma tuyệt vời, ảnh hưởng của Mara (Ma vương) yếu hơn ở thế giới bên ngoài rất nhiều, do đó các con phải tận dụng để củng cố Sila của mình. Nếu các con không thể giữ Sila trong một mội trường như thế này, làm sao các con có thể trông mong giữ được Sila ở thế giới bên ngoài? Làm sao các con phát triển trong Dhamma được?

Thứ hai, giữ Sila ở bất cứ nơi nào cũng được nhiều lợi lạc, nhưng giữ sila tại đất Dhamma được nhiều lợi lạc hơn nữa. Tương tự như thế, phạm giới ở bất cứ đâu cũng có hại, nhưng phạm giới tại đất Dhamma có hại nhiều hơn nhiều. Hãy hiểu tại sao điều này là như vậy. Ngay khi tạo ra bất tịnh trong tâm các con tạo ra rung động xấu cho môi trường. Và các con không thể phạm giới nếu không có ô nhiễm trong tâm trước rồi mới thể hiện bằng bất tịnh trong việc làm, lời nói hay ý nghĩ. Nếu các con tạo ra những loại rung động như thế tại nơi chợ búa, nơi đã có nhiều rung động xấu, chắc chắn các con tạo ra ít nhiều bất tịnh cho môi trường. Nhưng nơi đây đã có sẵn những rung động xấu nên có thêm ít nhiều bất tịnh của các con vào cũng không đến nỗi tệ hại lắm – giống như vết dơ trên cái áo đã bẩn thì không thấy rõ. Nhưng nếu các con tạo ra bất tịnh trong môi trường tốt lành của một trung tâm, các con làm hoen ố môi trường đó giống như một vết dơ nhỏ làm bẩn một cái áo sạch.

Tâm lúc nào cũng bận rộn, tạo ra không bất tịnh thì thanh tịnh. Khi các con không tạo ra bất tịnh, các con tạo ra thanh tịnh: rung động tốt lành, và đây là sự đóng góp tốt lành vào môi trường. Nói cho cùng, một mảnh đất trở thành đất Dhamma bằng cách nào? Bằng những những người có hảo tâm tạo ra những rung động tốt thấm vào không khí. Đây là sự hiến tặng (Dana) của các con cho trung tâm. Đây là sự hiến tặng quí giá hơn sự hiến tặng tài vật rất nhiều.

Càng có nhiều người hành thiền tại một địa điểm thì rung động càng mạnh hơn. Và rung động tốt lành tại một trung tâm Dhamma không những chỉ giúp những người đến tham dự các khóa thiền trong hiện tại; rung động được tích lũy. Môi trường Dhamma thanh tịnh này sẽ hỗ trợ thiền sinh qua nhiều thế hệ, qua nhiều thế kỷ. Các con không biết được ai sẽ đến trung tâm năm hay mười thế hệ sau, nhiều thế kỷ sau. Một món quà hết sức tuyệt vời mà các con đã hiến tặng cho những người không quen biết này. Dana của các con thật tuyệt vời.

Tương tự như thế, những rung động xấu mà các con tạo ra có hại không những cho những thiền sinh hiện nay mà còn cho cả những thiền sinh trong tương lai khiến họ không có được một môi trường lành mạnh và tốt lành mà đáng lý họ phải được hưởng. Đó là lý do tại sao giữ Sila tại đất Dhamma lại quan trọng. Có quả tốt cho những ai tạo ra rung động tốt bằng cách giữ Sila, và quả tốt cho người khác bây giờ và trong tương lai. Bởi vậy nên giữ Sila. Hãy giữ nền móng này vững mạnh.

Câu hỏi: Chúng con thấy rằng Sila khó giữ nhất khi phục vụ là lời nói chân chính. Đối với những người phục vụ Dhamma rất khó để tránh nói vu vơ hay tán gẫu. Và đôi lúc vô tình phao tin đồn thất thiệt và không tốt. Đôi khi những thông tin cá nhân của thiền sinh được mang ra thảo luận. Xin Thầy vui lòng chỉ dạy cho chúng con làm thế nào để thực hành lời nói chân chính?

Trả lời: Tán gẫu là một hình thức của lời nói sai trái: Các con phạm giới (Sila) bằng cách nói vu vơ và tán gẫu. Nếu một ai muốn tán gẫu, họ nên rời khỏi trung tâm Dhamma. Tại trung tâm, như Đức Phật thường lặp đi lặp lại, chỉ nói về Dhamma hoặc Tunhibhavo – im lặng thánh thiện, hoàn toàn im lặng, không có gì khác. Bằng không, tất cả những lời nói sai trái mà con vừa đề cập chắc chắn phải xảy ra. Khi các con tán gẫu, tâm các con rất lung lạc đến nỗi câu chuyện mỗi lúc một trở nên lung lạc hơn. Và các con không để ý đến những gì đang nói, đưa đến hậu quả tạo ra phiền phức cho những thiền sinh khác. Điều này phải hoàn toàn nên tránh.

Câu hỏi: Trong lúc phục vụ khóa thiền, đôi khi đề tài về các phương pháp khác và cách chữa bệnh được mang ra thảo luận một cách tự nhiên.

Trả lời: Giống như tán gẫu xảy ra một cách tự nhiên. Hãy bỏ sự tự nhiên này đi. Bất cứ khi nào có điều sai trái xảy ra, người ta thường nói nó xảy ra một cách tự nhiên.

Câu hỏi: Một vài thiền sinh thấy rằng những sự bàn luận này có lợi trong việc làm sáng tỏ sự khác biệt giữa Vipassana và những phương pháp khác.

Trả lời: Những sự bàn luận này cũng dễ tạo ra lẫn lộn, bởi vậy nên bỏ sự làm sáng tỏ như thế qua một bên. Các con có thể thảo luận những thứ đó bên ngoài trung tâm, nhưng không được làm thế trong trung tâm với bất cứ giá nào.

Câu hỏi: Thưa Thầy, xin Thầy vui lòng nói rõ sự phục vụ Dhamma giúp chúng con phát triển Paramis như thế nào?

Trả lời: Sự phục vụ Dhamma thực ra là một trong những Paramis, bởi vì một người phục vụ cống hiến Dana về Dhamma. Người ta đến đây để nhận lãnh Dhamma và sự phục vụ của các con bảo đảm món quà Dhamma phải có. Trong mười Paramis, Dana là một trong những Paramis quí giá nhất, và Dhammadana (cúng dường Pháp) là hình thức cúng dường cao quí nhất. Đức Phật nói, Sabbadanam Dhammadanam jinati Dana cao quí nhất là Dana về Dhamma.

Khi các con hiến tặng Dana cho bệnh viện, trường học hay cô nhi viện, người ta được lợi lạc – đó là một Paramis – nhưng sau đó người thụ nhận lại thiếu thuốc, thực phẩm hay quần áo. Nếu các con hiến tặng Dana bằng tiền bạc cho nơi Dhamma được giảng dạy thì có giá trị hơn nhiều bởi vì Dhamma cho người ta con đường giải thoát khỏi khổ đau. Không gì có thể sánh bằng. Bởi vậy hiến tặng cho một tổ chức hay một trung tâm giảng dạy Dhamma là một Paramis quí giá. Nhưng Paramis của Dana có giá trị hơn nữa khi các con phục vụ.

Sau hết, Paramis là gì? Nó chỉ là một chủ ý của tâm. Trước khi các con cống hiến tiền bạc các con cảm thấy, “A, thật tuyệt vời, tiền bạc của tôi sẽ được dùng cho một mục đích rất tốt!” Chủ ý đó trở thành Paramis của các con. Nhưng khi các con phục vụ trong mười ngày – cho dù là nấu nướng, làm quản lý, hay quét nhà – các con không ngừng nghĩ rằng, “Hãy xem, qua sự phục vụ của tôi, rất nhiều người được lợi lạc. Làm sao tôi có thể trợ giúp để họ có thể tu tập một cách yên ổn, không gặp trở ngại hay khó khăn nào?” Chủ ý tuyệt vời này liên tục trong suốt mười ngày.

Do đó Dana bằng cách phục vụ Dhamma cao quí hơn Dana về tiền bạc. Chúng ta không nói cống hiến tiền bạc là xấu, không đâu. Nó quan trọng, nó tốt và nó đưa đến kết quả tốt. Nhưng sự phục vụ mang lại kết quả tốt gấp nhiều lần bởi vì các con tạo ra Metta và thiện ý trong một thời gian dài như thế. Paramis của các con được phát triển không ngừng trong khi phục vụ. Bởi vậy, đối với Thầy, sự phục vụ Dhamma là Dana là cao quí nhất.

Nhưng khi các con phục vụ một khóa thiền mười ngày các con cũng có cơ hội phát triển tất cả các Paramis khác chứ không phải chỉ có Parami về Dana.

Trong khi phục vụ, sẽ có những lúc khi thiền sinh bị dao động và ô nhiễm bởi vì một cuộc giải phẫu sâu đang diễn ra. Và họ truyền sự dao động này vào các con. Các con mỉm cười và hiểu, “Ồ, người này đang khổ sở.” Các con không phản ứng bằng bất tịnh mà nảy sinh Metta cho họ, do đó Khanti Parami của các con, Parami về dung thứ trở nên mạnh hơn, và Metta Parami của các con trở nên mạnh hơn. Rồi hai hay ba lần mỗi ngày các con hành thiền và Panna pārami của các con được vững mạnh.

Tương tự như thế đối với Parami về Sila, Nekkhamma (xuất gia), Viriya (nỗ lực), Sacca (thành thật), Adhitthana (quyết tâm) và Upekkha (bình tâm) – tất cả đều vững mạnh bằng cách phục vụ Dhamma.

Khi các con tham dự một khóa thiền, các con chỉ đối phó với chính mình nhưng khi phục vụ các con học cách đối xử với người khác và cách hành xử ở ngoài đời. Các con có thể tập Vipassana một cách chăm chỉ và duy trì được sự b́nh tâm đối với mọi cảm giác, nhưng các con không thể sống trong một nhà kính. Các con phải áp dụng Dhamma trong thế giới bên ngoài, và điều đó không phải dễ dàng. Trong một trung tâm, các con ở trong một môi trường được bảo vệ, lành mạnh, thanh tịnh khiến các con có được sức mạnh để áp dụng Vipassana để đối diện với những thăng trầm của cuộc sống.

Thầy biết do kinh nghiệm bản thân và từ những người khác đã phục vụ Dhamma, là sau khi phục vụ, sự hành thiền tiến triển nhiều. Hành thiền sâu hơn và có nhiều Metta hơn. Đây là bởi vì Paramis đã gia tăng nhờ phục vụ Dhamma. Trong mọi cách, sự phục vụ Dhamma mang lại kết quả tuyệt vời.

Câu hỏi: Đôi khi trong một khóa thiền, chúng con thấy xung đột nảy sinh giữa những người phục vụ. Làm sao chúng ta sử dụng sự phục vụ một cách tốt nhất để đối diện với bản ngã củ a mình và phát triển sự khiêm tốn.

Trả lời: Khi các con không thể giữ cho tâm được điềm tĩnh, im lặng, tràn đầy tình thương và từ bi cho người khác. Và ô nhiễm nảy sinh, các con nên ngừng phục vụ.

Các con có thể nói, “Đó không phải lỗi của tôi, người kia có lỗi.” Dù sự thật là thế nào đi nữa, đó là lỗi của các con khi bắt đầu tạo ra ô nhiễm. Các con đã sinh ra xung khắc với người khác, do vậy các con nên hiểu là các con không xứng để phục vụ vào lúc đó. Tốt hơn các con nên hành thiền. Hãy ngồi và thiền. Các con không thể phục vụ người khác khi đang tạo ra bất tịnh bởi vì các con sẽ truyền những rung động xấu vào họ.

Nếu thấy người phục vụ khác có lỗi, các con trình bày quan điểm của mình cho họ một cách lịch sự và khiêm tốn. Hãy giải thích sự quan tâm của mình một cách bình tĩnh và thành thật, cố hiểu quan điểm của người khác. Nếu người này không thay đổi, sau một thời gian các con lại giải thích quan điểm của mình một cách lịch sự và khiêm nhường. Có thể người kia vẫn không thay đổi, nhưng Thầy nói, giải thích quan điểm của mình hai lần là đủ rồi. Rất hiếm trường hợp các con phải giải thích đến ba lần, nhưng không bao giờ được hơn ba lần. Bằng không cho dù quan điểm của các con có đúng đến đâu đi nữa, khi đề cập cùng một vấn đề đến hơn ba lần chứng tỏ rằng các con đã phát sinh sự ràng buộc ghê gớm; các con muốn mọi việc đều xảy ra theo đúng ý mình. Điều đó là sai trái. Giải thích sự quan tâm của mình, một, hai, hay quá lắm là ba lần mà vẫn không có sự thay đổi thì nói với họ một cách lịch sự, “Này, đây là sự hiểu biết của tôi, bây giờ hãy đưa câu hỏi này lên cấp trên.”

Nhưng trước khi trình lên cấp trên, nên nói trước với người mà các con bất đồng ý kiến. Sau đó báo cho cấp trên – cho dù là một thiền sinh kỳ cựu, các tín viên (trustees), một thiền sư phụ tá, thiền sư khu vực hay thiền sư. Hãy nên nhớ là trước hết các con phải thảo luận vấn đề với người có liên quan. Nếu các con hành xử theo cách này thì đó sẽ không phải là lời nói sai trái; bằng không đó là nói sau lưng, là sai quấy.

Nếu không có gì xảy ra và người này không chịu sửa đổi, cũng không nên sinh ra ghét bỏ họ, hãy có nhiều từ bi hơn. Luôn luôn tự xem xét mình. Nếu các con cảm thấy bất an vì điều các con muốn không được thực hiện, thì rõ ràng là bản ngã của các con rất mạnh và sự ràng buộc vào bản ngã của mình đang chiếm ưu thế. Điều này không phải là Dhamma. Tự sửa mình trước rồi mới cố sửa đổi người khác.

Câu hỏi: Đôi khi chúng con nhận lãnh những bất tịnh, sợ hãi v.v. từ thiền sinh mà chúng con đang phục vụ. Việc này xảy ra như thế nào và chúng con phải làm gì?

Trả lời: Các con không nhận lãnh bất cứ thứ gì từ người khác. Nếu các con bị ảnh hưởng bởi những xúc cảm từ thiền sinh là bởi vì các con có cùng một loại bất tịnh như thế trong người. Ví dụ, nếu sự sợ hãi của một thiền sinh trồi lên trên bề mặt do sự thực hành Vipassana, bầu không khí xung quanh họ sẽ tràn đầy những rung động thuộc loại đó và kích thích mớ sợ hãi tồn kho của các con nảy sinh. Nên cám ơn thiền sinh bởi tình trạng này đã làm cho bất tịnh của các con bị diệt trừ. Hãy hành thiền, quan sát cảm giác và thoát khỏi những bất tịnh. Tại sao lại lo lắng?

Khi ở đây trong môi trường này, các con có thể thực hành với bất cứ những gì nảy sinh và diệt trừ chúng. Nếu các con không bị ràng buộc vào một loại bất tịnh nào đó thì sẽ không có gì xảy ra khi các con tiếp xúc với bất tịnh đó. Giả thử người nào đó sinh ra giận dữ ở gần một vị Phật, sự giận dữ sẽ không nảy sinh trong Đức Phật bởi vì ngài đã hoàn toàn thoát khỏi sự giận dữ. Chừng nào các con vẫn còn hạt giống bất tịnh nào đó trong người, khi bất tịnh cùng loại nảy sinh gần chung quanh nó sẽ kích thích sự bất tịnh của các con.

Câu hỏi: Tại sao cả thiền sinh lẫn người phục vụ Dhamma được yêu cầu tránh đụng chạm với nhau tại trường thiền hay tại trung tâm cho dù đang có khóa thiền hay không? Đụng chạm không thể là một hình thức biểu lộ Metta sao?

Trả lời: Các con có thể nói đụng chạm là sự biểu lộ Metta, nhưng đó là một cái cớ không có cơ sở bởi vì các con không biết khi nào sẽ bị vướng mắc vào đam mê. Ngăn chặn nguy cơ này là rất quan trọng. Không có sự bào chữa nào cho sự đụng chạm tại trung tâm.

Người ta thường nói với Thầy là ở phương Tây sự đụng chạm không làm nảy sinh đam mê. Có thể không phải lúc nào cũng xảy ra, nhưng Thầy đã thấy có nhiều trường hợp ở Tây phương khi một thiền sinh trong một khóa thiền bắt đầu có sự đụng chạm nói rằng không có đam mê, nhưng rốt cuộc nó vẫn dẫn đến một tình trạng không lành mạnh.

Các con phải hết sức cẩn trọng bởi vì các con làm việc tại đất Dhamma và những thế lực chống lại Dhamma sẽ không ngừng kéo các con xuống. Các con đang đại diện cho Dhamma. Nếu các con có một chút yếu đuối (và đam mê là sự yếu đuối lớn lao) những rung động chống Dhamma này sẽ khơi gợi đam mê trong các con, và các con sẽ làm hỏng toàn thể môi trường. Do đó các con phải tránh bất cứ sự đụng chạm nào. Cho dù người ta có bào chữa thế nào đi nữa, không nên nghe những lời biện hộ của họ. Đây là một quy định nghiêm ngặt trong mọi trung tâm Dhamma và ngay cả tại những nơi không phải là trung tâm, không một sự đụng chạm nào được cho phép.

Câu hỏi: Khi thiền sinh phục vụ trong khóa thiền hay trong trung tâm, họ có thể cảm thấy bị lôi cuốn bởi một người mà họ muốn có quan hệ và hy vọng có được một cuộc tình trong Dhamma. Những thiền sinh mới ở trong giai đoạn đầu hay giai đoạn cuối của một sự quan hệ phải hành xử như thế nào khi họ đang phục vụ khóa thiền hay trung tâm?

Trả lời: Phải hiểu thật rõ ràng là đất Dhamma không phải là chỗ để tán tỉnh dù là một sự quan hệ mới bắt đầy hay đã lâu cũng không có gì khác biệt. Nếu bất cứ một người phục vụ Dhamma nào thấy rằng mình bắt đầu bị lôi cuốn bởi một người khác thì họ phải ra đi ngay lập tức. Họ không thể ở lại trung tâm dù chỉ một phút. Hãy có quan hệ tình ái ngoài trung tâm Dhamma. Tại trung tâm Dhamma các con phải đối xử với nhau như anh chị em. Dù chỉ một chút xíu đam mê nảy sinh trong bất cứ ai cũng sẽ phá rối môi trường của trung tâm, và điều này phải tránh bằng mọi giá. Phải làm cho mọi người phục vụ Dhamma hiểu thật rõ là một trung tâm Dhamma không phải là nơi để tán tỉnh.

Câu hỏi: Tại sao duy trì sự cách biệt nam nữ trong khóa thiền hay tại trung tâm lại quan trọng?

Trả lời: Vì cùng những lý do đã nêu trên đây. Đam mê là sự yếu đuối lớn nhất. Nó sẽ tìm cách này hay cách khác để biểu lộ trừ khi các con duy trì sự cách biệt giữa nam và nữ. Do đó tốt hơn nên duy trì sự cách biệt. Điều này lành mạnh cho cả các con lẫn các thiền sinh tới tham dự khóa thiền.

Câu hỏi: Trong khi phục vụ khi nào con nên tập Anapana? Khi nào con nên tập Vipassana? Và khi nào nên tập Metta?

Trả lời: Đây là một câu hỏi hay. Các con đang phục vụ chứ phông phải đang tham dự khóa thiền. Do đó các con nên quyết định phải làm như thế nào. Giống như khi các con tập hằng ngày tại nhà. Các con quyết định nên tập Anapana hay tập Vipassana ngay lập tức. Và nếu tập Anaapana thì tập trong bao lâu. Điều này do quyết định riêng của mỗi người phục vụ. Nếu các con cảm thấy Samadhi của mình rất yếu và muốn làm cho nó vững mạnh bằng cách tập Anapana trong ba ngày đầu và sau đó chuyển sang Vipassana thì cũng được.

Điều quan trọng nhất là các con phải hành thiền hai hay ba lần mỗi ngày trong khi các con làm việc tại đất Dhamma. Nếu các con không hành thiền, các con không thể phục vụ đúng đắn, không tạo ra những rung động tốt. Bởi vậy vì lợi ích của các con cũng nhý lợi ích của thiền sinh mà các con ðang phục vụ, ðiều tối quan trọng là các con phải hành thiền.

Một khó khăn nữa cần lưu ý. Đôi khi, nếu có rất ít người phục vụ Dhamma trong khóa thiền, mỗi người trong các con đều muốn nhắm mắt trong khi thiền chung. Điều này là sai trái; ở đây con là người phục vụ, không phải thiền sinh.

Trong khi ngồi thiền, một hoặc hai trong số các con nên mở mắt và quan sát xem các thiền sinh có gặp khó khăn gì hay không. Tất nhiên, nếu có nhiều người phục vụ, các con có thể cùng phân chia trách nhiệm này.Một hoặc hai nữ và một hoặc hai nam mở mắt trong khi những người khác hành thiền nghiêm túc, điều này không có gì sai trái cả. Nhưng nếu tất cả người phục vụ đều nhắm mắt trong lúc ngồi thiền, các con tạo ra những khó khăn vì thiền sư không thể nhận được sự chú ý của các con khi họ cần hỗ trợ. Điều này cần ngăn chặn.

Câu hỏi: Khi chúng con có phần thiền metta cho người phục vụ Dhamma lúc 9h tối, tại sao chúng con được yêu cầu duy trì sự chú ý trên đỉnh đầu?

Đáp: Đây là một câu hỏi hay. Theo quy luật tự nhiên, có một dòng năng lượng tới những điểm xa nhất trên cơ thể (lòng bàn tay, lòng bàn chân và phần đỉnh đầu), đặc biệt khi các con hành thiền. Nếu các con là một người hành thiền giỏi, sẽ có một dòng năng lượng liên tục ra ngoài, mang theo những bất tịnh hiện tại. Nhưng tại một điểm xa nhất – trên đỉnh đầu – cũng có khoảng trống để kéo những rung động từ không gian xung quanh, những điểm xa nhất còn lại không thể làm được điều này.

Nếu các con đang được nhận metta, các con đang nhận những rung động tốt lành.Nếu các con chú ý trên đỉnh đầu và bắt đầu có cảm giác ở đó, điều đó có nghĩa là phần xa nhất trên đỉnh đầu đang mở vào lúc đó. Cùng lúc đó, các con phải duy trì ý chí mong muốn chấp nhận những rung động tốt lành đang đến. Nếu tâm các con điềm tĩnh và trong sạch nhất có thể, các con sẽ nhận được những rung động metta và chúng được tiếp nhận trên đỉnh đầu. Đó là lí do tại sao phần này được cho là quan trọng.

Câu hỏi: Nếu một thiền sinh gặp giông bão và thiền sư không có mặt ngay lập tức, những người phục vụ như chúng con có thể giúp thiền sinh đó bằng cách chỉ dẫn cách thiền – ví dụ như, hãy tập Anapana nhiều hơn, hay chú tâm vào bàn tay hay bàn chân, hay tập một cách thư giãn hơn bằng cách nằm xuống hay đi bộ không?

Trả lời: Điều đó nguy hiểm. Các con phải hiểu rằng người nào được phép chỉ dẫn về Dhamma trong cương vị một thiền sư phụ tá, hay thiền sư, những rung động tốt lành của Dhamma tiếp xúc với những người này trong khi họ ngồi trên chỗ Dhamma, và điều đó giúp cho thiền sinh.

Một người phục vụ không phải là một thiền sư và không bao giờ được làm công việc của thiền sư chỉ vì thiền sư phụ tá không có mặt. Các con có thể nghĩ rằng, “Có người đang gặp khó khăn, ta nên chỉ dẫn.” Nhưng hãy cẩn thận không được làm như thế. Cùng lắm các con có thể nói, “Hãy nằm xuống và thư giãn. Khi thiền sư có mặt, tôi sẽ nói bạn tới gặp thiền sư.” Đó không phải là chỉ dẫn cách hành thiền, nó không quan liên quan đến sự hành thiền. Không nên nói gì khác hơn; không nên cố khuyên bảo. Rất có thể những lời khuyên của các con tạo ra nhiều khó khăn cho thiền sinh. Được phép và thiết lập sự tiếp xúc với những rung động của Dhamma là một phần quan trọng trong nhiệm vụ của thiền sư phụ tá.

Câu hỏi: Khi chúng con phục vụ khóa thiền hay ở trong trung tâm, chúng con được yêu cầu chỉ đọc những tài liệu liên quan đến giáo huấn của Đức Phật hay báo chí và tập san. Thiền sinh thường hỏi tại sao họ không được đọc những thứ mà họ cảm thấy phù hợp với Vipassana. Xin Thầy giải thích lý do đằng sau điều lệ này?

Trả lời: Ai có đủ thẩm quyền để nói sách này phù hợp và sách kia không phù hợp? Các con không thể trông đợi thiền sư phụ tá duyệt qua tất cả những thứ các con mang tới. Tốt hơn các con nên để tất cả sách qua một bên. Các con có thể đọc bên ngoài trung tâm. Tại sao lại khuấy động môi trường nơi đây?

Một thiền sinh phải luôn luôn nhớ trong đầu là mình ở trong trung tâm để giúp tạo ra những rung động tốt ở đó. Nếu các con muốn đọc những sách đi ngược với những rung động của trung tâm, tốt hơn các con nên ra đi. Rất khó để xây dựng một môi trường Dhamma, và chúng ta muốn môi trường trở nên thật tốt lành để có thể giúp cho nhiều thế hệ hay hàng thế kỷ. Hãy cẩn thận không quấy phá, quấy phá dưới bất cứ hình thức nào đều không lành mạnh.

Câu hỏi: Con phải làm thế nào nếu con đang gặp giông bão nhưng cần phải làm xong việc vì không có ai khác? Nếu con gặp rất nhiều khó khăn khi phục vụ dài hạn, khi nào nên hành thiền nhiều hơn, và khi nào nên rời trung tâm thì tốt hơn?

Trả lời: Thiền sư phụ tá đang có mặt là người tốt nhất để hướng dẫn cho con. Con nên gặp họ để thảo luận trường hợp của mình.

Câu hỏi: Những người phục vụ Dhamma thường không tập luyện đủ khi họ đang phục vụ. Họ có được phép tập yoga khi họ đang phục vụ hay đang ở trung tâm hay không?

Trả lời: Tập luyện yoga khá phù hợp với Vipassana, nhưng đừng tập trung tâm. Các thiền sinh có thể phân tâm khi họ thấy điều này. Sẽ không tốt khi các con tạo ra bất kì sự cản trở nào trong sự tiến triển của thiền sinh. Nếu một người phục vụ Dhamma có phòng riêng, họ có thể tập yoga ở đây miễn là không khuấy động đến người khác. Mặc dù vậy, việc này vẫn cần sự cho phép của thiền sư phụ tá chịu trách nhiệm chính. Chỉ khi thiền sư phụ tá đồng ý rằng yoga sẽ không làm phiền người khác, thì có thể tập được, ngược lại thì không được. Chạy bộ là đủ tốt rồi.

Câu hỏi: Khi thầy dạy bằng tiếng Anh tại sao thầy lại dùng tiếng Pali và tiếng Hindi trong lời tụng niệm và trong pháp thoại của thầy?

Trả lời: Để xem, đối với thầy những tiếng này giúp thầy cảm thấy dễ chịu. Tiếng Pali là ngôn ngữ của bậc giác ngộ, tiếng Hindi là tiếng mẹ đẻ của thầy. Chúng cũng tạo ra những rung động tốt lành cho thiền sinh khi ngồi thiền. Trong pháp thoại bằng tiếng Anh thầy rất cẩn thận và cố dùng chúng ít nhất có thể. Nhưng ở trong pháp thoại tiếng Hindi, những câu thơ bằng tiếng Pali rất hữu dụng. Chúng tạo ra những hứng khởi và tiếng Pali sẽ được hiểu một cách dễ dàng đối với nhiều thiền sinh Ấn Độ sau khi chỉ tham dự vài khóa.

Tuy nhiên, ngay tại phương Tây thiền sinh cũ thường nói với thầy: “Khi thầy tụng những câu thơ bằng tiếng Pali chúng con cảm thấy những rung động tốt lành.” Một thiền sinh mới có thể không đồng ý với điều này, người đó có thể có sự chán ghét và nghĩ rằng: “Cái sự tụng niệm này là gì? Tại sao ông ấy lại làm phiền tôi?” Nhưng dần dần người này sẽ hiểu được lợi ích của nó.

Lần cuối cùng khi pháp thoại mười ngày bằng tiếng Anh được thu âm. Những câu thơ bằng tiếng Pali được giảm thiểu tới mức tối đa. Và sau đó không còn ai than phiền nữa. Chúng ta không thể làm vừa lòng tất cả mọi người, một số người vẫn còn không vừa ý. Chúng ta phải phục vụ bằng cách nào tốt nhất và các con phải phục vụ hết mình khi là một người phục vụ Dhamma.

Câu hỏi: Có mục đích nào đằng sau việc thiền sinh cũ cuối lạy và nói “Sadhu, sadhu” không, hay đây chỉ là một nghi lễ?

Trả lời: Chúng không phải là nghi thức hay nghi lễ. Như thầy đã nói trước đây, phần trên đỉnh đầu có thể nhận được sự rung động. Khi một thiền sư nói “Bhavatu sabba mangalam,” người đó tạo ra những rung động tốt lành. Và khi các con cuối lạy các con nhận được sự rung động này với metta trên đỉnh đầu. Đó là lợi ích của các con. Nếu các con đang khát nước và có người cho con nước, các con chỉ có thể nhận được nước nếu các con chắp hai tay lại thành một cái ly đựng, nếu các con vẫn mở tay thì sẽ không nhận được nước.

Nói sadhu là một cách biểu lộ sự đồng tình, hòa chung niềm vui với thiền sư khi con nói sadhu . Cả hai việc cuối lạy và nói sadhu là vì lợi ích của các con. Đó không phải là nghi thức hay nghi lễ nào. Đó là những truyền thống tốt đẹp trong quá khứ, hãy sử dụng chúng.

 

Hỏi đáp với Thiền Sư S.N. Goenka dành cho người Phục vụ Dhamma – Trích từ cuốn Vì Lợi Ích Cho Nhiều Người

 

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *