NGHỆ THUẬT CHẾT

THE ART OF DYING

THIỀN SƯ VIPASSANA S. N. GOENKA VÀ NHIỀU TÁC GIẢ

Sưu tầm và biên soạn nguyên tác Anh ngữ 

Virginia Hamilton

*********

Manopubbaṅgamā dhammā, manoseṭṭhā manomayā; Manasā ce paduṭṭhena, bhāsati vā karoti vā; Tato naṃ dukkhamanveti, cakkaṃva vahato padaṃ. Manopubbaṅgamā dhammā, manoseṭṭhā manomayā; Manasā ce pasannena, bhāsati vā karoti vā; Tato naṃ sukhamanveti chāyāva anapāyinī.

Dhammapada 1.1-2

Tâm ý dẫn đầu các pháp, Tâm ý là quan trọng nhất. Bất kỳ điều gì ta trải qua trong cuộc sống, Không gì khác hơn là sản phẩm của chính tâm ý mình. Nếu ta nói năng hay hành động với tâm ý ô nhiễm, Khổ đau sẽ theo sau, Giống như bánh xe phải theo sau con bò kéo xe. Nếu ta nói năng hay hành động với tâm ý thanh tịnh, Hạnh phúc sẽ theo sau, như hình với bóng không tách rời.

Kinh Pháp Cú, Phẩm thứ nhất, Kệ số 1 và 2.

Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo; Nếu với ý ô nhiễm, Nói lên hay hành động, Khổ não bước theo sau, Như xe, chân vật kéo. Ý dẫn đầu các pháp, Ý làm chủ, ý tạo, Nếu với ý thanh tịnh, Nói lên hay hành động, An lạc bước theo sau, Như bóng, không rời hình.

Bản dịch của Ngài Thích Minh Châu

 

Kính dâng

Tuyển tập này gồm những câu chuyện, bài giảng và thơ văn nói về cái chết và sự chuẩn bị cho cái chết thông qua thiền tập Vipassana, xin kính dâng lên Ngài S. N. Goenka. Ngài đã sẵn lòng nhận lấy trách nhiệm từ bậc thầy Sayagyi U Ba Khin để truyền dạy pháp thiền Vipassana ra khắp thế giới và hoan hỷ chia sẻ Phật pháp với tấm lòng rộng mở.

Tập sách này cũng xin kính dâng lên những con người đã đối diện với cái chết của chính mình hoặc của người thân yêu mà chuyện kể về các vị luôn gợi nguồn hứng khởi để chúng tôi phấn chấn và chuyên cần tu tập theo lời Phật dạy.

Mặc dù chúng tôi luôn cố gắng để nội dung sách này được dễ hiểu với tất cả mọi người, nhưng thỉnh thoảng có nhiều từ ngữ tiếng Pāli và tiếng Hindi vẫn phải được dùng đến. Những thuật ngữ này sẽ được định nghĩa ở lần đầu tiên xuất hiện và sau đó đưa vào Bảng thuật ngữ ở cuối sách. Vài thuật ngữ quan trọng cũng được giải thích ngay dưới đây.

Tiếng Pāli là một ngôn ngữ cổ xưa của Ấn Độ được sử dụng để ghi chép lại những lời Phật dạy. Những cứ liệu về mặt lịch sử, ngôn ngữ học và khảo cổ học đều cho thấy đây là ngôn ngữ được sử dụng ở miền bắc Ấn Độ vào thời đức Phật hoặc gần lúc đó. Những tham chiếu về các bài kệ tiếng Pāli trong sách này được lấy từ Tam tạng Pāli (Pāli Tipiṭaka) theo bản in của Viện Nghiên cứu Vipassana (Vipassana Research Institute).

Dhamma (Sanskrit: Dharma) gồm các nghĩa:

– Tất cả các hiện tượng

– Đối tượng của tâm ý

– Thế giới tự nhiên

– Luật tự nhiên, quy luật vận hành tất nhiên

– Nguyên lý giải thoát, Giáo pháp, nghĩa là lời dạy của một bậc giác ngộ, [khi làm theo đúng sẽ được giải thoát].

Doha (những câu thơ kệ có vần điệu), là thể loại thi ca có từ thời sơ khai của văn học Ấn Độ. Các bài doha trong sách này được thầy Goenka biên soạn và ngâm tụng bằng tiếng Hindi, được thiền sinh lắng nghe trong giờ nghỉ của thời khóa thiền buổi sáng tại các trung tâm thiền Vipassana ở Ấn Độ.

1 Tiếng Sanskrit gọi là Bắc Phạn và là nguồn Kinh điển Bắc truyền, được chuyển dịch hầu hết sang Hán tạng. Tiếng Pāli gọi là Nam Phạn và là ngôn ngữ ghi chép Kinh điển Nam truyền, đã được Hòa thượng Thích Minh Châu và một số vị sau này chuyển dịch sang Việt ngữ. Tiếng Pāli và tiếng Sanskrit thường khá giống nhau nhưng có nhiều khác biệt về cách viết.

 

 

Đôi nét về Ngài S. N. Goenka

S.N. Goenka (1924-2013)

Ngài Satya Narayan Goenka (1) (thường được các thiền sinh kính mến gọi là Goenkaji) là một thiền sư Vipassana theo truyền thống của ngài Sayagyi U Ba Khin ở Miến Điện (trong tiếng Miến Điện, chữ “ji” được thêm vào sau tên người để tỏ ý kính trọng.)

Mặc dù Goenkaji là người Ấn Độ, nhưng ngài sinh ra và lớn lên tại Miến Điện. Trong thời gian này, ngài may mắn gặp được ngài U Ba Khin và theo học phương pháp thiền Vipassana. Sau khi theo học với thầy 14 năm, ngài Goenkaji sang định cư ở Ấn Độ và bắt đầu dạy thiền Vipassana từ năm 1969. Trong một đất nước vẫn còn sự chia cách sâu sắc bởi những khác biệt về giai cấp và tôn giáo nhưng những khóa thiền do Goenkaji tổ chức đã thu hút hàng ngàn người từ đủ mọi thành phần xã hội khác nhau. Thêm vào đó còn có nhiều người trên khắp thế giới cũng tìm đến tham gia các khóa thiền Vipassana.

Goenkaji đã dạy thiền cho hàng chục ngàn người trong hơn 300 khóa học ở Ấn Độ và các nước khác, Đông phương cũng như Tây phương. Năm 1982, ngài bắt đầu bổ nhiệm các thầy cô phụ giảng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng thêm các khóa thiền. Những trung tâm thiền được thiết lập dưới sự hướng dẫn của ngài ở Ấn Độ, Canada, Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Pháp, Anh, Nhật, Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện, Nepal và nhiều nước khác.

Kỹ thuật thiền do Goenkaji giảng dạy tiêu biểu cho một truyền thống cổ xưa từ thời đức Phật. Những gì đức Phật dạy không mang tính cách tín ngưỡng, tôn giáo. Ngài dạy Dhamma – con đường giải thoát – phổ biến cho tất cả. Cũng trong truyền thống đó, những giảng dạy của Goenkaji hoàn toàn không mang tính giáo phái. Vì vậy, sự giảng dạy của ngài có sự thu hút cực kỳ mạnh mẽ đối với nhiều người thuộc những tầng lớp khác nhau, thuộc mọi tín ngưỡng cũng như không tín ngưỡng và từ khắp mọi nơi trên thế giới.

Trong cuộc đời mình, Goenkaji đã từng nhận rất nhiều sự vinh danh nhưng ngài luôn nhấn mạnh rằng tất cả những sự vinh danh đó thật sự là dành cho Dhamma.

  1. N. Goenka trút hơi thở bình yên cuối cùng vào chiều Chủ nhật ngày 29 tháng 9 năm 2013 tại nhà riêng ở Mumbai, Ấn Độ. Đó là năm ngài 90 tuổi và đã phụng sự cả nửa cuộc đời trong vai trò một thiền sư Vipassana. Di sản của ngài sẽ còn tiếp tục lưu truyền khi nhân loại trên thế giới này vẫn còn tìm cầu giáo pháp giải thoát.

Một ngày qua

Dưới đây là ghi chép mô tả cách thức Shri Satya Narayan Goenka đối diện với những giây phút cuối cùng của ngài vào Chủ nhật, ngày 29 tháng 9 năm 2013.

Đôi khi sự kết thúc của một cuộc đời cũng êm ả như một ngày trôi qua.

Vào những tháng cuối cùng của đời mình, Goenkaji buộc phải dùng xe lăn và đối diện với sự đau đớn ngày càng gia tăng. Tuy vậy, ngài vẫn nỗ lực để tiếp tục nếp sống bình thường như trước. Ngài thường nhắc lại việc đức Phật đã giáo hóa như thế nào cho đến những giây phút cuối cùng. Rõ ràng là Goenkaji có ý muốn noi theo tấm gương vĩ đại của đức Phật. Ngài tiếp tục gặp gỡ khách viếng thăm và quan tâm chặt chẽ đến các pháp sự.

Vào ngày cuối cùng, lúc ăn sáng Goenkaji đã hỏi con trai là Shriprakash về tiến trình xây dựng ở Global Vipassana Pagoda. Shriprakash đáp rằng hôm nay anh sẽ đến Global Vipassana Pagoda và khi trở về sẽ có một báo cáo đầy đủ.

Trong ngày hôm đó, Goenkaji đã duyệt lại một tuyển tập gồm 500 bài doha (thi kệ) của ngài để chuẩn bị cho việc xuất bản. Bao giờ cũng vậy, ngài luôn yêu thích công việc này.

Vào lúc ăn trưa, Goenkaji nói: “Ta không cần đến các bác sĩ nữa.” Vợ ngài, bà Mataji không liên tưởng đến ý nghĩa đặc biệt nào của câu nói này. Bà cho là ngài đang nói đến vị bác sĩ gần đây đã đến khám. Tuy nhiên, rõ ràng là Goenkaji muốn có một ngày thật yên tĩnh, không bị quấy rầy.

Sau giờ uống trà, Goenkaji xem qua những tin chính trên báo, như ngài vẫn quen làm như vậy mỗi ngày. Sau đó, ngài ngồi thiền trên ghế trong phòng riêng. Ngài đến bàn ăn để ăn tối nhưng giữ yên lặng suốt buổi và rồi đi thẳng về phòng ngay sau đó.

Ngài tiếp tục ngồi một lúc rồi nhờ người giúp nằm xuống giường. Ngay khi vừa nằm xuống, ngài bắt đầu thở nhanh hơn. Mataji nhận ra điều này khi vừa bước vào phòng nên bà gọi Shriprakash đến ngay. Goenkaji mở mắt nhìn và nhận ra con trai nhưng không nói gì. Shriprakash gọi điện cho bác sĩ gia đình. Và rồi một bác sĩ sống trong cùng tòa nhà ấy đã đến ngay lập tức.

Nhưng mọi việc diễn ra và kết thúc quá nhanh. Hơi thở ngài đi vào, đi ra rồi dừng lại. Quả tim đã ngừng đập. Không có dấu hiệu nào của sự đau đớn hay căng thẳng trên khuôn mặt Goenkaji. Bầu không khí trong phòng thật thanh thản và bình yên.

Lúc đó là 10 giờ 40 phút tối, một ngày đã trôi qua và cũng vừa vặn kết thúc một cuộc đời dài sống trong Chánh pháp.

 

Bài viết được trích từ cuốn Nghệ Thuật Chết – The Art Of Dying – Thiền Sư S.N. Goenka và nhiều tác giả. Tải sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT CHẾT

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *