Thực hành nuôi dưỡng tâm từ (mettā bhāvanā) trong thiền Vipassana

Bài viết này được trình bày trong Hội thảo về thiền Vipassana tại Dhamma Giri, Ấn Độ, vào tháng 12 năm 1986.

Việc thực hành nuôi dưỡng tâm từ (mettā bhāvanā) là một pháp bổ trợ quan trọng cho phương pháp thiền Vipassana – thực ra, đây là một kết quả tất yếu. Trong việc nuôi dưỡng tâm từ, thiền sinh phát tỏa tâm từ và ý nguyện tốt đẹp hướng đến tất cả chúng sinh, với chủ ý đưa vào bầu không khí quanh mình sự an tĩnh, những rung động tích cực của sự tinh khiết và lòng thương yêu bi mẫn. Đức Phật hướng dẫn các đệ tử của ngài phát triển tâm từ để đưa đến một cuộc sống bình an và hòa hợp nhiều hơn, cũng như giúp cho những người khác đạt được như vậy. Thiền sinh Vipassana được khuyến khích thực hành theo hướng dẫn đó, bởi vì tâm từ (mettā) là cách để chia sẻ với người khác sự bình an và hòa hợp mà ta phát triển được.

Luận giải Kinh điển nói: Mijjati siniyhatiṛti mettā. (Điều tạo nên khuynh hướng thân thiện chính là tâm từ.) Đó là một ước nguyện chân thành, không chút dấu vết của ác ý, cầu mong sự tốt đẹp và hạnh phúc cho tất cả mọi chúng sinh. Và cũng nói: Adosoṛti mettā (Không có oán ghét, đó là tâm từ.) Đặc điểm chính của tâm từ là một thái độ vị tha sẵn lòng giúp đỡ. Điều này dẫn đến sự thể nhập tự thân với muôn loài chúng sinh – nhận thức được quan hệ thân thiết giữa mọi sự sống.

Nhận hiểu khái niệm này chỉ trên bình diện tri thức thì khá dễ dàng, nhưng sẽ khó khăn hơn nhiều để phát triển được thái độ sống như vậy trong chính tự thân mỗi người. Để làm được điều này, cần có sự tu tập rèn luyện, và chúng ta có pháp tu nuôi dưỡng tâm từ (mettā-bhāvanā) hay thiền tâm từ, một sự vun bồi có hệ thống ý nguyện tốt lành hướng về người khác. Để thực sự có hiệu quả, thiền tâm từ nhất thiết phải được thực hành song song với thiền Vipassana. Khi những điều tiêu cực như sự oán ghét vẫn còn ngự trị trong tâm ý thì thật vô ích khi cố hình thành những ý nguyện tốt đẹp, và việc làm như vậy hẳn cũng chỉ là một nghi thức trống rỗng không có ý nghĩa nội tại. Nhưng khi những điều tiêu cực được thanh lọc qua sự tu tập thiền Vipassana thì những ý nguyện tốt đẹp sẽ tự nhiên tràn ngập trong tâm. Được thoát ra từ ngục tù tự giam hãm của lòng vị kỷ, chúng ta bắt đầu biết tự mình quan tâm đến hạnh phúc của người khác.

Vì lý do này, pháp tu thiền tâm từ (mettā-bhāvanā) chỉ được giới thiệu vào cuối khóa thiền Vipassana, sau khi các thiền sinh đã trải qua tiến trình thanh lọc. Vào một thời điểm như thế, thiền sinh thường cảm thấy nguyện ước sâu sắc cho hạnh phúc của người khác, giúp cho sự thực hành tâm từ của họ thực sự có hiệu quả. Cho dù trong khóa tu chỉ có một ít thời gian hạn chế được dành cho thực hành thiền tâm từ, nhưng đây có thể được xem như thành quả sau cùng của việc thực hành thiền Vipassana.

Niết-bàn (Nibbāna) chỉ có thể được chứng nghiệm bởi những ai có đầy từ tâm và lòng bi mẫn với tất cả chúng sinh. Chỉ đơn thuần nguyện ước không thôi thì chưa đủ: chúng ta nhất thiết phải thanh lọc tâm mình để đạt đến từ tâm và lòng bi mẫn như thế. Và chúng ta làm điều này qua việc thực hành thiền Vipassana. Do vậy, phương pháp này được nhấn mạnh trong suốt khóa tu.

Khi thực hành, chúng ta bắt đầu nhận biết được thực tại ẩn tàng của thế giới này, bao gồm cả tự thân chúng ta, chính là [một tiến trình của] sự sinh khởi và diệt mất trong từng khoảnh khắc. Chúng ta nhận ra rằng tiến trình thay đổi này tiếp diễn vượt ngoài sự kiểm soát của chúng ta và bất chấp những mong muốn của ta. Dần dần ta hiểu được rằng bất kỳ sự bám víu nào vào những thứ phù du giả tạm đều tạo ra đau khổ cho ta. Chúng ta học được cách không bám víu và luôn giữ tâm quân bình trước bất kỳ hiện tượng thoáng qua nào. Và chúng ta bắt đầu trải nghiệm được những gì là hạnh phúc chân thật: không phải sự thỏa mãn những khao khát hay ngăn chặn được sự sợ hãi, mà đúng hơn là giải thoát ra khỏi vòng xoáy của những khao khát và sợ hãi. Khi sự an định nội tâm phát triển, chúng ta sẽ thấy một cách rõ ràng vì sao người khác vướng mắc vào khổ đau, và tự nhiên một ước nguyện khởi sinh: “Nguyện cho chúng sinh tìm được những gì tôi đã tìm được: phương pháp thoát khỏi khổ đau, con đường đi đến an bình.” Đây là ý nguyện thích hợp cho việc thực hành nuôi dưỡng tâm từ (mettā-bhāvanā).

Tâm từ không phải sự cầu nguyện [thụ động], cũng không phải hy vọng một nguồn lực trợ giúp từ bên ngoài. Ngược lại, đó là một tiến trình năng động tạo ra bầu không khí hỗ trợ mà trong đó những người khác có thể có thể hành động để tự giúp chính họ. Tâm từ có thể hướng đến một người cụ thể hay cũng có thể phóng tỏa đến khắp mọi nơi. Nhận thức rằng tâm từ không được tạo ra bởi chúng ta giúp cho sự lan tỏa của nó thực sự là vô ngã.

Để sinh khởi được tâm từ, tâm thức phải an định, quân bình và không còn những điều tiêu cực. Đây là loại tâm thức được phát triển trong thực hành thiền Vipassana. Một thiền giả nhận biết qua kinh nghiệm rằng giận dữ, oán ghét hay ác ý sẽ hủy hoại sự bình an như thế nào cũng như vô hiệu hóa mọi nỗ lực giúp đỡ người khác. Chỉ khi tâm ghét bỏ được loại trừ và sự bình tâm được phát triển thì chúng ta mới có thể hạnh phúc và mong ước hạnh phúc cho người khác. Lời nguyện “Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc” chỉ có năng lực lớn lao khi được phát ra từ một tâm thanh tịnh. Dựa trên sự thanh tịnh này, lời nguyện ấy chắc chắn sẽ có hiệu quả trong việc mang lại hạnh phúc cho người khác.

Vì thế, chúng ta nhất thiết phải tự xét mình trước khi thực hành thiền tâm từ, để xem liệu ta có thực sự có khả năng phóng tỏa tâm từ hay không. Nếu ta tìm thấy dù chỉ mảy may sự căm ghét, oán hận trong tâm mình, ta nên tạm dừng lại vào lúc đó.

Nếu không, ta có thể sẽ lan tỏa những tiêu cực ấy, gây hại cho người khác. Tuy nhiên, nếu thân tâm ta tràn đầy sự an tĩnh và một niềm phúc lạc thì điều tự nhiên và thích hợp là chia sẻ hạnh phúc đó với người khác: “Nguyện cho quý vị được hạnh phúc. Nguyện cho quý vị giải thoát khỏi mọi phiền não gây ra khổ đau. Nguyện cho tất cả chúng sinh đều được an lành.”

Khuynh hướng yêu thương này cho phép chúng ta hành xử khéo léo hơn trong sự thăng trầm của cuộc đời. Chẳng hạn, khi ta gặp một người hành động với ác ý hãm hại người khác, phản ứng thông thường – với sự sợ hãi và căm ghét – là chỉ vì chính mình, sẽ không có tác động gì cải thiện tình huống, trong thực tế còn làm tăng thêm sự tiêu cực. Hẳn sẽ hữu ích hơn nhiều nếu ta duy trì được sự an định và bình tâm, với thiện chí tốt đẹp, nhất là đối với người đang hành động sai trái. Điều này không thể chỉ thuần túy là một quan điểm tri thức, một vẻ ngoài cao thượng che giấu những tiêu cực chưa giải trừ. Tâm từ chỉ hiệu quả khi được tự nhiên tuôn tràn từ một tâm thức đã thanh tịnh.

Sự an định đạt được trong khi hành thiền Vipassana sẽ tự nhiên làm khởi sinh tâm từ, và tâm từ này sẽ tiếp tục tác động một cách tích cực đến chúng ta và môi trường quanh ta. Do đó, Vipassana cuối cùng có một chức năng kép: vừa mang lại hạnh phúc cho ta bằng cách thanh lọc tâm, vừa giúp ta nuôi dưỡng hạnh phúc của người khác qua việc chuẩn bị sẵn sàng để ta thực hành tâm từ. Xét cho cùng, mục đích của việc tự giải thoát mình khỏi những tiêu cực và chấp ngã là gì nếu không phải là chia sẻ những lợi lạc này với người khác? Trong một khóa ẩn tu, chúng ta tạm thời tách biệt bản thân mình với thế giới là để rồi sẽ quay trở lại và chia sẻ với người khác những gì ta đạt được trong khi ẩn tu. Hai khía cạnh này của sự thực hành Vipassana là không thể tách rời.

Trong thời đại ngày nay, khi bệnh khổ tràn lan, giàu nghèo phân cách, bạo loạn bất an, nhu cầu nuôi dưỡng tâm từ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Nếu bình an và hòa hợp có thể ngự trị trên khắp thế giới này thì trước hết những phẩm tính ấy phải được thiết lập ngay từ trong tâm thức của hết thảy mọi người.

 

Bài viết được trích từ cuốn Nghệ Thuật Chết – The Art Of Dying – Thiền Sư S.N. Goenka và nhiều tác giả. Tải sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT CHẾT

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *