Phụ lục. Nghệ thuật sống: Thiền Vipassana

Dựa trên bài nói chuyện trước công chúng của ngài S. N. Goenka ở thủ đô Bern, Switzerland (Thụy Sĩ).

Ai ai cũng tìm cầu sự bình an và hòa hợp, vì đó là những gì ta thiếu thốn trong cuộc sống. Thỉnh thoảng, mỗi người trong chúng ta đều có những lúc trải qua các tâm trạng bực dọc, cáu giận hay bất hòa. Và khi phải chịu đựng những nỗi khổ này, chúng ta không chỉ riêng mình gánh chịu mà thường lây lan sang người khác. Nỗi khổ đau lan tỏa vào bầu không khí bao quanh người đau khổ, và những ai tiếp xúc với họ đều chịu ảnh hưởng. Chắc chắn, đây không phải là một cách sống khôn ngoan.

Chúng ta phải tự mình sống an ổn và hòa hợp với người khác. Xét cho cùng, con người là những động vật mang tính xã hội, luôn phải sống hợp thành xã hội và ứng xử với nhau. Nhưng làm sao để ta có thể sống an bình? Làm sao ta có thể giữ được sự an ổn bên trong và duy trì sự an ổn, hài hòa quanh ta để những người khác cũng có thể sống bình an và hòa hợp?

Để dứt trừ khổ đau, chúng ta phải biết được nguyên do căn bản của việc này, nguyên nhân gây khổ đau. Nếu ta cứu xét vấn đề, ta sẽ thấy rõ rằng bất cứ khi nào ta bắt đầu khởi sinh bất kỳ ý niệm tiêu cực hay bất tịnh trong tâm thức, chúng ta chắc chắn sẽ trở nên đau khổ. Sự tiêu cực trong tâm thức, phiền não hay bất tịnh đều không thể đồng thời tồn tại với sự bình an và hòa hợp.

Chúng ta bắt đầu hình thành sự tiêu cực như thế nào? Một lần nữa, bằng sự suy xét ta sẽ thấy rõ. Chúng ta không vui khi thấy có ai hành xử theo cách ta không thích, hay khi có điều gì xảy ra mà ta không thích. Khi xảy ra những điều không mong muốn, ta hình thành sự căng thẳng trong ta. Khi những điều ta mong muốn gặp phải chướng ngại nào đó và không xảy ra, một lần nữa ta lại cũng hình thành sự căng thẳng trong lòng. Chúng ta bắt đầu tạo thành những gút thắt trong tâm. Và trong suốt cuộc đời, những điều không mong muốn cứ tiếp tục xảy ra. Những điều ta mong muốn thì lúc được lúc không, và tiến trình phản ứng, tiến trình tạo thành những gút thắt– những gút thắt hầu như không thể tháo gỡ – đã khiến cho toàn bộ cấu trúc thân tâm của ta quá căng thẳng, quá nhiều tiêu cực, đến nỗi cuộc sống trở thành đau khổ.

Như vậy, có một cách để giải quyết bất ổn này là phải thu xếp sao cho không có điều gì không mong muốn xảy ra trong cuộc đời, sao cho mọi chuyện luôn xảy ra hoàn toàn đúng như ta mong muốn. Hoặc là ta phải phát triển được quyền năng đó, hoặc một người nào khác đến giúp chúng ta và phải có được quyền năng đó, để luôn thấy rằng những điều không mong muốn thì không xảy ra và mọi việc ta mong muốn đều phải xảy ra. Nhưng điều này là bất khả thi! Không có ai trên cõi đời này luôn luôn được thỏa mãn mọi điều mong muốn, luôn thấy mọi việc trong đời xảy ra theo đúng ý mình và không gặp bất kỳ chuyện không mong muốn nào. Sự việc thường xuyên xảy ra trái ngược với mong muốn và ao ước của chúng ta.

Cho nên, câu hỏi nêu lên ở đây là: Làm thế nào ta có thể dừng lại sự phản ứng mù quáng khi đối mặt với những những điều ta không ưa thích? Làm thế nào ta có thể dừng lại sự hình thành căng thẳng, duy trì sự bình an và hòa hợp?

Ở Ấn Độ cũng như nhiều nước khác, những bậc thánh nhân thông thái đã nghiên cứu vấn đề này – vấn đề khổ đau của con người – và tìm ra một giải pháp. Khi có điều trái ý xảy ra và quý vị phản ứng bằng sự tức giận, sợ hãi hay bất kỳ ý niệm tiêu cực nào khác, thì ngay tức thời quý vị nên chuyển sự chú tâm vào một điều gì khác. Chẳng hạn như đứng dậy, đi lấy một ly nước và uống nước… Như vậy, sự tức giận của quý vị sẽ không gia tăng. Ngược lại, nó sẽ bắt đầu giảm xuống. Hoặc quý vị cũng có thể bắt đầu đếm một, hai, ba, bốn… hoặc bắt đầu tụng đọc một câu kinh, câu chú, hoặc niệm danh hiệu một vị thần thánh mà quý vị tín ngưỡng. Tâm thức sẽ chuyển hướng và trong một chừng mực nào đó, quý vị sẽ thoát khỏi những ý niệm tiêu cực, thoát khỏi cơn giận.

Giải pháp này đã từng rất hữu ích, rất có hiệu quả. Và cho đến nay nó vẫn có hiệu quả. Khi phản ứng bằng cách này, tâm thức không bị khích động. Tuy nhiên giải pháp này chỉ hiệu quả ở tầng ý thức. Trên thực tế, bằng cách chuyển sự chú tâm, ta đẩy sự tiêu cực đi sâu hơn vào tầng vô thức và ở đó ta vẫn tiếp tục tạo thành và gia tăng cũng chính những phiền não đó. Trên bề mặt tâm thức là một lớp mỏng an ổn, hài hòa, nhưng sâu vào bên trong là một núi lửa đang ngủ yên, đầy những tiêu cực bị dồn nén và không sớm thì muộn cũng sẽ bùng lên dữ dội.

Có những vị khác nghiên cứu sự thật về nội tâm đã tìm hiểu sâu rộng hơn, và bằng cách chứng nghiệm sự thật về tâm, thân ngay trong con người của họ và nhận ra rằng, chuyển sự chú tâm chỉ là một cách tránh né vấn đề. Tránh né không phải là giải pháp, quý vị phải đối diện với vấn đề. Bất cứ khi nào phiền não khởi sinh trong tâm, cứ quan sát nó, đối diện với nó. Ngay khi quý vị bắt đầu quan sát một ý niệm bất tịnh, nó sẽ giảm cường độ và từ từ biến mất.

Đây là một giải pháp rất tốt, tránh được cả hai cực đoan: đè nén và biểu lộ. Chôn vùi ý niệm tiêu cực trong vô thức sẽ không loại trừ được nó, còn để nó biểu lộ thành những hành vi hay lời nói bất thiện thì chỉ tạo thêm bất ổn. Nhưng nếu quý vị chỉ quan sát thì phiền não sẽ đi qua và quý vị loại trừ được nó.

Điều này nghe qua rất tuyệt, nhưng liệu có thực tiễn không? Thật không dễ đối diện với những bất tịnh của chính mình. Khi sân hận nổi lên, nó chế ngự ta nhanh đến nổi ta thậm chí còn không kịp nhận ra nó. Và rồi, bị thúc đẩy bởi sân hận, chúng ta có những hành động và lời nói gây tổn hại đến chính mình và người khác. Sau đó, khi cơn giận đã trôi qua, chúng ta khóc lóc, hối hận, cầu xin sự tha thứ từ người này người nọ, hoặc từ Thượng đế: “Ôi, con đã phạm lỗi, xin tha thứ cho con.” Nhưng rồi lần tới, khi gặp một tình huống tương tự, ta lại phản ứng theo cách y hệt như thế. Cứ hối lỗi mãi như vậy cũng chẳng ích gì.

Khó khăn nằm ở chỗ ta không nhận biết được khi ý niệm tiêu cực vừa sinh khởi. Nó khởi lên từ sâu trong vô thức và khi lên đến tầng nhận thức thì nó đã quá mạnh, đủ để chế ngự chúng ta, và ta không thể quan sát nó được.

Rồi ví như tôi thuê một thư ký riêng chỉ để mỗi khi sân hận khởi sinh thì người ấy sẽ nói với tôi: “Xem kìa, sân hận đã bắt đầu.” Vì không thể biết được khi nào sân hận sẽ khởi sinh, nên tôi phải thuê ba người thư ký riêng cho ba phiên làm việc trong suốt hai mươi bốn giờ. Cứ cho là tôi đủ tiền chi trả để làm như vậy và khi sân hận khởi sinh, lập tức một người thư ký sẽ báo cho tôi: “Ồ xem kìa, sân hận đã bắt đầu.” Việc đầu tiên tôi làm là sẽ mắng anh ta: “Đồ ngốc, anh nghĩ anh được trả tiền để dạy khôn tôi sao?” Tôi đã bị sự sân hận khống chế nhiều đến nỗi lời khuyên tốt đẹp cũng chẳng giúp được gì.

Và ví như tôi giữ được sự khôn ngoan để không la mắng người thư ký. Thay vì vậy, tôi nói: “Cám ơn nhiều. Bây giờ tôi phải ngồi xuống để quan sát cơn giận của tôi.” Nhưng điều này có khả thi chăng? Ngay khi tôi nhắm mắt lại và cố quan sát cơn giận, đối tượng đã gây ra cơn giận lập tức hiện ra trong đầu – đó là người hoặc sự việc đã gây ra cơn giận. Và rồi tôi không quan sát chính bản thân cơn giận mà chỉ quan sát những tác nhân bên ngoài đã khơi dậy cảm xúc giận dữ đó. Điều này chỉ làm tăng thêm cơn giận, và do đó không phải là giải pháp. Rất khó quan sát bất kỳ ý niệm tiêu cực hoặc cảm xúc trừu tượng nào tách biệt hẳn với đối tượng bên ngoài đã gây ra chúng.

Tuy nhiên, một bậc giác ngộ chân lý tối thượng – đức Phật – đã tìm ra được giải pháp thiết thực. Ngài khám phá rằng bất cứ khi nào một phiền não bất kỳ khởi sinh trong tâm thì đều có hai việc cùng lúc xảy ra nơi thân. Thứ nhất là cơ thể mất đi nhịp thở bình thường. Chúng ta bắt đầu thở nặng nề hơn khi phiền não khởi sinh trong tâm. Điều này rất dễ quan sát. Ở mức độ tinh tế hơn, một phản ứng sinh hóa bắt đầu xảy ra trong cơ thể, tạo ra một cảm xúc nào đó. Mỗi một phiền não đều sẽ tạo ra một cảm xúc nào đó trong cơ thể.

Điều này cho ta một giải pháp thực tiễn. Một người bình thường không thể quan sát những phiền não trừu tượng trong tâm thức như sự sợ hãi, sân hận, si mê. Nhưng với sự hướng dẫn và tập luyện đúng cách thì rất dễ quan sát sự hô hấp và cảm giác trong cơ thể. Cả hai đều liên quan trực tiếp đến những phiền não trong tâm.

Hơi thở và cảm giác có ích cho ta theo hai cách. Thứ nhất, nó giống như những người thư ký riêng. Ngay khi phiền não nổi lên trong tâm, hơi thở sẽ mất bình thường. Nó sẽ báo động: “Xem kìa, có gì đó không ổn.” Và vì chúng ta không thể la mắng hơi thở, chúng ta phải chấp nhận sự cảnh báo. Tương tự, các cảm giác sẽ cho ta biết khi có gì đó không ổn. Rồi khi đã được cảnh báo, ta có thể bắt đầu quan sát sự hô hấp, bắt đầu quan sát cảm giác, và rất nhanh chóng ta sẽ thấy là phiền não đó đã mất đi.

Hiện tượng tâm và thân này giống như hai mặt của một đồng xu. Một mặt là ý nghĩ và cảm xúc hiện ra trong tâm, mặt kia là hơi thở và cảm giác trên thân. Bất cứ ý tưởng, xúc động nào, bất cứ phiền não nào nảy sinh trong tâm đều biểu hiện bằng hơi thở và cảm giác ngay lúc đó. Do vậy, bằng cách quan sát sự hô hấp hoặc cảm giác, chúng ta thực sự quan sát được phiền não trong tâm. Thay vì tránh né vấn đề, chúng ta phải nhìn thẳng vào thực tại đúng thật như đang hiện hữu. Kết quả ta thấy rằng, phiền não mất đi sức mạnh, chúng không còn trấn áp được ta như trong quá khứ. Nếu ta kiên trì, chúng sẽ hoàn toàn biến mất và ta bắt đầu được sống an lạc, một cuộc sống ngày càng ít phiền não.

Bằng cách này, phương pháp tự quan sát cho chúng ta thấy được thực tại ở hai phương diện: nội tâm và ngoại cảnh. Trước đây, chúng ta chỉ nhìn bên ngoài mà quên đi sự thật bên trong. Chúng ta luôn luôn tìm kiếm bên ngoài về nguyên nhân của những bất hạnh. Chúng ta luôn luôn đổ lỗi và cố thay đổi thực tại bên ngoài. Vô minh về thực tại bên trong, chúng ta không bao giờ hiểu rằng nguồn gốc của sự đau khổ nằm trong ta, nằm ngay trong những phản ứng mù quáng đối với những cảm giác dễ chịu hoặc khó chịu.

Bây giờ, với sự tập luyện, chúng ta có thể thấy được mặt kia của đồng tiền. Chúng ta có thể ý thức về hơi thở của mình, cũng như những gì đang xảy ra trong người. Dù là hơi thở hay cảm giác, chúng ta chỉ quan sát chúng mà không đánh mất sự bình tâm. Chúng ta ngừng phản ứng, ngừng gia tăng sự đau khổ của mình. Trái lại, chúng ta để cho phiền não biểu lộ rồi mất đi.

Càng thực tập phương pháp này, những phiền não ngày càng tan biến nhanh chóng hơn. Dần dần tâm ta không còn những bất tịnh và trở nên trong sạch. Một tâm thanh tịnh lúc nào cũng tràn đầy tình thương – một tình thương không vị kỷ đối với mọi người, đầy lòng từ bi trước những đau khổ và thất bại của người khác, vui mừng vì sự thành công và an lạc của người khác, và luôn bình tâm trong mọi hoàn cảnh.

Khi đạt được trình độ này, mọi thói quen trong đời ta đều thay đổi. Ta không thể có những lời nói hoặc hành động phá rối sự an lạc và hạnh phúc của người khác. Trái lại, một tâm quân bình không những chỉ trở nên an lạc mà bầu không khí chung quanh cũng tràn ngập sự an lạc và hài hòa. Điều này sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến người khác và cũng giúp ích cho họ.

Bằng cách giữ được sự bình tâm trước mọi cảm xúc trong người, ta cũng tìm được cách tự tách biệt ra khỏi những gì gặp phải bên ngoài. Tuy nhiên, sự tách biệt không dính mắc này không phải là sự tránh né hoặc thờ ơ với những khó khăn của cuộc đời. Những người thực tập thiền Vipassana đều đặn thường trở nên nhạy cảm hơn đối với những khổ đau của người khác và làm hết khả năng của mình để xoa dịu những khổ đau này, không phải với một tâm bất an, mà với một tâm đầy tình thương, từ bi và sự bình tâm. Họ biết cách để có sự vô tư thánh thiện, học được cách tham gia hết lòng, nhiệt thành trong việc giúp đỡ người khác, đồng thời duy trì được sự bình tâm. Bằng cách này, họ giữ được sự an lạc và hạnh phúc trong lúc làm việc vì sự an lạc và hạnh phúc của người khác.

Đây là những gì Đức Phật đã giảng dạy: Một nghệ thuật sống. Ngài không thành lập một tôn giáo hay chủ thuyết nào cả. Ngài không bao giờ chỉ dẫn cho những người đến với Ngài thực hành nghi thức hay nghi lễ, những hình thức sáo rỗng nào. Trái lại, Ngài chỉ dạy cho họ quan sát thế giới tự nhiên như nó thật sự hiện hữu bằng cách quan sát thực tại nội tâm. Vì vô minh nên chúng ta luôn hành xử theo cách có hại cho mình và cho người. Nhưng khi đã có trí tuệ – trí tuệ do sự quan sát thực tại đúng như thật – thói quen phản ứng này mất đi. Khi chúng ta ngừng phản ứng mù quáng, chúng ta có khả năng hành xử một cách vô tư với sự bình tâm, một tâm thấy và hiểu được chân lý. Cách hành xử như vậy chỉ có thể mang tính tích cực, đầy sáng tạo, có lợi cho mình và cho người.

Như vậy, điều cần thiết là phải “tự biết mình” – đây là lời khuyên của mọi bậc thánh nhân. Chúng ta phải hiểu chính mình, không phải chỉ bằng sách vở, bằng lý thuyết, không phải chỉ bằng cảm xúc, hoặc đức tin, chỉ chấp nhận một cách mù quáng những gì ta nghe và học được. Sự hiểu biết như vậy không đủ. Tốt hơn hết, chúng ta phải hiểu được thực tại bằng thể nghiệm. Chúng ta phải chứng nghiệm trực tiếp về thực tại của hiện tượng thân và tâm này. Chỉ riêng điều này mới giúp chúng ta thoát khỏi đau khổ.

Kinh nghiệm trực tiếp thực tại bên trong, phương pháp tự quan sát này, được gọi là thiền Vipassana. Theo ngôn ngữ Ấn Độ vào thời Đức Phật, passana có nghĩa là thấy một cách bình thường với con mắt mở rộng. Nhưng Vipassana là quan sát sự việc đúng như thật chứ không phải có vẻ như thật. Sự thật hiển lộ ra bên ngoài cần phải được xuyên thấu cho tới khi ta thấy được sự thật rốt ráo của toàn thể cấu trúc tâm lý – vật lý này. Khi đã chứng nghiệm được sự thật này, chúng ta sẽ biết cách ngừng phản ứng mù quáng, ngừng tạo ra phiền não mới và những phiền não cũ sẽ từ từ mất đi một cách tự nhiên. Chúng ta sẽ hết khổ và hưởng được hạnh phúc thật sự.

Trong một khóa thiền, sự tu tập gồm có ba phần. Đầu tiên ta phải tránh những hành động bằng lời nói hoặc việc làm có hại cho sự an lạc và hài hòa của người khác. Ta không thể tu tập để giải thoát khỏi những bất tịnh khi có những hành động và lời nói làm gia tăng những bất tịnh này. Do đó, giới luật là điều rất quan trọng trong bước đầu tu tập. Ta thực hành không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng những chất gây nghiện. Bằng cách tránh những hành động này, ta làm cho tâm tĩnh lặng đủ để tiến xa hơn.

Phần kế tiếp là tu tập làm chủ tâm vọng động bằng cách chú tâm vào một đối tượng: đó là hơi thở. Ta cố gắng giữ được chú tâm vào sự hô hấp càng lâu càng tốt. Đây không phải là sự tập luyện về hơi thở, ta không điều khiển hơi thở. Trái lại ta quan sát sự hô hấp bình thường, lúc ra, lúc vào. Bằng cách này, ta làm cho tâm được tĩnh lặng hơn nữa, để nó không bị những phiền não chi phối. Cùng một lúc ta định được tâm, làm cho tâm nhạy bén và sâu sắc để có thể đưa đến tuệ giác.

Hai phần đầu này, sống có đạo đức và làm chủ được tâm, rất cần thiết và ích lợi, nhưng chúng chỉ đưa đến sự đè nén những phiền não nếu chúng ta không tập phần thứ ba, đó là thanh lọc hết những phiền não trong tâm bằng cách phát triển tuệ giác trong chính bản thân mình. Đây là Vipassana: chứng nghiệm sự thật về bản thân bằng cách quan sát bên trong ta một cách vô tư và có hệ thống những hiện tượng thay đổi không ngừng của thân và tâm thể hiện qua cảm giác. Đây là đỉnh cao của những lời dạy của Đức Phật: tự thanh lọc tâm bằng cách tự quan sát.

Mọi người ai cũng có thể tu tập được. Mọi người đều phải đương đầu với khổ đau. Đây là bệnh chung của con người và cần phải có thuốc chữa chung, không cho riêng ai. Khi ta đau khổ vì sân hận, nó không phải là sự sân hận của Phật giáo, hoặc sự sân hận của Ấn Độ giáo, hoặc sự sân hận của Thiên Chúa giáo. Sân hận là sân hận. Khi ta bất an vì giận dữ thì sự bất an này không chỉ dành riêng cho người theo Thiên Chúa giáo, hoặc Do Thái giáo hoặc Hồi giáo. Bệnh này là bệnh chung của nhân loại. Thuốc chữa phải chữa được cho mọi người.

Vipassana là một phương thuốc như thế. Không ai phản đối lối sống tôn trọng sự an lạc và hài hòa của người khác. Không ai phản đối việc làm chủ được tâm. Không ai phản đối sự phát triển tuệ giác nơi chính bản thân mình để có thể giải thoát tâm khỏi những phiền não. Vipassana là con đường chung cho mọi người.

Quan sát thực tại đúng thật như bản chất của nó bằng cách quan sát sự thật bên trong – đây là biết mình trực tiếp và bằng chứng nghiệm. Càng thực tập ta càng thoát khỏi sự đau khổ vì những bất tịnh trong tâm. Từ sự thật thô thiển, biểu lộ bên ngoài, ta xuyên thấu tới sự thật tối hậu về thân và tâm. Khi vượt qua được giai đoạn này, ta chứng nghiệm được một sự thật vượt ra ngoài thân và tâm, vượt thời gian và không gian, vượt ra ngoài phạm vi tương đối: chân lý về sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi phiền não, mọi bất tịnh, mọi khổ đau. Bất cứ danh từ nào ta gán cho sự thật tối hậu này đều không hề liên quan đến nó. Nhưng nó là mục tiêu cuối cùng của hết thảy mọi người.

Nguyện cho quý vị chứng nghiệm được sự thật tối hậu này. Nguyện cho mọi người thoát khỏi khổ đau. Nguyện cho mọi người hưởng được an lạc thật sự, hài hòa thật sự, hạnh phúc thật sự.

Nguyện cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc.

—S. N. Goenka

 

Bài viết được trích từ cuốn Nghệ Thuật Chết – The Art Of Dying – Thiền Sư S.N. Goenka và nhiều tác giả. Tải sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT CHẾT

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *