Tính Chất Của Tuệ

Trí tuệ là gì? Trí tuệ có nghĩa là sự hiểu biết đúng đắn (chánh kiến). Cái biết của chúng ta về sự thực chỉ ở bề mặt không phải là trí tuệ thực thụ. Để tuệ tri sự thực tối hậu chúng ta phải thể nhập thực tại rõ rệt ở chỗ sâu kín nhất của nó. 

Một đứa bé thấy những viên ngọc quý chỉ như những viên đá màu hấp dẫn. Nhưng một người thợ ngọc lão luyện sẽ định đoạt được những ưu điểm và khuyết điểm ở mỗi viên ngọc với cái nhìn chuyên môn để đánh giá chính xác giá trị của nó. Cũng vậy, bậc trí không tiến hành một cuộc khảo sát chỉ trên bề mặt. Đúng hơn, họ đi vào những chỗ sâu kín với trí tuệ thể nhập và nhận thức chính xác sự thực vi tế nằm bên dưới mọi hiện tượng trong mọi trường hợp, khả năng tuệ tri sự thực một cách chính xác trong mọi trường hợp này là trí tuệ. 

Có ba loại tuệ. Thứ nhất, văn tuệ – suta -mayã pãnnã, là tuệ có được do nghe hay đọc những lời của người khác. Thứ hai, tư tuệ – cintã mayã pãnnã, là trí tuệ thuộc về tri thức hay vận dụng trí óc để trắc nghiệm với khả năng suy luận và phân tích của mình xem tuệ tiếp nhận (văn tuệ) có hợp lý và logic hay không. 

Không thể nói rằng hai loại tuệ này là tuyệt đối vô ích. Tuy nhiên, do chúng là trí tuệ vay mượn, nên thường kiến thức có được chỉ là tri thức thuần tuý và lợi ích phát sinh từ nó sẽ không lâu dài. 

Tu tuệ, bhãvanã -mayã pãnnã, loại tuệ thứ ba, là trí tuệ dựa trên kinh nghiệm. Đó là trí tuệ xuất hiện bên trong và dựa trên kinh nghiệm riêng của chúng ta về các cảm thọ của thân. Tuệ này dựa trên kinh nghiệm trực tiếp và do đó thực sự lợi ích. 

Để phát triển được tu tuệ – bhãvanã – mayã pãnnã, điều cần thiết là phải thực hành giới (silã) và phát triển chánh định (sammã samãdhi). Chỉ có tâm đã an lập trong chánh định mới có thể tuệ tri và thực chứng sự thực đúng như nó là. (Yathã -bhũta nãnã dassana – tri kiến như thực). 

Samãhito yathãbhũtam pajãnãti passati. Người đã phát triển chánh định sẽ tuệ tri thực tại đúng như thực. 

Khả năng thấy các pháp đúng như thực được gọi là Minh sát (Vipassanã) tức “thấy các pháp theo một cách đặc biệt”. Thông thường chúng ta có khuynh hướng chỉ quan sát sự thực rõ rệt bề ngoài, giống như đứa bé chỉ thấy màu sắc sáng chói và lấp lánh của những viên ngọc vậy. Để có thể quan sát một cách đúng đắn sự thực nội tại, chúng ta cần phải có cái nhìn thể nhập chuyên nghiệp của người thợ ngọc (kim hoàn) nghĩa là chúng ta cần phải thấy các pháp theo cách đặc biệt. Cách thấy đặc biệt này là Minh sát; đây là tu tuệ – bhãvanã mayã pãnnã, sự phát triển trí tuệ bằng cách thực hành minh sát. 

Để hiểu thực tại bề ngoài không đến nỗi khó, nhưng muốn hiểu những sự thực nội tại vi tế, cần phải có sự nội quan (tự xem xét nội tâm). Hướng sự chú tâm của chúng ta vào bên trong để khám phá, quan sát, và tuệ tri sự thực nội tại. 

Muốn hiểu sự thực bên trong này, chúng ta phải hành bốn loại chánh niệm mà đức Phật đã mô tả trong kinh Đại Niệm Xứ (Mahãsatipatthãna sutta). Chúng ta thực hành Niệm Thân (Kayãrupassanã) bằng cách quan sát sự vận hành của những sự kiện bên trong thân với sự chú tâm đầy đủ. Quan sát hơi thở vô và hơi thở ra là một phần của niệm thân. Quan sát sự thở này dẫn đến chánh niệm về các cảm thọ trên mọi phần của thân thể. 

Thực hành một cách chuyên cần, dần dần chúng ta sẽ kinh nghiệm được các cảm thọ thô hay tế trên mọi phần của thân. Các cảm họ có thể là lạc, khổ (khó chịu), hoặc không lạc không khổ. Quan sát những cảm thọ này với sự buông xả, chúng ta đã hành Niệm Thọ (vedanã nupassanã). Quan sát các loại tâm khác nhau đang liên tục khởi lên từ lúc này đến lúc khác, chúng ta hành Niệm Tâm (cittã nupassanã). Quan sát các nội dung tâm trí khác nhau, chúng ta thực hành Niệm Pháp (dhammã nupassanã). 

Sở dĩ chúng ta xem Niệm Thọ (vedanã nupassanã) quan trọng hơn là vì nó liên quan trực tiếp đến ba loại niệm khác. Thọ (vedanã) được nhận thức bởi tâm (citta), nhưng nó được kinh nghiệm ở thân. Mỗi phiền não trong tâm có liên hệ sâu sắc với một cảm thọ nào đó ở thân. Do đó, khi chúng ta củng cố Niệm Thọ, tự động chúng ta cũng củng cố ba loại niệm khác (thân, tâm, pháp). 

Theo cách này, chúng ta có thể quan sát bản chất thực của tâm và thân (danh, sắc) trong từng sát na qua việc thực hành. Minh sát dựa trên các cảm thọ. Dần dần chúng ta sẽ phát triển được sự hiểu biết rằng thân này chỉ là một tập hợp của những hạt hạ nguyên tử vi tế, tức các kalãpas, mà những hạt hạ nguyên tử ấy tự bản chất lại luôn luôn biến đổi, sanh và diệt không ngừng.

Những hạt hạ nguyên tử hay kalãpa (tổng hợp sắc) được tạo thành từ bốn đại: đất, nước, lửa và gió. Sự trôi chảy của dòng thân và dòng tâm bằng thay đổi này chỉ có thể được quan sát với sự trợ giúp của định (samãdhi) thể nhập. Quan sát tâm và thân (danh-sắc) chúng ta có thể kinh nghiệm tính chất vô thường (anicca), khổ hay bất toại nguyện (dukkha) căn bản của nó, và trong tiến trình này, tính chất vô ngã của nó càng lúc càng trở nên rõ rệt hơn. Chúng ta bắt đầu thực chứng được rằng cả dòng thân lẫn dòng tâm này đều không có thực chất, không cốt lõi. Không có gì trong dòng danh sắc này là thường, là bền vững hay bất biến, để chúng ta có thể gọi là “tôi”, “của tôi”, hoặc để chúng ta có thể đòi quyền kiểm soát. 

Cho đến mức này, chúng ta bắt đầu học cách quan sát dòng danh -sắc với sự buông xả, với thái độ vô tư. Sự khảo sát các cảm thọ vi tế càng sâu bao nhiêu thì sự buông xả của chúng ta càng mạnh hơn bấy nhiêu. Bao lâu còn chấp trước, chừng đó chúng ta không thể quan sát đối tượng thiền một cách khách quan, đúng như nó là được. Xuyên qua trí tuệ có được do thực hành Minh sát, sự chấp trước của chúng ta càng lúc càng trở nên yếu đi, và chúng ta có thể quan sát đối tượng thiền càng lúc càng khách quan hơn. 

Khi chúng ta bước vào căn nhà tối với một cây đèn, bóng tối sẽ bị xua tan, ánh sáng sẽ soi sáng cả căn nhà và mọi đồ vật trong căn nhà ấy. Cũng vậy, ánh sáng của trí tuệ xua tan bóng tối của vô minh, và những sự thực cao quý, vĩnh hằng sẽ được soi sáng và được thấy một cách rõ ràng. 

Nhờ việc thực hành liên tục, chúng ta kinh nghiệm được sự thực của khổ ở mức sâu xa nhất. Vì sao cái tâm luôn luôn không hài lòng và bất mãn này lại bị khổ sở vì khát ái; và sự khát ái này lại không bao giờ cùng tận – giống như một cái hố không đáy làm tiêu vong mọi nỗ lực muốn làm đầy nó như thế nào. Chúng ta hiểu nỗi đau khổ của sự chấp trước và dính mắc của chúng ta vào niềm tin nơi một tự ngã; làm thế nào sự chấp trước của chúng ta vào khái niệm về tự ngã này, vào những tham ái và quan điểm này lại làm chúng ta bị ám ảnh và khổ đau không dứt! Khi chúng ta tuệ tri khổ (dukkha) và nhân căn để của khổ, chúng ta cũng tuệ tri thánh đạo, vốn huỷ diệt mọi khát ái sanh ra khổ, từ đó dẫn đến sự giải thoát khỏi khổ. Khi chúng ta tiến bộ trên đạo lộ này, chúng ta sẽ đạt đến sự giải thoát khỏi mọi khổ đau, tức đạt đến Niết bàn. 

Qua việc thực hành Minh sát, trí tuệ chúng ta sẽ càng lúc càng tăng trưởng mạnh hơn, trí tuệ này quét sạch mọi ảo tưởng, ảo giác, những ấn tượng sai lạc, và vô minh. Thực tại sẽ trở nên rõ rệt hơn vì những ấn tượng huyễn hoặc không còn có thể bám chặt vào tâm. Khi trí tuệ tăng trưởng, giới (sĩla) cũng trở nên trong sạch; tâm được tịnh hoá khỏi mọi phiền não. Và tiến tới trên đạo lộ này, chúng ta thành tựu trạng thái thanh tịnh của các bậc thánh (ariyas), Chúng ta cảm nhận niềm hỷ lạc của Niết Bàn. 

Hạnh phúc có được qua việc hành Minh sát được xem là thù thắng hơn bất kỳ hạnh phúc nào khác. Chẳng phải sự hưởng thụ các dục lạc thô, cũng chẳng phải sự hưởng thụ các thụ lạc cực kỳ vi tế, đem đến cho ta hạnh phúc trường cửu. Khi lạc thuộc bất kỳ loại nào đi đến chấm dứt, thì kết quả của nó sẽ là khổ. Và do mọi tình cảnh đều vô thường, nên nó chắc chắn phải thay đổi và đi đến chỗ chấm dứt. Khi một kinh nghiệm khả lạc chấm dứt, tâm sẽ cố gắng để lấy lại nó. Khát ái này đem đến khổ đau. Hạnh phúc chân thực chỉ đến từ những gì giữ được sự bền vững. 

Khi chúng ta quen quan sát với thái độ hoàn toàn buông xả, khả năng quan sát của chúng ta có thể giữ được sự ổn định vững vàng cho dù những đối tượng của sự quan sát cứ tiếp tục thay đổi. Chúng ta không lấy làm sung sướng khi kinh nghiệm các dục lạc hay siêu thế lạc, chúng ta cũng không than khóc khi chúng mất đi. Trong cả hai trường hợp chúng ta đều nhìn một cách khách quan, như một khán giả đang xem kịch vậy. Ở những chiều sâu của tâm, khi chúng ta quan sát tính chất thay đổi của những cảm thọ thậm chí vi tế nhất, thì sự hiểu biết chân chánh hay trí tuệ thấy được sự sâu xa của vô thường sẽ phát sinh. Chúng ta quan sát mọi trạng thái đang thay đổi với cùng cái nhìn khách quan và vô tư ấy.

Thấy những gì rõ rệt đang xảy ra trước mắt chúng ta, không chút phiền não trong tâm là hạnh phúc chân thực. Trạng thái này được gọi là dittha dhamma sukkha vihãra (hiện pháp lạc trú, trạng thái an lạc của sự hiểu biết về Pháp – sự thực). Nào, chúng ta hãy củng cố tu tuệ (bhãvanã – mayã pãnnã) của chúng ta qua việc hành Minh sát. Bỏ lại phía sau sự phấn đấu liên tục với những tham ái vốn gây ra biết bao xao động và bất mãn, chúng ta hãy cố gắng đạt đến sự giải thoát khỏi ràng buộc của tham ái. Khi đã an lập trong trí tuệ, chúng ta sẽ đạt đến sự giải thoát và an lạc thực sự.  

 

—o0o— 

 

Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *