Ngũ Uẩn

Cội nguồn của khổ nằm bên trong mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta hiểu được thực tại của chính bản thân mình, chúng ta sẽ biết cách giải quyết vấn đề khổ này. “Hãy biết chính người”, các bậc trí đã khuyên như vậy. Chúng ta phải bắt đầu bằng cách biết bản chất thực của mình, bằng không chúng ta sẽ chẳng thể nào giải quyết được những vấn đề của chúng ta hoặc những vấn đề của thế gian. 

Nhưng thực sự chúng ta biết được gì về bản thân mình? Mỗi người đều tin chắc vào sự độc nhất vô nhị của mình, nhưng kiến thức của chúng ta về bản thân chỉ là bề mặt. Ở những mức sâu xa hơn, chúng ta hoàn toàn chẳng biết tí gì về mình cả. 

Đức Phật đã khảo sát cái hiện tượng gọi là con người này bằng cách tra xét bản chất của chính Ngày. Bỏ qua một bên mọi định kiến, Ngài đã nghiên cứu tỉ mỉ thực tại bên trong và hiểu ra rằng mỗi người là một tổng hợp của năm tiến trình (ngũ uẩn), bốn trong số đó thuộc tinh thần và một thuộc vật chất.  

 

VẬT CHẤT (SẮC)

Chúng ta hãy bắt đầu với phương diện vật lý. Đây là phần hiển nhiên nhất và rõ ràng nhất của bản thân chúng ta, phần này dễ dàng nhận thức bởi các giác quan (căn). Ấy vậy mà chúng ta thực sự biết rất ít về nó. Trên bề mặt ta có thể kiểm soát được thân, bắt nó di chuyển và hoạt động theo ý muốn. Nhưng ở mức độ khác, mọi cơ quan bên trong vận hành ngoài sự kiểm soát và ngoài sự hiểu biết của chúng ta.

Ở mức vi tế hơn, trên phương diện kinh nghiệm, chúng ta không biết gì về những phản ứng sinh hóa không ngừng xảy ra trong từng tế bào của cơ thể. Song đây vẫn chưa phải là thực tại cùng tột của hiện tượng vật chất. Về cơ bản, cái thân có vẻ rắn chắc ấy bao gồm những hạt hạ nguyên tử (những phân tử cực nhỏ) và các khoảng không.

Quan trọng hơn nữa, ngay cả những hạt hạ nguyên tử này cũng không có tính rắn chắc thực thụ, và tuổi thọ của chúng lại chưa đầy một phần tỷ  giây. Các phân tử liên tục sanh và diệt, giống như một dòng chảy của những rung động. Đây là thực tại cùng tột của thân, của tất cả vật chất, mà đức Phật đã khám phá ra hơn hai ngàn năm trăm năm trước. 

Qua những nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học hiện đại đã công nhận và chấp nhận thực tại cùng tột của thế giới vật chất này. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn không trở thành các bậc giải thoát, các bậc giác ngộ. Vì tò mò họ đã truy tầm bản chất của vũ trụ, và dùng tri thức cũng như những dụng cụ khoa học để xác chứng cho những ý tưởng của họ.

Ngược lại, đức Phật không chỉ bị thúc đẩy bởi lòng hiếu kỳ mà đúng hơn, bởi ước nguyện muốn tìm ra một con đường thoát khổ. Ngài không dùng dụng cụ nào trong cuộc truy tầm, ngoài chính tâm của Ngài. Sự thực (chân lý) mà Ngài khám phá không phải là kết quả của việc tri thức hóa mà của chính kinh nghiệm trực tiếp của Ngài, và đó là lý do tại sao nó có thể giải thoát cho Ngày vậy. 

Ngài đã khám phá ra rằng toàn thế giới vật chất được cấu thành bởi những phân tử, ngôn ngữ Pãli gọi là Kalãpas (tổng hợp sắc), hoặc “các đơn vị vật chất bất khả phân”. Các đơn vị này phơi bày những tính chất cơ bản của vật chất trong sự biến đổi không ngừng. Những tính chất ấy là khối lượng (địa đại), sự kết dính (thủy đại), nhiệt độ (hỏa đại), và sự chuyển động (phóng đại). Chúng kết hợp lại thành những cấu trúc mà xem ra có vẻ thường hằng. Nhưng kỳ thực những cấu trúc này được cấu tạo bởi những Kalãpas (tổng hợp sắc) cực nhỏ và nằm trong trạng thái sanh và diệt liên tục. 

Đây là thực tại cùng tột của vật chất: một dòng trôi chảy không ngừng của những sóng hoặc phân tử. Đây cũng là cái thân mà mỗi người chúng ta gọi là “chính tôi”.

 

TÂM (DANH)

Cùng với tiến trình vật chất (sắc uẩn) có tiến trình tâm lý (hay tâm). Tâm mặc dù không thể sờ hay thấy được, nó dường như liên hệ với chúng ta mật thiết hơn cả thân nữa. Chúng ta có thể tưởng tượng ra một sự sống tương lai mà không có thân, nhưng không thể hình dung được một sự hiện hữu nào lại không có tâm. Ấy thế mà chúng ta biết rất ít về tâm như thế nào, và kiểm soát được tâm ít ỏi ra sao. Nó luôn từ chối làm những gì chúng ta muốn, và làm những gì chúng ta không muốn. Sự kiểm soát của chúng ta về tâm ý thức là khá mong manh, nhưng tâm vô thức dường như hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát cũng như nằm ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Nó chứa đầy những sức mạnh mà có thể chúng ta không thừa nhận hoặc không biết. 

Khi khảo sát thân, đức Phật cũng khảo sát luôn cả tâm và thấy rằng về đại thể, những khoản nó bao gồm tổng cộng có bốn tiến trình: thức (vĩnnãna), tưởng (sãnnã), thọ (vedanã) và hành hay sự phản ứng (sankhãra). 

Thức, tiến trình đầu tiên, là phần tiếp nhận của tâm, hành vi nhận biết hay nhận thức không phân biệt. Nó chỉ đơn giản ghi nhận sự xảy ra của bất kỳ hiện tượng nào, hay nói cách khác nó là cái tiếp nhận bất kỳ một dữ liệu nhập nào về vật lý hoặc tâm lý. Thức ghi nhận các dữ liệu chưa phân tích của sự kinh nghiệm mà không gán những nhãn hiệu hay đánh giá một cách chủ quan. 

Tiến trình tâm thứ hai là tưởng, hành vi công nhận. Phần này của tâm làm công việc nhận dạng những gì đã được ghi nhận bởi thức. Tưởng phân biệt, gắn nhãn hiệu, và phân loại những dữ liệu mới đưa vào chưa phân tích và đánh giá, tích cực hay tiêu cực. 

Phần kế tiếp của tâm là thọ. Thực ra ngay khi bất kỳ một dữ liệu nào đã được tiếp nhận, cảm thọ liền phát sinh, một tín hiệu cho thấy rằng một cái gì đó đang xảy ra. Hễ dữ liệu nhập chưa được đánh giá, thọ vẫn là trung tính (không lạc, không khổ). Nhưng khi một giá trị được gắn vào dữ liệu nhập, thì thọ trở thành hoặc lạc, hoặc khổ, tùy theo sự đánh giá đã đưa ra ấy. 

Nếu thọ là lạc (dễ chịu) một ước muốn hình thành để kéo dài và làm tăng cường độ của kinh nghiệm. Nếu đó là một cảm thọ khổ (khó chịu), thì ước muốn là để chấm dứt nó, để tống khứ cảm thọ ấy. Tâm phản ứng với thích và không thích (hành – sankhãra). Chẳng hạn, khi tai đang làm nhiệm vụ bình thường và ta nghe một âm thanh, thức (vĩnnãna) liền làm việc. Khi âm thanh được nhìn nhận là những lời nói với hàm ý tích cực hoặc tiêu cực gì đó, là tưởng (sãnnã) đã bắt đầu làm nhiệm vụ. Kế, cảm thọ nhập cuộc. Nếu những lời nói ấy là lời khen, một cảm thọ lạc phát sinh. Nếu là tiếng chửi, một thọ khổ phát sinh. Lập tức hành hay phản ứng xảy ra. Nếu cảm thọ là lạc, ta bắt đầu thích nó, muốn có thêm những lời khen đó nữa. Nếu cảm thọ là khổ, ta bắt đầu không thích nó, và muốn chấm dứt tiếng chửi ấy. 

Những bước y như vậy sẽ diễn ra khi bất kỳ một trong các giác quan (căn) khác tiếp nhận một dữ liệu nhập: thức, tưởng, thọ, hành. Bốn chức năng tinh thần này thậm chí còn qua nhanh hơn những phân tử không bền tạo thành thực tại vật chất. Mỗi sát na mà các giác quan tiếp xúc với bất kỳ đối tượng nào, bốn tiến trình tâm lý này sẽ xuất hiện với tốc độ nhanh như điện chớp và tự chúng cứ lập đi lập lại với mỗi sát na xúc chạm xảy ra sau đó. Tuy nhiên, điều này xảy ra nhanh đến nỗi ta không biết được những gì đang diễn ra. Chỉ đến khi một phản ứng đặc biệt nào đó đã được tái đi tái lại nhiều lần qua một thời gian khá lâu, và đã mang một hình thức rõ rệt, mạnh mẽ rồi thì cái biết về nó mới phát triển ở mức ý thức. 

Phương diện nổi bật nhất của sự mô tả này về con người không phải ở những gì nó bao gồm mà là ở những gì nó bỏ qua. Dù chúng ta là người phương Tây hay phương Đông, dù là người Thiên Chúa hay Hồi giáo, Ấn giáo hay Phật giáo, vô thần hay bất cứ thứ gì khác, thì mỗi người đều có một sự tin chắc giống nhau là có một cái “tôi” ở đâu đó trong chúng ta, có một tính đồng nhất tương tục trong chúng ta. Chúng ta phân tích trên sự giả định không suy xét rằng con người hiện hữu mười năm trước về bản chất cũng đồng một người hiện hữu ngày hôm nay, và sẽ hiện hữu như vậy mười năm sau, có thể người ấy sẽ vẫn hiện hữu trong một kiếp tương lai sau khi chết. Cho dù chúng ta xem những triết lý hay lý thuyết hay đức tin nào là chơn thực đi nữa, thì thực sự mỗi người đều sống cuộc sống của mình với niềm tin đã ăn rễ sâu xa: “tôi đã là, tôi đang là, tôi sẽ là” ấy. 

Đức Phật đã thách thức sự khẳng định dựa trên bản năng về tính đồng nhất này. Khi làm vậy Ngài không phải đang trình bày một quan điểm dựa trên những suy đoán giá trị hơn để chống lại lý thuyết của người khác, mà chỉ đơn giản mô tả sự thực Ngài đã kinh nghiệm, và điều đó bất cứ một người bình thường nào cũng có thể kinh nghiệm. Bậc Giác Ngộ đã gạt bỏ mọi lý thuyết (tà kiến), Ngài nói, “Vì Như Lai đã thấy thực tại của sắc, thọ, tưởng, hành, và thức, cũng như đã thấy sự sanh và diệt của chúng”. Không kể bề ngoài, Ngài thấy rằng mỗi người là một chuỗi của những sự kiện tách biệt nhưng liên hệ với nhau. Mỗi sự kiện là kết quả của một sự kiện đi trước và nối theo nó không có khoảng cách nào cả. Tiến trình không gián đoạn của những sự kiện liên hệ chặt chẽ với nhau tạo ra cái vẻ bề ngoài của sự tương tục, của tính đồng nhất, nhưng đây chỉ là một thực tại bề ngoài, chứ không phải là thực tại cùng tột. 

Chúng ta có thể gán cho con sông một cái tên nhưng thực sự đó chỉ là một dòng nước trôi chảy không ngừng. Chúng ta có thể nghĩ ánh sáng của ngọn nến là một cái gì bất biến, nhưng nếu nhìn kỹ hơn, chúng ta thấy rằng thực sự đó là một ngọn lửa sinh ra từ tim đèn vốn chỉ cháy trong một thoáng, rồi liền bị thay thế bởi một ngọn lửa mới, từ sát na này đến sát na khác. Chúng ta nói về ánh sáng của một ngọn đèn điện, chẳng bao giờ dừng lại để có thể nghĩ rằng trong thực tế nó là thế, giống như con sông, một dòng chảy không ngừng, ở trường hợp bóng đèn điện này, thì một dòng năng lượng phát sinh do những dao động tần số rất cao xảy ra trong sợi dây tóc (của bóng đèn).

Mỗi sát na một cái gì đó mới phát sinh như một sản phẩm của quá khứ, để rồi lại bị thay thế bởi một cái gì đó mới trong sát na tiếp theo sau. Sự nối tiếp của các sự kiện rất nhanh và liên tục đến độ khó mà phân biệt. Ở một điểm nào đó trong tiến trình ta không thể nói rằng những gì xuất hiện lúc này là một với những gì xuất hiện trước đó, ta cũng không thể nói rằng nó không phải là một. Tuy thế, tiến trình vẫn xảy ra. 

Theo cùng thể thức như vậy, đức Phật  nhận ra con người không phải là một thực thể hoàn chỉnh, không thay đổi, mà là một tiến trình trôi chảy từ sát na này đến sát na khác. Không có “con người” thực, chỉ có một dòng đang diễn tiến, một tiến trình liên tục của sự trở thành. Tất nhiên trong đời sống hàng ngày, chúng ta phải đối đãi với nhau như những con người ít nhiều mang tính xác định và không thay đổi; chúng ta phải chấp nhận thực tại rõ rệt, bề ngoài này, nếu không thì chúng ta hoàn toàn không thể làm nhiệm vụ. 

Thực tại bề ngoài là một thực tại, nhưng chỉ là một thực tại trên bề mặt. Ở một mức sâu hơn, thực tại là chung cho toàn vũ trụ, hữu tình  và vô tình, nằm trong trạng thái liên tục trở thành – liên tục sanh và diệt. Mỗi người chúng ta thực sự là một dòng của những hạt hạ nguyên tử hay kalãpa (tổng hợp sắc) thay đổi không ngừng. Cùng với nó những tiến trình của thức, tưởng, thọ, hành thậm chí thay đổi còn nhanh hơn cả tiến trình vật lý đó. 

Đây là thực tại cùng tột của bản ngã (cái ta) mà mỗi người chúng ta rất quan tâm đến. Đấy là một dòng của những sự kiện mà chúng ta bị liên quan trong đó. Nếu chúng ta có thể hiểu điều này một cách đúng đắn bằng kinh nghiệm trực tiếp, chúng ta sẽ tìm ra manh mối để tự đưa mình ra khỏi khổ đau. 

 

Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *