BÀI GIẢNG NGÀY THỨ TƯ KHOÁ THIỀN VIPASSANA THIỀN SƯ S.N. GOENKA HƯỚNG DẪN

  • Những vấn đề liên quan đến việc thực hành Vipassanã 
  • Quy luật của nghiệp (kamma)
  • Tầm quan trọng của ý nghiệp
  • Bốn danh uẩn: thức, tưởng, thọ, hành (sự phản ứng)
  • Duy trì niệm và xả là cách để thoát khỏi khổ đau.

Ngày thứ tư là một ngày hết sức quan trọng. Bạn đã bắt đầu nhúng sâu vào dòng Sông Pháp ở bên trong để khám phá sự thực về chính con người bạn ở mức các cảm thọ của thân. Trong quá khứ, do vô minh, những cảm thọ này là các nhân cho sự sinh sôi nảy nở của khổ. Bạn đã thực hiện bước đầu tiên trên đạo lộ đi đến giải thoát bằng cách học quan sát các cảm thọ của thân và giữ thái độ buông xả. 

Có một số câu hỏi về kỹ thuật này rất thường được mọi người hỏi: 

  • “Tại sao phải di chuyển sự chú tâm khắp toàn thân theo thứ tự, và vì sao lại theo thứ tự này?”. 
  • Có thể theo thứ tự nào cũng được, nhưng nhất thiết phải có thứ tự. Ngược lại sẽ có cái nguy là bỏ quên một số phần nào đó của thân, và những phần ấy sẽ vẫn cứ mù mịt, vẫn cứ bỏ trống. Các cảm thọ hiện hữu khắp toàn thân, và trong kỹ thuật này, phát triển khả năng cảm nghiệm chúng ở khắp nơi là việc hết sức quan trọng. Vì mục đích ấy cho nên di chuyển theo thứ tự sẽ rất hữu ích. 

Nếu ở một phần nào đó của thân không có cảm thọ, bạn có thể giữ sự chú tâm ở đó trong một phút. Trong thực tế thọ có mặt ở đó, cũng như trong mọi phần tử của thân vậy, nhưng tính chất của nó vi tế đến độ tâm bạn không biết được nó một cách ý thức, và vì thế mà vùng này dường như mù, dừng lại trong một phút, quan sát một cách bình tĩnh, lặng lẽ và buông xả.

Đừng móng khởi tâm thèm muốn một cảm thọ, hoặc chán ghét đối với sự mù mịt này. Nếu làm vậy, bạn đã đánh mất sự quân bình của tâm bạn, và một cái tâm không quân bình  sẽ rất đần độn; chắc chắn nó cũng không thể nào kinh nghiệm được những cảm  thọ vi tế hơn. Nhưng nếu tâm vẫn giữ thăng bằng, nó sẽ trở nên sắc bén hơn và nhạy cảm hơn, có thể khám phá ra những cảm thọ vi tế. Hãy quan sát một cách buông xả khu vực ấy trong khoảng một phút, không hơn. Nếu trong một phút ấy không có cảm thọ nào xuất hiện, thì hãy mỉm cười và di chuyển thêm.

Vòng kế, lại dừng ở đó trong một phút, không sớm thì muộn bạn sẽ bắt đầu cảm giác được những cảm thọ ở đó và khắp toàn thân. Nếu bạn đã dừng lại trong một phút và vẫn không cảm giác được một cảm thọ nào, thì hãy cố gắng cảm giác sự xúc chạm của áo quần bạn nếu đó là một vùng có che đậy (bởi quần áo) hoặc sự xúc chạm của không khí nếu vùng đó không che đậy. Bắt đầu với những cảm thọ bề ngoài này, và dần dần bạn cũng sẽ cảm nhận được các cảm thọ khác. 

Nếu như sự chú tâm được gắn trên một phần nào đó của thân và một cảm thọ lại phát sanh ở nơi khác, có nên nhảy tới hoặc nhảy lui để quan sát cảm thọ này không?

Không. Cứ tiếp tục di chuyển theo thứ tự. Đừng cố gắng chặn ngang các cảm thọ ở những phần khác của thân – bạn không thể làm vậy được, nhưng cũng đừng xem chúng là quan trọng. Hãy quan sát mỗi cảm thọ chỉ khi nào bạn đi đến đó, còn thì cứ di chuyển theo thứ tự. Nếu không bạn sẽ nhảy hết nơi này sang nơi khác, bỏ sót nhiều phần của thân, chỉ quan sát được các cảm thọ thô mà thôi.

Bạn phải tập cho mình quan sát tất cả các cảm thọ khác nhau ở mỗi phần của thân, có thể đó là thô hay tế, dễ chịu hay khó chịu, rõ rệt hay yếu ớt. Vì thế chẳng nên để cho sự chú tâm nhảy từ nơi này sang nơi khác. 

Liệu người ta phải mất bao nhiêu thời gian để di chuyển sự chú tâm từ đầu đến chân?

Điều này sẽ khác nhau tùy theo tình trạng mà bạn đối diện. Sự chỉ dẫn ở đây là hãy gắn sự chú tâm của bạn nơi một vùng nào đó, và ngay khi bạn cảm giác một thọ, tiếp tục đi tới. Nếu tâm đủ nhạy bén, nó sẽ nhận biết được cảm thọ ngay khi vừa đến một vùng nào đó, và lập tức bạn có thể di chuyển tới. Nếu tình trạng này xảy ra ở khắp toàn thân thì có thể mất khoảng mười phút để di chuyển từ đầu đến chân, nhưng ở giai đoạn này di chuyển nhanh hơn không phải là điều nên làm.

Tuy nhiên, nếu tâm cùn nhụt, có thể sẽ có nhiều vùng trong đó nhất thiết phải chờ cho đến một phút để cho một cảm thọ xuất hiện. Trong tình trạng này, việc di chuyển từ đầu đến chân có thể mất đến ba mươi phút hoặc một giờ. Thời gian cần thiết để di chuyển hết một vòng không quan trọng. Chỉ cần duy trì việc hành một cách nhẫn nại, kiên trì; chắc chắn bạn sẽ thành công. 

Vùng để gắn sự chú tâm vào cần phải lớn bao nhiêu?

Lấy một phần của thân rộng khoảng hai hoặc ba inches (1 inch=2,54cm), rồi di chuyển sự chú ý tới hai hoặc ba inches khác, và cứ tiếp tục như vậy. Nếu tâm cùn nhụt, lấy những vùng rộng hơn. Chẳng hạn như toàn bộ mặt, hoặc toàn cánh tay trên bên phải; rồi cố giảm vùng chú tâm xuống dần dần. Cuối cùng bạn cũng có thể cảm giác được các cảm thọ trong từng phân tử của thân nhưng lúc này, một vùng cỡ hai, ba inches là khá đủ.

Ta phải cảm giác chỉ những cảm thọ trên bề mặt của thân thôi hay cũng cần phải đi vào bên trong nữa?

Đôi khi một hành giả cảm giác được các cảm thọ ở bên trong ngay khi người ấy khởi sự hành Minh –sát, có khi mới đầu anh ta chỉ cảm giác được các cảm thọ ở trên bề mặt thôi. Cả hai cách đều hoàn toàn đúng. Nếu các cảm thọ chỉ xuất hiện trên bề mặt, hãy quan sát chúng nhiều lần cho tới khi bạn cảm giác được cảm thọ trên từng phần của bề mặt thân.

Sau khi đã kinh nghiệm được các cảm thọ ở khắp nơi trên bề mặt, bạn sẽ bắt đầu thâm nhập vào phần bên trong. Từ từ tâm cũng sẽ phát triển được khả năng cảm giác các cảm thọ ở khắp nơi, cả bên ngoài lẫn bên trong, trong từng phần của cấu trúc vật lý. Nhưng mới đầu, các cảm thọ bề ngoài là khá đủ.  

Đạo lộ sẽ dẫn qua toàn bộ lãnh vực thuộc giác quan, đến thực tại tối hậu nằm ngoài kinh nghiệm giác quan này. Nếu bạn cứ tiếp tục tịnh hóa tâm với sự trợ giúp của các cảm thọ, chắc chắn bạn sẽ đạt đến giai đoạn cùng tột. 

Khi con người vô minh, các cảm thọ là một phương tiện để tăng trưởng khổ đau của họ. Vì họ phản ứng lại chúng với tham và sân. Vấn đề thực sự nảy sanh, sự căng thẳng hình thành, ở mức các cảm thọ của thân; vì thế đây là mức bạn phải giải quyết vấn đề ở đó, để thay đổi lề lối quen thuộc của tâm. Bạn phải học cách nhận biết tất cả các cảm thọ khác nhau mà không phản ứng lại với chúng, chấp nhận bản chất đổi thay, vô ngã của chúng. Nhờ làm vậy, bạn thoát ra khỏi thói quen phản ứng mù quáng, bạn tự giải thoát mình khỏi khổ đau. 

Cảm thọ là thế nào?

Bất cứ cái gì bạn cảm giác được ở mức vật lý là một cảm thọ, tức bất cứ cảm thọ về thân tự nhiên, bình thường, thông thường nào, dù dễ chịu hay khó chịu, dù thô hay tế, dù mạnh hay yếu. Đừng bao giờ bỏ qua một cảm thọ với cớ rằng do những điều kiện không khí, do ngồi lâu, hay do một bệnh tật cũ gây ra. Dù bất cứ lý do gì, sự việc vẫn là bạn đang cảm giác một cảm thọ là đủ. Trước đây bạn cố gắng đẩy những cảm thọ khó chịu ra, và kéo những cảm thọ dễ chịu vào. Giờ đây bạn chỉ đơn giản quan sát một cách khách quan, không đồng hóa mình với các cảm thọ. 

Đó là sự quan sát không có tính chọn lựa. Đừng bao giờ cố gắng chọn lựa những cảm thọ; thay vào đó hãy chấp nhận bất cứ những gì khởi lên một cách tự nhiên. Nếu bạn đang tìm một cái gì đặc biệt, lạ thường, bạn sẽ tạo ra khó khăn cho mình, và tất nhiên sẽ không thể tiến hóa trên đạo lộ. Kỹ thuật ở đây không phải để kinh nghiệm một cái gì đặc biệt, mà đúng hơn là để giữ thái độ xả khi đối diện với bất cứ cảm thọ nào. 

Nếu bạn thực hành theo cách này, dần dần toàn bộ quy luật của tự nhiên sẽ trở nên rõ rệt với bạn. Đây là những gì Pháp (dhamma) muốn nói: tự nhiên, quy luật, sự thực. Để hiểu được sự thực ở mức kinh nghiệm, bạn phải thẩm tra nó trong cơ cấu của thân này. Đây là những gì Bồ tát Siddhatta Gotama đã làm để trở thành một vị Phật, sự thực hiển hiện với Ngài và nó cũng sẽ hiển hiện với bất cứ người nào làm được như Ngài đã làm, sự thực ấy ở khắp thế gian, trong thân cũng như ngoài thân, mọi vật cứ tiếp tục thay đổi.

Không có gì là sản phẩm cuối cùng, mọi sự, mọi vật đều nằm trong tiến trình của sự trở thành (bhava-hữu). Và một thực tại khác cũng sẽ trở nên rõ rệt: không có gì xảy ra một cách tình cờ cả. Mọi thay đổi đều có một nhân và nó sẽ tạo ra một quả, rồi quả đó đến lượt lại trở thành nhân cho một thay đổi thêm nữa; cứ như vậy tạo thành một chuỗi bất tận của nhân và quả. Vẫn còn một quy luật khác sẽ trở nên rõ rệt, đó là: nhân như thế nào, quả sẽ như thế ấy; hạt giống như thế nào, trái sẽ là như vậy. 

Trên cùng một thửa đất bạn gieo hai hạt giống, một của cây mía, và hạt kia của cây “neem” – một loại cây ở vùng nhiệt đới và rất đắng (tạm dịch là cây ký  ninh). Từ hạt giống của cây mía phát triển thành một cây nhỏ ngọt ngào trong từng thớ thịt, từ hạt giống của cây ký ninh, một cây đắng trong từng thớ thịt của nó mọc lên. Bạn có thể hỏi tại sao thiên nhiên lại tốt bụng với một cây và độc ác với cây khác.

Thực sự thiên nhiên (tự nhiên) chẳng tốt bụng cũng chẳng độc ác, mà chỉ làm việc theo những quy luật cố định. Nói đúng ra, thiên nhiên chỉ giúp cho tính chất của mỗi hạt giống thể hiện ra mà thôi. Nếu bạn gieo những hạt giống ngọt ngào, kết quả thu được sẽ là sự ngọt ngào. Nếu bạn gieo những hạt giống cay đắng, kết quả thu được sẽ là cay đắng. Hạt giống như thế nào, quả sẽ như thế ấy; hành động như thế nào, kết quả cũng sẽ như vậy. 

Vấn đề là bạn phải rất tỉnh táo lúc gieo trồng. Muốn có được trái ngọt, nhưng khi gieo bạn lại chểnh mảng, và trồng xuống những hạt giống đắng. Nếu bạn muốn trái ngọt, bạn phải trồng loại hạt giống thích hợp. Cầu nguyện hay mong đợi một phép lạ chỉ là tự dối mình; bạn phải hiểu và sống theo quy luật của tự nhiên. Bạn phải cẩn thận đối với những hành động của mình, vì đây là những hạt giống mà bạn sẽ nhận được sự ngọt ngào hay cay đắng hợp với tính chất của chúng. 

Có ba loại hành động (nghiệp): thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp. Một người biết quan sát chính mình sẽ nhanh chóng nhận ra rằng ý nghiệp là quan trọng nhất, vì đây là hạt giống, là hành động sẽ đem lại những kết quả. Khẩu nghiệp và thân nghiệp chỉ là những phóng chiếu của ý nghiệp, hay là cây thước để đo cường độ của nó mà thôi. Chúng khởi  lên ý nghiệp, và ý nghiệp này sau đó thể hiện ra ở mức khẩu và thân. Chính vì thế, đức Phật đã tuyên bố: 

Tâm đi trước các pháp,

Tâm làm chủ, tâm tạo

Nếu với tâm ô nhiễm

Nói năng hay hành động

Đau khổ sẽ theo sau

Như bánh (xe) lăn theo chân (con vật kéo)

Nếu với tâm thanh tịnh

Nói năng hay hành động

An vui sẽ theo sau

Như bóng không rời hình

Nếu đúng là như vậy, thì bạn phải biết tâm là gì và hoạt động như thế nào. Bạn đã bắt đầu thẩm sát hiện tượng này qua việc thực hành của mình. Nếu bạn cứ tiến hành, bạn sẽ thấy rằng có bổn phần chính, hay bốn uẩn của tâm thể hiện rõ ràng: 

Phần thứ nhất được gọi là thức (vĩnnãna). Các giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) sẽ là vô tri vô giác nếu không có thức tiếp xúc với chúng. Chẳng hạn, nếu bạn đang để hết tâm trí vào một cảnh đẹp nào đó, một âm thanh có thể xuất hiện nhưng bạn sẽ không nghe nó, vì tất cả ý thức của bạn lúc đó đang ở với con mắt, nhiệm vụ của phần tâm này là để nhận thức, tức chỉ để biết, chứ không phân biệt. Một âm thanh tiếp xúc với tai, và thức (vĩnnãna) chỉ ghi nhận sự kiện một âm thanh đã đến, vậy thôi. 

Rồi phần kế tiếp của tâm bắt đầu làm việc: tưởng (sãnnã). Một âm thanh đến, và từ một kinh nghiệm quá khứ và ký ức của bạn, bận nhận ra nó: một âm thanh… những lời… những lời khen… tốt đẹp; hoặc giả, một âm thanh… những lời…. những lời sỉ nhục… xấu xa. Bạn đưa ra một sự lượng định về tốt hay xấu, theo kinh nghiệm quá khứ của bạn. 

Lập tức, phần thứ ba của tâm bắt đầu làm việc: thọ (vedanã). Ngay khi một âm thanh đến, có một cảm thọ xuất hiện ở trên thân, nhưng khi tưởng nhận thức nó và cho nó một sự đánh giá, thì thọ trở thành dễ chịu hay khó chịu, hợp theo sự đánh giá ấy. Chẳng hạn: một âm thanh đến… những lời… những lời khen… tốt đẹp – và bạn cảm giác một lạc thọ (cảm thọ dễ chịu) khắp toàn thân. Hoặc giả, một âm thanh đến… những lời….. những lời sỉ nhục… xấu – và bạn cảm giác một khổ thọ (cảm thọ khó chịu) khắp toàn thân. Các cảm thọ phát sinh trên thân và được cảm giác bằng tâm; đây là nhiệm vụ của thọ (vedanã). 

Rồi phần thứ tư của tâm bắt đầu làm việc: hành hay sự phản ứng (sankhãra). Một âm thanh đến…. những lời…. những lời khen… tốt… cảm thọ lạc – và bạn bắt đầu thích nó: “Lời khen này tuyệt quá! Tôi muốn được khen nữa!”, hoặc một âm thanh đến…. những lời… những lời sỉ nhục… xấu… thọ khổ – và bạn bắt đầu không thích nó: “Im đi! Tôi không kham được sự sỉ nhục này”. Ở mỗi trong các cửa giác quan, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tiến trình cũng diễn ra như vậy. Tương tự, khi một tư duy hay sự tưởng tượng tiếp xúc với tâm, một thọ lạc hay khổ cũng khởi lên trên thân theo cùng cách thức như vậy, và bạn bắt đầu phản ứng lại với thích hoặc không thích. Cái thích chớp nhoáng này sẽ phát triển thành tham ái mạnh mẽ, còn sự không thích này sẽ phát triển thành sân mãnh liệt. Bạn bắt đầu thắt những gút mắc bên trong. 

Đây là hạt giống đích thực sẽ cho ra quả, là nghiệp sẽ đem lại quả báo: sankhãra, phản ứng tâm lý. Mỗi sát-na bạn tiếp tục gieo trồng hạt giống này, cứ tiếp tục phản ứng với thích và không thích, với tham và sân, và do làm như vậy bạn tự tạo đau khổ cho chính mình. 

Có những phản ứng tạo ra một đối tượng rất nhẹ và được xóa bỏ hầu như ngay tức thì, có những phản ứng tạo ra một ấn tượng hơi sâu hơn một chút và được xóa bỏ sau một khoảng thời gian nào đó, và có những phản ứng tạo ra một ấn tượng rất sâu, phải mất một thời gian dài mới xóa bỏ được. Cuối mỗi ngày, nếu bạn cố gắng nhớ lại tất cả các hành hay phản ứng (sankhãrã) mà bạn đã tạo ra, có thể bạn sẽ chỉ nhớ được một hoặc hai phản ứng đã tạo ra những ấn tượng sâu nhất trong ngày hôm đó. Cũng theo cách ấy, cuối mỗi tháng hay mỗi năm, có thể bạn sẽ chỉ nhớ một hoặc hai hành vốn tạo ra những ấn tượng sâu xa nhất trong suốt thời gian đó. Và có thích nó hay không, lúc cuối đời, bất cứ hành nào đã tạo ra ấn tượng mạnh mẽ nhất chắc chắn sẽ hiện khởi trong tâm; và kiếp sống kế sẽ bắt đầu với một tâm có cùng tính chất như vậy, có cùng những phẩm chất ngọt ngào hay cay đắng như vậy. Do hành nghiệp của chúng ta, chúng ta tạo ra tương lai cho chính chúng ta là vậy. 

Thiền Minh sát (Vipassanã) còn dạy cả nghệ thuật chết nữa: làm thế nào để chết một cách bình an, êm ái. Và bạn học nghệ thuật chết bằng cách học nghệ thuật sống: làm thế nào để trở thành chủ nhân của sát-na hiện tại, làm thế nào để không tạo ra một hành (phản ứng) ở sát-na này, làm thế nào để sống một cuộc sống an vui ngay trong hiện tại. Nếu hiện tại là tốt, bạn không cần phải lo cho tương lai, cái vốn chỉ là sản phẩm của hiện tại, và vì thế chắc chắn sẽ là tốt. 

Có hai phương diện của kỹ thuật: Thứ  nhất là phá bỏ hàng rào ngăn cách giữa những cấp độ tâm ý thức và tâm vô thức. Thường thường tâm ý thức không hay biết về những gì được kinh nghiệm bởi vô thức. Do sự không biết này che đậy, những phản ứng cứ tiếp tục xảy ra ở mức vô thức, vào lúc chúng ngoi lên mức ý thức, chúng đã trở nên căng thẳng đến độ dễ dàng áp đảo tâm. Nhờ kỹ thuật này, toàn  khối tâm trở thành ý thức, trở thành niệm hay cái biết; và sự không biết hay vô minh bị loại trừ. 

Phương diện thứ hai của kỹ thuật là xả, Bạn nhận biết tất cả những gì bạn kinh nghiệm, nhận biết từng cảm thọ, nhưng không phản ứng, không thắt những nút thắt mới của tham ái và sân hận bên trong, không tạo ra đau khổ cho chính mình. 

Buổi đầu, trong lúc bạn tòa thiền, hầu hết thời gian bạn sẽ phản ứng lại với cảm thọ, nhưng cũng có vài sát-na sẽ đến khi bạn giữ được thái độ buông xả, dù cho đau đớn khốc liệt. Những khoảnh khắc như vậy có ảnh hưởng rất mạnh trong việc thay đổi lề thói quen thuộc của tâm. Dần dần bạn sẽ đạt đến giai đoạn ở đó bạn có thể mỉm cười với bất cứ thọ nào, biết được nó là vô thường, chắc chắn sẽ phải diệt. 

Để thành tựu giai đoạn này, bạn phải tự mình hành; không ai khác có thể hành thay cho bạn. Thật là tuyệt vời là các bạn đã bước được bước đầu tiên trên đạo lộ; bây giờ cứ tiếp tục bước tới., từng bước từng bước một, hướng về sự giải thoát của  các bạn. 

Cầu mong tất cả các bạn hưởng được niềm hạnh phúc chân thực!

Cầu mong tất cả chúng sinh được an vui! 

 

Ghi chú: Những đoạn kinh Pãli trích dẫn trong bài giảng này. 

Mano-pubbanagamã   Tâm đi trước các pháp

Dhamma    Tâm làm chủ, tâm tạo

Mano-setthã, mano mayã    Nếu với tâm ô nhiễm

Manasã ce padutthena    Nói năng hay hành động

Bhãsati vã karotivã,    Đau khổ sẽ theo sau

Tato nam dukkha manveti    Như bánh (xe) lăn theo

Cakkam’ va vahato padam    chân (vật kéo

Mano –pubbangamã    Tâm đi trước các pháp

Dhammã    Tâm làm chủ, tâm tạo

Mano – setthã, mano mayã.    Nếu với tâm thanh tịnh

Manasã ce pasannena    Nói năng hay hành động

Bhãsati vã karotivã  

Tatonam sukkhamanveti    An lạc sẽ theo sau

Chãyã’ va anapãyinĩ     Như bóng không rời hình

Dhammapada I.1&2

 

Idha tappati, pecca tappati,    Nay đau khổ, sau khổ đau

Pãpakãrĩ ubhayattha tappati    Làm ác hai đời lãnh khổ đau

Pãpam me katam’ ti tappati,    Khổ đau thấy ác mình làm

Bhiyyo tappati duggatim gato    Đọa vào khổ cảnh lại còn khổ hơn

Idha nandati, peccanandati,    Nay an vui, sau an vui

Kata pũnno ubhaya attha nandati    Làm phước hai đời hưởng an vui

Pũnnãm me katan ti nandati,    An vui thấy phước mình làm

Bhiyyo nandati suggatim gato    Sanh vào nhàn cảnh lại còn vui hơn.

Dhammada I. 17&18

—o0o—

 

Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *