THIỀN VIPASSANA VÀ NHỮNG QUY LUẬT TỰ NHIÊN (P2)

Một Cuộc Phỏng Vấn Với Thiền Sư S.N.Goenka

Thực hiện: Alan Atkisson

 

Hỏi Nhiều người đến với thiền Minh sát vì họ cảm thấy đang khổ đau trên một phương diện nào đó. Nhưng còn những người không cảm thấy khổ đau, hay nói khác hơn, họ cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc và thoả mãn thì sao? Động cơ nào họ cần phải có để làm công việc này?

Goenkaji – Nói chung, chúng ta có thể bảo rằng Vipassanã giúp ích cho mọi người. Con người có thể ở bất cứ mức nào trong cuộc sống, nhưng họ không thể nói, “Không có chỗ nào cho sự hoàn thiện thêm nữa nơi tôi”. Bạn có thể là một người rất bình yên, bạn có thể là một người rất trí thức, rất thông minh và rất thành công. Có thể không có những nỗi khổ rõ rệt trong đời bạn. Tuy vậy, nếu bạn hành Minh sát, bạn bắt đầu hoàn thiện – bạn trở nên một người tốt hơn trước. Kinh nghiệm đã chứng minh điều này. 

Nhưng thường thường khi người nào đó nói, “Chẳng có nỗi khổ nào nơi tôi cả”, đây chỉ là một ảo tưởng. Người này không biết được có bao nhiêu kích động ở bên trong họ. Họ cứ vẫn bị mắc lừa trong dục lạc này dục lạc nọ; trong sự thoả mãn này, thoả mãn nọ – điều này chỉ là ở bề mặt. Sau tận bên trong họ, có biết bao nhiêu bất toại nguyện, bao nhiêu điều bất mãn. Vì thế trước tiên bạn phải hiểu rằng, “Ta là một bệnh nhân” và rồi phải hiểu rõ. “Đây là nguyên nhân của căn bệnh”. Và sau đó bạn phải cố gắng loại trừ nguyên nhân ấy để thoát khỏi căn bệnh. Như vậy ít nhất bạn phải có động cơ này – tức là để trở thành một người tốt hơn những gì bạn đang là. 

Người thương gia thành công sẽ trở thành người thương gia thành công hơn nữa, những văn sĩ đã thành công sẽ trở thành những văn sĩ tốt hơn nữa, các nghệ sĩ trở thành các nghệ sĩ tốt hơn – trong mọi vị trí xã hội, trong bất kỳ nghề nghiệp nào, bạn sẽ thấy rằng sự hoàn thiện chung trong lãnh vực thế gian này xảy ra sau khi người ta đã thực hành Vipassanã. Để qua một bên lãnh vực siêu thế trong một lát – điều đó không sao cả. Nhưng trong lãnh vực hiệp thế, lãnh vực đời thường, khi bạn tiến bộ trong thiền Minh sát, bạn sẽ có được những kết quả tốt đẹp hơn. 

HỏiChúng ta hãy trở lại với lãnh vực siêu thế. Khoa học Minh sát dạy như thế nào về siêu thế hay vấn đề siêu linh huyền bí?

Goenkaji – Có nhiều kinh nghiệm thường được gọi là “siêu thế” mà người hành thiền có thể chứng, nhưng đối với chúng tôi điều đó không quan trọng. Những kinh nghiệm ấy cũng là tự nhiên; không phải phi tự nhiên. Không có gì kỳ đặc cả. Nhưng nếu người ta nhắm đến một loại kinh nghiệm siêu thế nào đó, thì toàn bộ mục đích của Minh sát sẽ mất. Mục đích của Minh sát là để tịnh hoá tâm, để sống một cuộc sống tốt đẹp. Bạn có thể kinh nghiệm một số năng lực siêu nhiên, song nếu tâm bạn vẫn đầy ắp sân hận, ác ý, thù hằn, thì những năng lực siêu nhiên (thần thông) ấy có ích gì? Nó chỉ làm tăng bản ngã của bạn thêm thôi, “nhìn này, tôi giờ đây là một hành giả tầm cỡ đấy, vì tôi có thể làm những điều mà người khác không thể làm”. Đây là sự điên rồ, không lợi ích gì cả. Vì thế chúng tôi không xem những kinh nghiệm ấy là quan trọng. 

Những kinh nghiệm như vậy sẽ đến. Trên đạo lộ, tâm càng lúc càng trở nên thanh tịnh hơn, và một cái tâm thanh tịnh sẽ trở nên rất mạnh. Nhưng đó là sức mạnh theo hướng tích cực. Một cái tâm bất tịnh, do một vài luyện tập tinh thần nào đó, cũng có thể trở nên rất mạnh – nhưng đó là một cái tâm bất tịnh. Nó sẽ tự hại nó, và nó sẽ hại người khác. Như vậy, sự thanh tịnh của tâm là mục đích của Minh sát; thần thông là phụ, một sản phẩm phụ. 

HỏiMới đây tôi được nghe một người nổi tiếng nói chuyện, một người rõ ràng rất sáng suốt, rất thông thái, rất trí thức, rất lỗi lạc – nhưng, theo nhận thức của tôi, cũng rất ích kỷ, theo lối mà dường như có khả năng nguy hiểm cho người đó cũng như cho những người khác. Ngài khuyên nên đối phó với một người như thế cách nào?

Goenkaji – Bạn thấy, nếu bạn chỉ nói với người đó, “Này, ngài là một người rất thông thái, nhưng đối với tôi, dường như ngài cũng là một con người ích kỷ”, điều đó chẳng ích gì cả. Người này sẽ trở nên ích kỷ hơn”. “Ông biết cái gì? Ông là một thằng điên. Ông không biết rằng tôi đã thoát khỏi cái tôi (ego) sao?”. Đó là những gì người này sẽ nói. 

Điều tốt nhất là hãy cố gắng thanh tịnh mình trước. Với một cái tâm thanh tịnh, bạn nói điều gì cũng sẽ rất hiệu quả. Khi những lời nói xuất phát từ một người có tư cách đạo đức, thì ngay cả con người đầy bản ngã này cũng sẽ phải suy nghĩ, “Đúng, có thể nhận xét này chính xác. Tôi sẽ xét lại điều này. Ắt hẳn có điều gì đó sai nơi tôi”. 

Nhưng khi mà bạn nói với sự nóng giận hay sân hận. “Ồ cái gã này nói như thể hắn là một người rất thông thái, mà thực ra hắn chỉ là một gã điên”. Ngay cả khi ý chí chuyên chở chút sân hận thôi, những lời nói sẽ chẳng mang ý nghĩ gì cả. Lời nói ấy sẽ không đáp ứng được mục đích, bởi vì sự rung động của tâm ấy sẽ phát ra, chạm vào con người này và anh ta sẽ trở nên kích động; anh ta không thích điều đó. Nhưng nếu một rung động của lòng từ ái đi cùng với cũng những lời ấy, bạn sẽ thấy một thay đổi lớn xảy ra. 

Những ai muốn giúp người khác thoát khỏi khổ đau, hoặc thoát khỏi những khuyết điểm của họ, trước hết phải tự mình thoát khỏi những khiếm khuyết đặc biệt ấy đã. Một người què không thể nâng đỡ một người què khác. Một người mù không thể chỉ đường cho người mù khác. Vipassanã giúp cho bạn trước hết trở thành một con người lành mạnh đã, rồi sau đó bạn mới giúp những người khác trở nên lành mạnh được. 

HỏiVipassanã có phải là con đường độc nhất đưa đến sự thanh tịnh đó không?

Goenkaji – À, bạn có ý gì khi nói “con đường độc nhất”? Chúng tôi không chấp vào từ “Vipassanã”. Những gì chúng tôi muốn nói là, con đường độc nhất để trở thành một con người lành mạnh là thay đổi lề thói quen của tâm chúng ta. Ở mức căn để (gốc rễ). Và ở mức căn để của tâm là chỗ mà nó vẫn cứ luôn luôn tiếp xúc với các cảm thọ của thân, cả ngày lẫn đêm. Nếu cảm giác lạc thọ, nó sẽ phản ứng với tham ái, chấp thủ. Nếu cảm giác khổ thọ, họ sẽ phản ứng với sân. Điều đó đã trở thành lề thói quen của tâm chúng ta. 

Có người cho rằng chúng ta có thể thay đổi tâm của chúng ta bằng kỹ thuật này hay kỹ thuật nọ. Và trong một chừng mực nào đó, những kỹ thuật này có hiệu quả. Nhưng nếu những kỹ thuật này không biết đến các cảm thọ của thân, điều đó có nghĩa rằng chúng đã không đi vào phần sâu thẳm của tâm. 

Như vậy bạn không cần phải gọi đó là Vipassanã – Chúng tôi không chấp vào cái tên này. Nhưng những người làm việc với các cảm thọ của thân, luyện tập tâm không để phản ứng với các cảm thọ, là đang làm việc ở mức căn để. Đây là khoa học, là quy luật của tự nhiên mà tôi nói đến. 

Tâm và vật chất (danh và sắc) hoàn toàn tương quan với nhau ở mức sâu kín nhất, và chúng cứ tiếp tục phản ứng lẫn nhau. Khi sân hận được tạo ra, một điều gì đó bắt đầu xảy ra ở mức vật lý (thể chất). Một phản ứng sinh hoá bắt đầu. Khi bạn phát sanh sân hận, một loại sinh hoá (biochemistry) đặc biệt sẽ tiết ra, chất này bắt đầu chảy cùng với dòng máu. Và do chất sinh hoá đặc biệt ấy đã bắt đầu chảy, nên có một cảm thọ rất khó chịu. Tính chất hoá học ấy khởi động là do sân hận. Vì thế tất nhiên là nó rất khó chịu. Và khi cảm thọ khó chịu này có mặt, tâm vô thức sâu kín của chúng ta bắt đầu phản ứng lại với sân hận nhiều hơn nữa. Sân hận càng nhiều, dòng sinh hoá đặc biệt này sẽ càng nhiều. Dòng sinh hoá càng nhiều, thì sân hận cũng lại càng nhiều. Một vòng luẩn quẩn đã bắt đầu. Vipassanã giúp chúng ta cắt đứt vòng luẩn quẩn ấy. Khi một phản ứng sinh hoá bắt đầu, Vipassanã dạy chúng ta quan sát nó. Không phản ứng, chúng ta chỉ quan sát. Đây là khoa học thuần tuý. Nếu người ta không muốn gọi nó là Vipassanã, họ có  thể gọi bằng bất kỳ tên nào khác, chúng tôi không quan tâm việc ấy. Nhưng bạn phải làm việc ở mức sâu kín của tâm. 

Hỏi Tôi đọc sách thấy Ngài nói rằng đạo Phật đã mai một những gì đức Phật dạy, đó là Pháp (Dhamma) hay kỹ thuật Minh sát. Về truyền thống Thiên Chúa, ý kiến của Ngài như thế nào? Jesus có dạy điều gì tương tự không?

Goenkaji – Mỗi con người thánh thiện trở thành thánh là vì vị ấy đã làm một điều gì đó để tịnh hoá tâm. Không có phép mầu hay phép lạ nào cả. Những chuyện như vậy là do người sau áp đặt. Một người được xem là người tốt vì họ đã tịnh hoá tâm. Và để tịnh hoá tâm, phải đi vào phần sâu thẳm của tâm và nhổ sạch những bất tịnh ở đó. Đây là những gì Jesus vẫn tiếp tục giảng dạy cho con người. 

Như vậy, trong mọi truyền thống, dù Thiên Chúa hay Do Thái giáo, dù ấn giáo hay Hồi giáo, các đấng mà chúng ta gọi là người sáng lập của những tôn giáo này là những con người thánh thiện. Họ không quan tâm đến chuyện đánh nhau với người khác nhân danh tôn giáo – điều đó chỉ bắt đầu sau này. Các vị ấy dạy một con đường để tịnh hoá tâm, và con đường đó đã mất dấu ở khắp nơi. Chẳng còn ai hành theo con đường này. Người ta có thể tự coi mình là một Phật tử, song họ không còn thực hành kỹ thuật mà đức Phật dạy nữa. Đối với người Hồi giáo cũng vậy, người Thiên Chúa giáo cũng vậy, khắp mọi nơi đều vậy cả. 

Tại sao tôi nói điều này? Vì những người đến với kỹ thuật thiền Minh sát từ mọi cộng đồng, từ mọi tôn giáo. Một số lớn các nữ tu và linh mục Thiên Chúa đã đến, hằng trăm người trong họ, và họ vẫn tiếp tục đến. Khi họ trải qua một khoá thiền, họ nói, “Bây giờ thì chúng tôi hiểu được những gì Chúa Jesus dạy”. Họ học thiền Minh sát, và họ nói, “Bây giờ do pháp hành này, chúng tôi đã hiểu. Trước đây chúng tôi không hiểu đúng đắn những lời của Chúa”. Bạn thấy, chúa Jesus cũng là một người thực hành. Ngài đang nói về kinh nghiệm của Ngài, và trừ khi chúng ta có được kinh nghiệm ấy, bằng không chúng ta chẳng thể hiểu được Ngài. Những điều tương tự như vậy cũng được những người Hồi giáo nói khi họ trải qua một khoá thiền Minh sát. Người Hồi giáo cũng vậy, người Phật tử cũng vậy, nói cùng những điều tương tự. Sự thực là sự thực. Nếu người ta vẫn còn ở mức tri thức, như tôi đã nói lúc đầu, hoặc ở mức đức tin, thì sự thực khác nhau giữa người này với người kia. Nhưng ở mức kinh nghiệm, sự thực luôn luôn như vậy – không phân biệt người hành nó. 

HỏiTất nhiên ở đây chúng tôi còn đang làm việc ở mức tri thức, điều mà tạm thời không thể tránh được. Nhưng Ngài có thể giải thích thêm về thân đang tạo rung động? Và phải chăng con người luôn luôn phải chịu trách nhiệm về sự kích động trong thân của mình, hay con người dễ bị mẫn cảm đối với những rung động đến từ một người khác?

Goenkaji – Bất cứ rung động nào đến từ bên ngoài, chắc chắn là nó sẽ ảnh hưởng đến bạn. Nhưng nếu bạn làm chủ được mình ở bên trong, thì sự rung động của bạn sẽ mạnh đến nỗi bạn có thể giúp và tịnh hoá sự rung động ở bên ngoài được. Nếu tôi là một người yếu, bất cứ thứ gì cũng sẽ cố gắng áp đảo tôi. Nếu sự kích động đang xảy đến, và tôi là một con người yếu đuối, tôi sẽ ngã quỵ trước sự kích động đó. Nếu tôi là người mạnh, tôi không ngại bất cứ điều gì xảy đến – tôi sẽ phát ra những rung động của tôi, đó là rung động của lòng từ ái, bi mẫn, thiện chí, kiên định, xả, và tôi không làm tổn hại ai cả. Vì Vipassanã, một trăm phần trăm nguyên nhân của khổ là ở trong bản thân chúng ta, chứ không ở ngoài. Một trăm phần trăm nguyên nhân của hạnh phúc cũng ở trong bản thân chúng ta, chứ không ở ngoài. Chúng ta là chủ nhân của chính chúng ta. Hãy phát triển sự làm chủ chính mình đó và bạn sẽ trở thành một người hạnh phúc. 

HỏiMột số người sẽ cảm thấy rằng họ có thể phải hy sinh một số niềm vui nào đó trong cuộc sống cũng như phải từ bỏ việc dự phần trong sự kích động đó.

Goenkaji – Không. Cuộc sống sẽ rất vui vẻ chứ! Bạn muốn nói đã hưởng một loại cuộc sống đặc biệt, có lạc thú này, lạc thú nọ. Bạn cho rằng điều ấy là sung sướng ư? Nhưng một khi bạn kinh nghiệm được niềm vui của một cái tâm quân bình và an tịnh, bạn so sánh hai thứ xem, bạn sẽ thấy là không có sự so sánh ở đây. Sự khác nhau ấy cũng tựa như cái khác nhau giữa ánh sáng và bóng tối vậy, thực là to lớn. Bạn cảm thấy rất hạnh phúc: “ồ, ta đã thoát được nó”. Bạn không phải trở thành như một người mất trí, không còn cảm xúc trong cuộc sống. Không phải vậy, cuộc sống của bạn sẽ tràn ngập niềm vui, tràn ngập sự sống. Cuộc đời sẽ trở nên thật tươi sáng và tốt đẹp, tràn đầy sức sống. Đó không phải là cuộc sống thiếu sinh khí. 

Nhưng đối với người không kinh nghiệm được điều này, nó có vẻ như một ảo tưởng – “Ồ, sự bình yên của tâm như vậy là điều không thể có. Hãy hưởng thụ mọi thứ ở mức dục lạc vẫn quan trọng hơn”. Không phải rằng sau khi học Vipassanã xong chúng ta sẽ chạy trốn các dục lạc, mà sẽ không có sự dính mắc vào chúng thôi. Nếu chúng ta mất nó, thì cứ mất, chúng ta cứ có, chúng ta vẫn mãn ý. Bình thường, khi bạn mất nó, bạn sẽ cảm thấy rất chán chường. Với kỹ thuật này, sự chán chường ấy sẽ qua đi, và bạn thực sự hạnh phúc. 

HỏiÀ, đó có thể là một ảo tưởng, nhưng chắc chắn là tôi cảm thấy thú vị với cuộc phỏng vấn này.

Goenkaji – Hãy dành ra mười ngày để học kỹ thuật này và bạn sẽ hưởng được niềm vui thực sự. 

HỏiCho phép tôi hỏi Ngài về vấn đề khổ. Đối với những đứa bé bị đau đớn nhiều về thể xác thì sao? Chúng không kiểm soát được cái khổ của chúng

Goenkaji – Các bậc cha mẹ phải có trách nhiệm đối với niềm vui, hạnh phúc, hoặc khổ đau của đứa trẻ, ở giai đoạn ban đầu. Cha mẹ cần phải đem lại cho con cái một bầu không khí tốt đẹp. Nếu các bậc cha mẹ lúc nào cũng kích động, cãi nhau, nóng nảy, sân hận, thế này thế nọ, thì toàn bộ bầu không khí của gia đình là bầu không khí mà con cái họ không thể cảm nhận được thế nào là hạnh phúc chân thực. 

Hiện nay có rất nhiều hình thức bóc lột khác nhau đang xảy ra, vì thế người ta ngần ngại đến với các loại thiền, dù đó là thiền gì cũng vậy. Nhưng hy vọng trong vài năm nữa, khi mà ngày càng nhiều người kinh nghiệm được lợi ích của nó, lúc đó thiền Minh sát sẽ trở thành một phần của cuộc sống xã hội. Bây giờ chúng ta đã có những trường học, đại học, các phòng để tập thể dục, các bệnh viện – những cơ sở này là cần thiết cho xã hội. Cũng vậy, các trung tâm thiền Minh sát sẽ trở thành cần thiết cho xã hội. Trẻ em sẽ đi đến các trung tâm này – không nhất thiết phải mười ngày. Họ sẽ chỉ bắt đầu bằng việc quan sát hơi thở của họ trong vài phút. Nó sẽ trở thành một phần trong việc giảng dạy ở học đường. 

Ở Ấn Độ, có một ngôi trường gọi là P.T (physical training: rèn luyện thể chất). Tôi nghĩ, tại sao lại không có M.T (mental training; rèn luyện tinh thần)? Mười phút là đủ, và trọn cả ngày làm việc sẽ tốt đẹp hơn. Một số các trường học đã bắt đầu thực hiện điều này và gặt hái những kết quả rất tốt. Việc luyện tâm này sẽ trở nên rất phổ thông; chắc chắn điều đó phải xảy ra. Một số người xem đó như một tôn giáo, một sự sùng bái, hay một giáo điều, vì thế tất nhiên sẽ có sự tức giận và chống đối. Nhưng Vipassanã (thiền Minh sát) chỉ nên được xem như một khoa học thuần tuý, khoa học về tâm và vật chất, hay như một sự luyện tập thuần tuý về tâm nhằm giữ cho nó được lành mạnh.

Có gì đâu để có thể chống đối? Và Vipassanã thực sự hướng đến kết quả, vì nó đang cho kết quả ngay ở đây và bây giờ. Chắc chắn người ta sẽ chấp nhận điều này. Buổi đầu luôn luôn có những khó khăn. Khi một trung tâm thiền Minh sát khởi công, những người lân cận có thể cho rằng, “Ồ những người này là ai, họ đang làm gì ở đây thế nhỉ?”. Nhưng sau một, hai, hoặc ba năm, họ thấy nó là cái gì đó thực tốt, thiền cũng giúp ích cho họ nữa. Một số người trong họ sẽ đến tham dự, và tiếng đồn sẽ truyền đi. Ở các trung tâm Minh sát khác, điều này cũng đã xảy ra. Năm đầu tiên, hơi có một chút xao động. Năm thứ hai rồi năm thứ ba, những người lân cận bắt đầu hợp tác. Thiền chắc chắn phải lan rộng. 

Hỏi Vì lẽ vẫn chưa có nhiều trung tâm thiền, và rất nhiều người trên thế giới không thể kiếm được một nơi, ắt hẳn khó mà chọn một chỗ tiện lợi cho việc tu tập này. Hầu hết những trung tâm mới lại đang được tạo dựng ở phương Tây. Có phải chiến lược của Ngài là trước tiên để cho thiền được truyền bá ở những nơi người ta đã có đủ cơm ăn áo mặc và tự lo liệu cho bản thân họ không?

Goenkaji – Không. Tôi không cho rằng chỉ những người như vậy mới có thể đến, vì theo kinh nghiệm của tôi, ở Ấn Độ, nơi có rất nhiều người nghèo. Một người tri thức bình thường cũng hiểu rằng trước tiên bao tử phải no đã. Người mà bao tử trống rỗng, làm sao họ có thể hành thiền được? Nhưng người đó cũng cần hành Vipassanã như người giàu vậy. Đối với tôi, họ đều khổ như nhau. 

Hiện nay đối với những người thậm chí cơm ăn ngày một bữa cũng không đủ nữa, điều này thật là khó. Nếu người ấy đến dự một khoá thiền, trong mười ngày đó, ít nhất họ cũng phải lo về cái ăn. Người đó có cơm ăn miễn phí, chỗ ngủ miễn phí, mọi nhu cầu cần thiết, tốt hơn những gì họ có ở nhà. Và sau khi học xong khoá thiền, trở về nhà, họ có thể đương đầu với những khó khăn. Tôi cho rằng người giàu còn có nhiều khó khăn hơn nữa, nhưng người ta chẳng bao giờ hiểu điều ấy.  

Ở Ấn Độ, 25 hoặc 30 phần trăm trong số những người đến dự các khoá thiền Vipassanã sống dưới mức tối thiểu. Thậm chí có những người đi suốt cả ngày mà không ăn, nhưng họ vẫn đến. Sau mười ngày, những người thân trong gia đình của họ có khi đến và cảm ơn chúng tôi. Người này có thể không có tiền, nhưng kiếm được đồng nào, dù chỉ vài xu nhỏ, họ cũng xài vào việc rượu chè, cờ bạc, vì họ nghĩ đây là cách duy nhất để thoát khỏi khổ đau: “Nếu tôi có chút rượu, tôi sẽ quên sầu; nhờ cờ bạc, tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn”. Vì thế, hai loại người này có mặt ngay cả với những người nghèo nhất ở Ấn Độ.

Sau chỉ một hoặc hai khoá thiền, họ đã thoát được những thói quen bất thiện này. Một cách tự động. Chẳng ai bảo họ: “Trở về nhà, anh không nên chơi bài nghe chưa!”. Chẳng ai bảo họ: “Trở về nhà, anh không nên uống rượu nữa nhé!”. Tất cả sự nghiện ngập ấy chẳng qua là sự nghiện ngập của thân. Và một khi họ đã học được cách quan sát các cảm thọ của thân, họ sẽ thoát khỏi những sự nghiện ngập này. 

Vipassanã dễ dàng giải thoát con người khỏi sự nghiện ngập vào các loại ma tuý hay rượu chè, vì mọi sự nghiện ngập đều là đối với cảm thọ của thân. Trông thì có vẻ như người ta bị nghiện rượu, nhưng không – người ta bị nghiện cái cảm giác do uống rượu tạo ra, và họ muốn có mãi cảm giác ấy. Do đó họ phải làm một cái gì đó để tạo ra cảm thọ ấy. Bây giờ, qua thiền Minh sát, họ biết được rằng khi cảm thọ đến, họ chỉ quan sát. Tôi không phản ứng, vì thế sự chấp trước của tôi vào nó biến mất. 

Như vậy, những người nghèo đó cũng bắt đầu tìm được lợi ích ngay cả ở mức vật chất. Những gì họ kiếm được giờ đây họ sử dụng cho gia đình họ, cho bản thân họ. Họ bắt đầu sống tốt đẹp hơn. Trước đây họ không kiếm được tiền vì tâm trí họ loạn động, vì rượu, vì cờ bạc. Giờ đây tâm họ ổn định hơn, và họ cũng kiếm được nhiều tiền hơn. Bất cứ công việc gì họ làm, họ đạt được những kết quả khá hơn. Vì thế tiền kiếm được của họ tăng lên, và chi tiêu của họ giảm xuống. Những kết quả như vậy đang xảy ra ở khắp nơi. 

Nếu một người giàu có ích kỷ thực hành Minh sát, tính ích kỷ sẽ biến mất. Người ấy thấy rõ, “Tất cả tiền bạc mà ta kiếm được hoặc ta đang có này, sao lại chỉ dành cho mình ta? Tiền ấy từ xã hội mà có. Tất nhiên nó phải được dùng để nuôi dưỡng bản thân ta hoặc nuôi dưỡng những người nương tựa vào ta. Chắc chắn ta là một gia chủ, chứ không phải một vị sư hay tu nữ. Nhưng nó cũng phải được dùng cho xã hội, vì lợi ích của những người khác”. Người này thì đang bóc lột xã hội bằng tiền cờ bạc, hợp pháp hay bất hợp pháp, trong khi kẻ khác lại đang đau khổ. Bây giờ người này trở nên rất rộng lượng, vì lợi ích của người khác và qua đó thoát khỏi khổ đau, vì người này bản thân đang đau khổ. Khi họ thoát khỏi nó, thì sự tích luỹ của họ sẽ được dùng cho lợi ích của kẻ khác, điều đó cũng rất tự nhiên thôi. Không có pháp thuật nào thay đổi được xã hội, không phải cần đến một phép lạ nào cả. Mọi thứ đã đến mức quá tệ, tự chúng sẽ tìm ra lối thoát thích hợp. Chắc chắn chúng sẽ tìm ra, vì Vipassanã đã bắt đầu tạo ra những kết quả. 

Hỏi Có thể nào thất bại trong thiền Minh sát không?

Goenkaji – Có, nếu bạn không làm đúng theo những gì người hướng dẫn của bạn yêu cầu bạn phải làm. Trong mười ngày bạn sẽ phải bỏ lại đằng sau mọi thứ khác mà bạn đang hành. Bạn đến dự trong vòng mười ngày để học một kỹ thuật hết sức độc đáo, có những nét đặc biệt riêng của nó. 

Kỹ thuật này sẽ đưa bạn vào chỗ sâu kín của tâm. Bạn bắt đầu từ bề mặt và đi vào chiều sâu – một cuộc phẫu thuật trên tâm bạn. Trong quá khứ, có thể bạn đã từng hành một loại thiền khác nào đó, có liên quan đến việc niệm thầm, hay sự mường tượng; hoặc một loại hành thiền về đức tin, hoặc một trò chơi tri thức, hoặc một sự tưởng tượng nào đó. Nếu trong khi hành Minh sát mà bạn lại muốn hành luôn một hoặc tất cả những loại thiền này, thì sẽ bị một sự xung đột bên trong. 

Toàn bộ kỹ thuật Minh sát muốn bạn đi vào chiều sâu của tâm và quan sát những rung động tự nhiên đang xảy ra ở đó, từ sát na này đến sát na khác. Nếu bạn tạo ra một vài rung động do những tư duy tri thức của bạn, hoặc do những cảm xúc của bạn, hoặc do một sự niệm thầm nào đó trên mức bề mặt của tâm, và bạn lại muốn đi vào chiều sâu của tâm, thì sẽ có một xung đột. Vì thế không chỉ trích những gì bạn đã hành trong quá khứ, vị thầy của bạn sẽ nói, “Hãy để điều đó sang một bên, và hãy dành cho kỹ thuật này một sự thử thách trong mười ngày.

Sau mười ngày, bạn hoàn toàn tự do – nếu bạn không thích nó, hãy quăng nó đi. Nếu bạn thích, hãy chấp nhận nó, nhưng đừng có hoà trộn hai thứ với nhau trong mười ngày này”. Rất hiếm (có sự thất bại) trừ khi người đó pha trộn các phương pháp theo cách đó, thì mới có khó khăn. 

Bằng ngược lại, không thể có việc rơi vào khó khăn, và cũng không thể có chuyện thất bại. Khi bạn nói “thất bại” điều đó có nghĩa là không đạt được điều gì cả. Chưa có một trường hợp nào có người bảo: “Tôi chẳng được gì cả?”. Họ có thể được ít hay có thể được nhiều, tuỳ theo nỗ lực họ đã đầu tư và kỹ thuật. Nhưng bảo đảm phải có một kết quả rõ rệt, điều đó không hoài nghi. 

Hỏi Tất cả cảm thọ đều có một mục đích, hay một số kinh nghiệm là vô nghĩa? trong việc thực hành Minh sát, Ngài có thấy rằng mọi thứ xảy ra với chúng ta đều có một mục đích, một ý nghĩa không?

Goenkaji – Có một mục đích, nhưng nếu bạn không biết được mục đích ấy là gì, mỗi cảm thọ sanh lên cũng cho bạn bài học này: “Xem này, tôi là vô thường, tôi sanh để diệt”. Đừng để bị kích động bởi nó. Đừng để cho nó áp đảo. Bạn hãy học. Biến cảm thọ này thành một lợi khí, để thay đổi lề thói quen của bạn. Theo cách đó, mọi kinh nghiệm đều mang rất nhiều ý nghĩa. 

Nếu chúng ta không biết mục đích là gì, thì chúng ta sẽ bị áp đảo và chúng ta cứ tiếp tục phản ứng, phản ứng. Chúng ta tự làm cho mình tồi tệ hơn. Đây là sự vô minh của chúng ta. Mục đích của rung động là tốt, nó cho chúng ta một lời cảnh báo. Tôi đang giận, và sự rung động đã bắt đầu, vì cơn giận ấy. Đó là một lời cảnh báo cho tôi: “Xem này, đừng có giận, nếu không bạn sẽ nếm cái này, và cái này sẽ sinh sôi nảy nở”. Bây giờ, nếu tôi không màng đến lời cảnh báo đó, tôi sẽ tự hại mình. Nhưng có một mục đích tốt ở đó, vì thế bạn bắt đầu quan sát nó “à, xem này, một cảm thọ đã xuất hiện do sự nóng giận của tôi, để xem xem nó kéo dài bao lâu nào”. Như vậy tôi đã biến nó thành một lợi khí để đi ra khỏi cơn giận của tôi. 

HỏiNgài có muốn nhấn mạnh điều gì về Vipassanã không?

Goenkaji – Vipassanã không là gì cả ngoại trừ một nghệ thuật sống. Không nên lẫn lộn nó với bất kỳ một tôn giáo, giáo điều, triết lý, hay đức tin nào. Tất cả đều phải bỏ qua một bên. Vipassanã (Minh sát) là một quy tắc ứng xử, một con đường thanh tịnh nhằm sống một cuộc sống thiện, lành mạnh. Thiền Minh sát lợi ích cho chính bản thân chúng ta và cho mọi người. 

Nếu Vipassanã được hiểu theo cách ấy – và đó là cách đúng đắn để hiểu Vipassanã – nó sẽ rất hữu ích. 

Nhưng nếu nó được nhìn với cặp kính màu, “Xem này, một tôn giáo khác đã đến, đây là Phật giáo, hay tôn giáo này, tôn giáo khác”, – lúc đó bạn sẽ thiệt thòi. Vipassanã không mất mát điều gì cả, nhưng những người mang những cặp kính màu như vậy sẽ thiệt thòi. Cần phải xem thiền Minh sát là một khoa học, một khoa học thuần tuý về tâm và vật chất khởi đầu ở mức rất thô và rõ rệt bên ngoài, nhưng càng lúc càng đưa chúng ta vào những mức sâu xa và vi tế hơn, thậm chí đến mức tâm và vật chất được xem như thanh tịnh. Đó là điều quan trọng và đó là bức thông điệp cho mọi người. Đó là lý do vì sao Minh sát không giới hạn cho bất kỳ một cộng đồng nào, một tôn giáo đặc biệt nào, hay một xứ sở đặc biệt nào. Nó dành cho tất cả. 

HỏiTôi rất thích đọc những mẩu chuyện có tính cách giáo dục trong các sách của Ngài. Xin ngài kết thúc cuộc phỏng vấn này với một câu chuyện

Goenkaji – Có câu chuyện kể về một vị thánh đang ngồi trên bờ sông. Ngài thấy một con bò cạp trôi qua, và biết rằng con bò cạp này sẽ bị chết chìm trong nước. Ngài muốn cứu con bò cạp nhưng tìm không ra cái gì để vớt nó lên. Vì thế, là một bậc thánh, ngài đưa tay xuống nước để vớt nó. 

Nhưng khi ngài bốc nó, thì con bò cạp bèn cắn và chích nọc độc vào ngài, rồi rơi xuống nước trở lại. Mặc dù vậy, ngài vẫn giúp con bọ cạp. Một người đứng xem nói, “Ngài đang làm gì vậy? Ngài biết con bò cạp sẽ chích ngài, vậy mà ngài vẫn cứ làm điều đó sao?” – Chích là thói quen của bọ cạp, còn thói quen của tôi là phục vụ. Sao tôi lại phải thay đổi thói quen của tôi chứ!”. 

Công việc của người hành thiền Vipassanã là để phục vụ, để giúp đỡ, dù cho hậu quả có thể là như thế nào. Song, cuối cùng thì những kết quả bao giờ cũng là tốt cả. 

 

Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *