36. Nếu phần thưởng của việc đạt đến Nibbāna (Niết bàn) là cái chết của thân, vậy tại sao phải tập cách chết?

Khi ta đạt tới Nibbāna, câu hỏi này sẽ được tự động được giải đáp. Đây không phải là hoàn toàn tiêu vong. Nghệ thuật chết là một nghệ thuật tuyệt vời. Ta đang học nghệ thuật chết mà nó đem lại cho mình nghệ thuật sống. Vipassana cho mình nghệ thuật sống. Ta có thể đạt tới giai đoạn được gọi là chết ngay trong kiếp sống này, nếu như ta trải nghiệm giai đoạn Nibbāna, khi các cửa giác quan không còn hoạt động.

Có thể gọi đó là cái chết, nhưng trong nội tâm, ta lại hoàn toàn tỉnh thức. Giai đoạn này sẽ đến, chỉ khi nào, ta biết cách sống, nghệ thuật sống, thoát ra khỏi các Saṅkhāra và bất tịnh. Điều ấy sẽ cho mình cuộc sống lành mạnh, tuyệt vời. Vì thế, nghệ thuật sống có liên quan đến nghệ thuật chết. Đừng sợ hãi về điều đó.

37. Sau khi trở thành một người giải thoát, không còn tái sinh thì Ngài sống ở đâu?

Những câu hỏi như thế này, người ta đã hỏi đi, hỏi lại Đức Phật nhiều lần: “Chuyện gì xảy ra cho một Vị Arahan (A La Hán) sau khi chết? Xin Ngài nói cho chúng con biết. Nếu không, con trở thành Arahan để làm gì? Nếu con không biết điều gì xảy ra cho con sau khi trở thành Arahan và chết đi sau đó”. Điều gì xảy ra sau cái chết của một Vị Arahan sẽ được Vị ấy trải nghiệm ngay trong kiếp sống hiện tại. Bởi vì, khi một Vị chứng Quả Arahan, tầng Nibbāna (Niết bàn) thứ tư, thì Ngài trải nghiệm nó ngay trong đời sống này. Vì thế, Ngài ấy hiểu: “Ồ! Đây là cái tối hậu. Nên sau khi chết, đây là điều sẽ xảy ra”. Nhưng điều này không thể giải thích được.

Không ai có thể giải thích vì đây là kinh nghiệm vượt ra ngoài thân và tâm cũng như phạm vi cảm giác. Với các cơ quan cảm giác, ta không thể diễn tả điều gì mà mình trải nghiệm vượt ra ngoài các cơ quan cảm giác. Ví như, có người nào đó chỉ biết 3 chiều của thực tại; Nay, bỗng nhiên, trải nghiệm chiều thứ 4. Làm sao người ấy lại có thể nói về chiều thứ 4 được, và làm sao người ta hiểu được chiều thứ 4 là gì. Tương tự như thế, giai đoạn Nibbāna (Niết bàn) không thể giải thích bằng lời nói. Nhưng bằng chứng thì cần phải thể nghiệm mới biết được. Ta thể nghiệm bằng cách thực hành và đi trên con đường này, ta sẽ thể nghiệm được giai đoạn đó. Khi ấy, ta sẽ biết rõ ràng điều gì sẽ xảy ra sau khi trở thành một Arahan và sau khi chết.

38. Nếu cái “Ta” không hiện hữu, chỉ là một ảo tưởng, làm sao cái không hiện hữu lại tái sinh được?

Không có cái gì tái sinh cả. Chỉ là một dòng tâm thức liên tục tiếp nối. Saṅkhāra là động lực trong từng cuộc sống, từng phút giây. Tùy theo một Saṅkhāra nào đó sẽ làm cho Viññāṇa (Thức – Sự hay biết) ở giây phút kế tiếp sinh khởi. Rồi một lần nữa, lại một Saṅkhāra tác động làm cho Viññāṇa ở giây phút kế… Vào giờ phút lâm chung, một Saṅkhāra mạnh mẽ nào đó thực hiện một cú đẩy. Thế là, Viññāṇa (Thức tái sinh) sinh khởi ở một nơi nào đó, với một thân thể khác. Như vậy, chỉ có một dòng tâm thức và vật chất vận động liên tục cho tới khi mình xóa sạch hết tất cả mọi Saṅkhāra.

39. Một người đã kết hôn có thể nào sau khi giác ngộ, người ấy vẫn sinh con không?

Khi Quý vị giác ngộ, câu hỏi ấy sẽ được giải đáp. Đừng lo lắng gì cả! Khi tiến bước trên đường tu tập, ham muốn nhục dục tự nhiên sẽ bớt dần đi và yếu dần cho đến khi không còn nữa. Khi ấy, ta vẫn cảm thấy rất thoải mái và hạnh phúc. Khi đó, việc có con không thành vấn đề. Vậy thì hãy tiến tới giai đoạn ấy và tất cả mọi câu hỏi sẽ được giải đáp.

40. Thưa Thầy, trong khi tu tập Vipassana, ngoài cảm giác trên cơ thể, chúng ta có nên chú tâm đến những cái khác không? Như thấy, nghe v.v..?

Đúng, nhưng không phải trong giai đoạn này, điều đó sẽ đến sau này. Đầu tiên, các con phải phát triển tới mức độ cảm thấy cảm giác khắp mọi nơi trên cơ thể. Một khi ý thức này của các con đã vững mạnh, khi một âm thanh đến, thì rất dễ cảm thấy cảm giác do âm thanh gây ra. Nếu con không ý thức được cảm giác và con cứ lặp đi lặp lại: “Ồ, đây là âm thanh”, nó sẽ không có lợi vì đó chỉ là sự thực thô thiển.

Âm thanh là một sự rung động, màu sắc, hình dáng là những rung động, mùi hương là một sự rung động, vị nếm là một sự rung động, đụng chạm là một sự rung động; bất cứ ý nghĩ nào nảy sinh trong tâm là một sự rung động. Nhưng các con không cảm thấy những sự rung động này, do đó, các con phải thuần thục trong sự cảm nghiệm những cảm giác trước rồi những cái khác sẽ theo sau.

41. Thưa Thầy, chúng con nghe nói màu đen, đỏ, xanh đậm không tốt cho sự hành thiền Vipassana. Điều đó có đúng không?

Các con không thể tự chứng nghiệm được điều này bởi vì con không thể cảm thấy những rung động của vật vô tri giác. Hãy tiếp tục tăng tiến trong Dhamma, rồi sẽ tới giai đoạn chẳng những con cảm thấy những rung động của các chúng sinh có tri giác mà cả những vật vô tri giác. Tới lúc đó, sự khác biệt của màu sắc sẽ rõ ràng đối với các con. Vào giai đoạn này hãy chấp nhận những gì các bậc trưởng thượng nói. Có cách giải thích nào khác không? (cười).

42. Xin Thầy giải thích bốn thủ tục lúc bắt đầu khóa thiền có những lợi ích thiết thực chứ không phải chỉ là nghi thức?

Tôi giải thích điều này trong mỗi khóa thiền. Khi nương tựa vào Tam Bảo (quy y) đó không phải là nghi thức; các con nương tựa vào phẩm chất của Tam Bảo với ý định phát triển những phẩm chất đó cho chính mình. Nếu không có ý định đó và các con chỉ tụng niệm thì dĩ nhiên chỉ là nghi thức. Tương tự khi thọ Năm Giới, các con cũng làm với ý định sẽ giữ giới ít nhất trong mười ngày. Khi đó, nó không còn là nghi thức mà là sự quyết tâm. Khi tuân phục, các con nguyện tu tập đúng theo lời chỉ dẫn, các con tuân phục vào phương pháp. Không có gì sai trái nếu làm như vậy với sự hiểu biết. Cuối cùng, là thỉnh cầu Dhamma.Truyền thống tốt đẹp là không nên áp đặt Dhamma vào bất cứ một ai. Dhamma chỉ được truyền dạy cho những ai thỉnh cầu. Khi thỉnh cầu Thiền sư truyền dạy Dhamma có nghĩa là các con hiểu là người Thầy ban phát cái gì đó, các con thụ nhận và sẵn sàng để học hỏi. Những thủ tục này không phải là nghi thức, ý nghĩa của nó rất rõ ràng. Mục đích của nó được giải thích mỗi lần giảng dạy Ānāpāna.

43. Xin Thầy vui lòng nói rõ tại sao ngồi thiền hằng ngày lại quan trọng?

Các con là người hành thiền Vipassana mà không ngồi thiền hằng ngày? Các con là người hành thiền gì thế? (cười) Hãy ngồi thêm nhiều khóa nữa.

44. Thưa Thầy, cúi lạy để chứng tỏ sự tôn kính thì được lợi những gì?

Dưới con mắt của hầu hết mọi người, khi cúi lạy một người nào đó để tỏ lòng tôn kính, tất cả chỉ có vậy thôi. Thực ra, chỗ này (trên đỉnh đầu) là nơi tiếp nhận của cơ thể, và là nơi tiếp nhận những rung động tốt hay xấu. Đối với một người hành thiền Vipassana, rất có lợi khi giữ sự chú tâm ở đây và cúi lạy người nào đang ban phát Metta hay tạo ra những rung động Dhamma.

Tôi nhớ Thầy tôi chỉ dẫn cách cúi lạy: “Cúi lạy lần thứ nhất, phải có ý thức về cảm giác ở đây (trên đỉnh đầu) và hiểu về Aniccā (Vô thường); lần thứ hai, phải hiểu về Dukkha (Khổ), và lần thứ ba phải hiểu về Anattā (Vô ngã). Lúc chúng tôi cúi lạy, Thầy thường hỏi: ―Con cúi lạy có đúng cách không?”. Khi đang quan sát nơi này, các con hiểu rằng những gì đang thay đổi là cội nguồn của Dukkha, chúng không thể là căn nguyên của hạnh phúc. Với Anattā, các con hiểu rằng trong cái này không có “Tôi’, không có “của Tôi’ mà nó chỉ là hiện tượng tâm và thân. Do đó, cách cúi lạy là sự hiểu biết và ý thức về cảm giác trên đỉnh đầu.

45. Chúng ta đã quen với sự hiểu biết rằng phải có một nguyên nhân đằng sau một kết quả. Nếu như vậy, cái gì là nguyên nhân sự hiện hữu của thế giới tinh thần và vật chất này?

Đó là Vô minh và Saṅkhāra. Bởi vì Vô minh nên chúng ta cứ liên tục sản sinh ra Saṅkhāra. Và vì Saṅkhāra, chúng ta cứ liên tục làm gia tăng sự vô minh. Hai cái này hỗ trợ lẫn nhau. Toàn thể vũ trụ được tạo ra là thế, chẳng có gì khác cả.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *