BÀI GIẢNG NGÀY THỨ MƯỜI

Hãy gặp Thiền sư nếu cuộc sống của mình không thay đổi tốt đẹp hơn

Như vậy, không có gì để nghi ngờ phương pháp Thiền này cả. Nhưng trong cách thực hành phương pháp Thiền này, người ta có thể làm điều gì sai. Vậy thì hãy đến gặp Thiền sư hay Thiền sư phụ tá, người hướng dẫn và cố tìm ra điều gì sai: “Tại sao tôi không có được lợi ích nào? Tại sao sự giận dữ của tôi không suy giảm? Lòng đam mê nhục dục không suy giảm? Bản ngã của tôi không suy giảm? Tại sao những bất tịnh của tôi không suy giảm? Ở đâu đó đã có điều gì sai rồi”. Hãy tiếp tục xem xét mình, đừng trông đợi vào ảo thuật hay phép lạ là sau khi học xong khóa Thiền 10 ngày, ta giờ đây không còn ham muốn, không còn ghét bỏ nữa. Điều này không xảy ra đâu. Nếu có xảy ra, tôi sẽ chúc mừng Quý vị: “Tốt lắm”. Việc này đòi hỏi nhiều thời gian, đây là một con đường rất dài. Nếu ta hiểu cách bước đi trên con đường giải thoát và đang bước theo đúng hướng, đúng cách thì kết quả tốt đẹp chắc chắn sẽ tới. Bản thân tôi cảm thấy rất may mắn khi được gặp Dhamma, được gặp con đường giải thoát này. Tôi rất may mắn khi được sinh ra ở Miến Điện, vùng đất của Dhamma. Ấn Độ đã mất phương pháp Thiền này trong khoảng 5 thế kỷ sau khi Đức Phật qua đời.

Phương pháp Thiền này đã giúp người Ấn rất nhiều, nhưng dần dần, vì vô minh, vì đặc quyền riêng, người ta đã làm ô nhiễm phương pháp Thiền này bằng cách trộn lẫn cái này, cái kia. Khi trộn lẫn thứ gì khác vào phương pháp Thiền, ta làm ô nhiễm nó, làm mất đi sự hiệu quả của nó. Khi đó, ta không thu được lợi ích đáng lẽ phải có được, và khi không thu lượm được kết quả, người ta sẽ ngưng không tu tập nữa. Cho nên, Ấn Độ đã mất phương pháp Thiền theo lối ấy. Phương pháp Thiền này sang đến những nước khác và cũng bị mất đi. Nhưng may mắn thay, một nước láng giềng là Miến Điện, dù chỉ có một số ít người đã gìn giữ được phương pháp Thiền này trong sự tinh khiết thuở ban đầu. Không phải là mỗi thế hệ, tất cả mọi tầng lớp dân chúng đều thực hành phương pháp Thiền này.

Phương pháp này được lưu truyền từ Thầy đến trò, họ tự nhận lấy trách nhiệm cho mình, cảm thấy rằng: “Chúng ta có được phương pháp Thiền này từ Ấn Độ, từ Đức Phật và chúng ta phải gìn giữ nó trong sự thuần khiết thuở ban đầu. Bởi vì sau 2500 năm, phương pháp Thiền này phải lan truyền trở lại”. Đây là niềm tin tại vùng đất ấy. Do đó, họ đã giữ phương pháp Thiền này trong sự thuần khiết thuở ban đầu, vì lợi ích cho chính họ và lợi ích cho các thế hệ mai sau. Tôi cảm thấy rất may mắn là đã được sinh trưởng ở đó và gặp được phương pháp Thiền này. Trong thời Đức Phật và trong khoảng 300 năm sau, phương pháp Thiền này lan rộng khắp miền Bắc Ấn. Sau 300 năm có một Vị vua tên là Asoka (A Dục), một người rất bạo ngược, đầy tham vọng. Vị vua này muốn mở rộng đế quốc của mình ngày một lớn hơn, nên không ngần ngại tàn sát, hãm hại con người, chỉ vì lòng tham bành trướng đế quốc. Nhà vua này tự cảm thấy rất kiêu hãnh, tự gọi mình là “Chanda Asoka”, Asoka bạo ngược.

Ông ta hãnh diện tuyên bố rằng dân chúng rất sợ hãy khi nghe tên hiệu này. Nhưng nhờ vào các Pārami (phẩm hạnh) trong quá khứ, ông đã gặp được Dhamma và hoàn toàn thay đổi. Nhờ thực hành Dhamma, ông nhận ra rằng: “Việc hãm hại người khác và thu thập thêm của cải, tích lũy thêm quyền lực, những thứ này có giúp ích gì được cho ta? Ta đang tự làm hại mình và làm hại rất nhiều người”. Nhà vua này trở nên thay đổi hoàn toàn. Từ đó dân chúng bắt đầu gọi nhà vua là “Dhamma Asoka”. Từ một con người được gọi là “Chanda Asoka”, Asoka bạo ngược, ông trở thành “Dhamma Asoka”, Asoka thấm nhuần Dhamma, người đã tiến bộ trong Dhamma.

Ông có đầy lòng thương yêu, từ bi và bắt đầu phục vụ dân chúng. Bởi vì một khi nếm được hương vị Dhamma, ta không thể cưỡng lại được mà cảm thấy muốn chia sẻ Dhamma với người khác, với càng nhiều người khác: “Toàn thể dân cư, dân chúng, các nước chư hầu như là con cái của chính mình, cũng như ta muốn con cái của ta tu tập Dhamma và thoát ra khỏi khổ đau. Ta muốn toàn thể dân chúng trong xứ sở của ta học lấy Dhamma và thoát ra khỏi khổ đau”. Vị vua này bắt đầu truyền bá phương pháp Thiền này với tất cả tình thương và lòng từ bi. Nhà vua này là một ví dụ rất điển hình cho những ai đã hoàn toàn thay đổi, khuyến khích người khác cũng thay đổi. Không những chỉ có dân miền Bắc Ấn và hầu như toàn thể người dân Ấn Độ đã bắt đầu tu tập. Nhà vua huấn luyện một số đông các Thiền sư đi khắp nơi trong Ấn Độ để truyền dạy Dhamma. Rồi nhà vua lại nghĩ: “Tại sao chỉ trong Ấn Độ thôi? Khổ đau đầy rẫy khắp nơi trên thế giới, tại sao không truyền sang nước khác?”. Rồi ông gửi các Vị sứ giả của Dhamma đi truyền dạy Dhamma, truyền dạy Vipassana. Ông gửi các Vị này đến các quốc gia khác nhau, đi về Phương Tây, đến Châu Âu và đến toàn thể Châu Á. May mắn thay, có hai sứ giả Dhamma trong số những Vị này là những bậc Arahan (A La Hán), đã hoàn toàn giải thoát, được gửi tới Miến Điện.

Tên của 2 Vị này là Sona và Budhada. Các Ngài mang đến giáo lý của Đức Phật và cả phương pháp Thiền. Kể từ dạo đó, hết thế hệ này sang thế hệ khác, Dhamma huyền diệu này đã được gìn giữ trong sự thuần khiết ban đầu của nó. Toàn bộ giáo lý của Đức Phật và phương pháp Thiền đều đã được gìn giữ trong sự thuần khiết thuở ban sơ này. Giáo lý này cũng được truyền sang các nước như Tích Lan, Campuchia, Lào, Thái Lan… Ở các nước này, giáo lý vẫn được duy trì nhưng phương pháp Thiền đã bị mất hẳn. Nhưng ở Miến Điện, phương pháp Thiền vẫn còn được duy trì. Tôi rất may mắn được sinh ra trong vùng đất này, vùng đất Dhamma, Dhamma ấy vẫn còn nơi đây. Tôi lại rất may mắn được sinh ra trong gia đình kinh doanh. Vì nếu không được sinh trưởng trong một gia đình Kinh doanh, giàu có.

Và nếu tôi không kiếm ra được nhiều tiền thì có lẽ một phần nào đó trong tâm tôi vẫn còn nghĩ rằng: “Những người giàu có sống cuộc đời hạnh phúc. Tôi thiếu cuộc sống giàu sang này. Tôi phải được như những người giàu có này”. Giờ đây, tôi đã trải qua cảnh ấy và biết rằng những người giàu có này khổ sở như thế nào. Rất khổ, sự bon chen, cực lực để kiếm tiền, chỉ biết kiếm tiền, không có gì ngoài tiền, tiền, tiền, việc ấy làm cho họ rất khổ sở. Tôi đã trải qua hết những thứ đó, tôi may mắn đã trải qua tất cả những nỗi khổ đó. Vào lúc còn rất trẻ, tôi đã bắt đầu tranh đua kiếm tiền. Theo tiêu chuẩn của nước Miến Điện, tôi đã kiếm ra rất nhiều tiền. Tôi là người rất giàu, hoàn toàn thành công trong ngành Kinh doanh và kỹ nghệ. Và khi người nào kiếm ra nhiều tiền, kẻ ấy có được địa Vị đặc biệt trong xã hội. Ông ta được cử làm thủ quỹ, chủ tịch hay thư ký tổ chức tôn giáo này, tổ chức an sinh xã hội kia.

Trong nhiều đoàn thể khác nhau, tôi đã là chủ tịch, thư ký, giám đốc, quản trị viên. Lại thêm một thứ điên cuồng nữa, nó ăn sâu vào đầu, bản ngã được thổi phồng lên: “Hãy xem này, tôi là một nhân vật quan trọng đến như thế”. Tất cả những điều trên xảy ra với tôi vào lứa tuổi còn rất trẻ, khoảng 25 tuổi. Điều này gây ra sự điên cuồng như thế, nó tạo ra nhiều căng thẳng nội tâm. Một lần nữa, tôi may mắn đã trải qua hết những khó khăn này. Tôi mắc phải chứng đau đầu dữ dội, một loại đau đầu Kinh niên đặc biệt, không chữa trị được. Các Bác sĩ giỏi nhất Miến Điện đã cố chữa trị cho tôi. Dùng đủ mọi loại thuốc, không có tác dụng gì, các Bác sĩ bắt đầu chích thuốc phiện cho đỡ đau. Cứ khoảng mỗi 2 tuần, tôi bị đau nhức Kinh khủng, không có phương cách chữa, họ tiêm thuốc phiện cho tôi. Tôi bị chích thuốc phiện như thế, khoảng 4 hay 5 năm.

Rồi chính các Bác sĩ tài giỏi này bắt đầu nói với tôi: “Dần dần ông sẽ trở thành người nghiện thuốc phiện. Bây giờ, ông phải chích thuốc phiện vào để đỡ đau đầu, nhưng sau này, ông phải chích thuốc phiện vì nghiện thuốc phiện. Ông phải chích thuốc phiện mỗi ngày”. Nếu phải chích thuốc phiện mỗi ngày, đời sống của tôi còn ra gì nữa. Cho nên, họ khuyên tôi: “Ông thường xuất ngoại để làm ăn, hãy quên chuyện làm ăn một chuyến, hãy đi một chuyến chỉ để cai thuốc phiện. Chúng tôi biết rằng không có Bác sĩ nào có thể chữa trị chứng nhức đầu Kinh niên đặc biệt mà ông hiện đang phải chịu. Nhưng chắc chắn, họ sẽ có loại thuốc giảm đau khác. Tại sao ông không thử một chuyến?”. Nghe theo lời khuyên, tôi rời Miến Điện, lưu lại ở Thụy Sỹ, Đức, Anh và Bắc Mỹ một thời gian dài. Tôi có văn phòng riêng ở Nhật Bản nên tôi lưu lại ở đó lâu hơn. Khắp mọi nơi, tôi tham khảo ý kiến các Bác sĩ tài giỏi nhất, tốn rất nhiều tiền, mất nhiều thời gian. Một lần nữa, tôi đã may mắn vì không có Bác sĩ nào có thể chữa trị bệnh của tôi được. Các Bác sĩ tài giỏi nhất trên thế giới cũng không thể chữa lành bệnh cho tôi. Họ còn chưa thể giải trừ thuốc phiện mà tôi đã tiêm vào, huống chi là chữa trị chứng nhức đau đầu Kinh niên này.

Thật là may mắn cho tôi. Tôi trở về Miến Điện đầy thất vọng. Nhưng cuối cùng, hóa ra lại là may mắn, một người bạn rất thân của tôi (người sau này trở thành Thẩm phán Tòa án tối cao Miến Điện) đã khuyên tôi: “Goenka! Ông đã tìm kiếm khắp nơi. Sao không thử khóa Thiền 10 ngày với Thiền sư Vipassana này. Theo tôi chứng bệnh của ông có vẻ như loại bệnh thuộc về tinh thần – một phương pháp thanh lọc tâm của Đức Phật đang được truyền dạy ở đây. Khi tâm được thanh tịnh căn bệnh tinh thần sẽ hết. Tại sao ông không thử?”.

Tôi nói: “Nếu phương pháp này công hiệu thì thật là tuyệt vời”.Tôi đến gặp Thầy tôi (Sayagyi U Ba Khin), một con người với đầy từ tâm. Tôi đến gặp ông và nói: “Tôi muốn tham dự một khóa Thiền 10 ngày của Thầy”.Thầy tôi trả lời: “Ông được chấp nhận theo học”. Thầy tôi biết tôi là người lãnh đạo cộng đồng Ấn Giáo và phương pháp Thiền là con đường tu học của đạo Phật. Thầy tôi nói: “Đừng lấy thế mà e sợ! Bất cứ ai cũng có thể theo học, người theo Hồi Giáo, Cơ Đốc Giáo, Kỳ Na Giáo, Ấn Giáo… không thành vấn đề. Tất cả đều tu tập được cùng một lợi ích như nhau. Nếu ông theo Ấn Giáo, ông vẫn cứ giữ nguyên Ấn Giáo, tôi đây không cải Đạo ông đâu. Nhưng hãy thử phương pháp Thiền này, đây là phương pháp hay. Rồi tôi nói rằng: “Tôi đến đây vì bệnh nhức đầu kinh niên”. Bất ngờ, ông ta nói: “Không, tôi sẽ không nhận dạy cho ông, tôi sẽ không nhận dạy cho ông”. “Thưa ngài, tại sao thế?” Thầy tôi nói: “Ông đang làm giảm giá trị của Dhamma. Dhamma là con đường tâm linh rất cao cả, một con đường có thể đưa ông ra tất cả mọi khổ đau, hết kiếp này đến kiếp khác. Và ông chỉ muốn sử dụng phương pháp Thiền này vào việc chữa trị chứng nhức đầu của ông. Không được, nếu chỉ để chữa trị chứng nhức đầu của mình, ông có thể đi gặp Bác sĩ hay vào bệnh viện. Đây không phải là nơi chữa trị chứng nhức đầu của ông”.

Rồi bằng lòng đầy từ ái, ông giải thích cho tôi: “Nếu ông hành Thiền, phương pháp này sẽ thanh lọc tâm của ông. Nguồn gốc khổ đau của ông là do những bất tịnh trong tâm. Khi những bất tịnh này mất đi, những căn bệnh về tinh thần sẽ mất đi. Lợi ích này sẽ đến, đây là một sản phẩm phụ. Ví dụ, ông muốn thiết lập một nhà máy làm đường, để làm gì? Để sản xuất đường chứ không phải để sản xuất mật mía, sản phẩm phụ là mật mía sẽ tự nhiên được tạo ra. Không ai xây nhà máy đường để sản xuất mật mía cả, nó chỉ là một thứ sản phẩm phụ. Cũng như thế, ông không nên đến đây chỉ vì chứng nhức đầu của ông. Hãy đến đây để thực tập con đường tâm linh cao cả này. Chỉ có thế, phương pháp Thiền này mới giúp ích cho ông được”.

Tôi hiểu, bởi vì Thầy tôi rất tử tế và đầy lòng từ ái, nơi ông phát ra từ trường rất tuyệt diệu: “Vâng, thưa Ngài! Tôi sẽ học vì lý do tâm linh chứ không phải vì chứng nhức đầu này. Nếu chứng nhức đầu này không chữa được, thì không chữa được chứ sao? Tôi không quan tâm nữa”. Nhưng trở về nhà, tôi đã phải đương đầu với tập quán ăn sâu từ thuở thơ ấu. Tôi sinh ra trong gia đình Ấn Giáo, hết sức bảo thủ, chúng tôi được dạy từ nhỏ là phải kính trọng Đức Phật. Đức Phật được xem như là hiện thân của Thượng Đế toàn năng, của Đấng sáng tạo. Ngài là hiện thân cuối cùng, hiện thân thứ 9 của Vị thần đó. Cho nên, chúng tôi phải kính trọng và tôn sùng Ngài. Nhưng còn giáo huấn của Ngài? Ồ! Không! chúng tôi được dạy rằng giáo huấn của Ngài không tốt, vì Ngài không tin vào linh hồn, Ngài không tin vào Thượng Đế, giáo huấn của Ngài là vô thần, không tốt.

Tâm tôi đã được huấn luyện như thế và điều này làm tôi lo lắng: “Nếu tôi đi gặp những người này học phương pháp Thiền đó. Và nếu tôi trở thành Phật tử và không có tin vào Thượng Đế, không tin vào linh hồn, tôi sẽ trở thành cái gì? Tôi có thể sa xuống địa ngục. Ồ! Không! Pháp môn này không phải dành cho tôi, tốt hơn tôi đừng nên học”. Cứ thế, sự giằng co kéo dài mấy tháng, về sau tôi nghĩ Vị Thiền sư nói: “Ông là người theo Ấn Giáo cứ giữ nguyên Ấn Giáo. Mục đích của tôi không phải cải Đạo ông sang đạo Phật, mà để giúp ông trở thành một người tốt. Ông gìn giữ Sīla (Giới luật), thực hành Samādhi để làm chủ được tâm và thực hành Paññā để thanh lọc tâm. Điều này ông chấp nhận được, vậy tại sao không thử xem?”. Tôi quyết định sẽ thử, nhưng với quyết tâm là tôi vẫn giữ nguyên Ấn Giáo: “Được, tôi sẽ thử 10 ngày, nhưng tôi sẽ không trở thành Phật tử”.

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *