26. Ngài định nghĩa thế nào là một tâm từ bi?

Một tâm từ bi là một tâm từ bi. Khi có sự từ bi trong tâm, Quý vị chấp nhận sự kiện ấy và nói: “Ồ, xem kìa! Bây giờ, tâm tôi là một tâm từ bi”.

27. Chúng ta có thể sử dụng lòng từ bi chung với ý thức khi giải quyết những khổ đau của mình hay không?

Chắc hẳn là như thế. Đối tượng đầu tiên của lòng từ bi chính là bản thân mình. Tôi xin nhắc lại là: “Hãy tử tế với chính mình, hãy yêu thương mình”. Chính vì Quý vị đã gây ra rất nhiều khổ đau cho mình. Quý vị rất tàn nhẫn với chính mình. Mỗi phút giây, ta phản ứng bằng sự ham muốn hay ghét bỏ, ta trở nên rất tàn nhẫn với chính mình. Ta đang làm hại và gây ra khổ đau cho chính mình. Hãy tử tế và từ bi với chính mình. Đừng phát sinh ra Saṅkhāra ham muốn và ghét bỏ nữa.

Hoặc thậm chí, ta nói: “Tôi đang ghét người này, đang giận người kia”, thì ta cũng đang tự làm hại mình, không tử tế, từ bi với chính mình. Cơn giận sinh ra trong lòng mình có thể làm hại hoặc không làm hại người khác. Nếu người kia là một Thiền sinh Vipassana thuần thục, người ấy sẽ không bị tổn thương, nhưng chắc chắn Quý vị sẽ bị tổn thương. Giây phút ta phát sinh ra giận dữ thì thiên nhiên bắt đầu trừng phạt mình, ta sẽ trở nên khốn khổ. Thế cho nên, hãy tử tế và từ bi với chính mình.

28. Phải chăng sự giải thích về Vedanā là sự phân biệt rõ ràng nhất giữa pháp môn Vipassana của chúng ta với các pháp môn khác trong Đạo Phật? Còn những người khác định nghĩa thế nào, nếu họ cho rằng Vedanā không phải là cảm giác của thân?

Đúng vậy. Như tôi đã nói, có nhiều truyền thống khác nhau. Ở đây, chúng ta không lên án các truyền thống khác. Nhưng có những truyền thống chỉ xem Vedanā chỉ là cảm giác của tâm. Ở một mức độ nào đó, điều ấy đúng. Bởi vì Vedanā là một phần trong bốn tập hợp của tâm (Thức, Tưởng, Thọ, Hành), là cảm giác. Nhưng khi chúng ta xem kỹ những lời dạy của Đức Phật và đọc kỹ Satipaṭṭhāna Sutta (Kinh Tứ Niệm Xứ), đôi khi, ta đặt câu hỏi: “Sao không dịch bám sát từng từ? Tại sao lại có những giải thích, chú giải này?”.

Những lời giải thích, chú giải này là cần thiết bởi vì chúng dựa vào những lời dạy của Đức Phật trong nhiều Bộ Kinh khác nhau. Rất có thể là một điều gì đó không được giải thích rõ trong Kinh này. Bởi vì điều đó đã được giảng rõ trước đó rồi. Những Đệ tử của Ngài đến đây từ trước đều đã hiểu Sampajañña là gì. Thế nên, Sampajañña không được giảng rõ ở đây. Nhưng ở Kinh khác, Ngài đã mô tả Sampajañña là sự cảm nhận liên tục được những cảm giác sinh lên và diệt đi. Cho nên, chúng ta phải liên hệ lời giải thích này với sự giảng dạy của Ngài ở đây về Sampajañña.

Tương tự như thế, với những từ khác mà Ngài đã dùng. Nhiều từ trong số đó đã không còn được sử dụng trong ngôn ngữ Ấn Độ hiện tại. Nhiều từ mang nghĩa hoàn toàn khác. Trong các truyền thống khác nhau, một số từ mang ý nghĩa khác nhau. Do đó, chúng ta phải trở về với những lời giảng nguyên bản của Đức Phật trong Bộ Tipiṭaka (Tam Tạng Kinh Điển), nơi Ngài đã định nghĩa các từ ấy để hiểu cho đúng.

Vì vậy, khi nói về Vedanā, chúng ta phải quay về với những từ nguyên thủy của Đức Phật. Khi Ngài giải thích rằng Sukkha Vedanā hay Dukkha Vedanā là cảm giác dễ chịu hay khó chịu trên thân. Nếu là cảm giác dễ chịu hay khó chịu của tâm thì Ngài dùng từ Somanassam hay Domanassam. Đối với Vedanā, bất cứ đoạn nào, chúng ta không thấy chữ Somanassam hay Domanassam thì chúng ta thấy có Sukkha Vedanā hay Dukkha Vedanā. Vì vậy, cho nên Quý vị tùy thuộc vào các cảm giác của thân.

29. Trong khóa học, Ngài đã đề cập đến việc ghi nhận các trạng thái tâm nảy sinh. Nếu ghi nhận một số trạng thái nổi trội như sự giận dữ hay tưởng tượng, Ngài sẽ xử lý thế nào? Xin cho ví dụ.

Được, đây là một câu hỏi hay. Khi giận dữ, ta chỉ cần ghi nhận. Điều này có lẽ chưa được hiểu một cách đúng đắn. Ghi nhận không phải là cứ lẩm nhẩm: “Giận dữ, giận dữ, giận dữ”. Việc ấy sẽ giúp ta tập trung tâm trí và hiểu ở một mức nào đó rằng: “Xem kìa! Đang có tâm giận dữ”. Nhưng lại thiếu sự có mặt của trí tuệ, thiếu Sampajañña (ý thức liên tục, thấu đáo về sự sinh diệt của cảm giác). Đừng nhắc đi, nhắc lại chữ này, cũng đừng lẩm nhẩm trong đầu. Ta chỉ việc chấp nhận rằng trong tâm trí mình hiện đang có sự giận dữ. Việc ta phải làm là quan sát cảm giác. Vào lúc ấy, bất kỳ cảm giác nào mà mình cảm nhận trên thân đều có liên hệ với những gì phát sinh trong tâm. Cơn giận ấy có quan hệ với bất cứ cảm giác nào mà mình đang trải nghiệm.

Chẳng hạn, khi cơn giận phát sinh, ta không cần phải quét từ đầu tới chân và quan sát từng phần của cơ thể. Không cần thiết phải làm như vậy. Bất kỳ chỗ nào có một cảm giác nổi trội, ta chỉ cần quan sát nó với sự hiểu biết về sự sinh diệt Sampajañña: “Có sự giận dữ ở trong tâm và có cảm giác ở trên thân”. Ta thấy được nó nảy sinh, diệt đi. Tương tự như thế, bất cứ thứ gì nảy sinh như sợ hãi, ham muốn, ích kỷ, bất kỳ sự bất tịnh nào nảy sinh trong tâm, ta đều để ý tới cảm giác. Ta chấp nhận thực tại về nội dung (đối tượng) của tâm và tiếp tục quan sát cảm giác ở trên thân nảy sinh, diệt đi. Khi đó, mới là có Sampajañña.

30. Các hạt vi tử Kalāpa từ đâu sinh ra? Khi diệt, chúng đi về đâu?

Như thế, có nghĩa là chúng ta phải biết nó sinh ra từ đâu. Và như vậy, ta sẽ bắt đầu đi vào lĩnh vực của triết học, nơi chỉ có sự tưởng tượng và suy luận thuần túy, chẳng giúp chúng ta đi tới đâu cả. Mọi chuyện bắt đầu từ đâu? Kalāpa này bắt đầu từ đâu? Vũ trụ này sinh khởi từ đâu? Nó sinh khởi như thế nào? Nó được tạo ra như thế nào và bằng vật liệu gì? Các vật liệu ấy đến từ đâu? Ai tạo ra chúng? Đấng tạo hóa nảy sinh ra từ đâu? Ai là Đấng tạo hóa của Đấng tạo hóa này? Và ai là Đấng tạo hóa của Đấng tạo hóa của Đấng tạo hóa này?…

Đây là cách mọi triết học phát sinh. Điều chính yếu cần phải thấy rõ là sự tạo sinh diễn ra trong từng phút giây. Ngay lúc này đây, các sự vật đang được tạo sinh. Các Kalāpa đang được tạo sinh, sinh ra, diệt đi. Chính sự hiểu biết của mình đối với hiện tượng sinh diệt này, khiến chúng ta nảy sinh lòng ham muốn và ghét bỏ, và từ đó đi đến khổ đau. Điều quan trọng hơn đối với chúng ta là thoát khỏi khổ đau, thay vì suy ngẫm xem mọi sự bắt đầu như thế nào, sinh ra từ đâu. Đức Phật nói đó là những câu hỏi không phù hợp. Khi một người đạt đến giai đoạn Arahan, thì mọi chuyện đều sáng tỏ. Nhưng đối với một người bình thường mới bước đi trên con đường tu tập thì các câu hỏi đó đều không phù hợp.

Chúng không liên quan đến khổ đau, nguyên nhân khổ đau, sự diệt khổ và con đường dẫn đến sự diệt khổ của mình. Chúng đều vô ích, vô nghĩa đối với mình. Đời người rất quý báu và ngắn ngủi. Dù ta có sống tối đa là 100 hay 120 năm, vẫn là ngắn ngủi. Chúng ta phải làm một việc rất lớn là thay đổi thói quen của tâm mình trong tầng lớp sâu thẳm, và đạt tới mục đích cuối cùng là sự giải thoát hoàn toàn. Phung phí thời gian cho những câu hỏi triết lý chẳng giúp ích gì cho chúng ta. Hãy gác chúng sang một bên và tu tập. Thực tại mà ta chứng nghiệm sau này sẽ làm sáng tỏ mọi chuyện.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *