BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BẢY

Các phẩm hạnh của Đức Phật

Tương tự như thế, sau khi đã cung kính Đức Phật, người ta phải tiếp tục nhớ đến những đức hạnh của Ngài. Thế các phẩm hạnh của Đức Phật là gì? Sau đây là 10 phẩm hạnh của Ngài:

“Iti pi so Bhagavā Arahaṃ, Sammāsaṃbuddho, Vijjācaraṇasaṃpanno, Sugato, Lokavidū, Anuttaro, Purisadammasārathī, Satthā devamanussānaṃ, Buddho, Bhagavāti”.

Iti pi so Bhagavā (Vị thoát khỏi tham, sân và si)

Ngài là một Vị Bhagavā. Trong hơn 25 thế kỷ qua, Ấn Độ đã đánh mất ý nghĩa của chữ “Bhagavā” này. Ngày nay, có các Bhagavā ở khắp nơi, nhiều như ếch nhái trong mùa mưa. Ai cũng tự cho mình là Bhagavā, như thế nào là một vị Bhagavā? Trở lại 25 thế kỷ trước, Bhagavā là người đã diệt trừ mọi Rāga (Ham muốn), Dosā (Ghét bỏ) và Mohā (Vô minh). Người sống trong hào quang của sự giải thoát là một Bhagavā.

Cho nên, trừ khi tất cả các bất tịnh này được diệt trừ, nếu không, thật là sai lầm khi tự cho mình là một Bhagavā. Đức Phật là một Bhagavā, chúng ta có ước vọng phát triển những phẩm chất của Ngài từ từ từng chút một. Rồi ta thoát ra khỏi Rāga (Ham muốn), Dosā (Ghét bỏ) và Mohā (Vô minh), có thế, chúng ta mới thật sự tôn kính và có lòng tin vào Ngài.

Arahaṃ (Bậc Ứng Cúng)

Một lần nữa, theo ngôn ngữ cổ của Ấn Độ thời ấy, Arahaṃnghĩa là người tiêu diệt những kẻ thù. Ồ! Một người chủ trương bất bạo động như Đức Phật, làm sao có thể sát hại ai được? Nhưng Ngài đã tiêu diệt hết mọi kẻ thù đó là sự bất tịnh của chính mình, không còn chút tật xấu nào trong tâm. Ngài trở thành một Arahaṃ, hoàn toàn tận diệt mọi tham, sân và si.

Sammāsaṃbuddho (Bậc Chánh Biến Tri)

Ngài đã trở thành Bậc Giác Ngộ hoàn toàn bằng nỗ lực riêng của mình. Mọi người phải dùng nỗ lực riêng của mình để giác ngộ hoàn toàn. Người nào không tự mình nỗ lực mà trông mong vào một quyền lực siêu nhiên, vô hình nào đó để biến mình thành người giác ngộ. Người ấy không hiểu thế nào là một Vị Phật. Mỗi người phải tự tu tập để tự giải thoát và giác ngộ bằng nỗ lực của chính mình.

Vijjācaraṇasaṃpanno (Bậc Minh Hạnh Túc)

Trong thực hành cũng như trong lý thuyết, đây là người hiểu rõ Dhamma ở trình độ cao nhất và áp dụng trong cuộc sống. Đây là phẩm hạnh của một Vị Phật. Bất cứ điều gì Ngài thuyết giảng, Ngài đã thực hành trong đời. Ngài chỉ thuyết giảng những gì Ngài thực hành, không nhiều hơn. Đây là lý do tại sao Ngài được gọi là người đã bước đi trên con đường tự chứng nghiệm chân lý tối hậu. Nếu chúng ta nói rằng mình là tín đồ của Đức Phật, ta phải đi theo con đường đó từng bước một cùng với sự thật.

Sugato (Bậc Thiện Thệ)

Từng bước của Ngài là bước đi đúng đắn, Ngài không thể làm một điều gì từ việc làm, lời nói hay ý nghĩ tổn thương cho người khác. Chúng ta cũng cố gắng phát triển phẩm hạnh này trong chúng ta. Mỗi bước đi hay hành động của mình nên đem lại sự tốt lành cho người khác, chứ không gây tổn hại cho họ.

Lokavidū (Bậc Thế Gian Giải)

Người đã thực chứng chân lý của toàn thể vũ trụ trong phạm vi cơ cấu thân thể này. Chúng ta cũng bắt đầu cất bước để chứng nghiệm chân lý của toàn thể vũ trụ trong pham vi cơ cấu thân thể. Suốt cuộc đời, Ngài không ngừng phụng sự chúng sanh với đầy lòng từ bi. Ngài đã giác ngộ vào tuổi 35 và qua đời vào lúc 80 tuổi. Vì lòng từ bi, Ngài đã dành 45 năm phụng sự chúng sanh suốt ngày đêm không ngừng nghỉ. Khổ đau có khắp mọi nơi, chúng sanh có quá nhiều khổ đau. Ngài tìm ra được một phương pháp hay con đường giải thoát huyền diệu. Ngài ngủ không đến 2 hay 3 giờ một ngày, và cả những lúc này, Ngài chỉ nằm xuống với ý thức và trí tuệ. Khoảng thời gian còn lại, Ngài phụng sự không ngừng trong suốt cuộc đời.

Bấy giờ, vào lúc 80 tuổi, Ngài tuyên bố: “Ba tháng sau, ta sẽ rời bỏ thân này, ta nên đi đâu?”. Lúc ấy, Ngài đang ở nơi nào đó ở Miền đông Ấn Độ và quyết định đi tới Kushinagar, một thành phố lớn ở Miền bắc Ấn Độ. Ngài tới đó, bấy giờ là đêm trăng tròn, hết đêm ấy, Ngài sẽ trút hơi thở cuối cùng. Ngài nằm dưới gốc cây, thị giả Ānanda có mặt ở đó để chăm sóc Ngài. Bất ngờ, một ý tưởng đến với Đại Đức Ānanda: “Rạng sáng hôm sau, Thế Tôn sẽ không còn nữa. Có hàng ngàn Phật tử trong thành phố. Khi họ biết rằng Thế Tôn nhập diệt gần thành phố này mà không kịp đảnh lễ Ngài, họ sẽ trách tôi. Đây là bổn phận của tôi, tôi phải thông báo cho họ”.

Rồi Đại Đức Ānanda vào thành phố thông báo cho vài người biết. Tin ấy lan ra như lửa rừng, người ta bắt đầu đến rất đông: “Sáng mai, Ngài sẽ không còn ở đây nữa, cho nên, chúng ta phải đảnh lễ Ngài khi Ngài còn sống”. Một số đông người đến, Đại Đức Ānanda không biết đối xử ra sao nên yêu cầu: “Xin Quý vị vui lòng đi theo hàng để những người đến đảnh lễ và lui ra”.

Canh thứ nhất và thứ hai đã trôi qua, bây giờ, đêm đã gần tàn. Chỉ còn vài phút nữa, Đức Phật sẽ trút hơi thở cuối cùng, nhưng vẫn còn rất đông người. Có người đứng ở đầu hàng từ chối không muốn dời đi và nói: “Không! Thầy Chỉ muốn tôi đến để đảnh lễ Đức Phật, đảnh lễ cái thân xác này ư? Làm như vậy, tôi được lợi ích gì đâu. Tôi muốn được Đức Phật chỉ dạy phương pháp Thiền huyền diệu này. Tôi biết Ngài đã được hoàn toàn giải thoát và Ngài biết phương pháp. Tôi không biết là các Thầy Sẽ dạy cái gì sau khi Ngài qua đời. Có thể các Thầy Sẽ dạy phương pháp một cách đúng đắn hoặc sai lầm. Trong khi Ngài còn tại thế, tôi muốn học được phương pháp này với Ngài”. Đại Đức Ānanda nói:

  • Hãy nhìn xem trong vòng vài phút nữa, Ngài sẽ thở hơi thở cuối cùng. Đây không phải là lúc Ngài dạy ông Dhamma.
  • Không.
  • Được rồi, nếu ông không đảnh lễ, hãy ra đi rời khỏi nơi đây, để dành chỗ cho người khác đi tới.

Ông này vừa không đảnh lễ cũng chẳng chịu dời bước. Những lời này đến tai Đức Phật. Có người đã đến sông Hằng để lấy tay mút nước uống cho hết khát. Và có người nói với người ấy: “Không, ông không thể lấy nước uống cho hết cơn khát mà chỉ được đảnh lễ sông Hằng và ra đi”. Dòng sông Hằng từ bi bắt đầu dâng tràn: “Thầy Ānanda! Hãy cho phép ông ta tới, ông ta cần Dhamma. Ông ta đúng là người đáng được thọ nhận Dhamma. Ông ta đang cần, hãy đưa ông ta vào đây, ta sẽ truyền dạy Dhamma”.

Trong khi thở hơi cuối cùng, Ngài giảng dạy Dhamma. Ít ra là một người nhận được con đường giải thoát. Không có một khoảnh khắc nào để phí phạm. Chỉ phụng sự chúng sinh mà không quan tâm gì đến sự an ổn của chính mình, chỉ giúp đỡ chúng sinh. Nếu chúng ta chỉ phát triển được một chút từ bi, tình thương, thiện ý và lòng phục vụ vô Vị lợi như thế, thì khi nói rằng chúng ta là Phật tử mới có ý nghĩa. Nếu không, như thế, đó chỉ là nghi lễ, nghi thức, chẳng đạt được mục đích nào cả.

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *