21. Có phải các cảm giác trung tính xuất phát từ các phản ứng trung tính? Có phải chúng ta hy vọng thay đổi cái này thành sự quan sát thuần túy?

Đúng. Chúng ta đã thảo luận nhiều về các cảm giác trung tính. Chúng nảy sinh vì vô minh và khi ta quan sát chúng thì vô minh tan biến. Ta thấy rằng đó cũng là một hiện tượng hay thay đổi: “Hiện tượng này cũng sẽ thay đổi, chẳng sớm thì muộn. Nó cứ tiếp tục thay đổi”. Có một mức độ thay đổi mà ta cảm thấy một cái gì đó tích lũy, hoàn toàn thay đổi thành một cái gì khác. Và có một sự thay đổi ở mức độ rất vi tế diễn ra trong từng phút giây, sinh diệt.

Ở mức độ thô thiển, ta nghĩ: “Xem kìa! Có một cảm giác rất khó chịu và sau một thời gian qua đi, đó là sự hiểu biết về Aniccā ở mức độ bề mặt”. Điều này cũng có ích, nhưng ta phải đi đến giai đoạn mà dù cho có một cảm giác rất đau đớn rõ rệt thì ta vẫn nhận ra có một dòng rung động đang diễn ra bên dưới: “Ồ, hãy xem những cảm giác đau đớn này cũng sinh diệt trong từng giây”. Đây là Aniccā ở mức độ sâu hơn.

22. Trong lúc hành Thiền, khi cảm giác ham muốn nổi lên và Thiền sinh bị cuốn trôi, bị kéo theo dòng tư tưởng của thời gian, trước khi quan sát và nhận thức được điều đó, thì có phải là Thiền sinh làm sinh sôi, nảy nở các Saṅkhāra đã có mặt, rồi rơi vào tình trạng tồi tệ hơn trước thay vì thanh lọc tâm?

Quý vị đang làm sinh sôi, nảy nở Saṅkhāra. Tiến trình sinh sôi nảy nở luôn diễn ra, mọi lúc, suốt 24 giờ một ngày. Quý vị không quan sát thấy, nếu thế, thì tiến trình này vẫn cứ tiếp tục. Còn bây giờ, ít ra Quý vị có một vài giây phút quan sát và làm cho tiến trình sinh sôi, nảy nở ấy ngừng lại. Một vài tích tắc biến thành một vài giây, rồi vài giây thành vài phút, rồi có thể thành một vài giờ. Đây là phần lợi lạc của mình, những gì còn lại sẽ được ghi nợ.

Thế cho nên, không phải là khi tu tập Vipassana, ta làm sinh sôi, nảy nở Saṅkhāra. Nhờ tu tập Vipassana, ta hiểu được rằng: “Xem kìa! Chúng đang sinh sôi, nảy nở”. Và giây phút nào, bị lôi cuốn vào những khoái lạc thân xác, Quý vị tiếp tục làm sinh sôi, nảy nở khổ đau của mình. Còn giây phút nào, ta quan sát thì thoát khỏi khổ đau. Đây là sự thật, ta chỉ quan sát thôi, càng quan sát bao nhiều, ta càng thoát ra khổ đau bấy nhiêu.

23. Lời dạy của Đức Phật hình như hàm ý rằng việc chúng ta quét sự chú tâm trên toàn thân có liên quan đến hơi thở. Vậy thì sự chú tâm từng phần có xuất xứ từ đâu và có tầm quan trọng ra sao?

Rất hay. Thiền sinh phải thực hành qua một phương tiện nào đó để học tiến đến giai đoạn mà mình có thể quét toàn bộ thân thể trong một hơi thở. Và việc học tập này là di chuyển toàn bộ sự chú tâm từng phần. Quý vị chưa đạt đến giai đoạn có thể quét toàn thân nên quét từng phần. Bằng cách quét từng phần cơ thể và quan sát nó, trạng thái chất đặc trong phần ấy tan rã ra từng chút một cho đến khi toàn thân đều tan rã. Khi đó, ta có thể quét toàn bộ thân thể bên trong lẫn bên ngoài, thế thì tại sao trở lại quan sát từng phần?

Lý do là có thể có những phần rất nhỏ bị bỏ qua. Ta có thể có cảm tưởng rằng mình đã quét toàn bộ thân thể từ đầu xuống chân, toàn bộ thân thể bây giờ đều khai mở. Nhưng khi quét toàn phần, ta sẽ thấy rằng có vài vùng rất nhỏ bị bỏ sót mà khi quét qua một lượt, mình không biết. Đó là lý do tại sao ta phải trở lại quan sát từng phần, để xem xét có phải tất cả đều đã khai mở hết chưa. Ta học cách để đạt đến giai đoạn Banga (Sự tan rã hoàn toàn).

24. Kinh Đại Niệm Xứ đề cập đến 4 lĩnh vực quan sát và nhiều cách thực tập, còn Ngài chỉ dạy về sự quan sát thân, đó là hơi thở và quan sát các cảm giác. Bài giảng của Ngài không nói rõ các thứ tự quan trọng của cách thực tập này so với cách thực tập khác. Tại sao Ngài không dạy các cách thực tập như Thiền hành hay quan sát tâm?

Đó là một câu hỏi hay. Có nhiều truyền thống khác nhau. Đức Phật đưa ra các đối tượng để tu tập Thiền khác nhau cho những người đến với Ngài. Đức Phật là Bậc Giác Ngộ hoàn toàn, vì thế, Ngài thấy rõ căn cơ, tính cách, khả năng, sở trường… của người đến học, nên Ngài cho họ một đối tượng thích hợp để quan sát. Để bắt đầu, có các đối tượng khác nhau cho những người khác nhau, nhưng sau đó, khi hành giả tiếp tục tu tập, thì mọi người đều phải trải qua những giai đoạn giống nhau và cùng đạt đến mục đích cuối cùng.

Ở đây, truyền thống này khởi nguồn từ những người bắt đầu tu tập với hơi thở. Từ hơi thở, hành giả tiến đến cảm giác. Bởi vì với cảm giác, hành giả có thể thực sự trải nghiệm được sự sinh diệt. Hơi thở và cảm giác sẽ đưa ta đến mục đích cuối cùng. Nếu có ai muốn thử một phương pháp Thiền khác, cũng sẽ không bị ngăn cấm gì cả. Nhưng cần hiểu rằng những ai đang đi trên con đường này và đang tiến bộ, và nếu như họ thực tập phương pháp khác vì tò mò thì chỉ lãng phí thời gian mà thôi. Giống như khi tu tập với hơi thở và cảm giác, ta đạt tới giai đoạn có thể nhận thấy cảm giác ở khắp nơi. Và rồi đột nhiên, Quý vị nghe ai đó nói rằng có phương pháp Thiền hành. Thế là Quý vị quan sát bước chân (Dở – Bước – Đạp) mà bỏ đi cảm giác. Quý vị chỉ quan sát nó ở mức độ rất thô thiển, và khả năng mà mình đã đạt ở giai đoạn cảm nhận cảm giác ở mức độ vi tế trước đây, bây giờ, trở nên mai mục. Rồi Quý vị trở lại với hơi thở và không còn cảm nhận được cảm giác nữa.

Chúng ta không bài bác những cách tu tập khác. Nếu ai thích hợp với phương cách nào thì họ tận dụng nó. Có những người tâm trí rất thô thiển, đầu óc thuộc loại nông cạn. Họ không thể nào bắt đầu với một đối tượng vi tế như hơi thở, điều này rất khó. Quan sát chỉ trong vùng quanh mũi này rất khó. Quý vị có thể cảm nhận hơi thở khi đặt tay lên bụng: “Bụng phồng lên, xẹp xuống. Ồ! Hơi thở đang đi vào, đang đi ra”. Đó là một cách quan sát hơi thở thô thiển. Không sao, nếu như ngày nào không cảm nhận được hơi thở nơi cửa mũi giống như Đức Phật muốn ta cảm nhận, ta có thể bắt đầu ở bụng. Nhưng một khi, ta quan sát ở vùng mũi và cảm nhận rõ ràng được hơi thở vi tế.

Tuy nhiên, ta lại quan sát vùng bụng là ta đang đi từ chỗ vi tế quay trở lại với cái thô thiển. Trong khi đó, toàn bộ con đường tu tập là đi từ chỗ thô thiển đến chỗ vi tế. Khi đã đến một giai đoạn vi tế nào đó, nếu vô tình, một tình huống xảy ra là đối tượng lại trở nên rất thô, ta không thể làm gì được. Đó là một cái gì đó từ dưới sâu nổi lên trên bề mặt. Nhưng giờ đây, ta cố tình tu tập với đối tượng thô thiển, bỏ quên thực tại vi tế mà Quý vị trải nghiệm được. Đây là một sự thụt lùi chứ không phải tiến bộ. Thế thì đừng chạy loanh quanh vì tò mò. Nếu kỹ thuật này không phù hợp với mình thì ta có thể thực hành phương pháp khác. Nhưng hãy duy trì thực tập kỹ thuật ấy để đạt đến mục đích cuối cùng.

Nhưng nếu ta tu tập theo một phương pháp Thiền và đạt đến một giai đoạn nào đó rồi, rồi lại quay lại bắt đầu với một phương pháp khác, giống như khi ta đọc câu đầu của một đoạn văn, rồi nhảy sang câu đầu của một đoạn văn khác. Ta chỉ làm mất đi thời gian quý báo của cuộc đời mình. Thời gian rất cần thiết, chúng ta không thể để mất đi như thế.

25. Cái ta là không có? Nếu cái ta là không có, vậy cái gì cần giác ngộ?

 Đúng. Không có cái ta. Chính cái vô minh cần giác ngộ, sự trói buộc cần giải thoát.

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *