BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NĂM

Tiến trình thoát khỏi hoàn toàn khổ đau

Với cảm giác ấy, vì Vô minh (Avijjā) nên ham muốn (Taṇhā) nảy sinh, ghét bỏ nảy sinh. Bây giờ, ta phải thay đổi toàn bộ tiến trình này. Cảm giác sẽ có ở đó, nhưng với cảm giác, trí tuệ sẽ nảy sinh. Sự thật, đặc tính cảm giác này là gì? Nó không đời đời vĩnh cửu, nó không tồn tại mãi mãi. Nó nảy sinh để rồi diệt đi, hãy để tôi xem cảm giác ấy kéo dài được bao lâu. Phải, nó nảy sinh và diệt đi. Cảm giác có khó chịu đến đâu đi nữa, chắc chắn rồi nó sẽ diệt đi. Cảm giác có dễ chịu đến thế nào đi nữa, chắc chắn rồi nó sẽ diệt đi. Phản ứng chẳng có lợi gì cả, phản ứng là những cái gì mà bản tánh của nó là diệt đi thì có ích gì, chẳng có ý nghĩa gì cả, không đáp ứng được mục đích nào cả.

 

Càng ngày càng trở nên dễ dàng là đến giai đoạn khi cảm thấy cảm giác và ta không phản ứng lại các cảm giác này. Ta sẽ thay đổi toàn bộ tiến trình gia tăng khổ đau, tiến trình giải thoát bắt đầu. Đức Phật khám phá ra rằng cảm giác là một giao điểm quan trọng, nơi chia ra hai con đường. Ngài nói một con đường là đầy khổ đau. Ta tạo ra khổ đau và cứ tiếp tục tạo ra khổ đau. Vì với mỗi cảm giác, ta cứ tiếp tục phản ứng. Trong từng khoảnh khắc, ta cảm thấy cảm giác và cũng trong từng khoảnh khắc, ta phản ứng lại. Như thế, đó là tiến trình gia tăng khổ đau. Nhưng cũng chính tại điểm giao tiếp này, chính cảm giác trên thân này có thể đưa ta đến con đường giải thoát. Tất cả khổ đau sẽ bị diệt trừ bởi vì giờ đây, khi cảm thấy một cảm giác, ta không phản ứng lại.

Ta chỉ hiểu rằng Aniccā, Aniccā, Ồ! Vô thường, vô thường. Đây là điều ta đã bắt đầu thực hiện. Điều quan trọng đầu tiên là ta ý thức được các cảm giác và sau đó, ta không phản ứng với các cảm giác này. Mỗi cảm giác một sẽ biến thành Paññā (Trí tuệ). Mỗi một cảm giác phải đem lại trí tuệ, mỗi một cảm giác không nên đem lại Taṇhā (ham muốn và ghét bỏ). Đây là con đường đưa đến giải thoát mà mình đã chọn, đi sâu hơn vào mức độ cảm giác và không phản ứng. Ở đây là nơi toàn thể dây xích bị cắt đứt vì bây giờ không còn vô minh (Avijjā) nữa.

Khi Vô minh bị diệt trừ hoàn toàn thì không còn Saṅkhāra (hành động chủ ý) nữa. Vì Saṅkhāra diệt nên Thức diệt và dòng tâm thức ngừng lại. Vì Thức diệt nên Cơ cấu thân tâm diệt, không còn luồng tâm thức và vật thể luân chuyển nữa. Vì Cơ cấu thân tâm diệt nên 6 giác quan diệt. Vì 6 giác quan diệt nên Xúc diệt, không còn xúc chạm nữa. Vì Xúc diệt nên Cảm giác diệt, không còn cảm giác nữa. Vì Cảm giác diệt nên Thèm khát diệt, không còn Ham muốn nữa. Vì Ham muốn diệt nên Ràng buộc diệt, không còn ràng buộc nữa. Vì Ràng buộc diệt nên hết Trở thành, không còn tiến trình trở thành. Vì Trở thành diệt nên Sinh cũng diệt, không còn sự sinh ra đời nữa. Vì Sinh diệt nên Già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Tất cả các khổ đau lần lượt nối tiếp ra đi. Tất cả những điều này thật dễ hiểu, ta có thể chấp nhận chúng ở mức độ lý trí. Nhưng sự chấp nhận ấy chẳng giúp được gì cả, ta phải thực hành, phải đi sâu tận nơi có cảm giác và không phản ứng lại các cảm giác đó. Chỉ chấp nhận điều này ở mức độ lý thuyết, chẳng giúp được gì. Có thể có người không tin vào kiếp quá khứ hay kiếp tương lai, không thành vấn đề, điều này không quan trọng. Không cần thiết là ta phải chấp nhận rằng có kiếp quá khứ hay kiếp tương lai trước đã, rồi chỉ từ đó, phương pháp Thiền này mới có thể giúp cho mình.

Người ta phải chấp nhận kiếp sống hiện tại, kiếp sống ấy ở ngay đây và ta đang tạo ra khổ đau cho chính mình trong từng khoảnh khắc. Chúng ta tạo ra Saṅkhāra trong từng khoảnh khắc và mỗi Saṅkhāra là một khổ đau cho mình. Chúng ta cứ tiếp tục tạo ra Saṅkhāra ấy và làm cho nó sâu đậm thêm, sâu như đường khắc trên đá bằng dùi, đục và búa, khổ đau càng nhiều và sâu đậm. Ít ra là ta đang bắt đầu thoát ra khỏi khổ đau hiện tại. Luật tự nhiên là thế, nếu ta ngừng tạo ra Saṅkhāra mới khi cảm nhận cảm giác trên cơ thể, các Saṅkhāra cũ sẽ bắt đầu trồi lên trên bề mặt. Tất cả các Saṅkhāra tích lũy trong quá khứ nằm tận bên dưới, chứa sâu trong kho sẽ bắt đầu trồi lên. Các Saṅkhāra cũ ấy trồi lên với các cảm giác và ta không phản ứng mà giữ được sự bình tâm. Các Saṅkhāra ấy mất hết sức mạnh, yếu dần và diệt đi.

Một Saṅkhāra khác sẽ tới với một cảm giác nào đó, một lần nữa, ta vẫn giữ được sự bình tâm. Theo cách này, những Saṅkhāra cũ sẽ bị diệt trừ. Một khi ta ngưng tạo ra các Saṅkhāra mới, những Saṅkhāra cũ sẽ tự động bị diệt trừ dần dần. Ta càng bình tâm nhiều bao nhiêu, các Saṅkhāra ấy trồi lên bề mặt và bị diệt trừ nhiều bấy nhiêu. Đây là ý nghĩa của câu: “Mỗi Saṅkhāra sẽ nảy sinh và diệt đi. Sinh và diệt là Bản tính của chúng. Nó diệt đi nhưng nó lại nảy sinh, nó gia tăng và lại nảy sinh”.

Nhưng nếu ta ý thức được cảm giác của mình và không phản ứng lại các cảm giác ấy thì chúng bị diệt trừ khi trồi lên trên bề mặt. Khi chúng càng bị diệt trừ nhiều bao nhiêu, thì ta hưởng được sự an lạc và niềm hạnh phúc của giải thoát nhiều bấy nhiêu, vì nhiều bấy nhiêu khổ đau đã mất đi. Đó là toàn thể tiến trình và đây là sự giác ngộ của Đức Phật. Ngài đã tìm thấy nguyên nhân thật sự của khổ đau, và tìm ra cách diệt trừ nguyên nhân này ở tầng lớp sâu thẳm nhất.

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *