BÀI GIẢNG NGÀY THỨ HAI

Tiến trình Giới – Định – Tuệ với Bát Thánh Đạo

“Tránh làm các điều ác, hãy làm những điều lành”. Con đường giải thoát được giải thích tỉ mỉ, chi tiết từng bước. Theo ngôn ngữ thời ấy, toàn thể con đường ấy được gọi là Bát Thánh Đạo (Con đường thánh thiện). Nghĩa là bất cứ ai bước chân trên con đường này chắc chắn sẽ trở thành con người thánh thiện.

 

Người ta có thể thuộc các quốc gia, cộng đồng, màu da, giới tính khác nhau nhưng chẳng có gì khác biệt cả. Bất cứ ai bước chân trên con đường này chắc chắn sẽ trở thành con người thánh thiện, một Thánh nhân, một người tốt bụng có tâm thanh tịnh. Đó là lý do tại sao con đường này được gọi là Bát Thánh Đạo. Thánh Đạo ấy được chia làm 3 phần: Sīla (Giới hạnh), Samādhi (Định tâm) và Pa ̃ ̃a (Trí tuệ).

Sīla (Giới hạnh)

Sīla là đạo đức, giới hạnh, không làm bất cứ điều gì từ lời nói đến hành động gây tổn hại cho người khác. Ba phần trong Bát Chánh Đạo kết hợp thành Sīla là Sammā vācā (Chánh ngữ), Sammā kammanta (Chánh nghiệp) và Sammā ājīva (Chánh mạng).

Sammā vācā (Chánh ngữ)

Là lời nói chân chánh, tốt lành. Làm sao biết cái gì là tốt lành, cái gì là không tốt lành. Nếu ta biết tránh cái không tốt lành, cái còn lại là tốt lành. Lời nói tốt lành là tránh không nói dối, không nói lời thô bạo (những lời ác độc, nguyền rủa), không nói sau lưng người khác (gây chia rẽ) và không nói lời phỉ báng, lời vô ích. Ta không nên nói tất cả những lời này, tất cả những lời còn lại là thiện.

Sammā kammanta (Chánh nghiệp)

Là việc làm chân chánh, thiện lành. Tương tự, bất cứ hành vi nào gây tổn thương hay hãm hại người khác là bất thiện. Nếu ta tránh không làm những điều ác này, tất cả điều còn lại là thiện như không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không dùng các chất say hay gây nghiện. Nếu ta tránh các điều này thì tự động các việc làm còn lại là thiện.

Sammā ājīva (Chánh mạng)

Là nghề nghiệp chân chánh. Nếu một người là nam nữ Tu sĩ, tu ẩn dật, người tu cầm bình bát đi khất thực, họ không giữ bất cứ gì làm của cải mang theo. Nhưng một Cư sĩ không khất thực mà phải làm việc để kiếm sống, làm việc chăm chỉ, thật thà, không làm hại người khác. Tương tự, nghề nghiệp mưu sinh, việc làm ăn, buôn bán của ta phải thiện như thế.

Ta nhận thù lao từ công việc làm và việc ấy không hại ai cả. Nếu mình Kinh doanh để kiếm nhiều lời và sự Kinh doanh này làm hại người khác thì đó không phải là nghề nghiệp chân chính. Nếu phương tiện kiếm sống của mình khuyến khích người khác phạm giới, để sống cuộc đời vô luân, quấy nhiễu đến sự an lạc và hòa hợp của người khác. Đó không phải là nghề nghiệp chân chính.

Ví dụ, nếu có người nhúng tay vào việc buôn bán vũ khí (súng, đạn, bom, mìn…), thuốc độc thu được nhiều lợi nhuận. Bất cứ ai mua những thứ này sẽ dùng để giết hại người khác. Đây không phải là nghề nghiệp chân chính. Người ta có thể nói: “Tôi đâu có giết hại”. Phải! người đó không có giết hại nhưng có sự trợ giúp và khuyến khích người khác giết hại. Nếu có người buôn bán thịt, cá và nói: “Tôi không giết, người khác giết đấy”, người ấy vẫn khuyến khích người khác giết hại.

Có người nuôi và buôn bán súc vật cho Đồ tể, rồi nói rằng: “Tên đồ tể giết, không phải tôi”. Không! Người ấy vẫn khuyến khích việc giết hại ấy. Cứ như thế, với bất cứ thứ gì, nếu món hàng mà ta buôn bán mà khuyến khích người khác phạm giới thì nghề nghiệp mưu sinh này không chân chánh. Có nghề nghiệp đôi khi trông có vẻ chân chánh nhưng nếu động cơ thúc đẩy sai thì nghề ấy cũng không chân chính.

Một chuyện xảy ra trong đời tôi, cách đây nhiều năm, khi tôi chưa tiếp xúc với Dhamma thuần khiết và chẳng bao giờ biết quan sát nội tâm. Nhưng tôi thường tự cho mình là luôn biết sống theo đạo nghĩa. Tôi rất sùng đạo, cử hành hết nghi thức này, nghi lễ kia, đóng góp chỗ này, chia sẻ chỗ kia nhưng tôi không bao giờ biết về Dhamma thuần khiết. Tình cờ một người trong gia đình bị bệnh nặng, Bác sĩ gia đình lại đi vắng, nên tôi phải đến tìm một Bác sĩ khác.

Vị Bác sĩ mới này rất nổi tiếng nhưng rất bận. Chúng tôi không biết rằng Vị Bác sĩ có đến hay không nên chính bản thân tôi đi thuyết phục ông ấy về nhà khám bệnh. Tôi bước vào phòng khám mà ngày thường rất đông bệnh nhân nhưng tôi không thấy ai cả. Lúc đó, chỉ có một mình Bác sĩ, dĩ nhiên, tôi mừng lắm vì chắc là ông ta sẽ chịu đến nhà tôi. Nhưng vì tò mò, tôi hỏi ông ta: “Thưa Bác sĩ, ngày nào cũng có nhiều bệnh nhân xếp hàng nơi đây, sao hôm nay không thấy ai cả ?”. Với khuôn mặt đầy buồn so, ông ta trả lời: “Ông Goenka! Vào mùa này trong năm, luôn có nhiều bệnh dịch. Tôi không hiểu sao năm nay điều gì xảy ra mà chẳng có bệnh dịch nào cả”.

Tôi cảm thấy rất buồn, nghề nghiệp của một Bác sĩ là nghề cao quý, phục vụ người khác, giúp họ thoát khỏi bệnh tật. Hãy nhìn xem động cơ của Vị Bác sĩ này, ông ấy muốn có nhiều bệnh dịch lan tràn. Không phải Bác sĩ nào cũng thế cả, ta không nên quơ đũa cả nắm, nhưng trong trường hợp ông Bác sĩ này, tôi cảm thấy rất buồn. Vào lúc ấy, tôi không biết quan sát thực tại trong tôi. Khi không biết quan sát thực tại bên trong, ta luôn luôn soi mói, tìm lỗi ở người khác: “Hãy nhìn xem! Người này xấu xa vô cùng! Người kia xấu xa vô cùng! Người ấy xấu xa vô cùng!”. Khi tôi bắt đầu thực hành phương pháp Thiền này, quan sát sự thật bên trong, tôi thấy rằng tôi còn tệ hại hơn Vị Bác sĩ ấy nữa. Xuất thân từ giới Kinh doanh trong một gia đình buôn bán, làm ăn nên tôi hiểu những thương gia và những động cơ thúc đẩy của họ. Chúng tôi có ngôn ngữ riêng. Chẳng hạn, đang có chiến tranh hay nạn đói, hàng tiêu khan hiếm, giá cả vùn vụt leo thang. Theo ngôn ngữ Kinh doanh, chúng tôi nói: “ Thị trường đang phát triển, tuyệt diệu thay! tuyệt diệu thay!”.

Giá càng cao, chúng tôi càng có nhiều lời. Bất cứ hàng hóa nào chúng tôi có sẽ mang lại nhiều lợi nhuận. Khi không còn nạn đói hay chiến tranh, bấy giờ, giá cả hàng tiêu dùng đã giảm xuống. Với lòng rất bình thản, chúng tôi nói: “Thị trường đã bị đổ vỡ rồi! Tệ quá! Tệ quá!”. Phong cách làm ăn, động cơ thúc đẩy kiểu gì thế! Có ai bị khổ đau hay không, chúng tôi không quan tâm mà chỉ biết đến tiền. Ồ! Ta sẽ không hiểu được điều này cho đến khi nào ta bắt đầu quan sát sự thật bên trong, ta vẫn còn bị lôi kéo vào cuộc đảo điên này.

Làm thương mại không có gì sai cả. Ta phải kiếm ra tiền một cách hợp lý, không làm hại đến ai,với điều kiện là ta hiểu rằng mình đang đóng một vai trò quan trọng trong việc phục vụ cộng đồng theo đường lối này. Trong bất cứ nghề nghiệp nào, nếu ta có thái độ: “Bằng nghề nghiệp chuyên môn, tôi đang phục vụ xã hội, để bù lại, tôi được xã hội trả công” thì việc phục vụ xã hội trở thành quan trọng hơn. Tiền thù lao chắc chắn sẽ đến, không có gì sai trái cả.

Một thương gia mua hàng hóa từ nhà sản xuất và phân phối cho người tiêu thụ, không có gì sai cả. Không phải người tiêu dùng nào cũng có thể đến nhà sản xuất để thỏa mãn nhu cầu của mình, nên cần phải có người trung gian. Nhưng người trung gian này, nếu bắt đầu nghĩ rằng: “Tôi đến đây để trục lợi và kiếm tiền” thì lối chạy đua cật lực này để kiếm tiền, sẽ làm cho người này mất trí. Điều này cách xa Dhamma nhiều lắm. Sammā ājīva (Chánh mạng) muốn ta có thiện ý, động lực kiếm tiền tốt, không làm hại người khác, phục vụ cộng đồng, đóng vai trò phụng sự xã hội tùy theo khả năng của mình. Cả 3 điều này: Sammā vācā (Lời nói chân chánh), Sammā kammanta (Việc làm chân chánh) và Sammā ājīva (Nghề nghiệp chân chánh) kết hợp thành phần thứ nhất của Dhamma là Sīla (Giới hạnh). Nếu người Thầy dạy Dhamma chỉ dạy có thế thôi, người ấy không phải là Bậc Giác Ngộ.

Bậc Giác Ngộ giảng dạy trọn vẹn Dhamma. Chỉ giảng dạy và nói với người ta rằng: “Ồ! Trên thế gian, chớ làm điều này, chớ làm điều kia, chớ làm điều nọ và nên làm điều này, nên làm điều kia, nên làm điều nọ”. Người nghe từ tai này lọt qua tai kia, đây chỉ là Dhamma không trọn vẹn. Nó chẳng có ảnh hưởng gì bởi vì người ta biết rất rõ là mình không nên làm điều này và nên làm điều kia, nhưng người ta vẫn tiếp tục làm như cũ.

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *