BÀI GIẢNG NGÀY THỨ NHẤT

Phóng tâm là một chướng ngại khi hành thiền

Hôm nay, không ai bảo Quý vị quan sát tâm mình, nhưng vô tình, ta đã quan sát tâm mình. Ta đã để ý thấy mình đang mang loại tâm gì. Ta được yêu cầu quan sát hơi thở, và mới quan sát chưa được hai hơi thở thì tâm đã phóng đi mất, tâm này đã đi chỗ nào khác. Và sau một lúc lâu, mình mới nhận thấy: “Ồ, tâm ta đã đi đâu mất rồi, tôi ở đây là để quan sát hơi thở mà tâm lại đi đâu mất rồi”. Một lần nữa, sau một hay hai hơi thở, tâm lại đi chỗ khác, rồi mình lại nhận biết được và mang nó trở về. Không những thế, khi thấy tâm cứ đi lang thang, chuyền thoăn thoắt nên ta cảm thấy bực bội: “Tôi đang mang loại tâm gì vậy? nó không thể làm được chuyện bình thường này, là chuyện mà chỉ quan sát mà thôi, nó không có gì để làm cả, sự hô hấp luôn có sẵn đó, đây không phải là sự tập thở”. Rồi vì thế, ta trở nên mệt mỏi.

 

Hơi thở ra vào luôn có ở đó, việc của ta chỉ là quan sát. Hơi thở vẫn tiếp tục ra vào. Ta đang ngồi ở trên bờ sông, dòng sông đang chảy, điều phải làm là chỉ quan sát, nhưng tâm vẫn không làm được việc đơn giản này nên mình cảm thấy rất thất vọng, rồi sinh ra bực bội, khó chịu: “Ồ, không, không”. Như vậy, ta đang đi ngược lại với phương pháp Thiền. Đây là khuôn mẫu thói quen của chính tâm mình. Khi điều gì không muốn xảy ra, ta phản ứng lại bằng sự bực bội, khó chịu và tiêu cực. Đây là điều ta đã bắt đầu làm. Bây giờ, ta muốn tâm mình được an định và xem kìa nó không an định. Thế là, ta bắt đầu phản ứng: “Ồ, không, không”.

Phương pháp Thiền này muốn ta chấp nhận sự kiện là tâm đi lang thang, ngay giây phút này tâm đã đi lang thang. Hãy mỉm cười chấp nhận rằng tâm đã đi lang thang. Thì đã sao? Hơi thở vẫn còn đây, hãy trở lại với hơi thở. Chẳng bao lâu, mình sẽ sớm nhận ra rằng khi chấp nhận sự kiện là tâm sẽ đi lang thang, mình sẽ không phải kéo nó trở lại với hơi thở. Tâm sẽ tự trở lại, tâm sẽ tự động chú ý đến hơi thở. Ta chỉ chấp nhận sự kiện là tâm đi lang thang. Thế là đủ rồi, tâm sẽ quay trở lại với hơi thở. Như vậy, ta đã bắt đầu quan sát tâm mình, bản chất của tâm nó luôn đi lang thang. Thật là một cái tâm phóng túng, lang thang, vọng động. Một thực tại khác, nó đi lang thang tới chỗ nào: “Ồ, quá nhiều đối tượng!”.

Ta không được ghi vào nhật ký, không được phép giữ nhật ký ở đây. Nhưng cho dù được phép, không ai có thể ghi lại hết những chỗ tâm đã lang thang tới. Từng giây phút, tâm ở những chỗ nào đó trên trời hay một thế giới xa vời khác. Không thể ghi nhật ký nhưng nếu thật chú ý, Quý vị vẫn có thể thấy chỉ có hai lĩnh vực để tâm lang thang tới: lĩnh vực của ký ức trong quá khứ và lĩnh vực của tương lai. Một kỷ niệm sẽ khởi lên trong tâm, kỷ niệm này hay kỷ niệm kia, ở khoảnh khắc này là kỷ niệm này và sau đó là kỷ niệm khác. Ghi vài kỷ niệm: “Ồ, chuyện đó đã xảy ra như thế, người nào đó đã nhục mạ, mắng chửi tôi trong quá khứ. Vào lúc đó, tôi đã không biết phải đối phó như thế nào. Bây giờ, nếu người này nhục mạ tôi, người này tôi sẽ trả đũa như thế này”.

Và ta bắt đầu lạc bước vào tương lai, bị cuống hút vào tương lai. Bất ngờ một ý tưởng trong dĩ vãng đến, và ta bắt đầu trôi lăn vào quá khứ, rồi ta lại nhảy vào tương lai và tiếp tục bị cuống hút vào tương lai. Đó là khuôn mẫu thói quen của tâm, nó cứ chìm đắm vào quá khứ hay tương lai, nó không muốn sống với giây phút hiện tại. Người ta phải sống trong hiện tại, làm sao sống trong quá khứ vì quá khứ đã qua đi vĩnh viễn, ta không thể mang nó về và sống lại quá khứ cho dù trả hết tiền trên thế gian này. Không thể được, nó đã vĩnh viễn trôi qua. Và tương lai là tương lai, trừ khi nó trở thành hiện tại, ta cũng không thể sống trong tương lai mà phải sống trong hiện tại. Nhìn xem này, loại tâm nào không muốn sống trong hiện tại. Đó là lý do tại sao nó vọng động. Nó không biết nghệ thuật sống, mà toàn thể phương pháp Thiền này dạy cho Quý vị nghệ thuật sống. Đó là làm thế nào để sống trong hiện tại. Khi ta sống với hơi thở dù trong vài khoảnh khắc, đây là giây phút của thực tại, thực tế của giây phút này là hơi thở đang đi vào, đi ra. Tất cả những giây phút khác khi mình chìm đắm trong quá khứ hay tương lai là kết quả khuôn mẫu, thói quen của tâm.

Khi phóng tâm, tâm vô minh nên phản ứng tiêu cực (tạo nghiệp)

Một thực tại khác, càng ngày càng trở nên rõ hơn khi tâm đi lang thang vào quá khứ hay tương lai. Ở đó, có những loại ý tưởng nào. Lại một lần nữa, có hai loại ý tưởng, hai khuôn mẫu là khó chịu và dễ chịu. Khi tâm chìm đắm trong kỷ niệm quá khứ, kỷ niệm ấy có thể là kỷ niệm khó chịu hay dễ chịu. Khi tâm chìm đắm vào tương lai, ý tưởng về tương lai cũng có thể dễ chịu hay khó chịu. Cho nên, hãy để ý xem ý tưởng thuộc loại nào. Rồi ta sẽ nhận thấy rằng khi tâm chìm đắm vào sự dễ chịu trong quá khứ hay tương lai, một phần của tâm bắt đầu phản ứng: “À, tôi thích điều đó, tuyệt diệu thay, điều đó nên luôn xảy ra”. Sự thích thú trở thành ham muốn, ham muốn trở thành bám víu và ta không biết rằng mình đã đánh mất sự cân bằng trong tâm. Ta trở nên mất thăng bằng và trở nên khổ sở vì mình đã bắt đầu ham muốn và bám víu.

Tương tự như thế, khi tâm chìm đắm vào ý tưởng khó chịu trong quá khứ hay tương lai. Ta sẽ nhận thấy rằng một phần của tâm sẽ bắt đầu phản ứng: “Tôi không thích cái đó”. Và cái không thích này sớm trở thành ghét bỏ, thù hận. Một lần nữa, Ta lại thấy rằng mình đã đánh mất sự cân bằng trong tâm. Ta trở nên rất dao động. “À, đây là khuôn mẫu, hành xử của tâm tôi trong lúc này, nó tiếp tục phản ứng bằng ham muốn, bám víu, ghét bỏ, thù hận”. Theo ngôn ngữ thời Đức Phật, điều này được gọi là Raga, nghĩa là ham muốn, và Dosa nghĩa là ghét bỏ. Như vậy, lúc nào cũng ham muốn, ghét bỏ, vì thế lúc nào Quý vị cũng luôn dao động. Tại sao lại có ham muốn này? Tại sao lại có ghét bỏ này? Bởi vì người ta không biết cái gì đang xảy ra sâu tận bên trong. Ở bề mặt tâm cứ bận rộn với các đối tượng bên ngoài và người ta không biết về chiều sâu của tâm, nơi mà ham muốn, ghét bỏ, sự dao động và khổ đau phát sinh. Điều này được gọi là vô minh (Moha), tâm rất là vô minh. Đôi lúc, mình sẽ nhận ra tâm vô minh như thế nào.

Một ý nghĩ khởi lên trong tâm thuộc quá khứ hay tương lai, không thành vấn đề; dễ chịu hay khó chịu, không thành vấn đề. Một ý nghĩ đã nảy sinh trong tâm, và ngay khi chưa trọn một ý thì ý nghĩ khác đã bắt đầu. Những ý nghĩ không liên quan gì với nhau và không có thứ tự đầu đuôi. Đây là sự điên rồ. Khi ta nói người đó là người mất trí, một người điên. Vì những ý nghĩ của người này không đầu, không đuôi. Một ví dụ, ta gặp một người điên đã chịu đói 4 ngày qua, với lòng từ, mình tặng anh ta một đĩa đầy thức ăn. Rất vui sướng, người ấy ngồi xuống ăn vì đang đói. Anh ta chỉ lấy một miếng thức ăn và trước khi đưa thức ăn vào miệng, suy nghĩ của anh ta thay đổi.

Bây giờ, anh ta bắt đầu nghĩ rằng: “Ta đang trong phòng tắm, ta đang tắm, đây là cục xà phòng”, rồi anh ta bắt đầu cầm đĩa thức ăn ấy chà lên người. Trước khi ý tưởng đó dứt, một ý tưởng khác đến: “Kẻ đang đứng trước mặt tôi, hắn là kẻ thủ của tôi và hắn đến để giết tôi. Trước khi hắn giết tôi, tôi phải giết hắn, giết hắn bằng cách nào? Ô! đây là những quả lựu đạn, nếu ta ném, hắn sẽ chết”. Và người điên ném hết thức ăn đi. Đây là một người điên và mất trí. Suy nghĩ của anh ta không có thứ tự đầu đuôi gì cả. Mọi người rồi sẽ nhận ra mình điên rồ như thế nào. Ta vẫn luôn suy nghĩ không có đầu đuôi. Ý nghĩ này bắt đầu, rồi bỗng nhiên một ý nghĩ khác nổi lên, bất ngờ một ý nghĩ khác nữa nổi lên. Thật là điên rồ. Điều này gọi là vô minh (Moha). Vô minh là mình không biết cái gì đang xảy ra và suy nghĩ không có đầu đuôi. Ngay cả khi suy nghĩ có thứ tự, ta vẫn không biết trong tâm phát sinh ra bất tịnh như thế nào và Quý vị đang tạo ra khổ đau. Khi tiến sâu hơn ở mức độ thực nghiệm, ta sẽ thấy điều này càng lúc càng rõ hơn. Sự tương quan giữa thân và tâm sẽ trở nên rõ ràng hơn. Quý vị phải tu tập để thấy rõ điều ấy, tu tập đúng như phương pháp Thiền đòi hỏi. Rồi sự tu tập sẽ trở nên dễ dàng.

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *