BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BA

Phát triển năng lực hay khả năng chứng nghiệm Dhamma của tâm

Trong ba ngày qua, ta đã và đang thực hành các việc kể trên. Cho nên, trừ khi mình có khả năng và năng lực này, nếu không, ta sẽ không thể thực tập Thiền Vipassana. Chẳng hạn, nếu không có năng lực của mắt, ta không thể nhìn thấy gì cả. Nếu không có năng lực của tai, ta sẽ không nghe được. Tương tự như thế, trừ khi ta có năng lực của tâm để đưa ta tới chiều sâu của sự tương quan của tâm và tâm. Trừ khi ta có được năng lực này, nếu không, ta không thể đi vào thật sâu trong tâm được.

 

Ví dụ, có hai người bạn là hai thiếu niên nghèo khổ, sống cuộc đời ăn xin. Chúng đi khắp nơi để xin ăn, một đứa bị mù bẩm sinh. Một này nọ, cậu bé mù bị lên cơn sốt nặng. Người bạn ăn xin kia nói: “Được rồi! Bạn đi nghỉ đi, tôi sẽ đi xin thức ăn, rồi chúng ta cùng ăn với nhau”. Thằng bé ăn mày ra đi và ngày đó, có bà nội trợ động lòng thương, rồi cho đứa thiếu niên này một thức ăn ngon ngọt. Ở Ấn Độ, người ta gọi là Khia, một loại chè làm bằng gạo, sữa, trái cây khô, đường… Được cho ăn, cậu bé ăn xin rất vui mừng. Nhưng chè lỏng quá, nó lại không có đồ đựng nên không về mang về cho bạn mình mà phải ăn tại chỗ. Khi trở về, nó thật thà kể cho bạn nghe:

  • Hôm nay, tôi xin được món Khia rất ngon, nhưng không thể đem về cho bạn vì không có Bát để đựng.
  • Bạn không thể đem về cho tôi cũng không sao nhưng hãy kể cho tôi nghe món Khia này là món gì?
  • Thế anh không biết Khia là gì à?
  • Không! tôi không biết
  • Ồ! Nó màu trắng, làm bằng sữa, trắng thật là trắng.
  • Trắng à! Trắng là gì?
  • Anh không biết trắng là gì ư?
  • Không! tôi không biết trắng là gì?
  • Trắng không phải là đen
  • Anh không biết trắng là gì cũng chẳng biết đen là gì. Thế anh là người gì nhỉ?
  • Tôi không biết trắng là gì, đen là gì vì tôi bị mù bẩm sinh. Làm sao tôi có thể biết màu trắng hay màu đen là gì.

Thằng bé kia nhìn hết chỗ này đến chỗ kia và nhìn thấy một con vịt trắng. Nó vội bắt con vịt và mang lại cho bạn mình:

  • Đây này! Trắng như con vịt này này.
  • Trắng giống con vịt này à?

Thằng bé mù không trông thấy gì, làm sao nó có thể biết màu trắng như thế nào và con vịt trắng ra sao. Nó lấy tay sờ con vịt:

  • À! Bây giờ tôi hiểu trắng là gì rồi. Màu trắng rất là mềm, thật là mềm!
  • Này! Anh nói sao? Mềm ư? Mềm với trắng không có liên quan gì với nhau cả.
  • Anh nói trắng như con vịt vậy. Tôi sờ con vịt, thấy nó rất mềm mại và bây giờ anh nói trắng không phải là mềm.
  • Ồ! Anh vớ vẩn quá! Tôi bảo trắng, là trắng như con vịt này, mà anh chẳng hiểu gì cả.
  • Để tôi thử một lần nữa xem.

Và một lần nữa, nó lại mò mẫm sờ. Nó bắt đầu từ cái mỏ, rồi đến toàn thân con vịt, cho tới phần đuôi của con vịt.

  • À! Tôi biết rồi. Nó cong quẹo, màu trắng là cong quẹo.

Thế mới biết, có người hay nói lý thuyết cao siêu, nhưng chẳng bao giờ chứng nghiệm được điều gì. Bởi vì họ không có khả năng để chứng nghiệm được những điều này. Đối với họ, chân lý hay sự thật luôn cong quẹo, khúc khuỷu suốt cả đời. Họ không bao giờ có thể hiểu được. Khả năng chứng nghiệm chân lý rất là quan trọng. Và đây là những gì ta đã bắt đầu làm. Nếu chỉ biết có Sīla (trì giới) mà không thực hiện bước kế tiếp là Samādhi (Định tâm) thì ta không thể có được khả năng này.

Ta đã đi vào Samādhi, nếu chỉ thực hành Samādhi bằng cách dùng đối tượng tưởng tượng như dùng một câu chú hay hình ảnh thì ta cũng không thể phát triển được khả năng này.Trừ khi, ta thực tập với thực tại, thực tại gắn liền với thân và tâm của chính mình. Ta đã thực tập tại khu vực này với hơi thở, đó là sự thật, và ta thực sự đang chứng nghiệm được điều này. Cái phớt chạm của hơi thở là điều ta đang cảm nghiệm.

Trong ngày thứ ba, ta bắt đầu cảm nhận các cảm giác, các phản ứng sinh hóa tại khu vực nhỏ hẹp này. Đây chính là phương thức dẫn mình đi dần đến những tầng lớp sâu hơn của tâm. Tầng thâm sâu nhất của tâm được gọi là tâm vô thức, là phần thực ra không vô thức tí nào. Nó lúc nào cũng nhận thức ngày và đêm, nhận thức được các cảm giác trên cơ thể.

Ta đã bắt đầu cảm nhận được các cảm giác này ở vùng bên trong khoang mũi. Cảm giác luôn hiện hữu trên khắp cơ thể. Trên toàn thân, lúc nào cũng có cái này hoặc cái kia đang diễn ra, lúc nào cũng có sự thay đổi. Một sự thay đổi được thể hiện bằng cảm giác này hay cảm giác nọ, nhưng luôn luôn có sự thay đổi.Ta chỉ có thể cảm nhận được bằng cách quan sát chúng như trong ba ngày qua.

Ta đang ở giai đoạn khởi đầu. Ngày mai, ta sẽ thăm dò toàn bộ lĩnh vực và nhận thấy các cảm giác khác nhau ở khắp mọi nơi trên cơ thể. Đây là cách ta di chuyển sự chú tâm từ bề mặt của tâm, cho đến phần thâm sâu của tâm, nơi mà các phiền não mọc rễ sâu trong quá khứ đã tích tụ, nơi mà khuôn mẫu hình xử của tâm ngự trị ở tầng lớp sâu thẳm nhất của tâm. Khuôn mẫu hành xử của tâm là phản ứng. Khi có cảm giác khoan khoái thì tâm phản ứng bằng ham muốn, bám víu.

Khi thấy cảm giác khó chịu, bực bội trên thân thì tâm phản ứng bằng ghét bỏ, thù hận. Dần dần, ta sẽ ý thức được chuyện đó. Thật rất dễ hiểu ở lĩnh vực trí thức, là có sự thay đổi xảy ra ở khắp mọi nơi. Tất cả đều vô thường, ai sinh ra rồi cũng chết. Mọi vật tạo ra không sớm thì muộn, rồi cũng bị hủy hoại. Nhưng đây chỉ là sự hiểu biết trên phương diện lý trí. Và ta chỉ có thể chứng nghiệm được điều này trong phạm vi của cơ thể mà thôi.

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *