BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BẢY

Nương Tựa Nơi Đức Phật Không Phải Sự Sùng Tín Mù Quáng?

Có người nói: “Tôi là tín đồ của Đức Phật”. À! Tuyệt vời! Là tín đồ của Đức Phật, có lòng kính tín đối với Đức Phật, người hoàn toàn giác ngộ và giải thoát. Nhưng một lần nữa, nếu lòng kính tín ấy trở thành thứ sùng tín mù quáng, thì vào mỗi buổi sáng, sẽ có người chấp tay lại nói: “Buddham Saranam Gacchāmi, Con xin hướng về nương tựa Đức Phật. Tôi đã hướng về nương tựa Đức Phật 3 lần. Bây giờ, trong suốt cả ngày, tôi được hoàn toàn tự do, muốn làm gì thì làm. Tôi có được giấy phép muốn làm gì thì làm. Nói cho cùng, tại sạo tôi lại hướng về nương tựa Đức Phật? Để Ngài giải thoát cho tôi dù tôi có làm tất cả những điều xấu xa đi nữa, Ngài cũng phải giải thoát cho tôi. Nếu không, tại sao lại phải hướng về nương tựa Đức Phật?”.

Thật là điên rồ! Người ta đã không hiểu ý Đức Phật muốn nói gì, khi Ngài yêu cầu người ta hướng về nương tựa Phật. Ý Ngài muốn nói gì? Đó là nương tựa vào phẩm hạnh, phẩm hạnh của sự giác ngộ và để thành kính, nương tựa vào phẩm hạnh giác ngộ, có nghĩa là phát triển sự giác ngộ cho chính mình. Sự giác ngộ của riêng mình chứ không phải là của ai khác sẽ là nơi cho ta nương tựa vào. Chính sự giác ngộ riêng ấy, sẽ tự nó bảo vệ chúng ta, chứ không phải ai khác. Ta phải nương tựa vào sự giác ngộ của chính mình và phát triển những phẩm hạnh này. Lúc ấy, mới hợp lý khi nói rằng: “Tôi hướng về nương tựa Đức Phật”.

Nếu không, câu nói ấy trở thành sự sùng tín mù quáng. Ngài không quan tâm đến chuyện thành lập một tôn giáo. Ngài không muốn càng ngày càng nhiều người nói: “Tôi hướng về nương tựa Đức Phật”, để có một tôn giáo đông đảo hơn. Chẳng có ích gì cả! Đầy lòng từ bi, Ngài đã quan tâm muốn thấy chúng sinh thoát khỏi khổ đau. Người ta có thể thuộc một giáo phái, một cộng đồng, một quốc gia, một giới tính nào đó, chẳng có gì quan trọng cả. Ai cũng khổ đau, sự giác ngộ của Đức Phật là Ngài chỉ dạy con đường thoát khổ.

Nhờ sự giác ngộ của mình, Ngài đã tìm thấy con đường giải thoát, giúp cho Ngài được giác ngộ. Và vì lòng từ bi, Ngài chỉ dạy con đường này. Nếu ta không bước đi trên con đường giải thoát này, lòng kính tín không còn là kính tín nữa. Thứ sùng tín ấy, chẳng có ích lợi gì cả.

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *