BÀI GIẢNG NGÀY THỨ BẢY

Quy y hướng về nương tựa Pháp Bảo là gì?

Có người nói: “Tôi hướng về nương tựa Dhamma, tôi rất tôn kính Dhamma, giáo pháp của Đức Phật”. Dhamma là gì? Trừ khi người ta hiểu Dhamma là gì, bằng không, nếu người ta chỉ nói: “Tôi thành kính nương theo pháp”, thì lời nói ấy chẳng có hiệu quả gì. Nếu ta thành kính nương theo pháp, sống cuộc sống Dhamma và phát triển Dhamma (Sīla, Samādhi vàPaññā) trong chính mình, thì mới có ý nghĩa khi nói rằng: “Tôi hướng về nương tựa Dhamma”. Còn không, chẳng có mục đích hay ý nghĩa nào cả. Và Dhamma là gì? Dhamma không phải là một giáo phái hay tôn giáo có tổ chức mà là luật chung cho tất cả, luật tự nhiên. Nếu người ta bắt đầu sống theo đúng luật tự nhiên, đúng là người ấy đã thành kính nương theo Dhamma.

Đức Phật đã giải thích đặc tính của Dhamma là gì. Dhamma có 6 tính chất và người ta phải tiếp tục nhận biết xem các đặc tính này có trong chính mình hay không. Nếu không, nhân danh Dhamma, người ta sẽ bị ràng buộc vào tông phái, tín ngưỡng, giáo điều nào đó. Những phẩm chất của Dhamma thuần khiết là gì?

Svākhāto (Đơn giản, dễ hiểu, dễ hành)

Đây là tính chất đầu tiên của Dhamma là phải được giải thích một cách rõ ràng, không có gì là huyền bí, không có những trò biện luận mang tính trí thức. Chẳng phải như vậy, Dhamma rất đơn giản nên phải được giải thích bằng những lời lẽ đơn giản để người bình thường có thể hiểu được. Trừ khi người ta hiểu, nếu không, họ không thể thực hành được. Đây không phải là trò chơi của các triết gia hay các học giả. Dhamma là cái gì mà người ta có thể hiểu và làm theo được.

Sandiṭṭhiko (Tự mình chứng nghiệm chân lý)

Bất cứ những gì ta đang chứng nghiệm bằng kinh nghiệm trực tiếp. Sự thật mà ta tự chứng, đây là Dhamma. Chân lý được Bậc Giác Ngộ chứng nghiệm không phải là chân lý của chúng ta. Hay chân lý được giải thích trong Kinh điển cũng không phải là chân lý của chúng ta. Chân lý của Bậc Đạo sư chứng nghiệm không phải là chân lý của chúng ta. Chân lý là cái mà chúng ta tự chứng nghiệm bằng chính kinh nghiệm trực tiếp của mình từng bước một. Ta có thể bắt đầu bằng sự thật rất thô thiển. Chẳng sao cả, đây là sự thật của chính mình, kinh nghiệm của chính mình, trí tuệ của chính mình. Khi ta tiếp tục tiến bước trên con đường giải thoát với sự thật. Chúng ta chắc chắn sẽ chứng nghiệm sự thật vi tế hơn. Ta thăm dò toàn thể lĩnh vực và chứng nghiệm sự thât ở thân và tâm, rồi vượt qua lĩnh vực ấy mà chứng nghiệm được những thứ vượt ra ngoài thân và tâm.

Akāliko (kết quả đến ngay trong hiện tại)

Không cần mất nhiều thời gian để gặt hái kết quả của sự tu tập Dhamma. Không phải bây giờ, ta tu tập theo Dhamma, rồi nhận được lợi lạc sau khi chết. Không phải vì ta cử hành nghi lễ này nọ mà sau đó ta được tái sinh vào một cảnh trời nào đó. Ai đã đến từ một cảnh trời nói với chúng ta rằng họ đã làm những nghi lễ này, và nhờ thế họ được tái sinh vào cảnh trời đó, tất cả đều không có mục đích. Ta thu nhận được lợi lạc ngay bây giờ. Dĩ nhiên, sau khi chết, ta cũng sẽ nhận được lợi lạc, nhưng quan trọng là lợi lạc nào ngay bây giờ. Nếu bây giờ, ta không nhận được lợi lạc nào, đó không phải là Dhamma. Ta đã cất bước trên con đường Dhamma và phải đạt được lợi lạc hiện tại. Chỉ có thế mới là Dhamma tinh khiết, nếu không, không phải là Dhamma.

Có người ký cho tôi một tấm ngân phiếu có hiệu lực trong tương lai, rút ra từ một ngân hàng tưởng tượng trên mây, vốn không hiện hữu. Tôi sẽ làm gì với tấm ngân phiếu có hiệu lực trong tương lai này? Người ta phải đạt được lợi lạc ngay bây giờ. Sẽ không có khoảng cách nào giữa hành động của ta và kết quả ta đạt được. Đổi thay phải bắt đầu xảy ra trong đời mình. Nếu thực sự bước chân trên con đường giải thoát, một sự đổi thay phải bắt đầu tại đây và ngay bây giờ, ngay trong kiếp sống này, đổi thay để được tốt đẹp hơn.

Ehipassiko (Chứng nghiệm Dhamma và giúp cho người khác biết Dhamma)

Một đặc tính rất quan trọng khác của Dhamma. Nếu có người thực sự bước đi trên con đường Dhamma, người ấy phải phán đoán, xét xem nó có đúng thực là Dhamma hay không. Nghĩa đen của Ehipassiko là đến để thấy tận mắt, tự xét đoán và chứng nghiệm. Người ta đến những khóa Thiền như thế này. Có người vào ngày thứ 4, thứ 5 hay thứ 6, bắt đầu nghĩ rằng: “Ồ! Phương pháp Thiền này tuyệt diệu quá! Mẹ tôi nên tu tập, cha tôi nên tu tập, người này, người kia nên tu tập phương pháp Thiền này”. Và bất chợt, ta nhận ra rằng: “Tôi đến đây là để quan sát hơi thở ra vào và cảm giác của tôi, còn chuyện đó để sau này hẳn tính”.

Và rồi, sau một lúc, mình lại nghĩ: “Ô! Người ấy là người rất khổ, chắc chắn là người ấy nên tiếp nhận phương pháp Thiền này”. Đây là tính chất của Dhamma. Ta không chơi trò chơi trí thức, sùng tín hay tình cảm mà đang thực sự chứng nghiệm được một điều gì. Có người đến với khóa học và nói: “Các bài giảng hay tuyệt”. Bài giảng nào hay tuyệt? Chính Dhamma mới tuyệt diệu. Nếu ta chỉ biến nó thành trò tiêu khiển trí thức thì không có ích lợi gì cả? Người ta đến đây và thực hành Thiền.

Một khi đã thực hành được, người ta không thể cưỡng lại ý muốn phổ biến cho người khác. Khi 10 ngày đã qua, bất cứ khi gặp ai họ bắt đầu nghĩ: “Ồ! Phương pháp Thiền này tuyệt vời! Tôi đã thử qua, phương pháp Thiền này hay lắm! Nó đã giúp ích cho tôi, bạn nên học thử xem”. Đây là thước đo để xem ai có thực sự nếm Dhamma hay không. Nếu ai thực sự nếm hương vị Dhamma, người ta chắc chắn đạt được lợi ích. Khi ấy, người ta muốn chia sẻ lợi ích ấy cho người khác.

Nếu người nào viết văn hay, họ cảm thấy muốn viết để càng nhiều người biết đến Dhamma. Người ta không biết rằng có phương pháp Thiền như thế đang thịnh hành, đang được chỉ dạy. Có người nào là diễn giả, họ sẽ đi diễn thuyết đó đây. Nếu người nào có nhiều tài chính, họ sẽ hiến tặng thêm để càng ngày càng nhiều người được đến và tận hưởng Dhamma. Chứ không phải, chúng ta làm cho tông phái của mình lớn mạnh ra: “Bây giờ, tông phái này còn nhỏ bé, hãy làm cho tông phái Vipassana này lớn mạnh thêm”. Chẳng ích lợi gì cả. Người người đau khổ khắp nơi, nếu càng nhiều người biết đến Dhamma, phương pháp Thiền này, họ sẽ bước ra khỏi khổ đau. Người ta cảm nhận được tình thương và lòng từ bi này.

Và rồi, có người cảm thấy rằng: “Khi tôi đến với khóa Thiền, tất cả các phương tiện ở đây đều để cho tôi dùng. Không những thế, rất nhiều người quên mình đã phục vụ tôi. Đó là lý do tại sao tôi đã có thể hành Thiền một cách an lạc và thoải mái như vậy. Ồ! Tôi cũng phải dâng hiến 10 ngày của cuộc đời tôi để phục vụ một khóa”. Cứ thế người ta đến phục vụ và nguyện cho càng ngày càng nhiều người được lợi lạc. Quả là tốt, khi có người hiến tặng Dāna, đóng góp tài chính, tặng phẩm. Bởi vì có thêm nhiều người có thể tận dụng phương tiện nơi đây. Nhưng còn tốt đẹp hơn nữa, nếu có người nào hiến tặng công lao phục vụ.

Chúng ta hãy hiểu rõ: “Chỉ có chủ ý, tấm lòng mới đáng kể”. Khi tặng tiền, ta chỉ giúp người khác thoát khỏi khổ đau tạm thời như qua cơn khát, cơn đói hay bệnh tật. Tất cả những điều này đều tốt. Nhưng khi tặng tiền cho việc giảng dạy Dhamma, không gì có thể sánh bằng. Chủ ý của chúng ta là muốn người khác thoát khỏi khổ đau. Khi phục vụ hay hiến tặng tiền bạc, khoảnh khắc mà ta quyết định làm việc đó là khoảnh khắc tốt đẹp. Chủ ý của chúng ta thật là tuyệt vời! Nhưng khi quyết định phục vụ, suốt 10 ngày, ta không ngừng phục vụ. Và mỗi lần đến đó, ta cảm thấy: “À! Hãy nhìn xem! Có rất nhiều người đang học hỏi Dhamma. Hãy nhìn xem rất nhiều người đang thoát khỏi khổ đau”. Trong suốt 10 ngày, chúng ta đang liên tục phát triển Pārami, phẩm hạnh này hay chủ ý này, ý muốn về Dhamma này.

Thật tuyệt vời! Ai hiến tặng công lao phục vụ như vậy sẽ nhận ra điều này. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi biết người ta bắt đầu dâng hiến công lao phục vụ, sự hãnh diện của chính người ấy càng lúc càng trở nên mạnh hơn. Khi cho ai thức ăn, thiên nhiên sẽ giúp mình không bị chết đói. Tương tự như thế, khi hiến tặng Dhamma cho ai, để bù lại Dhamma của mình càng trở nên mạnh hơn. Ta sẽ nhận được thêm Dhamma. Cứ như thế, người ta càng ngày càng nghĩ nhiều về tính chất Ehipassiko: “Tôi phục vụ để càng ngày càng nhiều người được thụ nhận Dhamma”. Đây là phẩm chất, là thước đo người nào có thực sự tu tập Dhamma hay không.

Opanayiko (Lợi lạc thực tế)

Nếu là Dhamma tinh khiết thì mỗi bước đi trên con đường giải thoát, sẽ đưa ta càng ngày càng gần đến đích cuối cùng hơn. Con đường giải thoát là thế, con đường ấy thẳng tắp như xa lộ, như con đường cao tốc, không quanh co chỗ này, chỗ kia. Không phải là ta đi vào ngõ cụt rồi trở ra, chẳng được ích lợi gì cả. Mỗi bước đưa ta đến gần mục đích cuối cùng. Lợi lạc trong giai đoạn đầu, lợi lạc trong giai đoạn giữa, lợi lạc trong giai đoạn cuối. Nếu chỉ thực hành Sīla, ta đã bắt đầu có lợi lạc.

Khi thực hành Samādhi, ta được lợi lạc hơn. Và khi thực hành Paññā, ta được lợi lạc hơn nữa. Còn khi đến giai đoạn cuối cùng, ta được lợi lạc nhiều vô kể. Mỗi bước ta đi trên con đường giải thoát, mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Không một bước nào, không có một nỗ lực nhỏ bé nào mà ta làm trên con đường giải thoát bị uổng phí, không có gì bị uổng phí.

Paccattaṃ Veditabbo Viññūhi (Ai cũng được lợi lạc khi thực hành Dhamma)

Paccattaṃ nghĩa là mọi người đều thể hiện trực tiếp được. Người ta có thể thuộc một tông phái hay cộng đồng nào đó, chẳng có gì quan trọng cả. Dhamma là cho mọi người, ai cũng có thể đạt được lợi lạc nhờ tự thực hành. Không phải là chúng ta phải cải đạo sang tổ chức tôn giáo này trước đã, rồi tổ chức này mới giúp mình, chẳng lợi lạc gì cả. Nếu thế thì có gì sai trái rồi, bất cứ ai cũng có thể được lợi lạc nhờ Dhamma. Một người Ấn Độ giáo có thể cứ coi mình là một người Ấn Độ giáo. Người Thiên chúa giáo cứ coi mình là người Thiên chúa giáo. Người Do thái giáo cứ coi mình là người Do thái giáo. Người Hồi giáo cứ coi mình là người Hồi giáo.

Người Phật giáo cứ coi mình là người theo Đạo Phật. Chẳng có gì khác biệt cả, một con người là một con người. Do vô minh, người ta cứ tiếp tục tạo ra ham muốn, ghét bỏ và si mê. Và vì như vậy, người ta lúc nào cũng rất dao động và khổ sở. Con đường có sẵn đó để giúp ta xóa bỏ khổ đau bằng cách diệt trừ những bất tịnh trong tâm. Ai cũng có thể thực hành và gặt hái được cùng một kết quả. Phải chứng nghiệm trực tiếp! Nếu chúng ta chơi trò chơi trí thức, nó sẽ không có kết quả.

Trong toàn thể môi trường tâm linh rộng lớn thời trước Đức Phật, cùng thời với Ngài và sau thời Ngài, cũng có cùng một thứ giáo huấn: “Hãy thoát ra khỏi ham muốn, ghét bỏ và lầm lạc”. Điều này chẳng có điều gì mới cả, tất cả đều ở mức độ tri thức hay cảm xúc. Nhưng ở đây lại có một cái gì đó rất mới. Bây giờ, có người đứng ra chỉ dạy ở mức độ thực nghiệm, cách thoát ra khỏi ham muốn, hãy quan sát hơi thở ra vào.

Sự ham muốn của chúng ta nảy sinh vì cảm giác dễ chịu. Hãy thoát ra khỏi sự ghét bỏ, hãy nhìn vào và quan sát cảm giác của mình. Bất cứ khi nào có cảm giác khó chịu thì sự ghét bỏ mới bắt đầu. Có người giảng dạy ở mức độ thực tiễn, đây là Paccattaṃ Veditabbo. Người ta phải hiểu rõ thực tại ở mức độ cảm giác và thoát khỏi khổ đau. Viññūhi nghĩa là bất cứ người nào sáng suốt cũng có thể thực hành Dhamma. Phương pháp Thiền này áp dụng cho từng người và cho tất cả mọi người. Đây là những đặc tính của Dhamma. Nếu ta hiểu rõ những tính chất này khi bước đi trên con đường giải thoát, chắc chắn sẽ có lợi ích.

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *