BÀI GIẢNG NGÀY MƯỜI MỘT

Lý thuyết phải đi đôi với thực hành

Có một câu chuyện, một giáo sư đại học trẻ tuổi học vấn rất cao, rất rộng với rất nhiều bằng cấp nhưng chưa được tôi luyện trong trường đời. Anh ta đang đi du lịch trên một du thuyền, cũng trên du thuyền đó có một thủy thủ già thất học. Thỉnh thoảng, người thủy thủ đó đi vào phòng anh giáo sư, để lắng nghe những câu chuyện đầy học thức, đầy ý nghĩa. Người thủy thủ già này rất lấy làm thán phục. Một hôm, đang lúc người thủy thủ ra khỏi phòng Vị giáo sư hỏi anh ta:

  • Này bác, bác đã học địa chất học chưa?
  • Thưa ngài, địa chất học là gì?
  • Là khoa nghiên cứu về quả đất.
  • Không thưa ngài, tôi không được đến bất cứ trường học hay bất cứ trường cao đẳng nào, tôi không được học hành gì cả.
  • Bác ơi! Như vậy là bác đã uổng phí đi 1/4 cuộc đời của bác rồi.

Ông già ấy buồn lắm, Vị giáo sư đại học uyên bác đã nói thế thì chắc chắn mình đã uổng phí đi 1/4 cuộc đời của mình rồi.

Ngày kế tiếp, sau cuộc nói chuyện đầy kiến thức uyên thâm, đang lúc người đàn ông già đi ra, Vị giáo sư hỏi ông ta:

  • Này bác ơi, bác đã học về hải dương học chưa?
  • Thưa Ngài hải dương học là gì?
  • Là khoa nghiên cứu về biển, về đại dương này
  • Không thưa ngài, như tôi đã nói với ngài, tôi không được học hành gì cả
  • Bác ơi! Bác đã phí đi 1/2 cuộc đời của bác rồi.

Người đàn ông già ấy rất buồn, ta đã lãng phí đi 1/2 cuộc đời của mình rồi.

Ngày thứ ba Vị giáo sư lại hỏi ông ta:

  • Này bác ơi, bác đã học về khí tượng học chưa?
  • Khí tượng học là gì?
  • Là khoa về khí hậu, mưa và gió
  • Không thưa ngài, như tôi đã nói với ngài, tôi không được học hành gì cả.
  • Bác ơi! Bác đã uổng phí đi 3/4 cuộc đời của bác rồi.

Người thủy thủ già buồn lắm, Vị giáo sư học cao hiểu rộng đã nói thế, mình đã uổng phí đi 3/4 cuộc đời của mình rồi.

Ngày kế tiếp là ngày đến phiên của ông già, ông ta hớt hãi chạy đến hỏi:

  • Thưa giáo sư! Thưa ngài! Ngài đã học môn bơi lội học chưa?
  • Bơi lội học là gì?
  • Ngài có biết bơi không, thưa ngài?
  • Không, tôi không biết bơi.
  • Thưa giáo sư! Thưa ngài! Ngài đã uổng phí cả cuộc đời của mình rồi, tàu này đang bị đắm, chiếc tàu này đang chìm xuống nước. Những ai biết bơi có thể tới được bờ bên kia, những ai không biết bơi sẽ chết chìm, tôi cảm thấy rất tiếc cho giáo sư.

Phải! chúng ta có thể học tất cả các môn học trên đời này, nếu chúng ta không học môn bơi lội học thì các môn này có ích lợi gì? Ngay cả đến muốn bơi lội, ta có thể đọc sách vở, nghe giảng giải nhưng nếu không chịu nhúng mình xuống nước thì làm sao nó giúp ích cho ta được. Tất cả đều là lý thuyết, lý thuyết, lý thuyết không có thực hành. Ta phải bơi trong biển khổ này và đến bờ bên kia, nơi không còn những khổ đau. Phần thực tiễn của Dhamma là môn bơi lội học này, hãy học cách bơi trong biển khổ này, hãy thoát khỏi khổ đau.

Những bước chân rất nhỏ, đúng đắn trên con đường giải thoát rất dài

Bất cứ ai đến với khóa Thiền như thế này để học phần thực hành của Dhamma. Dĩ nhiên, trong 10 ngày, ta có thể học được bao nhiêu. Ta đã bước được một bước rất nhỏ trên con đường giải thoát rất dài. Không phải là tôi làm giảm giá trị những gì đã học được, những điều ấy thật có giá trị. Giá trị đó hiểu đúng nghĩa là ta đã bước được bước đi đúng hướng trên con đường chân chánh. Và từng bước một, tiến xa trên con đường giải thoát, chắc chắn, ta sẽ đạt được mục tiêu tối hậu là giải thoát khỏi mọi khổ đau.

Những bước chân mà ta đã đi đó vẫn là một bước rất nhỏ trên con đường giải thoát rất dài. Giống như một hạt giống rất tốt được gieo trồng trên một mảnh đất rất màu mỡ. Một hạt giống đã đâm chồi, cái mầm tí hon này đòi hỏi rất nhiều sự chăm sóc. Người làm vườn đầy kinh nghiệm luôn luôn chăm sóc vườn ươm nhỏ bé này. Người ấy làm hàng rào quanh cây con ấy để gia súc khỏi ăn mất cây con. Người ấy tưới nước vừa phải, để vừa đủ nắng và bóng mát. Với tất cả sự chăm sóc này, cây tăng trưởng thành cây to, có rễ rất sâu. Sau đó, nó không đòi hỏi sự chăm sóc nào nữa. Trái lại, cây bắt đầu phục vụ chúng ta, những gì cây sinh ra là để cho chúng ta, cây tiếp tục cho ta sản phẩm của nó. Tương tự như thế, ở giai đoạn này, cây Dhamma này cần được chăm sóc kỹ lưỡng, cần được phục vụ chu đáo. Có sự chăm sóc và phục vụ thích hợp, cây Dhamma sẽ tăng trưởng, phát triển thành cây to, có rễ rất sâu và thân cây to lớn.

Sau đó, nó không cần sự chăm sóc nào nữa. Mặt khác, nó bắt đầu phục vụ chúng ta, nó sẽ cho bóng mát mà ta chưa bao giờ hưởng được trong đời mình. Nó sẽ cung cấp trái ngọt mà ta chưa từng được nếm qua trong đời. Dhamma sẽ tiếp tục cống hiến cho ta. Nhưng vào giai đoạn này, sự chăm sóc phục vụ cây con này rất quan trọng. Ta phải bảo vệ cây con này bằng cách dựng hàng rào để gia súc không đến ăn mất cây con.

Hàng rào gì thế? Gia súc nào đến ăn cây con? Về đến nhà, những người trong gia đình, hội đoàn, thân hữu của chúng ta vì tò mò, hiếu kỳ chắc chắn sẽ hỏi rằng: “Này bạn đi đâu thế? Làm gì thế? Học cái gì thế?” Trong Dhamma không có gì bí mật cả, Dhamma là quyển sách mở rộng. Dĩ nhiên, ở giai đoạn này, trừ khi được huấn luyện đầy đủ để làm Thiền sư, nếu không, ta chưa đủ khả năng để giảng dạy.

Nhưng ta vẫn có thể giải thích những điều mình đã học và người nghe còn rất mơ hồ, lẫn lộn. Người ấy có thể nói: “Nhưng đây không phải là tôn giáo của chúng ta. Đây là tôn giáo khác, nguy hiểm lắm, bạn đừng nên đến nơi đó, nơi đó rất tội lỗi”. Bản thân chúng ta cũng rất bối rối và ngưng không hành Thiền vào mỗi buổi sáng và buổi tối nữa. Như thế thì gia súc đã ăn mất cây con rồi.

 

Bài viết trích từ Pháp Thoại Khoá Thiền Vipassana 10 Ngày do Thiền Sư S.N. Goenka giảng dạy và hướng dẫn.

 

AUDIOS BÀI GIẢNG KHÓA THIỀN VIPASSANA 10 NGÀY

Các bài viết trong sách

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *