Câu hỏi: Chiều nay, tôi thử một thế ngồi mới, và tôi đã ngồi được lâu hơn mà không nhúc nhích và giữ được lưng thẳng, nhưng tôi không cảm nhận được nhiều cảm giác. Tôi tự hỏi không biết những cảm giác rồi sẽ trở lại hay tôi phải trở lại thế ngồi cũ?

Thiền sư S. N. Goenka: Đừng cố tạo ra cảm giác bằng cách cố tình chọn một thế ngồi không thoải mái. Nếu đấy là một lối hành thiền đúng đắn, thì chúng tôi đã yêu cầu bạn ngồi trên chỗ đầy đinh. Những sự thái quá như vậy không giúp được gì cả. Bạn hãy chọn một thế ngồi thoải mái, thân được thẳng, và để cảm giác xuất hiện tự nhiên. Chúng sẽ đến vì chúng có ở đó. Có thể bạn đang tìm loại cảm giác mà bạn đã cảm thấy trước đây, nhưng có thể có những loại cảm giác khác.

1 A.IX.ii. 10 (20), Velama Sutta.

Có nhiều cảm giác tinh tế hơn trước. Trong thế ngồi đầu, rất khó ngồi một lúc mà không cựa quậy.

Như vậy là bạn đã tìm được một thế ngồi thích hợp hơn rồi. Bây giờ hãy để cho cảm giác được tự nhiên. Có lẽ những cảm giác thô thiển đã mất hết rồi, và bây giờ bạn phải đương đầu với những cảm giác tinh tế hơn, nhưng tâm bạn chưa đủ bén nhạy để có thể cảm nhận được chúng. Hãy ý thức về hơi thở một thời gian để cho tâm được bén nhạy hơn. Như vậy sẽ giúp bạn định tâm hơn, và dễ dàng cảm nhận được những cảm giác tinh tế.

Tôi nghĩ tốt hơn là có những cảm giác thô thiển, vì như vậy có nghĩa là một saṅkhāra cũ đang trồi lên.

Không nhất thiết như vậy. Một số bất tịnh xuất hiện dưới dạng những cảm giác rất tinh tế. Tại sao bạn lại ao ước những cảm giác thô thiển? Bất cứ điều gì xuất hiện, thô thiển hay tinh tế, việc của bạn là chỉ quan sát mà thôi.

Chúng ta có cần phải nhận biết xem loại cảm giác nào thì đi với loại phản ứng nào hay không?

Làm như vậy là phí sức một cách vô ích. Chẳng khác nào một người đang giặt một miếng vải bẩn mà lại để ý tìm hiểu xem nguyên nhân nào đã làm miếng vải đó bẩn. Làm như vậy chẳng giúp được gì cả. Công việc của người đó là giặt miếng vải mà thôi. Muốn làm như vậy, việc quan trọng là có một miếng xà-phòng và dùng nó đúng cách. Nếu người đó giặt đúng cách, tất cả vết bẩn đều được giặt sạch. Cũng vậy, bạn nhận được xà-phòng của pháp thiềnVipassana; bây giờ hãy dùng nó để tẩy sạch những bất tịnh trong tâm bạn. Nếu bạn tìm kiếm nguyên nhân của những cảm giác cụ thể, bạn đang chơi trò chơi trí thức, và bạn bỏ quên vô thường (anicca) và vô ngã (anatta). Sự trí thức hóa này không thể giúp bạn ra khỏi khổ đau.

Tôi bối rối không biết ai quan sát và ai hay cái gì đang bị quan sát?

Không có một lời giải đáp tri thức nào có thể làm bạn thỏa mãn. Bạn phải tự tìm hiểu lấy: “Cái ‘tôi’ là cái gì mà làm tất cả những công việc này? Ai là cái tôi?” Bạn hãy tiếp tục thăm dò, phân tích, và chờ xem có “cái tôi” nào xuất hiện không; nếu có, hãy quan sát nó. Nếu không có gì xuất hiện thì bạn hãy chấp nhận “Ồ, cái ‘tôi’ này chỉ là một ảo tưởng!”

Không có nghiệp nào là tốt hay sao? Tại sao lại phải cố gắng trừ khử chúng đi?

Nghiệp tốt khuyến khích ta hướng về sự giải thoát khỏi khổ đau. Nhưng một khi mục đích đã đạt được thì tất cả các nghiệp, dù tích cực hay tiêu cực cũng phải bỏ lại.Cũng giống việc ta dùng chiếc bè để qua sông. Khi qua sông rồi, ta không đội bè trên đầu mà tiếp tục đi. Bè đã được dùng, bây giờ ta không cần nó nữa, phải bỏ nó lại.1 – Hình ảnh ví dụ chiếc bè rất nổi tiếng, được lấy từ M. 22, Alagaddūpama Sutta.

Cũng vậy, một người đã được hoàn toàn giải thoát không cần đến nghiệp. Một người giải thoát không phải vì nghiệp tốt, mà vì sự thanh tịnh của tâm.

Tại sao khi mới tập thiền Vipassana lại có những cảm giác khó chịu mà về sau có những cảm giác dễ chịu?

Vipassana loại bỏ những bất tịnh thô thiển trước. Khi bạn quét sạch một cái sàn, thì trước hết bạn quét những rác rưởi, đất cát trước, rồi mỗi lần quét sau bạn lại thu nhặt những bụi bặm nhỏ hơn hơn. Vì vậy khi tập thiềnVipassana, những bất tịnh thô thiển của tâm được loại trừ trước, và những bất tịnh vi tế còn lại sẽ xuất hiện dưới dạng những cảm giác dễ chịu. Nếu trở nên ham thích những cảm giác đó thì nguy hiểm. Bởi vậy, bạn phải cẩn thận không được xem kinh nghiệm về những cảm giác dễ chịu là mục đích cuối cùng. Bạn phải tiếp tục quan sát mọi cảm giác một cách khách quan để loại bỏ tất cả những phản ứng bị điều kiện hóa.

Thiền sư nói chúng ta có miếng vải bẩn, và chúng ta có xà-phòng để giặt. Hôm nay tôi cảm thấy như xà-phòng của tôi sắp hết! Sáng nay tôi thiền rất tốt, nhưng chiều nay tôi bắt đầu cảm thấy tuyệt vọng, tức giận, và nghĩ, “Ôi, có ích gì đâu!” Hình như cứ mỗi khi việc hành thiền có sức mạnh, thì một kẻ thù trong tôi – có thể là cái tự ngã – có cùng một lực với sức thiền, và đánh tôi ngã. Và rồi tôi cảm thấy tôi không còn sức để chiến đấu nữa. Có cách nào tránh để tôi khỏi phải tranh đấu vất vả, một phương pháp hay nào đó!

Hãy duy trì sự bình tâm; đó là cách khôn khéo nhất! Những gì bạn trải qua đều rất tự nhiên. Khi bạn thấy mình hành thiền tốt, là tâm được quân bình, và thâm nhập sâu trong vô thức. Nhờ kết quả của sự giải phẫu sâu đó, một nghiệp trong quá khứ bị rúng động và trồi lên bề mặt của tâm. Rồi khi ngồi thiền, bạn phải đối đầu với một trận bão của bất tịnh. Trong trường hợp như vậy, sự bình tâm là điều cốt yếu, vì nếu không, những bất tịnh sẽ áp đảo bạn, và bạn không thể nào hành thiền được. Nếu sự bình tâm bị yếu, bạn hãy ý thức về hơi thở. Khi cơn bão tới, bạn phải thả neo và đợi cho cơn bão qua. Hơi thở là chiếc neo của bạn. Bạn hãy chú tâm vào hơi thở, và cơn bão sẽ qua. Bất tịnh nổi lên trên mặt là một điều tốt, vì bây giờ bạn có cơ hội để quét sạch nó. Nếu bạn giữ được sự bình tâm thì bất tịnh sẽ qua đi một cách dễ dàng.

Nếu tôi không thấy đau thì tôi có thật sự gặt hái được thành quả tốt trong sự thực tập này không?

Nếu bạn có ý thức và sự bình tâm, thì dù đau hay không, bạn vẫn tiến bộ như thường. Không bắt buộc là bạn phải thấy đau mới tiến bộ trên con đường. Nếu bạn không đau, thì cứ chấp nhận là không đau. Bạn chỉ có việc quan sát thôi.

Ngày hôm qua tôi có cảm thấy toàn thân tôi như bị tan rã. Tôi cảm thấy như chỉ là một khối rung động khắp nơi.

Rồi sao?

Và khi đã xảy ra rồi, tôi nhớ lại khi tôi còn nhỏ tôi cũng có một kinh nghiệm tương tự như vậy. Từ bao nhiêu năm nay tôi tìm cách để có lại kinh nghiệm này, và nó đã đến.

Rồi sao?

Dĩ nhiên tôi muốn kinh nghiệm này tiếp tục, và kéo dài. Nhưng nó đã thay đổi và mất đi. Và rồi tôi lại hành thiền chỉ để mong kinh nghiệm đó trở lại, nhưng nó đã không trở lại. Thay vào đó, sáng hôm nay tôi chỉ thấy những cảm giác thô thiển.

Rồi sao nữa?

Rồi tôi nhận thấy tôi đã làm khổ tôi biết bao nhiêu chỉ vì muốn có kinh nghiệm này.

Và rồi?

Và rồi tôi hiểu được rằng thật sự chúng ta tới đây không phải để có một kinh nghiệm cụ thể nào. Có phải vậy không?

Phải!

Chúng ta đến đây thật ra để quan sát mọi kinh nghiệm mà không phản ứng. Có phải vậy không?

Phải!

Vậy pháp thiền này thật ra là để phát triển sự bình tâm. Có phải vậy không?

Phải!

Với tôi dường như việc xóa sạch những saṅkhāra (hành nghiệp) cũ trong quá khứ phải mất một thời gian kéo dài mãi mãi.

Hẳn đúng là như vậy nếu như mỗi một khoảnh khắc bình tâm có nghĩa là bớt đi chính xác một saṅkhāra của quá khứ. Nhưng trong thực tế, sự ý thức về các cảm giác đưa bạn đến tầng sâu thẳm nhất của tâm và cho phép bạn chặt đứt những gốc rễ của hành nghiệp quá khứ. Theo cách này, trong một thời gian tương đối ngắn bạn có thể dứt trừ toàn bộ những saṅkhāra phức tạp, miễn là ý thức và sự bình tâm của bạn đủ mạnh mẽ.

Vậy thì tiến trình đó sẽ mất bao lâu?

Điều đó tùy thuộc vào khối saṅkhāra mà bạn phải dứt trừ đó lớn đến mức nào và sức thiền của bạn mạnh mẽ đến đâu. Bạn không thể đo lường được kho chứa những thứ trong quá khứ, nhưng bạn có thể chắc chắn rằng khi bạn thực hành thiền càng nghiêm túc thì sẽ càng đạt đến sự giải thoát nhanh chóng hơn. Hãy tiếp tục nỗ lực kiên định hướng đến mục tiêu đó. Chắc chắn rồi bạn sẽ đạt đến mục tiêu, nhưng càng sớm càng tốt hơn.

  Hỏi đáp cùng Thiền Sư S.N. Goenka – Trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống

 

Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart. Xem toàn bộ nội dung cuốn sách tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT SỐNG

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *