THỰC CHỨNG VÔ THƯỜNG, KHỔ, VÔ NGÃ & CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT KHỔ VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ VÀ KHỔ

Khi chúng ta bền chí hành thiền thì chúng ta nhận ra một điều căn bản: cảm giác của chúng ta luôn luôn thay đổi. Mỗi khoảnh khắc, trong mọi phần của cơ thể, một cảm giác nảy sinh, và mỗi cảm giác là một dấu hiệu của sự thay đổi. Mỗi khoảnh khắc, sự thay đổi xảy ra trong mọi phần của cơ thể, qua những phản ứng điện từ và sinh hóa. Mỗi khoảnh khắc, những tiến trình tâm lý thay đổi thậm chí còn nhanh hơn nữa và thể hiện trong những thay đổi của cơ thể.

Đây là thực tại của tâm và thân: thay đổi và vô thường – anicca. Từng khoảnh khắc những hạt hạ nguyên tử cấu tạo ra cơ thể đều sinh và diệt. Mỗi khoảnh khắc, những hoạt động của tâm theo nhau sinh và diệt liên tiếp. Tất cả mọi thứ, từ tâm đến thân trong chúng ta đều thay đổi từng giây, từng phút chẳng khác gì thế giới bên ngoài. Trước kia, chúng ta có thể biết điều này là đúng, chúng ta có thể hiểu bằng tri thức. Nhưng giờ đây, do thực tập vipassanā-bhāvanā, chúng ta trực tiếp chứng nghiệm thực tế vô thường ngay trong phạm vi cơ thể. Kinh nghiệm trực tiếp về cảm giác liên tục thay đổi này chứng tỏ cho ta thấy bản tánh vô thường của chúng ta.

Mỗi vi tử của cơ thể, mỗi tiến trình của tâm đều ở trạng thái biến chuyển liên tục. Không một cái gì có thể tồn tại quá một khoảnh khắc, không một cái gì chắc chắn để ta có thể bám víu vào, không một cái gì ta có thể gọi là “cái tôi” hay “cái của tôi”. “Cái tôi” này thật ra chỉ là sự kết hợp của những tiến trình luôn luôn thay đổi.

Như vậy hành giả được hiểu thêm một thực tế căn bản khác: anattā (vô ngã) – Không có “cái tôi” thật sự, không có cái ngã trường tồn, cái tự ngã. Cái tự ngã mà chúng ta tận tụy với nó chỉ là một ảo tưởng tạo nên bởi sự kết hợp của các tiến trình tâm và thân, những tiến trình biến chuyển không ngừng. Khảo sát đến phần thâm sâu nhất của thân và tâm, ta thấy rằng không có một phần cốt lõi, trọng tâm nào có thể bất biến, độc lập khỏi những tiến trình, không có gì thoát khỏi luật vô thường. Chỉ có một hiện tượng vô ngã, biến chuyển ngoài sự kiểm soát của ta.

Rồi một thực tế khác trở nên rõ ràng. Bất cứ cố gắng nào để bám víu vào một cái gì, và nói rằng “Đây là tôi, đây là của tôi”, đều đưa tới đau khổ không thể tránh được, vì sớm hay muộn cái mà ta bám víu vào, hay “cái tôi” này rồi cũng mất đi. Bám víu vào cái gì là vô thường, nhất thời, hư ảo, hay ngoài vòng kiểm soát của chúng ta là khổ, dukkha. Chúng ta hiểu tất cả những điều này không phải vì ai bảo chúng ta như thế, mà vì chúng ta đã thể nghiệm ngay trong bản thân, do sự quan sát các cảm giác trong cơ thể ta.

Bình tâm

Vậy làm sao để chúng ta được hạnh phúc? Làm sao chúng ta sống mà không bị khổ? Chỉ cần quan sát mà không có phản ứng: thay vì cố gắng giữ một kinh nghiệm này và tránh né một kinh nghiệm khác, kéo thứ này lại gần, đẩy thứ kia ra xa, chúng ta chỉ khách quan quan sát mỗi hiện tượng với sự bình tâm, với một tâm quân bình.

Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng chúng ta phải làm sao khi chúng ta định ngồi thiền một giờ mà chỉ mới ngồi được mười phút thì đầu gối đã đau? Chúng ta lập tức bắt đầu ghét cái đau, muốn hết đau. Nhưng cái đau đâu có hết; và ta càng ghét thì nó càng đau hơn. Cái đau thể xác trở thành cái đau tinh thần, tạo nên một nỗi khổ lớn lao.

Nếu chúng ta có thể học cách quan sát cái đau thể xác dù chỉ trong chốc lát, nếu chúng ta có thể tạm thời thoát khỏi cái ảo tưởng đây là cái đau của ta, là chúng ta thấy đau, nếu chúng ta khách quan quan sát cảm giác như một vị y sĩ khám xét cái đau của bệnh nhân, thì chúng ta sẽ thấy cái đau tự nó biến đổi. Nó không tồn tại mãi mãi. Nó thay đổi từng khoảnh khắc, mất đi, trở lại, rồi lại thay đổi.

Khi chúng ta hiểu được điều này bằng kinh nghiệm bản thân, chúng ta thấy rằng cái đau không thể nào áp đảo hay khống chế chúng ta nữa. Có thể cái đau sẽ mất đi một cách nhanh chóng, hay có thể không, nhưng cũng chẳng quan trọng. Chúng ta không còn khổ vì đau nữa vì chúng ta đã có thể quan sát nó mà không dính mắc.

Con đường giải thoát

Bằng cách phát triển ý thức và sự bình tâm, chúng ta có thể thoát khổ. Khổ đau bắt đầu từ vô minh về thực tại của chính mình. Trong sự tối tăm của vô minh, tâm phản ứng với mọi cảm giác bằng thích, không thích, thèm muốn và chán ghét. Mọi phản ứng như vậy tạo ra khổ đau ngay bây giờ, và bắt đầu một chuỗi biến cố gây khổ đau trong tương lai.

Làm sao có thể bẻ gãy chuỗi nhân quả này? Bằng cách nào đó, do hành xử vô minh trong quá khứ mà sự sống đã khởi đầu, dòng luân lưu của tâm và thân khởi đầu. Như vậy, chúng ta phải tự tử sao? Dĩ nhiên là không, làm như vậy chẳng giải quyết được vấn đề. Khi ta tự tử, tâm ta đầy đau khổ, sân hận. Cái gì xảy ra sau đó cũng sẽ đầy đau khổ. Một hành động như vậy không thể đưa tới hạnh phúc.

Sự sống đã bắt đầu và ta không thể trốn tránh nó được. Vậy ta phải hủy hoại sáu giác quan sao? Ta có thể móc mắt, cắt lưỡi, hủy hoại tai, mũi, nhưng làm sao ta có thể hủy hoại thân? Như vậy lại là tự tử, cũng vô ích thôi.

Vậy ta phải hủy hoại những đối tượng của sáu giác quan như âm thanh, cảnh tượng v.v…? Điều này cũng không thể được. Vũ trụ có hằng hà sa số đối tượng, chúng ta không bao giờ có thể hủy diệt hết được. Một khi giác quan hiện hữu, chúng ta không thể ngăn chúng tiếp xúc với những đối tượng tương ứng. Và ngay khi có sự tiếp xúc thì nhất định phải có cảm giác.

Nhưng đây chính là điểm mà vòng chuỗi [duyên sinh] có thể bị cắt đứt. Mắt xích chủ yếu nằm ở cảm giác. Mỗi cảm giác đều làm khởi sinh sự thích hay không thích. Những phản ứng nhất thời, không ý thức của thích hoặc không thích lập tức được gia tăng thành sự thèm muốn, chán ghét, bám chấp, tạo ra đau khổ ở hiện tại và tương lai. Điều này trở thành một thói quen mù quáng mà ta cứ tiếp tục lặp lại một cách máy móc.

Tuy vậy, nhờ thực hành vipassanā-bhāvanā mà chúng ta phát triển ý thức về mỗi cảm giác. Và chúng ta phát triển sự bình tâm: chúng ta không phản ứng. Chúng ta quan sát cảm giác một cách vô tư, không thích hay ghét bỏ, không thèm muốn, không chán ghét, không bám chấp. Mỗi cảm giác thay vì gây ra những phản ứng mới, thì bây giờ không tạo ra gì ngoài trí tuệ, paññā, tuệ giác: “Đây là vô thường, phải thay đổi, khởi sinh để rồi diệt mất.”

Chuỗi [duyên sinh] đã bị cắt đứt, đau khổ đã bị chặn đứng. Không có phản ứng mới của thèm muốn, chán ghét và vì vậy không có nguyên nhân để gây ra khổ đau. Nguyên nhân của khổ là nghiệp (kamma), hành vi của ý, là phản ứng mù quáng của thèm muốn, chán ghét, saṅkhāra (tạo nghiệp). Khi ý thức về cảm giác, nhưng vẫn duy trì được sự bình tâm, thì sẽ không có phản ứng (tạo nghiệp), không có nguyên nhân sẽ gây ra khổ. Chúng ta đã ngừng gây khổ cho chính mình.

Đức Phật nói:

Tất cả saṅkhāra đều vô thường.

Khi nhận thức điều này bằng tuệ giác. thì ta không còn khổ,

đây là con đường thanh lọc.1 –  Dhammapada, XX. 5 (277).

Ở đây danh từ saṅkhāra có một nghĩa rất rộng. Một phản ứng mù quáng của tâm gọi là saṅkhāra (tạo nghiệp), nhưng kết quả của hành động đó cũng là saṅkhāra (hành nghiệp); nhân nào quả đó. Tất cả những gì ta gặp ở đời, cuối cùng đều là kết quả những hành động của tâm. Bởi vậy, trong nghĩa rộng rãi nhất, thì saṅkhāra có nghĩa là bất cứ cái gì ở trong thế gian có điều kiện này, bất cứ cái gì được cấu tạo, được tạo thành. Do đó, “Mọi thứ được tạo ra đều vô thường”, dù là tinh thần hay vật chất, mọi thứ ở trong vũ trụ này. Khi chúng ta quan sát sự thật này bằng tuệ chứng do thực hành vipassanā-bhāvanā mà có, thì đau khổ biến mất vì chúng ta đã tránh khỏi nguyên nhân tạo ra khổ, nghĩa là chúng ta đã dứt bỏ tập quán thèm muốn, chán ghét. Đây là con đường giải thoát.

Toàn thể nỗ lực là học cách không phản ứng, học cách để không tạo nên những saṅkhāra (hành nghiệp) mới. Khi một cảm giác xuất hiện, thích hay không thích bắt đầu. Trong khoảnh khắc chớp nhoáng này, nếu chúng ta không ý thức được, nó sẽ lặp đi lặp lại, gia tăng cường độ đến mức thèm muốn, chán ghét, trở nên một cảm xúc mạnh hơn, và cuối cùng là chế ngự tâm ý thức. Chúng ta bị kẹt trong cảm xúc, và tất cả những sự suy xét tốt đẹp của ta bị gạt sang một bên. Kết quả là ta thấy mình có những hành vi bất thiện bằng việc làm và lời nói, hại mình và hại người. Chúng ta tạo khổ đau cho bản thân, đau khổ bây giờ và tương lai, chỉ vì một khoảnh khắc phản ứng mù quáng.

Nhưng nếu chúng ta ý thức ở điểm mà tiến trình của phản ứng bắt đầu – nghĩa là, nếu chúng ta ý thức về cảm giác – chúng ta có thể chọn lựa không cho phép bất cứ một phản ứng nào xảy ra hay gia tăng cường độ. Chúng ta quan sát cảm giác mà không phản ứng, không ưa thích cũng không ghét bỏ. Cảm giác không có cơ hội để phát triển thành thèm muốn hay chán ghét, hay thành một cảm xúc mãnh liệt có thể áp đảo chúng ta; nó chỉ khởi lên rồi mất đi. Tâm ta giữ được quân bình và bình an. Chúng ta được hạnh phúc trong hiện tại và có thể biết trước được hạnh phúc trong tương lai, vì chúng ta không phản ứng.

Khả năng không phản ứng này rất có giá trị. Khi chúng ta ý thức về cảm giác trong cơ thể, và đồng thời giữ được sự bình tâm, thì trong những lúc đó tâm ta được tự do. Có lẽ lúc đầu chỉ được vài khoảnh khắc trong lúc hành thiền, rồi tâm lại ngụp lặn trong thói quen cố hữu của phản ứng với cảm giác, trong vòng lẩn quẩn của thèm muốn, chán ghét và khổ. Nhưng với sự thực tập liên tục, những khoảnh khắc ngắn ngủi đó sẽ thành vài giây, vài phút, cho đến cuối cùng ta bỏ được thói quen phản ứng, và tâm ta luôn được bình an. Đây là cách làm sao để chặn đứng đau khổ. Đây là cách để chúng ta có thể ngưng gây khổ cho mình.

 

Bài viết trích từ cuốn Nghệ Thuật Sống – The Art Of Living – Thiền Sư S.N. Goenka & William Hart. Xem toàn bộ nội dung cuốn sách tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH NGHỆ THUẬT SỐNG

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *