TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ – TỈNH THỨC TRONG TRÍ TUỆ

Tỉnh Thức Trong Trí Tuệ

Chúng ta hãy tự giải thoát mình khỏi sự giam cầm của vô minh. Giải thoát khỏi vô minh có nghĩa là giải thoát khỏi khổ ách trong đời này và cái khổ của sanh tử luân hồi. Chính vô minh đã trói chặt chúng ta vào khổ (dukkha) trong kiếp sống này cũng như trong các kiếp tương lai. 

Vô minh là gì? Vô minh là trạng thái ngu si, không chú niệm, không thiện xảo. Do vô minh, chúng ta cứ tiếp tục tạo ra các phản ứng tâm lý hay các hành (sankhãra) mới và cứ tiếp tục làm ô nhiễm tâm chúng ta với những tiêu cực mới. Chúng ta hầu như không biết những gì chúng ta đang làm. Chúng ta tự giam cầm mình bằng những ràng buộc của tham ái, bằng những ràng buộc của sân hận như thế nào; và trong tình trạng vô minh ấy, chúng ta đã thắt chặt những cái gút của sự ràng buộc này ra sao. 

Chúng ta có thể quét sạch vô minh nhờ sống chánh niệm, tỉnh giác, và chú tâm trong từng sát na, nhờ thế chúng ta sẽ không để cho những hành (sankhãra) mới tạo những ấn tượng sâu sắc trên tâm chúng ta giống như những đường khắc trên đá, chúng ta sẽ không để cho bản thân bị những kiết sử của tham và sân trói chặt. Tính chất của sự chú tâm này, đầy đủ với sự hiểu biết, được gọi là trí tuệ (pãnnã) và nó quét sạch vô minh tận căn để. 

Để đánh thức trí tuệ này, và để an lập trong đó, chúng ta phải thực hành Minh sát.

Yatham care: Khi chúng ta đi, chúng ta đi với chánh niệm.

Yatham titthe: Khi chúng ta đứng, chúng ta đứng với chánh niệm

Yatham acche: Khi chúng ta ngồi, chúng ta ngồi với chánh niệm.

Yatham saye: Khi chúng ta nằm, chúng ta nằm với chánh niệm.

Dù ngủ hay thức, đứng hay ngồi, trong mọi trạng thái, chúng ta phải giữ chánh niệm và chú tâm. Không hành động nào của chúng ta được làm mà không có chánh niệm. 

Paccavekkhitvã paccavekkhitvã kãyena kammam kãtabba. 

Mọi thân hành phải được làm với sự tỉnh sát (chánh niệm).

Paccakkhitvã paccavekkhitvã vãcãya kammam kãtabba. 

Mọi khẩu hành phải được làm với sự tỉnh sát (chánh niệm).

Paccavekkhitvã paccavekkhitvã manasã kammam kãtabba. 

Mọi ý hành phải được làm với sự tỉnh sát (chánh niệm).

Như vậy chúng ta cần phải để ý (chánh niệm) đến mọi hành động về thân, khẩu, và ý của chúng ta; hay nói khác hơn, chúng ta phải xem xét từng hành động, lời nói, và ý nghĩ của mình. 

Đồng thời với sự chánh niệm này còn phải có đầy đủ trí tuệ. Điều này có nghĩa rằng, cùng với chánh niệm, chúng ta phải trau dồi sự hiểu biết dựa trên kinh nghiệm về ba đặc tính của trí tuệ; mọi hiện tượng đều có đặc tính cố hữu của sự vô thường (anicca). Mọi hiện tượng vô thường làm phát sinh đau khổ (dukkha); và mọi hiện tượng vô thường làm phát sinh đau khổ như vậy đều không có thực chất – chúng không thể là “tôi” hay “của tôi” hoặc “tự ngã của tôi” (annattã: vô ngã). 

Một khi điều này đã được tuệ tri ở mức kinh nghiệm, bạn sẽ nhận ra việc phản ứng với tham hay sân, chấp thủ hay ác cảm đối với bất kỳ hiện tượng nào đã phát sinh thực là vô nghĩa như thế nào. Thay vào đó, bạn sẽ chỉ có chánh niệm và đồng thời buông xả đối với mọi hiện tượng. Đây là Minh sát. Đây là trí tuệ dựa trên kinh nghiệm làm tiêu tan vô minh. 

Này các hành giả! Chỉ có sự huỷ diệt vô minh là an lạc của chúng ta, là hạnh phúc của chúng ta, là sự giải thoát (Niết bàn) của chúng ta.  

 

Bài viết trích từ cuốn Tìm Hiểu Pháp Môn Niệm Thọ – Thiền Sư S.N. Goenka do Tỳ Kheo Pháp Thông biên dịch. Tải cuốn sách file PDF tại đây.

 

AUDIOS CUỐN SÁCH TÌM HIỂU PHÁP MÔN NIỆM THỌ

Các bài viết trong sách

Dhamma Nanda

Tổng hợp và chia sẻ các bài viết về Dhamma, đặc biệt là những lợi ích phương pháp thiền Vipassana, phương pháp thiền cổ xưa được Đức Phật Gotama tái phát hiện cách đây hơn 2600 năm, và được Ngài giảng dạy như một liều thuốc chung chữa trị những bệnh chung của nhân loại. Phương pháp không tông phái này nhằm tới việc diệt trừ những bất tịnh tinh thần và đưa đến hạnh phúc cao cả nhất của việc hoàn toàn giải thoát..

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *